CEO thương hiệu Gumac tiết lộ lý do từ chối “ông lớn” thời trang Nhật Bản rót vốn

16/02/2020 11:46

Dù mong muốn đưa Gumac phát triển ra thị trường thế giới, nhưng ông Lê Thành Vân chia sẻ chưa đủ độ chín muồi để gật đầu hợp tác với các đối tác nước ngoài.


Người sáng lập kiêm CEO Gumac Lê Thành Vân trong một buổi chia sẻ về phát triển thương hiệu.

Năm 2011, học xong đại học chuyên ngành hàng hải, cậu thanh niên Lê Thành Vân lại không trở thành một thủy thủ viễn dương như định hướng của gia đình. Vân rẽ theo hướng khác, mà như anh chia sẻ do thời thế đưa đẩy.

Từng đi phát tờ rơi, buôn bán đồ điện tử lặt vặt, đi vay tiền để mua được chiếc xe máy..., thấy "kinh doanh sao hay quá", rồi chính Vân cũng không ngờ thành công đến nhanh như vậy với lĩnh vực thời trang.

Hiện Lê Thành Vân là người sáng lập kiêm CEO của thương hiệu thời trang Gumac, sở hữu 80 cửa hàng cùng "câu chuyện doanh thu nghìn tỷ không quá khó nữa rồi".
Trò chuyện với BizLIVE đầu năm mới, Lê Thành Vân chia sẻ câu chuyện khởi nghiệp của mình, với nhiều dự định vươn ra biển lớn cùng thương hiệu có tuổi đời lên 5.

KHI NHIỀU NGƯỜI GIỐNG MÌNH QUÁ, PHẢI KHÁC BIỆT

Nhìn lại điểm xuất phát, dường như ban đầu anh chưa có chuẩn bị và ý định kinh doanh ở lĩnh vực thời trang. Vây cơ duyên nào đưa đẩy anh đến với nó và theo đuổi?

Hồi đó có ai định hướng gì đâu. May mắn cuộc đời khó khăn, thời sinh viên năm nhất mình đã đi làm thêm. Mình đi phát tờ rơi, làm cộng tác viên kinh doanh rồi thấy món kinh doanh sao hay quá.

Kinh doanh thứ nhất làm ra tiền ngay, được ngay một hai trăm nghìn, sướng vô cùng. Rồi thấy sao mình có năng khiếu làm kinh doanh, làm lãnh đạo, vì khi đó mình làm ‘lead’ bạn cùng lớp, mấy em nhỏ hơn khi làm thêm cho mình. Có khi ngày kiếm được vài triệu.

Thời điểm đấy nghĩ học cho xong tấm bằng hàng hải dù sao cũng theo 5 năm. Báo cáo thực tập mình rớt lên rớt xuống vì suốt ngày đi làm, đi làm thích hơn. Khi ra trường mình có gọi điện cho bố mẹ cho 2 năm tự mày mò làm, nếu không được sẽ đi lái tàu viễn dương. May mắn ông trời thương, nỗ lực giúp mình đạt được kết quả.

Khi đó, học xong hàng hải, ra trường mình lọ mọ buôn bán đồ điện tử lặt vặt... Xe máy không có, laptop cũng không. Mình còn nhớ Mùng 7 Tết năm 2012 lên Đăk Nông vay người thân được 20 triệu để sắm chiếc xe, hiện vẫn để cửa công ty làm kỷ niệm. Có chiếc xe, sáng sớm vác ba lô và chiếc điện thoại ‘cùi’ đi khắp Sài Gòn buôn bán đồ điện tử. Thời điểm đó thực sự chưa biết làm gì.

Và facebook vào Việt Nam, khi đó bắt đầu phát triển bán hàng trên mạng xã hội. Mình cũng tham gia kinh doanh trên facebook đồ linh kiện điện tử này kia. Thực sự lúc đó là cái gì kiếm tiền được thì mình bán cái đó. Mình là một trong những người đầu tiên ở Việt Nam bán hàng qua facebook thời điểm 2012-2013.

Đến đầu năm 2015, mình nhận thấy mọi người buôn bán giống mình nhiều quá, nếu cứ kinh doanh như vậy mình sẽ không ‘đu’ được, không có gì khác biệt, cần phải thay đổi mô hình kinh doanh. Sau đó mình chuyển hướng kinh doanh quần áo thời trang và Gumac ra đời giữa năm 2015.

Có vài điều khiến mình chuyển hướng với thời trang. Thứ nhất kinh doanh theo mô hình cũ không được nữa, cần theo mô hình mới vừa bán hàng online và offline có độ tin tưởng lớn với khách hàng. Khi đó mình nhận thấy thời trang ở phân khúc phổ thông, bình dân chưa có thương hiệu lớn mà chỉ phân khúc cao có Ivy Moda, Elise...

