Sinh nhật 10 tuổi Winmart

CEO Tập đoàn Trung Thủy: "Để thoát khỏi cái bóng gia đình giàu có khi khởi nghiệp, không gì hơn là phải tự thân vận động"

13/10/2018 23:17

Nguyễn Trung Tín, CEO Tập đoàn bất động sản Trung Thủy, được biết đến như một thiếu gia, người thừa kế tập đoàn Trung Thủy, và là gương mặt trẻ Forbes Việt Nam “30 Under 30” năm 2015, anh từng được trực tiếp trò chuyện với Tổng thống Mỹ Barack Obama tại mô hình Dreamplex do mình sáng lập.


Nguyễn Trung Tín, CEO Tập đoàn bất động sản Trung Thủy, được biết đến như một thiếu gia, người thừa kế tập đoàn Trung Thủy, và là gương mặt trẻ Forbes Việt Nam “30 Under 30” năm 2015, anh từng được trực tiếp trò chuyện với Tổng thống Mỹ Barack Obama tại mô hình Dreamplex do mình sáng lập.

 

Trong giới kinh doanh, cái tên Trung Thủy không xa lạ, bởi nó gắn liền với người sáng lập là bà Dương Thanh Thủy - một nữ doanh nhân phất lên nhờ kinh doanh áo dài bán cho du khách Nhật Bản. Tuy nhiên, sau khi thương hiệu Miss Ao Dai của bà Thủy về Việt Nam, rồi chuyển sang lĩnh vực địa ốc với 2 dự án The Lancaster tại TP.HCM và Hà Nội, một thời gian khá dài Trung Thủy hầu như im hơi lặng tiếng.

Đến nay, với tham vọng đầu tư vào một loạt dự án BĐS hạng sang, tập đoàn Trung Thủy (TTG Holding) đã được nhiều người biết đến, đặc biệt là giới địa ốc. Nhưng người đang trực tiếp điều hành các dự án của Trung Thủy không còn là người phụ nữ đã gây dựng lên Tập đoàn, mà là gương mặt CEO còn khá trẻ thuộc thế hệ rich kid 8X - Nguyễn Trung Tín.

Trao đổi với chúng tôi về quyết định trao lại toàn quyền điều hành tập đoàn cho Nguyễn Trung Tín, bà Dương Thanh Thủy cho biết trong thời gian dài khi con trai mình du học ở nước ngoài nên chưa thể bàn giao hết việc kinh doanh cho người đáng tin tưởng. "Nhưng sau khi Tín về nước, chúng tôi như đang chạy một chiếc xe với tốc độ 100km/giờ, bất thình lình giao vào tay con trai và buộc con mình phải tiếp tục lèo lái", bà Thủy nói.

Đây là thời điểm vợ chồng bà tâm niệm phải lùi lại để bàn giao cho một thế hệ mới, chấp nhận ban đầu chiếc xe có thể chạy loạng choạng hoặc té ngã. Bà cũng cảm nhận được nếu con trai mình có vấp phải sai lầm thì cũng là những bài học tốt và giúp cháu ghi nhớ suốt đời.

"Vợ chồng tôi luôn nói với con mình rằng, một lần vấp ngã là một lần bớt đau, phải tạo cơ hội đương đầu với thế giới bên ngoài thì mới mạnh mẽ lên được. Đương nhiên, với kinh nghiệm trên thương trường hơn 30 năm thì tôi vẫn phải đứng sau lưng hỗ trợ Tín rất nhiều", bà Thủy nói.

CEO Tập đoàn Trung Thủy: Để thoát khỏi cái bóng gia đình giàu có khi khởi nghiệp, không gì hơn là phải tự thân vận động - Ảnh 1.

Người khai sinh ra Coworking Space Dreamplex

Từ đó, Nguyễn Trung Tín - CEO kế thừa của tập đoàn này, đã đi qua hành trình “vượt sướng” của chính mình, dám dấn thân vào những “giả thuyết” và trải nghiệm để ghi dấu trên thị trường bằng những sản phẩm và dự án “bẻ khóa” mọi giới hạn, không gian (unlocking Spaces).

