Trên trang Linkedin cá nhân, Nguyễn Hoành Tiến tự nhận mình là người thích vượt lên những giới hạn. Đó là người đàn ông thường làm phiền mọi người bởi những câu hỏi từ đó thúc đẩy suy nghĩ sâu sắc đối với cả vấn đề tưởng chừng tầm thường.
Nguyễn Hoành Tiến cũng tham gia nhiều hoạt động thể chất từ võ thuật, leo núi, lặn biển, marathon núi, thiền để tìm kiếm những thử thách và trải nghiệm tinh thần mới. Anh vừa được bổ nhiệm vào vị trí CEO Seedcom thay cho vị Chủ tịch Đinh Anh Huân.
Seedcom có gì hấp dẫn anh?
Về quyết định tham gia Seedcom của tôi có mấy điểm lớn: Thứ nhất là AI đang phát triển cực kỳ nhanh. Việc ứng dụng AI tại Việt Nam có ở một số mảng, trong đó bán lẻ là nơi ứng dụng AI tốt nhất. Đó cũng là lĩnh vực mà khả năng sinh lời rất nhỏ nên việc tạo ra hiệu quả là điều cực kỳ quan trọng. Đó là điều đầu tiên hấp dẫn tôi.
Seedcom là một công ty ban đầu được xây dựng giống như một công ty đa kênh trực tuyến (Omnichannel online) nên tầm nhìn và sự hào hứng về AI là rất sẵn sàng. Seedcom muốn đưa AI vào để mang đến trải nghiệm tốt hơn cho khách hàng, hiệu quả tốt hơn cho kinh doanh.
Tôi luôn tâm niệm mình cần tìm sức ép, bởi nếu mình không học thì mình chết và Seedcom chính là chỗ như vậy. Chỉ như thế thì mới tiếp tục thúc đẩy mình lên được. Tôi có một câu nói đùa là độ tuổi trung bình của con người đang tăng lên hơn 90 tuổi thì 50 tuổi mới hết tuổi thanh niên. Vậy thì 10 năm tiếp theo tôi phải làm cái gì đấy để thúc đẩy phát triển và theo kịp thời đại. Seedcom và AI là một chỗ tôi có cơ hội học và không học là chết.
Thứ ba là khi tôi ngồi nói chuyện với không chỉ Huân (Đinh Anh Huân - sáng lập Seedcom - PV) mà còn với anh em ở Seedcom, tôi nhận thấy đây là một đội ngũ rất đặc biệt. Có những bạn làm ở lĩnh vực truyền thống nhưng quan tâm đến những chuyện ứng dụng công nghệ. Có những người làm mảng bán lẻ, hằng ngày tiết kiệm từng đồng nhưng lúc nào cũng nghĩ sẽ làm gì để mang lại thu nhập tốt hơn cho nhân viên. Rồi như câu chuyện The Coffee House quan tâm đến môi trường và cộng đồng ngay từ đầu bằng việc sử dụng ly sứ. Chuyện đó người ta thường không chú ý ngay từ đầu. Những việc này giúp giảm thiểu rác thải nhưng cũng khiến việc vận hành khổ hơn rất nhiều.
Tôi nghĩ rằng đây là đội ngũ quan tâm rằng "việc tôi làm giúp nhiều hơn cho xã hội", vượt qua cả câu chuyện "tôi đi làm, tôi kiếm tiền". Thậm chí tham vọng của Huân là giúp cho nhiều doanh nghiệp Việt Nam có nền tảng công nghệ tốt hơn, hậu cần tốt hơn. Tôi nghĩ những thứ đó phù hợp với giá trị của mình.
Giống như tất cả những thứ khác đã từng làm, tôi cầm cọng rơm lao vào sóng. Thực ra không phải mình không có gì, mà là mình có một cọng rơm thôi và mình phải tập bơi. Tôi nhìn thấy sóng lớn đến rồi và lao vào nó. Làn sóng đấy chính là AI.
So sánh vui rằng nếu ví Seedcom như một con người thì anh nghĩ đấy là một con người như thế nào? Tính cách con người đấy ra sao?
Tôi ít khi tưởng tượng. Nếu Seedcom là một con người thì thực ra rất giống Đinh Anh Huân. Tôi nghĩ Huân là một người có tầm nhìn xa rất tốt và vô cùng thực tế. Tức là vừa nhìn xa vừa thực tế, rất cụ thể, rất ít người có được đồng thời cả hai khả năng này. Thứ hai, Huân là một người muốn và có tham vọng làm rất nhiều thứ và muốn không chỉ ở Việt Nam. Thứ ba là một người coi trọng chữ tín. Nhiều khi ngay trong những tình trạng trông có vẻ rất xấu nhưng Huân vẫn quyết định làm mọi thứ đàng hoàng và chứng minh cho mọi người thấy nếu tôi làm đàng hoàng và thành công thì sẽ lấy đấy làm tấm gương xã hội đàng hoàng hơn. Thứ tư là người thấy công nghệ là điều tất yếu trong tất cả những thứ mình làm. Tôi nhìn cơ bản rất giống như thế. Trong tất cả các công ty đều có cái nét như thế và dấu ấn của con người ấy.
