Sinh nhật 10 tuổi Winmart

CEO tập đoàn Credit Suisse “bật bãi” sau bê bối

09/02/2020 21:11

Tidjane Thiam vừa rời ghế CEO tập đoàn tài chính ngân hàng Credit Suisse sau bê bối theo dõi các cựu nhân viên, làm tổn hại đến danh tiếng tập đoàn này và gây sốc tới giới tài chính Thụy Sĩ.

Cựu CEO tập đoàn Credit Suisse Tidjane Thiam. Ảnh: AFP)

Tập đoàn Credit Suisse (Thụy Sĩ) hôm 7/2 cho biết Thomas Gottstein, người đứng đầu mảng doanh nghiệp Thụy Sĩ của tập đoàn sẽ đảm nhiệm vị trí thay thế Thiam.

Những người thạo tin cho biết, vụ bê bối theo dõi các cựu quản lý của tập đoàn dẫn đến cuộc đối đầu nảy lửa giữa CEO Thiam và Chủ tịch Urs Rohner. Trước đó, Thiam quyết tranh đấu để có sự ủng hộ của Hội đồng quản trị sau khi một số cổ đông lớn “bật đèn xanh” ủng hộ ông. Tuy nhiên, Hội đồng quản trị của Credit Suisse hôm 7/2 cho biết Chủ tịch Rohner đã giành được sự ủng hộ của Hội đồng quản trị để tiếp tục nhiệm kỳ lãnh đạo đến tháng 4/2021.

Thiam được bổ nhiệm CEO tập đoàn Credit Suisse vào năm 2015 và trước đó ông chưa từng làm việc trong lĩnh vực ngân hàng. Tại Credit Suisse, Thiam - cựu lãnh đạo của Prudential - đã dồn sức vào cắt giảm chi phí, giảm thiểu rủi ro, mở rộng quy mô đầu tư ngân hàng nhằm tăng cường quản lý tài sản và cải thiện bảng cân đối kế toán. Sau 3 năm lỗ liên tiếp, Credit Suisse đã lấy lại tăng trưởng lợi nhuận vào năm 2018. Thành tích này được cựu bộ trưởng Bờ Biển Ngà và cố vấn quản lý McKinsey hết lời khen ngợi.

Tuy nhiên, Credit Suisse mắc kẹt trong khủng hoảng kể từ tháng 9/2019 khi cựu giám đốc quản lý tài sản Iqbal Khan và vợ bị một thám tử tư theo dõi trong thời gian ở thành phố Zurich sau khi về ông Khan về đầu quân cho tập đoàn UBS - một đối thủ "nặng ký" của Credit Suisse.

Bê bối theo dõi các cựu nhân viên của Credit Suisse trở nên rùng beng khi xuất hiện một số tình tiết cho thấy bằng chứng theo dõi. Cơ quan giám sát tài chính Thụy Sĩ (FINMA) đã vào cuộc và tiến hành điều tra độc lập sau khi Credit Suisse thừa nhận đã “theo đuôi” cựu giám đốc nhân sự Peter Goerke.

FINMA đang điều tra liệu Hội đồng quản trị có “để mắt” tới Thiam và cấp dưới của ông hay không và liệu các thất bại trong quản lý có khiến Credit Suisse quay sang rình mò các cựu giám đốc quản lý.

Thiam cho biết ông không biết gì về hoạt động theo dõi của Credit Suisse. “Tôi không biết gì việc theo dõi sát hai đồng nghiệp cũ”, Thiam khẳng định trong tuyên bố gần đây của Credit Suisse.

“Rõ ràng vụ việc gây phiền toái cho Credit Suisse và sau đó là cả sự lo lắng và tổn hại. Tôi rất tiếc vì điều này - một việc không nên có”, cựu CEO nói.

Sự ra đi của Thiam dẫn đến rủi ro không nhỏ đối với các nhà đầu tư quốc tế - những người vốn rất ủng hộ ông. Giai đoạn bất ổn của Credit Suisse sẽ đến khi tân CEO Thomas Gottstein bắt tay xây dựng nền móng cho tăng trưởng của tập đoàn thời gian tới. “Các nhà đầu tư sẽ bất bình với sự bất ổn đó và chắc chắn sẽ có tác dụng phụ”, các nhà phân tích của công ty đầu tư ngân hàng KBW (Mỹ) bình luận. Có lẽ, tác dụng nhãn tiền rõ nhất là cổ phiếu Credit Suisse lao dốc 5% ngay đầu phiên giao dịch 7/2.

Lê Quân (Reuters)
Theo báo Đầu tư

Bạn đang đọc bài viết "CEO tập đoàn Credit Suisse “bật bãi” sau bê bối" tại chuyên mục Doanh nhân.