Nếu như TTG là cái gốc do vợ chồng doanh nhân Dương Thanh Thủy gầy dựng, thì co-working space Dreamplex hay những dự án nông nghiệp ở Củ Chi chính là nhánh cây ghi dấu ấn đậm nét của Nguyễn Trung Tín.

"Khi mới nắm quyền điều hành một tập đoàn lớn, cái bóng của ba mẹ vẫn còn quá lớn và tôi luôn tâm niệm là phải thoát khỏi việc được gán cho "mác" con nhà giàu, lớn lên từ những gì có sẵn. Không còn cách nào khác là phải tự chứng minh cho mọi người thấy khả năng của bản thân. Đó là năm 2015, tôi mới điều hành Tập đoàn Trung Thủy, còn Dreamplex lúc ấy là một spa. Tuy nhiên, việc kinh doanh spa không hiệu quả nên phải di dời. Rất tình cờ, tôi thấy mặt bằng trống nên đã cho thuê", Trung Tín nhớ lại.

CEO này nhớ lại, khi đó anh liên tục lên Google để tra cứu và thấy xu hướng không gian làm việc chung (Coworking space) đã phát triển trên thế giới. Nhiều nơi trên thế giới đã rất thành công với mô hình này. Từ đó, Tín đã dành thời gian nghiên cứu thị trường. Và may mắn, anh có nhiều bạn làm startup mảng công nghệ để tham khảo ý kiến, và rồi chỉ trong một thời gian khá ngắn, mô hình cộng đồng làm việc chung đã hình thành, lan tỏa nhanh tại TP.HCM.

Tuy nhiên, khi đặt vấn đế văn phòng làm việc cho startup đang bị cạnh tranh ngày càng cao, anh phải làm gì để giữ vị thế tiên phong? Tín cho biết: "Tôi nghĩ sự cạnh tranh là một điều cần thiết để khách hàng được tiếp cận với các dịch vụ tốt và doanh nghiệp tạo ra sản phẩm tốt. Chính vì cơ hội phát triển thị trường còn rất nhiều nên tất nhiên sự cạnh tranh lại càng lớn".

Hiện tại Dreamplex đã có 2 cơ sở, đang trong quá trình thực hiện cơ sở thứ 3 và thứ 4. Trong năm 2019, con số này sẽ được nâng lên thành 8 địa điểm. Mục tiêu của Tín là phát triển lên thành 20 điểm hoạt động, mỗi năm khoảng 4 - 5 cơ sở, tiếp đến là phát triển Dreamplex ở 2 thành phố lớn và các nước khác. "Chúng tôi cũng đang chuẩn bị một đội ngũ thật mạnh để có thể mở rộng thật nhanh và chuẩn bị cho vòng kêu gọi vốn đầu tư sắp tới", CEO Tín tiết lộ.

"May mắn là tôi có đam mê với kiến trúc và thiết kế từ lâu, ngay cả trước khi mình tiếp quản tập đoàn nên mọi thứ mình làm đều cố gắng làm một cách chỉn chu nhất, trước hết là để thỏa mãn đam mê của mình. Ví dụ một dự án, thông thường tôi chỉ cần đưa ra yêu cầu và nhận kết quả, khâu thực hiện đã có các kiến trúc sư đảm nhiệm. Nhưng vì mình có đam mê và hiểu về nó, mình tham gia được cùng với "ê kíp" của mình và sâu sát được các thiết kế của của dự án", anh Tín nói tiếp.

Bỏ những thú vui, sở thích để chọn sự nghiệp

Anh Tín cũng cho biết thêm, từ khi gánh vác công việc kinh doanh của gia đình thời gian ngủ hay giải trí bên ngoài của anh ít hơn, một số thú tiêu khiển của tuổi trẻ cũng bỏ hẳn, bởi vì không chỉ mỗi tham vọng lớn là xây dựng mạng lưới Coworking lớn mạnh, mà hiện anh còn đang đảm nhiệm mọi hoạt động đầu tư, kinh doanh mảng bất động sản, nông nghiệp công nghệ cao, logistics, cung ứng dịch vụ...