Seedcom còn có điểm rất giống Huân nữa là hơi khó hiểu. Giống như việc nói chuyện với một người về tương lai và tả rất chi tiết. Ví dụ như người này đang tả cho một ai đấy sống năm 2015 về thực tế bây giờ thì thực ra họ rất khó để hiểu và tưởng tượng. Seedcom giống như thế, rất kỳ lạ, kinh doanh có kết quả nhưng không ai hiểu tại sao làm được như thế.
Seedcom trong suy nghĩ của nhiều người là quỹ đầu tư khi rót tiền vào nhiều startup như Juno, The Coffee House. Nhưng ông Đinh Anh Huân từng tuyên bố Seedcom không phải quỹ đầu tư, vậy Seedcom là gì?
Seedcom không phải là quỹ đầu tư mà là công ty theo mô hình New Retail. New Retail là giai đoạn thứ 3 của kinh doanh O2O (Offline to Online).
Hiện ở Việt Nam có rất nhiều doanh nghiệp offline và đang đi lên online. Các công ty trong Seedcom là O2O, nghĩa là mô hình ban đầu theo hướng marketing online sau đó hướng khách hàng xuống cửa hàng offline và tại cửa hàng họ mua hàng. Sau đó họ thích thì quay trở lại mua trực tuyến qua app, website.
Giai đoạn tiếp theo là Omnichannel (đa kênh). Hiện nay không chỉ thông qua một kênh là website, app hay cửa hàng, khách hàng tương tác và đến với doanh nghiệp thông qua nhiều kênh khác nhau từ mạng xã hội như Facebook, Zalo hay từ email. Từ đây Seedcom nhìn thấy xu hướng này sẽ giúp hiểu khách hàng hơn rất nhiều và chuyển sang cá nhân hóa. Những khách hàng khác nhau họ sẽ thấy giữa các kênh có sự thống nhất, phù hợp cho từng người nhưng thống nhất với các kênh.
New Retail giờ đây đã đến bước dự đoán được nhu cầu khách hàng, sau đó chuẩn bị cho tất cả hoạt động kinh doanh của mình để làm sao phục vụ họ tốt nhất. Ví dụ khi bạn muốn uống cà phê thì tự nhiên nhận được một lời nhắc là có ly cà phê được đặt đúng loại bạn ưa thích hàng ngày. Đây là mô hình C2B, có nghĩa là hành vi, ý muốn của khách hàng sẽ quyết định hành vi của doanh nghiệp từ bán hàng, marketing, thiết kế sản phẩm cho đến chuỗi cung ứng, vận hành.
Ví dụ, khi tôi biết nhiều khách hàng của mình hay gọi cà phê về một địa điểm nhất định thì sẽ quyết định mở cửa hàng tại khu vực này. Trong quá trình đấy, công nghệ và phần mềm rất quan trọng với bán lẻ, từ phần mềm tiếp xúc khách hàng cho tới chuỗi cung ứng làm sao để đưa món hàng đến khách hàng trong thời gian ngắn nhất. Vì vậy Seedcom xây dựng những mảng liên quan đến bán lẻ, gồm phân phối, logistics, phần mềm.
Thực ra mô hình New Retail mang đến trải nghiệm tốt nhất đến khách hàng. Mô hình này áp dụng tốt nhất ở thị trường mà người dùng online rất nhiều nhưng chủ yếu vẫn mua offline, và tỷ lệ mua online bắt đầu nhiều lên. Nó giống như một con cá sấu. Cá sấu là vua của đầm lầy, nó sống ở dưới nước được, sống ở trên cạn được và ở đây nước chưa sâu, phần online chưa lớn như thực tế thị trường Việt Nam. Tại các thị trường nào nước sâu thì cá mập sẽ là vua, ở chỗ nước chỉ xâm xấp thì cá sấu là vua.
Công ty nào là hình mẫu New Retail tốt nhất hiện nay trên thế giới?
New Retail đã phát triển ở các thị trường phát triển như Mỹ, Trung Quốc, châu Âu. Hiện trong khu vực đã nói rất nhiều đến mô hình này. Người sinh ra thuật ngữ này và làm tốt nhất hiện nay là Alibaba. Aibaba thực ra là con cá mập lên bờ bởi nước đã rất sâu. Thương mại điện tử tại Trung Quốc cỡ khoảng hơn 20%. Việt Nam mới cỡ xấp xỉ 3%. Nước ở Việt Nam hơi xâm xấp. Seedcom muốn là một con cá sấu rừng U Minh (cười).
