Sinh nhật 10 tuổi Winmart

CEO Umbala: Muốn làm Blockchain, người Việt cần bỏ tư duy đầu cơ manh mún

07/10/2018 11:13

Ông Nguyễn Minh Thảo - CEO Umbala nêu thực trạng, có 2 nhóm đối tượng trên thị trường Blockchain. Thứ nhất là dân đầu cơ tiền kĩ thuật số và thứ hai là giới công nghệ đang làm Blockchain nghiêm túc. Thực tế, tỷ lệ những người thuộc nhóm 2 rất ít. Trong khi đối tượng thuộc nhóm 1 lại quá nhiều với tư duy làm giàu ngắn hạn, manh mún.

Ông Nguyễn Minh Thảo - CEO Umbala nêu thực trạng, có 2 nhóm đối tượng trên thị trường Blockchain. Thứ nhất là dân đầu cơ tiền kĩ thuật số và thứ hai là giới công nghệ đang làm Blockchain nghiêm túc. Thực tế, tỷ lệ những người thuộc nhóm 2 rất ít. Trong khi đối tượng thuộc nhóm 1 lại quá nhiều với tư duy làm giàu ngắn hạn, manh mún.

Ông Nguyễn Minh Thảo - CEO và Nhà sáng lập startup Umbala

Thời gian gần đây, từ khóa "Blockchain" không ngừng được nhắc đến bởi giới truyền thông, cũng như qua các trang mạng xã hội. Cùng với đó là những hứa hẹn về cuộc cách mạng mà Blockchain sẽ mang đến cho các doanh nghiệp tại Việt Nam.

Theo các chuyên gia, Blockchain là công nghệ tiên tiến cho phép truyền tải dữ liệu an toàn dựa vào cơ chế mã hóa phức tạp, bằng cách sử dụng nhiều nút độc lập có khả năng xác thực thông tin mà không đòi hỏi một trung gian được tin tưởng giống như các hệ thống khác. Các thông tin lưu trữ trong Blockchain không thể bị thay đổi và chỉ có thể bổ sung thêm dưới sự đồng thuận của tất cả các nút trong hệ thống.

Với các đặc tính lưu trữ thông tin và chạy hợp đồng thông minh, công nghệ Blockchain có thể được ứng dụng vào nhiều lĩnh vực trong cuộc sống như kế toán, xuất nhập khẩu hàng hóa, theo dõi xuất xứ sản phẩm, bán lẻ, ngân hàng, bình chọn...

Thế nhưng đối với công nghệ tiềm tàng sức mạnh to lớn này, Việt Nam dường như mới chỉ bắt đầu những bước đi rất chập chững và dè chừng. Vậy đâu là cơ hội và thách thức đối với Việt Nam, cũng như đâu sẽ là bước đi đúng đắn cho Việt Nam để có thể trở thành lá cờ đầu trong khu vực khi nhắc đến nền tảng này?

Trao đổi với TheLEADER, ông Nguyễn Minh Thảo - CEO và Nhà sáng lập startup Umbala đã có những chia sẻ nhằm làm rõ vấn đề này.

Ông nhìn nhận thế nào về xu hướng Blockchain đang lên ở Việt Nam? Đâu là những số liệu, dấu hiệu cho thấy xu hướng này?

Nói về xu hướng, tôi nhận thấy có 2 nhóm đối tượng trên thị trường. Thứ nhất là dân đầu cơ tiền kĩ thuật số và thứ hai là giới công nghệ đang làm về Blockchain.

Trên thế giới, tỷ lệ những người thuộc nhóm 2, hiểu và làm về Blockchain thực sự rất ít. Trong khi đối tượng thuộc nhóm 1 lại rất nhiều với tư duy ngắn hạn, manh mún. Điều này làm cho thị trường đã có 2 năm rất bùng nổ, nhưng rồi sau một thời kỳ đã đóng băng. Minh chứng là nhiều đồng tiền kĩ thuật số đã ra đời và trở thành "rác", vì các nhà đầu cơ đều chỉ ném tiền vào mà không hiểu Blockchain là gì.

Ngoài ứng dụng tiền kĩ thuật số, xin ông cho biết, Blockchain còn ứng dụng được vào những lĩnh vực nào? Ảnh hưởng gì tới doanh nghiệp?

Blockchain hiểu nôm na như một loại cơ sở dữ liệu. Cơ sở dữ liệu này có những đặc thù rất riêng biệt, nó giải quyết được bài toán về niềm tin, minh bạch, phá vỡ nền tảng địa lý. Trong kinh doanh, luôn luôn có một vấn đề là chúng ta có tin nhau để làm việc được với nhau hay không. Vì thế, về cơ bản Blockchain giải quyết được bài toán đó.