Mình thấy rằng kinh doanh ở phân khúc thời trang bình dân thì mới bán online tốt được. Ở phân khúc này, người mua qua mạng dễ quyết định hơn, bởi xuống tiền triệu một sản phẩm mà mua qua online là khó. Trong khi đó phân khúc sản phẩm của mình có giá mấy trăm nghìn khách hàng, nhất là các bạn trẻ dễ ‘chốt’ hơn. Mình đi ra từ bán hàng online ra nên mình hiểu ‘inside’ khách hàng là ở phân khúc đấy dễ ra quyết định mua hàng.

TỰ TIN VỚI MỤC TIÊU THỊ PHẦN LỚN NHẤT

Câu chuyện phát triển chuỗi cửa hàng Gumac diễn ra thế nào sau đó?

Lúc mới mở mình cũng đặt mục tiêu nhỏ nhỏ thôi. Tháng 11/2015, mình có cửa hàng đầu tiên ở đường Phạm Văn Hai, quận Tân Bình. Diện tích cửa hàng chỉ 30m2, mình cùng người em thuê mặt bằng chia ra để cùng kinh doanh, em mình bán giày dép mình bán quần áo với giá thuê 10tr/tháng. Lúc đó tên là Gushop.

Khoảng 8 tháng sau mình mở thêm được cửa hàng bên Cách Mạng Tháng 8, cũng là một cửa hàng nhỏ và lấy tên là Gumac. Lúc đó thật sự sung sướng vô cùng! Sau đó cửa hàng thứ 3 mở trên đường Lê Văn Sỹ, thứ 4 ở Quang Trung hiện giờ là văn phòng công ty…

Đến giờ thương hiệu có 80 cửa hàng trên cả nước, trong đó chủ yếu là 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM, tập trong các trung tâm thương mại, tuyến phố mua sắm sầm uất…

Mục tiêu Gumac sẽ vào các trung tâm thương mại lớn và hiện giờ cũng đã vào nhiều rồi. GUMAC hiện giờ cạnh tranh sòng phẳng với Elise, Ivy Moda… Mình tin rằng 3 năm nữa trở thành hãng thời trang có thị phần lớn nhất Việt Nam, tự tin để làm điều đó.

Một trong số 80 cửa hàng của Gumac.

Cơ sở nào để anh tự tin vào khả năng đó?

Mọi người trong ngành cũng thấy bức tranh đó. Lợi thế của Gumac là bán hàng online. Phân khúc của Gumac rộng hơn, tiếp cận tới mọi ngóc ngách của thị trường. Những thương hiệu kia bán online khó vì rất kén người mua. Mỗi ngày Gumac có hàng nghìn đơn hàng đi khắp nơi trong cả nước.

Thứ hai là chính sách bán hàng, mẫu mã ra nhanh, 1 tháng chúng tôi ra 1 bộ sưu tập mới…

Với tốc độ mở rộng của công ty, vấn đề quản trị được anh tiến hành ra sao?

Quản trị nhân sự tại Gumac đó là câu chuyện đắc nhân tâm, đó là chuyện tình người với nhau, đối nhân xử thế. Khi mình yêu mến ai đó thì mọi chuyện dễ dàng hơn. Mọi người được sống đúng với chính mình, làm đúng trái tim mình mách bảo.

Công ty thường hay nghĩ đến chính sách giữ người, Gumac chẳng có chính sách gì cả. Ở mỗi cuộc họp, mình luôn chia sẻ với các bạn trẻ rằng anh mong muốn các em tốt hơn, giỏi hơn để sau này đi ra ngoài có cơ hội nhiều hơn cho tụi em, giúp ích cho tụi em. Chưa từng nói tụi em phải giỏi để cống hiến với anh. Mình nói với các bạn hãy tìm tỏi, học hỏi để phát triển bản thân mình. Khi bản thân bạn tốt thì giúp được Gumac, giúp cho chính em, cho gia đình em, sau này có nhiều cơ hội hơn.

Không nghĩ một ngày Gumac phát triển nhanh vậy, 4 năm mở 80 cửa hàng. Bình thường câu chuyện này phải mất 10 năm. Ở công ty, nhân sự vào là làm. Hiện rất nhiều nhân viên vào từ khi khởi sự công ty giờ vẫn làm. Mình cho rằng mình sống thế nào mọi người sống lại như vậy.

Thủ lĩnh thương hiệu thời trang Việt với nhân viên công ty.

Bán hàng online câu chuyện niềm tin là rất quan trọng, anh giải quyết nó ra sao?

