Sinh nhật 10 tuổi Winmart

"Cha đẻ" của kim tự tháp kính Louvre khiến người Pháp vừa chê bai đã phải ngả mũ thán phục: Hậu duệ của gia tộc giàu có suốt 15 đời, dạy con thành tài nhờ bí quyết tổ truyền

28/07/2021 08:53

Người ta thường nói "Không ai giàu ba họ", nhưng gia tộc của kiến trúc sư Bối Duật Minh vẫn không ngừng phát triển suốt 15 đời qua, trải qua không ít phong ba bão táp.

photo1627373813470-1627373814115712715270-1627436894.jpg

Từ kim tự tháp bằng kính trước bảo tàng Louvre (Pháp) đến Bảo tàng Nghệ thuật Hồi giáo (Qatar), từ Khách sạn Fragrant Hill (Trung Quốc) đến Bảo tàng Nghệ thuật Miho (Nhật Bản), tất cả đều là sản phẩm của Bối Duật Minh

Vị kiến trúc sư (KTS) này được coi là "bậc thầy cuối cùng của chủ nghĩa hiện đại". Suốt hơn một thế kỷ dài bằng cả đời người, ông luôn một lòng hướng đến cực hạn của cái đẹp.

Hậu duệ gia tộc 15 đời thịnh vượng, coi "làm giàu không bằng làm việc thiện"

Bối Duật Minh sinh năm 1917, xuất thân từ tầng lớp quý tộc Trung Hoa điển hình ở Tô Châu (Trung Quốc). Gia tộc của ông không những phá vỡ lời nguyền "Không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời" mà dân gian vẫn truyền tụng, mà còn kéo dài sự hưng thịnh đó suốt 15 đời con cháu.

Gia tộc họ Bối lập nghiệp từ nghề thuốc, nhờ siêng năng mà trở nên giàu có từ giữa thời nhà Minh. Tới thời nhà Thanh, họ Bối đã trở một trong "tứ đại gia tộc" ở Tô Châu - trung tâm kinh tế quan trọng của Trung Hoa bấy giờ.

Bản thân gia đình của Bối Duật Minh cũng có lý lịch hiển hách. Ông nội tham gia thành lập Ngân hàng Thượng Hải, được mệnh danh là "ông trùm tài chính"; cha từng là Chủ tịch Ngân hàng Trung ương. Mẹ là tài nữ nức tiếng Tô Châu, chuyên về thư pháp, thơ ca và âm nhạc.

congly-vnkien-truc-su-noi-tieng-i-m-pei-mot-tru-cot-cua-kien-truc-hien-dai-ra-di-o-tuoi-102-hinh-anh0266413617-1627372830270463904963-1627436894.jpg

Gia sản của nhà họ Bối nhiều không kể xiết. Trước thập niên 50, Bối gia sở hữu gần 1.000 căn nhà các loại ở Thượng Hải. Diện tích bất động sản đạt tới hơn 160.000 m2, bao gồm cả Sư Tử Lâm Viên - khu vườn đẹp nhất Tô Châu đến hoàng đế Khang Hy cũng phải ghen tị, được UNESCO công nhận là Di sản thế giới.

Không chỉ mạnh về kinh tế, nhà họ Bối còn có địa vị về chính trị. Gia tộc này không chỉ được ngưỡng mộ nhờ sự giàu có, mà còn bởi các thành viên luôn chú trọng tiết hạnh và tiết tháo. Tôn chỉ của họ là "Ngàn năm phú quý không bằng một lời lương thiện"; ai cũng phải làm việc và thiện nguyện, không được phép ăn chơi lêu lổng.

Hồi còn nhỏ, Bối Duật Minh ít chịu sự quản thúc của gia đình, do cha ông phải làm việc bận rộn, còn mẹ đã sớm qua đời. Tuy nhiên, nhờ ảnh hưởng của gia tộc, ông dành cả ngày lẫn đêm để đọc sách và học tập.

Bối Duật Minh được gia đình kỳ vọng sẽ nối nghiệp trong lĩnh vực tài chính và y khoa. Thế nhưng, khi nhìn thấy Khách sạn Quốc tế Thượng Hải được xây dựng và trở thành tòa nhà số 1 Viễn Đông, ông bắt đầu mơ ước được làm kiến trúc sư.

