"Bằng chứng là VPBank 9 tháng năm nay giảm hơn 2.500 người nhờ tối ưu hóa các hệ thống vận hành, bán hàng. Hơn 30% các khoản vay nhỏ và thẻ được thực hiện trên mạng", ông Vinh cho hay.
Khác với thời kì tuyển dụng lao động tốt nghiệp các trường đại học kinh tế, Tổng Giám đốc VPBank cho biết sẽ tuyển chuyên gia là người học công nghệ đến từ các trường đại học Bách Khoa, Tổng Hợp (nay là Đại học Quốc gia Hà Nội) để phục vụ cho việc số hóa, ứng dụng AI.
Ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng - VPBank. Ảnh: Tuổi Trẻ. |
Ông cho rằng ngân hàng là một trong những ngành có cơ hội lớn trước làn sóng đổi mới công nghệ. Việt Nam có cơ hội từ chính việc ngành này phát triển sau so với các nước trên thế giới. Không thể quay trở lại phát triển như các ngân hàng truyền thống, ông Vinh nhận định ngành này chỉ có thể tiếp tục phát triển bằng cách ứng dụng khoa học công nghệ.
“Có thể có những thứ chưa hài lòng, nhưng khách hàng cá nhân, doanh nghiệp Việt đang được sử dụng những dịch vụ thậm chí thuận lợi hơn ngân hàng truyền thống của các nước ở châu Âu. Không có nghĩa là chúng ta giỏi nhưng đi sau nên Việt Nam có điều kiện để ứng dụng ngay những công nghệ mới”, ông Vinh nói.
Lãnh đạo VPBank lấy ví dụ Trung Quốc là nước đi sau rất lâu về công nghệ nhưng xét trong lĩnh vực tài chính, người dân quốc gia tỷ dân này đang hưởng dịch vụ tốt hơn nhiều. Trung Quốc cũng là nước có tỷ lệ dùng tiền mặt thấp hơn nhiều nước như Anh, Pháp.
Ông Vinh nhiều lần nhắc tới cơ hội của ngành ngân hàng thông qua quá trình số hóa. Ông lấy ví dụ ngân hàng này phục vụ hơn 7 triệu khách hàng của công ty cho vay tài chính FE Credit và hơn 4 triệu khách hàng của ngân hàng VPBank nhờ các ứng dụng công nghệ. Với lượng khách hàng như vậy, theo ông Vinh mô hình truyền thống không có cách gì để đạt hiệu quả.
Việc mở thêm chi nhánh cũng không dễ để tiếp cận được khách hàng, mời họ sử dụng các dịch vụ tài chính khi hiện nay 70% người dân sống ở các vùng nông thôn. "Chính công nghệ giúp tiếp cận được với nhiều khách hàng hơn. Ngoài thanh toán công nghệ còn hỗ trợ tín dụng, gửi tiền. Bằng công nghệ mới có thể giúp các dịch vụ của ngân hàng hòa vốn. Nếu không, chẳng có cách gì cho vay 5 triệu, 10 triệu khi tiền bỏ ra để thu nợ còn lớn hơn. Công nghệ không phải chỉ phục vụ kinh doanh mà để thúc đẩy tiếp cận tài chính xã hội cực lớn", ông Vinh nói.
CEO VPBank chia sẻ, 52% giao dịch của khách hàng VPBank thông qua phương tiện mobile. Tuy nhiên, đây cũng là một rủi ro khi có sự cố dừng hệ thống, một ngày ngân hàng có thể tiếp nhận tới 20.000 khiếu nại. Dù vậy, các ngân hàng không có cách ngoài việc phải sẵn sàng tham gia vào quá trình thay đổi. “Có năm ngân hàng phải đầu tư hàng chục triệu USD để hôm nay có được kết quả ban đầu này”.
Theo NDH