Ngoài đảm trách vị trí CEO của Seedcom, được biết, anh cũng là người đam mê và tham gia nhiều hoạt động thể thao từ Marathon, lặn biển, leo núi, Iron man. Anh còn là người sáng lập US Guide, một trong những người sáng lập UpRace. Làm sao để anh cân bằng thời gian?
Thực ra theo tôi nghĩ không có khái niệm cân bằng thời gian mà quan trọng là tại lúc nào mình làm cái gì. Khi làm một việc khá nặng thì có một năng lượng tốt là điều rất quan trọng. Đến một lúc, không phải là quản lý thời gian mà quản lý năng lượng. Tất cả các thứ tôi làm giúp cho tôi có năng lượng tốt, tích cực để ngồi làm việc.
Hai nữa là những hoạt động đó giúp tôi làm được điều gì đó tác động đến xã hội. Mình muốn làm gì đó cho mọi người, giúp mọi người có nếp sống lành mạnh. Cách mọi người gọi là cân bằng thì tôi gọi là tích hợp. Tôi tích hợp các phần khác nhau trong cuộc sống của mình lại. Nghĩa là mình biến bạn bè thành người đi tập thể thao chung, biến đồng nghiệp thành người tập thể thao chung, biến người tập thể thao chung thành bạn. Tôi đưa gia đình đi nghỉ và tôi sẽ đi chạy tại chỗ đó. Đối tác của tôi cũng đến một lúc cũng cùng làm những việc đấy với nhau. Quá trình mình làm những điều này là mình tích hợp các phần lại để tạo ra một năng lượng tốt, giúp mình làm mọi thứ tốt hơn.
Theo anh thể thao và kinh doanh có điểm gì giống nhau?
Thể thao đặc biệt là những môn mang tính chất mạo hiểm đặc biệt giống với kinh doanh. Có một triết lý rất thú vị bao quát về 3 loại suy nghĩ.
Loại suy nghĩ số 1 là kết quả được xác định rõ ràng, phương pháp rõ ràng. Ví dụ xây một cái cầu sẽ nhìn thấy kết quả rất rõ, phương pháp rất rõ, chỉ khác ở việc cầu dài hơn, ngắn hơn, cao hơn, thấp hơn. Đó là suy nghĩ theo kiểu kỹ sư (engineering).
Loại suy nghĩ số 2 là mục tiêu rất rõ nhưng phương pháp thì không rõ. Ví dụ thể thao là loại mục tiêu rất rõ, bạn muốn chạy từng này thời gian hay vượt lên ai đấy, nhưng phương pháp thì không rõ. Không phải ai cũng giống nhau, tình huống của mọi người sẽ khác nhau. Và vì thế chiến lược của bạn là tối ưu hóa cho chính bạn.
Kinh doanh là câu chuyện tương tự. Thực ra mục tiêu rất rõ, công ty nào cũng có mục tiêu kết quả kinh doanh vượt lên đối thủ, làm tốt hơn, thu hút được nhân tài, nhưng làm thế nào thì không rõ. Cũng có những hình mẫu nhưng mình phải thử, phải làm và tối ưu hóa trong khi làm. Suy nghĩ trong thể thao và trong kinh doanh rất giống nhau. Vì vậy bạn sẽ thấy có rất nhiều người làm kinh doanh hiện giờ tham dự vào các hoạt động thể thao, một người có thể tham gia cái này thường sẽ tham gia cái kia.
Loại suy nghĩ thứ 3 là kết quả không rõ ràng và phương pháp cũng không rõ ràng. Ví dụ thiết kế một cái váy đẹp hơn. Thế nào là một cái váy đẹp hơn, phương pháp là gì. Đấy là suy nghĩ thiết kế (designer).
Ngoài ra có một điểm thú vị khi đi tập thể thao, là mình đang luyện một thứ rất giống với thứ cần trong công việc. Thể thao có tính cộng đồng rất cao. Khi bắt đầu môn thể thao nào đó là mình phải học lại từ đầu. Mình cảm giác sợ, sợ những người xung quanh và sợ không có lợi thế. Những người khác có thể tệ hơn mình ở môn này, nhưng cực kỳ có lợi thế ở môn khác.
Và tôi nghĩ đối với những người có một chút thành công thì cảm giác buông cái mình có lợi thế để bắt đầu một thứ mình chưa biết gì, để rồi học, vươn lên; tới lúc nào đó có thể thách thức người đang ở vị trí đứng đầu, thực sự là động lực đẩy mình lên khỏi cảm giác thoải mái và áp mình phải học.