4715-heirxye6854514-16273728948922135329011-1627436894.jpg
Sư Tử Lâm Viên - một trong những tài sản từng thuộc về nhà họ Bối

Nhờ sự hùng mạnh của gia tộc, Bối Duật Minh có cơ hội sang Mỹ du học năm 18 tuổi. Ông thậm chí từng nói đùa về cuộc sống sắp tới ở đất nước xa lạ: "Trước khi tôi biết nói tiếng Anh, gia đình tôi đã tạo điều kiện cho tôi gia nhập giới thượng lưu ở Boston".

Do chiến tranh loạn lạc, Bối Duật Minh không ngờ rằng phải 40 năm sau ông mới có dịp trở về cố hương. Dù vậy, bất khi nào được hỏi về xuất thân, Bối Duật Minh luôn tự tin trả lời rằng: "Tôi đến từ Tô Châu".

Sống ở nước ngoài nhưng lòng luôn hướng về Trung Quốc, ở Bối Duật Minh có sự hòa hợp giữa tư duy phương Tây và khí chất văn nhân phương Đông. Đây là yếu tố tạo thành nền tảng thẩm mỹ để ông theo đuổi sự hài hòa giữa kiến ​​trúc và thiên nhiên, định hình phong cách của ông sau này.

Biến thiết kế bị chê là "khó coi" thành biểu tượng kiến trúc mới của Pháp

Sau một thời gian ngắn học tập tại ĐH Pennsylvania, Bối Duật Minh chuyển đến Khoa Kiến trúc của Viện Công nghệ Massachusetts (MIT). Kể từ đây, tài năng nghệ thuật của ông bắt đầu được khai phá.

Năm 1940, Bối Duật Minh tốt nghiệp loại xuất sắc và giành được giải thưởng của Viện Kiến trúc Hoa Kỳ. Do hoàn cảnh chiến tranh, việc trở về Trung Quốc đối với ông trở nên vô vọng. Năm 1946, ông tiếp tục học tại ĐH Harvard, sau làm trợ lý giáo sư tại một phòng nghiên cứu thiết kế ở đây.

Tuy nhiên, bục giảng không đủ để vị KTS này thể hiện tài năng của mình. Năm 1949, bước ngoặt xảy ra khi ông đầu quân cho một công ty xây dựng bất động sản ở Trung Quốc, phá vỡ rào cản của người gốc Hoa tại Mỹ.

Chỉ mất 6 năm, Bối Duật Minh đã tự thành lập được công ty kiến trúc của riêng mình - IM Pei Architects. Ông bắt đầu nhận được sự quan tâm của nhiều chính phủ trên toàn thế giới trong lĩnh vực quy hoạch và tái thiết đô thị và cơ sở hạ tầng công cộng.

john-f-kennedy-library-exterior-photo-by-john-ecker-pantheon1-1627373060942485668151-1627436894.jpg
Thư viện John F. Kennedy (Mỹ)

Vị KTS này đã ghi dấu ấn trong vô số công trình nổi tiếng: Trung tâm Nghiên cứu Khí tượng Quốc gia Hoa Kỳ, Trung tâm Nghệ thuật Des Moines,....

Trong số đó có cả Thư viện John F. Kennedy - nơi ông đã dành 15 năm vất vả xây dựng, biến bãi rác hôi thối thành một kiệt tác kiến trúc xuất sắc nhất lịch sử nước Mỹ. Thậm chí, đệ nhất phu nhân Jacqueclin Kennedy cũng phải ngợi ca: "Thế giới duy mỹ của Bối Duật Minh, không ai có thể so sánh được".

Nhờ công trình tầm cỡ này, cộng đồng kiến trúc Mỹ đã gọi 1979 là "năm của Bối Duật Minh". Bản thân ông cũng nhận được huy chương vàng từ Học viện Kiến trúc Mỹ.

Tuy nhiên, phải đến khi thực hiện kế hoạch tái thiết bảo tàng Lourve nổi tiếng giới ở Pháp, Bối Duật Minh mới thực sự đứng trên đỉnh cao và thống trị ngành kiến trúc thế giới.

Năm 1981, Tổng thống Pháp đã mời đến 15 giám tuyển nghệ thuật từ các bảo tàng nổi tiếng trên thế giới, nhờ họ giới thiệu các KTS tài năng để đảm nhận dự án. 13 người trong số đó đều đề xuất Bối Duật Minh.

Vị KTS này dự định sẽ xây ở lối vào bảo tàng một kim tự tháp trong suốt, kết hợp vẻ đẹp của ánh sáng, kính và những khối tam giác. Tuy nhiên, ông phải mất đến 2 năm trời mới thuyết phục được các quan chức nước Pháp thực hiện dự án này.

