Sau nhiều năm im lặng, ông Nhậm Chính Phi, người sáng lập tập đoàn Huawei đã lần đầu lên tiếng về những nghi vấn gián điệp các quốc gia phương Tây.
Trả lời phỏng vấn Bloomberg, ông Nhậm Chính Phi phủ nhận những cáo buộc Huawei làm việc cho chính phủ Trung Quốc. Ông Nhậm cho rằng công ty của mình không hề có những mối liên hệ ràng buộc với chính phủ, và đang ở trong giai đoạn khó khăn nhất từ ngày thành lập.
Quan điểm chính trị không ảnh hưởng tới kinh doanh
“Tôi yêu đất nước của tôi, và tôi ủng hộ Đảng Cộng sản. Tuy nhiên tôi sẽ không làm gì ảnh hưởng tới thế giới. Tôi không thấy có mối liên hệ gì giữa quan điểm chính trị của cá nhân tôi và cách kinh doanh của Huawei”, ông Nhậm nói trong lần đầu tiên trả lời phỏng vấn phóng viên nước ngoài kể từ năm 2015.
Ông Nhậm Chính Phi trả lời phỏng vấn tại Thâm Quyến, Trung Quốc. Ảnh: Bloomberg.
Ông cũng cho biết mình sẽ từ chối bất kỳ yêu cầu nào của chính phủ nếu phải đưa ra những thông tin nhạy cảm của khách hàng. Bên cạnh đó, ông cũng cho rằng Huawei không đóng vai trò đáng kể trong căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.
“Huawei luôn đứng về phía khách hàng để đảm bảo quyền riêng tư và an ninh mạng. Huawei chỉ là một hạt vừng nhỏ trong căng thẳng thương mại giữa hai nước. Ông Trump là một vị tổng thống tuyệt vời. Ông ấy chấp nhận cắt giảm thuế rất nhiều, giúp nhiều ngành nghề phát triển. Tuy nhiên cũng cần phải đối xử một cách phù hợp với các công ty và quốc gia khác để họ có quyết tâm đầu tư vào Mỹ, nhờ đó chính phủ mới có thể thu thêm thuế”, người sáng lập Huawei khẳng định.
Mặc dù tình hình kinh doanh đang gặp nhiều khó khăn, ông Nhậm tự tin doanh thu của Huawei có thể đạt 125 tỷ USD trong năm 2019, tăng mạnh so với mức 100 tỷ USD của năm 2018.
“Huawei không phải là một công ty đại chúng, nên chúng tôi không cần những báo cáo kinh doanh với số liệu đẹp. Nếu như có một số thị trường không muốn Huawei xuất hiện, chúng tôi có thể thu hẹp quy mô một chút. Miễn là chúng tôi có thể tồn tại và đủ tiền trả lương cho nhân viên, thì chúng tôi vẫn còn tương lai”, người sáng lập Huawei khẳng định.
Doanh thu Huawei tăng nhanh hơn nhiều so với đối thủ Cisco trong những năm gần đây. Ảnh: Bloomberg.
Huawei là một trong những công ty viễn thông lớn nhất thế giới, đồng thời cũng là công ty hàng đầu về công nghệ mạng 5G. Tài liệu năm 2018 của Bộ Ngân khố Mỹ cho thấy Huawei sở hữu khoảng 1/10 số bằng sáng chế quan trọng về công nghệ mạng 5G. Công ty Trung Quốc chắc chắn sẽ đóng vai trò quan trọng khi thế giới dần chuyển sang mạng 5G.
“Tôi là một người luôn ủng hộ những tiêu chuẩn công nghệ thống nhất trên toàn thế giới”, ông Nhậm chia sẻ.
Nhà sáng lập kín tiếng
Ông Nhậm Chính Phi thành lập công ty Huawei cùng 4 người khác vào năm 1987 với số vốn ban đầu khoảng hơn 3.000 USD. Trước đó, ông từng là quân nhân trong Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA).
Huawei bắt đầu bằng việc kinh doanh thiết bị viễn thông, sau đó kỹ thuật viên của công ty đã có thể tự nghiên cứu và sản xuất các bộ thu phát tín hiệu. Trong năm qua, Huawei đã vượt qua Apple để trở thành thương hiệu smartphone lớn thứ hai thế giới.
Tại Trung Quốc, ông Nhậm được coi như là một “huyền thoại” trong lĩnh vực kinh doanh và công nghệ. Nhiều câu nói của ông được dán lên tường ở phòng ăn của nhân viên tại trụ sở Huawei, và nhân viên vẫn luôn nói về nhà sáng lập của công ty với giọng kính trọng.
Khuôn viên trụ sở Huawei tại Thâm Quyến. Ảnh: Bloomberg.
Ông đã rời vị trí quản lý của Huawei từ năm 2011, và đưa ra một mô hình chủ tịch luân phiên độc đáo. Những vị chủ tịch trẻ tuổi hơn sẽ giữ vị trí trong vòng 6 tháng. Tuy nhiên, ông Nhậm vẫn được coi là một gương mặt đại diện của công ty trong nhiều dịp quan trọng, như khi ông tháp tùng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới thăm văn phòng Huawei tại Anh năm 2015.
Số liệu năm 2017 của Huawei cho thấy ông nắm 1,4% cổ phần công ty, tương đương số tài sản khoảng 2 tỷ USD.
Ông Nhậm đã không trả lời phỏng vấn các báo nước ngoài từ năm 2015. Sự xuất hiện của ông cho thấy mức độ nghiêm trọng của các vấn đề đang xảy ra với Huawei, biểu tượng của ngành công nghệ Trung Quốc. Trước đó, hàng loạt lãnh đạo của Huawei, bao gồm chủ tịch hiện tại là ông Ken Hu đã lên tiếng về những cáo buộc gián điệp, làm lộ thông tin của Huawei.
Đầu tháng 12/2018, Giám đốc tài chính của Huawei, cũng là con gái ông Nhậm, bà Mạnh Vãn Châu đã bị bắt tại Canada. Bà Mạnh đồng thời là Chủ tịch hội đồng quản trị tại công ty Skycom Tech.
Mỹ cáo buộc Skycom Tech đã bán các thiết bị viễn thông cho Iran từ năm 2009-2014, trong khi Iran vẫn đang bị Mỹ cấm vận. Là công ty viễn thông hàng đầu Trung Quốc, Huawei bị Mỹ coi là một đối tượng nguy hiểm có thể phá hoại an ninh quốc gia. Mỹ tuyên bố không sử dụng các thiết bị viễn thông của Huawei.
Sau những phiên xét hỏi, bà Mạnh đã được cho tại ngoại vào ngày 12/12, chờ phán quyết tiếp theo của tòa án.
Những rắc rối của Huawei còn đến từ sự tẩy chay của nhiều nhà mạng châu Âu, như BT của Anh, Orange của Pháp và Deutsche Telekom của Đức. Trước đó, hai nước là New Zealand và Australia đã ngăn các công ty viễn thông sử dụng thiết bị Huawei cho mạng di động 5G. Tại Mỹ, Huawei gần như không có hoạt động kinh doanh gì. Trong một bài phỏng vấn trước đó, chủ tịch Huawei Ken Hu cho rằng chính phủ Mỹ đã làm khó Huawei.
Rắc rối mới nhất của Huawei là vụ một lãnh đạo của họ bị bắt giữ vào cuối tuần trước tại Ba Lan với cáo buộc gián điệp. Ngay sau đó, Huawei đã sa thải và tuyên bố hành động của người này "không liên quan đến công ty".
theo Zing.vn