Bán hàng online đúng nghĩa phải làm sao có niềm tin khách hàng. Làm sao họ vượt qua họ có cảm giác mua online không là sợ hãi, không còn rào cản. Mọi người thấy đó, trước đây nhắc tới mua hàng online là người ta nghĩ lừa đảo ngay.

Gumac phá bỏ điều đó. Mua online tại Gumac hàng giảm giá 60 -70% vẫn được đổi trả. Khi mình hiểu tận cùng việc chăm sóc khách hàng vô cùng quan trọng. Gumac có tới 60 người để xử lý câu chuyện này, xử lý nhanh tất cả vấn đề của khách hàng. Việc quản lý, theo dõi giám sát dễ hơn bằng công nghệ hết nên cũng tránh được sai sót.

Mình cảm thấy may mắn là với xuất thân nghèo khó nên thấu hiểu được khách hàng, từ đó khách hàng yêu quý mình. Mình tự tin là người đàn ông livestream bán hàng số 1 Việt Nam. Tính chân chất con người của mình nên có được sự tin yêu của khách hàng.

Gumac hiện còn tạo sân chơi cho khách hàng khi có group kín cho mọi người tự trao đổi hàng hóa với nhau, cũ người mới ta mà.

Hiện tại trên các sàn thương mại điện tử như Sendo, Tiki, Shopee, Lazada thì Gumac đang là hãng thời trang bán hàng có doanh thu số 1. Trên Shopee có ngày doanh thu hơn 1 tỷ đồng.

QUỸ NGOẠI RÓT VỐN, CÓ THỂ MỘT LÚC NÀO ĐẤY...

Anh định hướng phát triển Gumac trong thời gian tới ra sao?

Câu chuyện của Gucmac bây giờ là làm sao mang tầm vóc mới, diện mạo mới. Điều này sẽ được thực hiện trong năm nay và những năm tới. Những cửa hàng không đạt tiêu chuẩn sẽ dần thay đổi.

Tăng trưởng doanh thu Gumac năm nào cũng hơn gấp đôi. Mục tiêu năm 2020 cũng tăng trưởng như vậy. Trong đó doanh thu online chiếm khoảng 40%, những năm trước khoảng 35-40%. Trong giới thời trang bán online là 5% đã là cao.

Để đạt được mục tiêu trên, công ty dự định trong năm nay nâng số cửa hàng lên 100, tức tăng trưởng khoảng 15%.

Việc mở rộng sẽ gặp bài toán vốn?

May mắn Gumac kinh doanh hiệu quả, lợi nhuận làm ra bao nhiêu công ty tái đầu tư hết. Về cá nhân, thực tình mình không có nhu cầu, vợ chồng mình sống cực kỳ đơn giản.

Với tốc độ phát triển của thương hiệu, hẳn là đã có nhà đầu tư ngỏ ý muốn rót vốn vào Gumac?

Thực ra quỹ đầu tư đã liên hệ Gumac từ 2 năm trước, gồm cả trong nước và nước ngoài. Gumac dù được định giá cao nhưng mình cảm thấy chưa sẵn sàng. Có thể một lúc nào đấy.

Tham vọng của Gumac khác lắm. Khát vọng trong mình lớn. Mình mong Gumac năm 2020 là của mọi người, nhân viên cảm thấy là của chính mình, và làm sao khách hàng cũng vậy. Đó là điều đúng nghĩa mình muốn làm gì đó cho xã hội, ngành thời trang.

Thời gian tới, câu chuyện doanh thu nghìn tỷ không quá khó nữa rồi. Nhưng làm sao để thực sự mỗi người phụ nữ Việt cảm được Gumac thực sự là của mình. Đó là giá trị Gumac đeo đuổi.

Xa hơn nữa Gumac là chắc chắn hướng tới toàn cầu, đó là hiển nhiên. Lúc đó Gumac cần bệ phóng, bàn đạp, cần đối tác có kinh nghiệm. Cách đây hơn 1 tháng Gumac vừa từ chối quỹ nước ngoài rót vốn vào. Đó là lần từ chối thứ 2 với họ. Đó là quỹ của Nhật Bản đã mua lại hai thương hiệu lớn của thời trang Việt thời gian qua.

Lý do chính nào khiến anh từ chối họ?

Họ muốn mua đứt startup Việt có thị phần tốt. Ngẫm lại mình đâu có nhu cầu bán thương hiệu. Lúc đầu họ nói muốn ở đâu thống lĩnh đấy, họ hỏi và mình chia sẻ ý muốn đưa Gumac ra nước ngoài, họ không hứng thú chuyện này. Gumac là đứa con, mình muốn gắn bó, cống hiến cùng nó. Mình muốn có bệ phóng để giúp sản phẩm của người Việt ra với quốc tế.

Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện này.

Huyền Trâm/bizlive