Sinh nhật 10 tuổi Winmart

‘Chấm dứt hợp tác với Nga, các nước EU thiệt hại hơn 550 tỷ USD’

19/03/2022 06:49

Đó là nhận định của ông Sergey Katyrin, người đứng đầu Phòng Thương mại và Công nghiệp Nga (CCI).

‘Chấm dứt hợp tác với Nga, các nước EU thiệt hại hơn 550 tỷ USD’

EU cho tới nay đã thông qua 4 vòng trừng phạt lên Nga kể từ khi nước này thực hiện chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.

"Những cái đầu nóng thúc giục các nước EU cắt đứt mọi hợp tác kinh tế với Nga. Điều này sẽ khiến EU thiệt hại ít nhất khoảng 500 tỷ euro (551 tỷ USD) - thanh lý thương mại cộng với việc rút các khoản đầu tư, trong khi đó là những mối quan hệ đôi bên cùng có lợi“, ông Katyrin trả lời phỏng vấn hãng tin TASS ngày 18/3.

Theo ông Katyrin, điều hợp lý nhất trong thời điểm đầy thử thách này là giữ được nguồn vốn tích lũy từ các mối quan hệ kinh doanh và con người.

Theo Phó Chủ tịch CCI Vladimir Padalko, tong năm 2021, kim ngạch thương mại giữa Nga và EU đạt 282 tỷ USD, tăng 47% so với năm 2020.

EU cho tới nay đã thông qua 4 vòng trừng phạt lên Nga kể từ khi nước này thực hiện chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, bao gồm đóng băng tài sản của Ngân hàng trung ương Nga và loại một số ngân hàng Nga và Belarus khỏi hệ thống thông tin thanh toán quốc tế SWIFT.

Ở đòn trừng phạt gần nhất, EU đã ra lệnh cấm đầu tư vào lĩnh vực năng lượng của Nga, xuất khẩu hàng hóa xa xỉ và nhập khẩu các sản phẩm thép từ nước này.

Giới chức EU cũng ra lệnh cấm hoàn toàn các giao dịch với một số doanh nghiệp nhà nước của Nga có liên quan đến khu phức hợp công nghiệp-quân sự của nước này.

Theo đó, các công ty EU cũng sẽ không còn được phép xuất khẩu bất kỳ hàng hóa xa xỉ nào trị giá hơn 300 euro, bao gồm cả đồ trang sức sang thị trường Nga.

Loạt lệnh trừng phạt này không chỉ tác động xấu tới Nga mà cũng khiến kinh tế EU trở nên lao đao.

Cơ quan thống kê Eurostat ngày 17/3 cho biết, lạm phát giá tiêu dùng tháng 2 ở châu Âu đã tăng 5,9% so với 0,9% cùng kỳ năm ngoái, đánh dấu mức tăng kỷ lục.

Mức tăng đột biến cao nhất được ghi nhận trong lĩnh vực năng lượng, tiếp theo là dịch vụ, thực phẩm, rượu, thuốc lá và hàng công nghiệp phi năng lượng. Giá xăng tại các trạm xăng ở Châu Âu đã tăng gần gấp đôi trong tháng 3 lên khoảng 2 Euro/lít.

Điều này xảy ra khi Nga bắt đầu trả đũa các lệnh trừng phạt của EU để duy trì hoạt động của nền kinh tế. Nga mới đây công bố danh sách 200 mặt hàng trong nhiều lĩnh vực bị cấm xuất khẩu, bao gồm nhiều loại thiết bị máy móc và phương tiện vận tải như toa xe lửa, container hay tuabin…

Nga cũng cấm xuất khẩu một số loại gỗ đến 48 quốc gia và vùng lãnh thổ bị đưa vào danh sách "không thân thiện" với nước này, bao gồm Mỹ và các nước EU.

Hiện điều đáng lưu tâm là liệu Nga có cắt giảm nguồn cung cấp dầu và khí đốt cho các quốc gia châu Âu hay không. Theo các nhà phân tích, điều này sẽ đẩy giá năng lượng và đẩy nền kinh tế của khu vực vào suy thoái.

Theo Mộc An/VietnamFinance