"Hiện tại tôi đang chọn sự nghiệp và một phần đam mê vì 2 thứ có liên kết với nhau và gia đình. Ngay cả sở thích với golf tôi cũng gác lại, ít nhất 10 năm. Một tuần của tôi dành 4-5 ngày cho bất động sản, 1 ngày với team Dreamplex. Thứ 7 là cho các công ty tôi đầu tư như công ty về nội thất, logistics, giới thiệu việc làm, ứng dụng quy hoạch thành phố…. Chủ nhật, tôi dành thời gian cho gia đình", anh Tín nói.

Chính vì thế, cân bằng cuộc sống gia đình và công việc kinh doanh luôn là "bài toán" gây đau đầu nhất cho chàng trai 8X này. Theo anh Tín, đây có lẽ là bài toán của tất cả các doanh nhân, nhất là khi doanh nghiệp càng mở rộng thì áp lực cân bằng này càng lớn. Riêng với bản thân mình, anh cố gắng sắp xếp quỹ thời gian theo thứ tự ưu tiên, đầu tiên là công việc, tiếp đến là gia đình còn thời gian cho bản thân thì gần như chưa có.

Theo CEO này, thứ duy nhất rất công bằng trong xã hội chính là thời gian. "Tôi có 24h trong ngày, người khác cũng vậy. Nếu 2 người có điều kiện như nhau mà mình cũng bỏ ra thời gian 8 tiếng mỗi ngày để làm việc như họ thì mình sẽ chỉ đi ngang bằng với người khác. Để vượt lên thì mình đâu còn cách nào khác ngoài việc phải bỏ nhiều thời gian và cố gắng hơn", CEO Tín nói thêm.

CEO Tập đoàn Trung Thủy: Để thoát khỏi cái bóng gia đình giàu có khi khởi nghiệp, không gì hơn là phải tự thân vận động - Ảnh 2.

Trong quan niệm của anh, gia đình là nền tảng quan trọng nhất với anh nhưng tiếc là tạm thời anh phải xếp ở vị trí ưu tiên thứ 2 trong quỹ thời gian của mình. Sở dĩ có thể làm được như vậy vì anh nhận được sự thấu hiểu và chia sẻ của mọi người trong gia đình. Ba mẹ hay vợ anh (hoa hậu Thu Thảo) hiểu rằng đây là lúc anh phải cố gắng rất nhiều để phát triển sự nghiệp nên họ luôn bên cạnh động viên anh, chấp nhận khoảng thời gian ít hơn anh dành cho họ. Sự tin tưởng đó là động lực rất lớn để anh yên tâm làm việc mỗi ngày.

Anh nói thêm: "Tôi cũng hi vọng rằng bản thân có thể xây dựng Trung Thủy phát triển bền vững, có quy trình bài bản, như vậy mình sẽ không phải dành quá nhiều thời gian để điều hành mà mọi thứ sẽ tự vận hành một cách hiệu quả. Lúc đó, quỹ thời gian của mình sẽ trở về một tỷ lệ cân bằng hơn giữa gia đình – kinh doanh và tìm kiếm lại những sở thích cá nhân, ví dụ như học lập trình chẳng hạn".

Thời gian tới, TTG Holding vẫn sẽ tập trung chủ lực vào phát triển mảng bất động sản với thương hiệu căn hộ cao cấp Lancaster và bắt đầu kế hoạch chuẩn bị mở rộng sang những phân khúc khác. Theo CEO TTG, cái gì mình đang làm tốt và am hiểu nó thì phải nỗ lực làm cho nó trở nên tốt nhất. Tất nhiên, các lĩnh vực như Không gian làm việc chia sẻ Dreamplex, chuỗi trạm dừng Mekong Rest Stop… vẫn được đẩy mạnh phát triển.

Riêng về bất động sản, TTG định hướng thương hiệu của mình không chạy đua về số lượng hay lợi nhuận vì nó chỉ mang lại lợi ích cho riêng chủ đầu tư, mà tập trung khai thác những giá trị về chất lượng sống trên các quỹ đất của mình, lúc đó mới mang lại được giá trị cho khách hàng.

"Nhưng như tôi nói, quỹ thời gian có hạn nên mình đành phải phân bổ theo các tỷ trong khác nhau", anh cho biết.

 

Gia Khang

Theo Trí thức trẻ