Với việc áp dụng cụ thể thì nó tùy thuộc vào công ty cụ thể, những người làm Blockchain cụ thể có định hướng ứng dụng Blockchain trong lĩnh vực nào. Ví dụ với Umbala Network, lĩnh vực chúng tôi hướng đến là các một thế hệ các ứng dụng camera mới, nơi mà camera là 1 loại cửa sổ giao tiếp real-time giữa người với người.

Tôi có thể kể ra rất nhiều những ví dụ về các ứng dụng đó. Ví dụ, thương mại điện tử đang phát triển mạnh đặc biệt thông qua live streaming. Ở Trung Quốc, có những công ty làm mảng này có trị giá đến nhiều tỷ USD, như Pinduoduo đã IPO thành công. Nói thế để thấy thị trường này đang rất rất màu mỡ. Với Umbala Network, chúng tôi có nền tảng để những người bán hàng livestream xây dựng ứng dụng của riêng mình

Tổng quát, khi Blockchain và các giao thức của nó tạo ra niềm tin, thì có thể nói, mọi ngành nghề trong của cả thế giới đều có thẻ sử dụng được công nghiệp Blockchain. Tôi gọi đó là Protocol Economy (nền kinh tế các giao thức).

Tất nhiên để chờ đến thời điểm này thì sẽ còn khoảng thời gian khá dài vì công nghệ chưa cho phép chúng ta làm thế.

Sản phẩm đầu tiên trong hệ sinh thái của Umbala Network là Umbala.tv ra đời vào năm 2014, hiện thu hút khoảng 200.000 lượt người đăng ký

Cụ thể, tại Umbala Network, Blockchain được ứng dụng ra sao thưa ông?

Về bản chất, Umbala Network được dùng để hỗ trợ những ứng dụng liên quan đến camera, giúp họ có thêm tính năng tương tác real-time, có thể chia sẻ với các ứng dụng khác tập người dung và được chia sẻ doanh thu minh bạch.

Lấy ví dụ, chúng tôi có ứng dụng mang tên Umbala TV. Đây là sản phẩm chúng tôi đã mang đi Shark Tank và gọi vốn thành công. Sản phẩm này sẽ được Blockchain hóa để tiếp tục phát triển thành giải pháp live shopping/idol business thế hệ mới.

Bạn có thể đặt câu hỏi rằng tại sao ứng dụng này lại cần dùng Blockchain? Lý do vì trong ứng dụng này chúng tôi cần giải quyết sự minh bạch trong mối quan hệ hợp tác giữa chúng tôi và các idol. Chúng tôi cũng làm việc với các merchant, các shop online để thực hiện chiến dịch quảng cáo. Chúng tôi cần phải minh bạch hóa quá trình mà campaign diễn ra, về số liệu, về hiệu quả của campaign như thế nào. Làm như vậy thì những nhà phát triển mới có niềm tin vào hệ thống. Vì thế chúng tôi nghĩ đến Blockchain.

Một ứng dụng nữa khá tham vọng. Chúng tôi đã khởi nghiệp từ nhiều năm và nhận ra chúng ta thường bị các công ty nước ngoài lấn át. Họ có tiềm lực tài chính lớn so với chúng ta, mặc dù công nghệ chúng ta tương đương hoặc hơn.

Khi các công ty này bước chân vào Việt Nam, họ đưa ra những lợi ích nhỏ để xé lẻ các công ty Việt Nam, khiến cho các công ty Việt Nam làm việc cho họ chỉ vì lợi ích nhỏ đó. Chúng ta bị phân mảnh ra, dẫn đến sức mạnh chiến đầu với các đối thủ thế giới bị yếu đi. Người Việt vốn có tư duy kinh doanh tiểu thương. Nếu như bây giờ các tiểu thương chỉ làm ăn nhỏ lẻ với nhau, làm vì lợi ích nhỏ thì sẽ bị xé lẻ, không đoàn kết.

Nhìn vào bài học thành công của Hàn Quốc, Nhật Bản, chúng ta đều thấy họ luôn có những liên minh, hiệp hội. Các công ty trong đó cùng chia sẻ, lợi ích cho nhau. Blockchain có thể giúp tạo ra liên minh đó, gom những hòn đá nhỏ tạo ra hòn núi lớn có thể cạnh tranh với những tập đoàn nước ngoài.

Theo ông, để Việt Nam có thể nhanh chóng ứng dụng Blockchain, sẽ cần tới những yếu tố gì?

