Aspiration là tế bào gốc, động cơ giúp các tế bào khác phát triển thêm năng lượng của họ.
"Tôi tìm kiếm những người cùng khát khao, cùng aspiration (khát khao - PV) để làm, để tạo ra những dấu ấn. Đây cũng là tế bào gốc, động cơ giúp các tế bào khác phát triển thêm năng lượng của họ", đó là câu trả lời của doanh nhân Lê Trí Thông khi được hỏi tố chất của một nhân viên mà anh trông đợi nhất.
Tại thời điểm đầu năm 2015 này ông Lê Trí Thông đang là phó tổng giám đốc tập đoàn tư vấn quốc tế BCG. Ngồi cùng bàn tròn thảo luận với doanh nhân này là ông Vũ Minh Trí, lúc đó là CEO Microsoft Việt Nam.
Aspiration hay khát khao cũng chính là yếu tố mà theo doanh nhân Lê Trí Thông cho rằng các lãnh đạo nhìn ra và lựa chọn mình vào các vị trí chủ chốt.
"Câu trả lời chính xác không nằm ở tôi, mà nằm ở những người lãnh đạo đã nhìn về tôi. Tôi chỉ phản chiếu lại những gì các anh chị nhìn về tôi. Tôi nghĩ một trong những yếu tố đầu tiên là khát khao, động lực của mình. Chính động lực đó là cái tôi truyền cho đồng đội của mình. Con đường phát triển, thăng tiến của những người trẻ không đến từ nhung lụa mà đến từ những khủng hoảng. Tôi nhận được cơ hội làm các vị trí lãnh đạo cũng từ cơ hội như thế", doanh nhân sinh năm 1979 chia sẻ.
Theo chia sẻ từ chính Lê Trí Thông, thời điểm năm 27 tuổi anh được lựa chọn vào vị trí lãnh đạo của một công ty 70% vốn nhà nước tại Tp.HCM và đang có những vấn đề khó giải quyết về quản trị đặc thù của doanh nghiệp Việt Nam, không chỉ đơn thuần bài toán về kinh doanh, có nhiều yếu tố nhạy cảm. Công việc này đòi hỏi sự bền bỉ, khéo léo trong việc giải quyết nó đưa ra khỏi tình huống khó khăn.
"Tôi nghiệm ra rằng câu hỏi là có dám nhận hay không, chứ không phải là có làm được hay không", ông Thông kết luận.
Xung quanh cuộc trò chuyện bàn tròn cùng CEO Microsoft Việt Nam, ông Lê Trí Thông cho rằng bên cạnh tầm nhìn người lãnh đạo phải có những tố chất. Một trong những tố chất theo tôi quan trọng nhất là khát vọng. Đó là tế bào gốc sản sinh ra những tế bao khác. Chính yếu tố này giúp con người có khát khao quản trị chính bản thân, khát khao vươn tới những điểm mong muốn cho bản thân, gia đình từ đó có những nỗ lực cố gắng mỗi ngày mỗi giờ của công việc đang làm.
Gần 3 năm sau cuộc trò chuyện, đầu năm 2018 ông Lê Trí Thông chuyển sang làm CEO tập đoàn PNJ thay thế cho nữ tướng Cao Thị Ngọc Dung. Chia sẻ với tạp chí Forbes, bà Dung nhận xét: "Đây là thời đại 4.0, thời đại của kinh doanh thế giới. Các vị lãnh đạo lâu năm ở PNJ có thể làm CEO nhưng để tạo ra ‘cú nổ lớn’ thì không có. Thông hội đủ điều kiện".
Trước khi giữ vị trí CEO PNJ, ông Thông từng là phó tổng giám đốc ngân hàng Đông Á rồi sau đó tham gia vào Hội đồng quản trị tư cách ủy viên độc lập.
Nói thêm về PNJ, theo số liệu của Hiệp hội kinh doanh vàng Việt Nam, công ty này hiện là nhà sản xuất và bán lẻ nữ trang có quy mô lớn nhất Việt Nam với các cửa hàng bao phủ 43/63 tỉnh, thành cả nước với chuỗi 300 cửa hàng bán lẻ.
Thị phần PNJ trong ngành. Nguồn: Forbes Việt Nam
Bước chuyển hướng kinh doanh vàng miếng sang vàng trang sức trong những năm gần đây phát huy hiệu quả khi doanh thu từ trang sức bán lẻ tăng mạnh, thành nhóm hàng đóng góp lớn nhất vào lợi nhuận sau thuế. Trở thành nhà bán lẻ chuyên nghiệp, số hóa trở thành chiến lược trong những năm tới của PNJ.
Theo ông Lê Trí Thông hiện công ty đang thử nghiệm công nghệ mới vào hoạt động kinh doanh. Theo đó viễn cảnh tương lai của PNJ khi khách hàng vào cửa hàng những đặc điểm về thói quen, hành vi, thông tin sẽ được công nghệ hỗ trợ, xử lý để từ đó nhân viên có thể giới thiệu các sản phẩm phù hợp với khách hàng. Công thức thành công trước đây, theo ông Thông dựa tren sản xuất nhiều, giá rẻ, độ phủ thì hiện tại là tốc độ.
Theo Thảo Nguyên/Trí Thức Trẻ