Trước hết, người Pháp không thể chấp nhận được việc công trình biểu tượng của nước mình lại do một người gốc Hoa phụ trách. Chưa kể, một số người lo ngại rằng dự án mang hơi thở hiện đại này sẽ khó hòa hợp với khung cảnh cổ kính vốn có của bảo tàng Lourve, cản trở tâm nhìn "độc nhất trên thế giới' từ sân Cour Carrée ở phía trong tới Khải Hoàn Môn.

9d76e15d401fcc5160d07fedf0e1d86a53222372-162737311236542724526-1627436894.jpg
Kim tự tháp bằng kính tại Bảo tàng Lourve (Pháp)

Bộ trưởng Bộ Văn hóa Pháp thời bấy giờ còn chế nhạo thiết kế của Bối Duật Minh là "một viên kim cương khó coi".

Thế nhưng, khi kim tự tháp bằng kính trong suốt được hoàn thành vào 1988, nó đã trở thành một trong những biểu tượng của nước Pháp, sánh ngang với Tháp Eiffel hay Nhà thờ Đức Bà Paris. Bối Duật Minh đã được trao tặng huân chương danh dự cao quý nhất nước Pháp cho công trình này.

Lúc này, người Pháp bắt đầu đổi giọng và ca ngợi: "Kim tự tháp này là một viên ngọc khổng lồ bay qua trong bảo tàng Louvre". Dù vậy, Bối Duật Minh vẫn giữ dáng vẻ trầm mặc, nhất quán nói: "Những công trình kiến ​​trúc của tôi như một cây trúc, dù mưa to gió lớn đến đâu cũng chỉ cong mà không gãy".

Vào thập niên 80, Bối Duật Minh cuối cùng cũng có cơ hội quay trở về Trung Quốc, tham gia thiết kế các dự án như Khách sạn Hương Sơn, Tòa nhà Ngân hàng Trung Quốc,... Các công trình của ông nhìn thì có vẻ tùy tính, đơn giản, nhưng lại thỏa mãn thị giác, đáp ứng đủ công năng, đến mức được gọi là "thiên nga tuyệt xướng của hình học".

Bên cạnh đó, Bối Duật Minh cũng rất thích thơ ca, thư họa và những khu vườn tuyệt đẹp của Trung Quốc. Đây là nguồn cảm hứng cho các thiết kế của ông. Vị KTS này lấy phương Đông làm gốc, lấy phương Tây làm lá cành, quan niệm rằng "càng là dân tộc, càng là toàn cầu".

Trong suốt gần 1 thế ký làm việc, Bối Duật Minh đã nhận được tất cả những danh hiệu cao quý nhất mà một kiến trúc sư có được: HCV Kiến trúc Hoa Kỳ (1979), HCV Kiến trúc Pháp (1981), Giải thưởng Pritzker (1983), Huân chương Tự do do Tổng thống Reagan trao tặng (1986)....

"Điều duy nhất có thể tồn tại trên thế giới là các công trình. Những công trình đẹp nhất sẽ được thời gian khẳng định, và thời gian là lời giải cho tất cả", KTS nổi tiếng và thành công nhất của nền kiến trúc hiện đại thế kỷ 20 nhận định.

Cuộc hôn nhân hạnh phúc suốt 77 năm và cách giáo dục con cái đáng ngưỡng mộ

Phẩm vị của một người đàn ông nằm ở việc chọn vợ; chọn vợ cũng tương đương với sự lựa chọn của cuộc đời. Câu này đã được Bối Duật Minh và người vợ Lục Thư Hoa chứng minh trong suốt 77 năm ở bên nhau. Sự nghiệp của ông thăng hoa cũng là nhờ có người vợ tào khang, toàn tâm toàn ý vì mình.

Mùa hè năm 1938, Bối Duật Minh đến New York chơi. Khi đang chờ bạn ở ga xe lửa, ông bắt gặp một cô gái gốc Hoa vô cùng xinh đẹp, thanh lịch.

Đó chính là Lục Thư Hoa - thiên kim tiểu thư của một danh gia vọng tộc. Cha của bà là kỹ sư tốt nghiệp Học viện Công nghệ Massachusetts, ông ngoại từng là đại sứ tại Mỹ, dì ruột là con gái của Thủ tướng Trung Hoa Dân Quốc. Bản thân cũng học tại Wesleyan College - nơi tập hơn những phụ nữ giỏi nhất nước Mỹ, cùng với ba chị em nhà họ Tống.