Tất cả mọi người đều nói về hành lang pháp lý. Nhưng tôi nghĩ vấn đề này không phải quan trọng nhất. Nhà nước nếu cần thiết sẽ luôn có thể tạo điều kiện để những công nghệ mới phát triển, miễn là sự phát triển ấy tuân theo những quy định về thuế cũng như đảm bảo an ninh quốc gia.

Vấn đề quan trọng theo tôi là làm sao nâng cao ý thức, sự hiểu biết của mọi người về Blockchain, hiểu tạo sao Blockchain lại mang lại giá trị cho các ngành nghề và cho người dùng cuối, hiểu làm thế nào Blockchain tăng giá trị cạnh tranh của họ khi kinh doanh.

Bên cạnh đó là phát triển nguồn nhân lực. Phải nói rằng đây là một điểm yếu của ngành Blockchain Việt Nam hiện tại. Bản thân công ty tôi muốn bổ sung các kỹ sư về Blockchain nhưng quả thật rất khó. Chúng tôi phải tuyển những bạn tiềm năng về để tự đào tạo. Đó chính là sự thiếu hụt rất lớn về nguồn nhân lực.

Quả thực, nhân lực là yếu tố không thể thiếu trong bất kì ngành nghề nào. Vậy theo anh, Việt Nam có thể bổ sung nguồn nhân lực về Blockchain theo những cách nào?

Chúng tôi mơ tới một mục tiêu là các công ty Blockchain ở Việt Nam có thể kết hợp các trường đại học để mở ra các Blockchain Lab. Sinh viên sẽ được đào tạo về Blockchain để hiểu mình có thể ứng dụng Blockchain vào đời sống như thế nào.

Thậm chí, vì tin rằng công nghiệp Blockchain sẽ làm cho mọi quốc gia có cơ hội phát triển bình đẳng, chúng ta nên sớm đưa Blockchain vào trường học, điểm xuất phát phù hợp có thể là những năm học phổ thông.

Nếu các bạn trẻ hiểu rằng đây không chỉ là công nghệ thông tin mà nó còn tác động đến nhiều khía cạnh cuộc sống khác, chúng ta sẽ một nguồn nhân lực dồi dào về Blockchain.

Quay trở lại câu chuyện ở Umbala, mục tiêu hiện tại của ông là gì? Ông dự đoán, trong khoảng 5 năm nữa, Umbala nằm ở đâu trên bản đồ Blockchain thế giới?

Mục tiêu của chúng tôi trước hết là thực hiện thành công chiến dịch gọi vốn. Thị trường đang khó khăn và bản thân công ty chúng tôi gọi vốn vào lúc này cũng kết hợp mô hình gọi vốn truyền thống quỹ đầu tư mạo hiểm và gọi vốn thông qua các nhà đầu tư trong lĩnh vực Blockchain có niềm tin vào chúng tôi. Số tiền vốn được sử dụng để chúng tôi phát triển ra sản phẩm nền tảng và bước đâu xây dựng hệ sinh thái .

Trong Blockchain, thực ra người ta ít khi trả lời "chúng tôi ở đâu trên thế giới", người ta sẽ trả lời "chúng tôi sẽ xây dựng nên tảng trong ngành nghề nào trên thế giới". Chúng tôi giải quyết vấn đề mà các Blockchain trên thế giới đang gặp phải bằng cách đưa ra thuật toán đồng thuận mới. Blockchain của Umbala Network được thiết kế ra để có thể tăng trưởng nhanh (highly scalable), dễ dàng tiếp người dùng cuối cùng.

Chúng tôi quyết định xây dựng nền tảng cho nền kinh tế camera trên thế giới vì thấy rằng tiềm năng lớn lao ở đây. Vài năm tới, sẽ có 45 tỷ camera trên thế giới, tức là chúng ta đi đến đâu cũng đều thấy camera cả . Từ đó camera không đơn giản chỉ là thiết bị thu hình quay phim mà còn là cửa sổ giao tiếp giữa người với người.

Để hiểu rõ nền kinh tế mà chúng tôi đang hướng đến, bạn có thể xem bộ phim Iron man. Trong phim, nhân vật Tony Stark giao tiếp với tất cả mọi người thông qua một màn hình camera. Tôi coi đây là hình thái giao tiếp tương lai kiểu mẫu, khi camera chính là cửa sổ giao tiếp giữa người với người, mà trên đó chúng ta có thể có những tương tác vật lý và hoàn toàn real-time.

Xin chân thành cảm ơn ông!

Việt Hưng

Theo TheLeader