Một lần nữa lại thấy rằng không học thì chết. Điều này rất quan trọng trong thời đại ngày nay. Cái gì mình cũng phải học, còn phải biết cách bỏ lại cái gì đã giúp mình thành công. Bởi điều giúp mình thành công 2 năm trước đây tới giờ khả năng là sai rồi. Mình ở trong môi trường đó, tập luyện liên tục. Người Việt Nam tập thể thao rất kém so với người nước ngoài. Kinh doanh cũng giống hệt như thế.
Những lúc có thời gian rảnh, anh sẽ làm gì?
Đọc sách và đọc truyện! Tôi cũng có nhiều thú vui khác nhau: Đi lặn, thiền, mentor, tư vấn tâm lý tình cảm… Tôi nghĩ rằng thực ra mình là người hướng nội. Bản chất công việc, cách sống là tiếp xúc nhiều người nhưng tôi cũng cần khoảng thời gian độc lập trong ngày để suy nghĩ.
Thứ hai là đọc sách. Đọc sách rất tốt và nó giúp tôi trao đổi được với những người mình chưa có khả năng gặp.
Hiện tôi còn có thú vui khác là học các khóa online. Xong hết rồi thì thú vui lớn nhất là ngủ (Cười).
Ba cuốn sách ấn tượng nhất với anh?
Quyển thứ nhất là Martin Eden của Jack London. Tôi đọc nó từ thời trẻ. Cuốn sách kể về một thủy thủ muốn trở thành nhà văn, bởi anh được trải nghiệm rất nhiều, muốn kể cho mọi người nhưng ngữ pháp, ngôn ngữ lại rất tệ. Vì vậy anh chàng thủy thủ dành toàn bộ thời gian ở trên bờ để học một cách điên cuồng. Anh ta tính một ngày ngủ bao nhiêu lâu, bật đèn như thế nào để học. Sau này anh thủy thủ trở thành nhà phê bình văn học. Cuốn sách này rất giống cuộc đời Jack London. Cuốn đấy định nghĩa cho tôi thế nào là đam mê, thế nào là học hỏi.
Cuốn sách thứ hai là The art of posibility. Được viết nên bởi hai vợ chồng, chồng là nhạc trưởng dàn nhạc New York, vợ là nhà tư vấn tâm lý. Cuốn sách này nói về việc thoát ra khỏi những thước đo thông thường để bước chân vào thế giới của những lựa chọn. Tôi nhận ra mình sống trong một thế giới có nhiều thước đo mọi người áp lên mình. Đến lúc nào đó mình phải buông những thước đo đó và làm những thứ mà nhiều người có thể nói là điên khùng, điên cuồng.
Cuốn sách thứ ba là Đông Chu Liệt Quốc. Đông Chu Liệt Quốc kéo dài trong một giai đoạn cực kỳ dài với số lượng nhân vật cực kỳ kinh khủng. Nhưng nó giúp cho mình nhìn thấy được dòng thời gian rất dài, nhận ra được tác động của một số việc làm hiện tại lúc này mà rất lâu sau, thậm chí nhiều đời sau tác động như thế nào. Nó cho tôi cảm hứng những việc mình làm, có nhiều thứ mình làm bây giờ sẽ có kết quả kinh khủng và vì vậy mình sẵn sàng mơ giấc mơ dài trong nhiều năm.
Tôi là nhà sáng lập của diễn đàn US Guide. US Guide vừa tổ chức kỷ niệm 20 năm. US Guide để giúp cho mọi người hoàn thành giấc mơ Mỹ. Một giấc mơ mà tôi mơ và từng nghĩ 1 người giúp 5 người và 5 người đấy giúp 5 người thì đến lúc nào đó sẽ rất nhiều người người Việt Nam đi du học Mỹ. Tôi nghĩ rằng mình dám mơ và câu chuyện 10 năm hoàn toàn có thể làm được. Câu chuyện là tại sao mình không dám mơ, dám làm những điều vượt khuôn khổ thời gian thông thường của cuộc đời mình, tác động đến nhiều cuộc đời, thậm chí mình không nhìn thấy được.
Anh nghĩ mình có phải người hạnh phúc không?
Tôi nghĩ cuộc đời tôi có 3 nhiệm vụ: Học, xây dựng mọi thứ và chia sẻ với mọi người. Và cho đến hiện nay, tôi làm 3 điều đấy khá nhiều. Nhìn từ lý do tại sao mình có mặt trên đời này thì tôi làm được rất nhiều và chắc là người khá hạnh phúc (Cười).
Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện rất thú vị!
Theo Tri thức trẻ