Hai con người với nhiều điểm tương đồng nhanh chóng rơi vào lưới tính và kết hôn với nhau. Dù xuất thân cao hơn chồng một bậc, Lục Thư Hoa vẫn chọn cách khiêm tốn lùi về phía sau, chăm lo gia đình để Bối Duật Minh thỏa sức xây dựng sự nghiệp.

2103wmcp7sulv4zeijpgr800x0-16273733483961117195948-1627436894.jpg

Họ có với nhau 3 người con trai và 1 người con gái. Cả gia đình đều nói tiếng Anh, nhưng cách giáo dục vẫn tuân theo truyền thống của nhà họ Bối.

Chỉ cần nhìn cách vị KTS này đặt tên cho các con trai cũng có thể thấy ông luôn hướng về cố hương như thế nào: Bối Định Trung, Bối Kiến Trung và Bối Lễ Trung, có nghĩa là ổn định Trung Quốc, xây dựng Trung Quốc, và lễ nghi Trung Quốc.

Trong ấn tượng của Bối Kiến Trung, cha mẹ ông chưa bao giờ "gay gắt", cũng không có những ràng buộc khắt khe và cực đoan thường thấy trong các gia đình phương Đông. Thế nhưng, ông hiểu rõ sự kỳ vọng cao của cha mẹ, từ đó chủ động đáp ứng những mong mỏi ấy.

Loại áp lực gia đình này, thật ra giống như một sự tự hào gia tộc, để bọn trẻ không dám buông lỏng ý chí. Nhờ đó, cả 4 người con của Bối Duật Minh đều rất xuất sắc. Các con trai đều tốt nghiệp ĐH Harvard và theo đuổi lĩnh vực xây dựng như cha mình, còn con gái tốt nghiệp ngành luật ở ĐH Columbia danh giá.

Vì phải làm việc quanh năm, Bối Duật Minh nhận thấy trong việc giáo dục gia đình, sự quan tâm chăm sóc của mẹ là quan trọng hơn cả, có thế đời sau mới không lụn bại. Ông và vợ luôn cố gắng sắp xếp cuộc sống gia đình một cách ngăn nắp nhất.

"Lúc đó chúng tôi ở nội trú, mẹ rất thân với chúng tôi, nhưng mặt khác, lại hơi có khoảng cách với bố, giúp bố chuyên tâm làm việc. Mẹ thường tụ tập và ở bên chúng tôi". Vào mùa hè, chúng tôi sẽ cùng nhau đi nghỉ ở ngoại ô", người con út Bối Lễ Trung nhớ lại.

"Mẹ luôn dạy chúng tôi về cách hòa đồng với mọi người và nhìn nhận thế giới. Ảnh hưởng của bà ấy tràn ngập cuộc sống của chúng tôi ngày qua ngày."

16273733876201050128724-1627436894.jpg

Trong mắt con cái, Lục Thư Hoa được miêu tả là "một người phụ nữ rất thanh lịch, trí tuệ" và là "vũ khí bí mật của người cha".

"Họ tôn trọng lẫn nhau, rất tình cảm và cũng rất hài hước. Tôi dám khẳng định rằng họ có thể nói là một đôi được ông trời tác hợp", người con cả cho biết.

Với gu thẩm mỹ tao nhã, đôi mắt tinh tường và khả năng phán đoán tính cách con người sắc sảo, Lục Thư Hoa đã trở thành "nhà tư vấn thân cận nhất, trợ lý đắc lực nhất và người bạn tâm giao hiếm có nhất" của Bối Duật Minh.

Trong một gia đình, sự giàu có thực sự không nằm ở số tiền, mà nằm ở sự hòa hợp của các mối quan hệ. Chính vì hiểu được điều đó nên Bối Duật Minh và Lục Thư Hoa mới có thể bên nhau hạnh phúc suốt 77 năm, cho đến tận giây phút cuối cùng.

Năm 2019, Bối Duật Minh đã qua đời, thọ 102 tuổi. Thế nhưng, nhờ sự giáo dục sát sao của ông, truyền thông gia đình nhà họ Bối sẽ vẫn tiếp tục trường tồn theo thời gian đến thế hệ mai sau.

Đạo đức, gia phong chính là tài sản quý giá nhất của mỗi gia tộc. Giữ được những điều này, gia tộc mới trường tồn. Trên thế gian này không có điều gì là vĩnh cửu, tiền tài rồi sẽ tan đi theo mây khói, nhưng gia phong và truyền thống gia tộc sẽ là cái giữ gìn và phát triển các gia tộc.

(Theo Zhihu)

Theo Tú Khê/Trí thức trẻ