“Mình từng học lớp chuyên Toán, trường Phổ thông năng khiếu TPHCM. Có thời điểm, khi họp lớp, đa số các thành viên đã trở thành quản lý, đi học nước ngoài, hay trở thành tiến sĩ. Còn mình nhìn lại sau 5-6 năm khởi nghiệp thì thất bại ê chề, sụp đổ, mất hết hoàn toàn. Mình đã nghĩ có khi mình sai thật”, Founder gọi vốn thành công 9 triệu USD Lê Hoàng Nhật tâm sự.
Sở hữu công ty công nghệ 50 người, có trong tay hơn 11 ứng dụng mobile đang kinh doanh trên thị trường, nhận được cam kết đầu tư triệu USD, nhưng ít ai biết chàng trai Lê Hoàng Nhật từng có giai đoạn giai đoạn nợ nần, mất bạn, bị mẹ đuổi ra khỏi nhà vì không chịu đi làm công ăn lương…
Sau khi tốt nghiệp trường ĐH Bách Khoa TPHCM, khoa Công nghệ Thông tin, thay vì đầu quân cho các công ty, chàng trai sinh năm 1988 lựa chọn ở nhà tự mày mò, phát triển các dự án của mình.
“Thấy bạn bè mình tốt nghiệp rồi đi làm, thu nhập ổn định. Bố mẹ cũng hỏi tại sao mình không chịu đi làm? Thật ra, mình từng làm chuyên viên phân tích tài chính cho một công ty Nhật Bản từ năm thứ ba đại học. Song, môi trường công sở ổn định trong khi mình muốn làm nhiều cái hơn, nên tốt nghiệp xong thì mình xin nghỉ. Thay vì đi làm, mình dành thời gian mày mò, thí nghiệm những ý tưởng riêng”, Nhật chia sẻ.
5 năm sau khi tốt nghiệp, Nhật tham gia và đồng sáng lập nhiều dự án Startup, bao gồm ứng dụng tìm kiếm địa điểm vui chơi giải trí, viết game khám phá thành phố, dự án giáo dục phi lợi nhuận và nhiều dự án nhỏ khác….
Vì làm Startup, CV của Nhật “trống trơn”, tuổi thì càng ngày càng lớn, kỹ năng không chuyên sâu một mảng nào nên rất khó xin việc trong các công ty lớn. Nhiều lần bố mẹ Nhật khuyên can đi làm không được, đành dùng biện pháp mạnh - Đuổi con ra khỏi nhà.
Không muốn giải thích nhiều, Nhật dọn ra ở riêng trong một phòng trọ chật hẹp, bắt đầu những tháng ngày “lang bạt”.
Để "nuôi" những dự án của mình, mỗi tuần Nhật dành 30 tiếng cho việc gia sư môn Toán, 40 tiếng cho dự án khởi nghiệp. Đến năm 2015, lịch trình kín mít đến nỗi anh phải dậy sớm từ 5h30, đi bán súp cua và sữa đậu nành đến 9h, rồi làm Startup công nghệ của mình đến chiều. Tối tối, anh đi dạy thêm và quản lý dự án quán cà phê đến khuya.
Tuy vậy, tất cả các dự án của Nhật khi đó dù có được ít tiếng tăm thì cũng đều không thành công khi ra thị trường.
“Cách của mình là hay tự suy diễn nội tâm. Mình không chủ động ra ngoài mà thích tự nghiên cứu tìm hiểu hơn. Thất bại cũng vì nguyên nhân đó, mình làm cái mình thích chứ không phải cái thị trường cần.” – Nhật lý giải về nguyên nhân thất bại những dự án đầu tiên.
Sau những dự án này, Nhật không chỉ mất đi tiền bạc, mà còn mất đi những bạn bè thân thiết. Nhưng chúng cũng để lại cho anh nhiều bài học đắt giá về thị trường, sự rõ ràng khi quản lý và phân quyền…
Rút kinh nghiệm từ những lần khởi nghiệp không tạo ra cái thị trường cần. Ý tưởng về Ami được sinh ra từ bài toán thực tế.
Một lần, Nhật tình cờ nghe nhóm bạn đang quản lý các phòng cho thuê bị quá tải vì phải giải quyết các vấn đề đăng ký, theo dõi hóa đơn điện nước, tiền nhà, sửa chữa hư hỏng của hàng trăm khách hàng. Và tình trạng càng ngày càng trở nên nghiêm trọng, vì khách hàng ngày một đông hơn.
“Khách trả phòng không ai báo, khách hư điện, hư nước ko ai sửa. Mình thấy các bạn mất kiểm soát, phụ thuộc nhân sự rất nhiều và làm đến đâu, tự nghĩ đến đó. Dưới góc nhìn của mình, nếu các bạn muốn mở rộng quy mô 10 lần, các bạn cần hệ thống quản lý tốt bằng ứng dụng, phần mềm”, Nhật kể.
Tháng 5/2016, anh bắt đầu ý tưởng về một ứng dụng di động có khả quản lý bất động sản cho thuê.
Thiếu vốn, Nhật nhờ chính các bạn khách hàng của mình cho mượn một căn phòng, và “đầu tư” 10 triệu đồng/tháng để anh có thêm 2 kỹ sư phần mềm làm ứng dụng cùng với 2 đồng sáng lập khác. Thời điểm này, anh vẫn tiếp tục làm gia sư để duy trì cuộc sống.
Lắng nghe ý kiến từ người quản lý dự án, Nhật tìm hiểu, phân tích vấn đề, và đưa ra các giải pháp thử nghiệm.
Sau nhiều lần đang làm thì vốn bị đứt, rồi lại được giúp đỡ, tháng 5/2017, ứng dụng quản lý bất động sản đầu tiên của Ami ra đời.
Ami Manager là ứng dụng giúp chủ nhà có thể quản lý thông tin bất động sản, cư dân, tạo và gửi hóa đơn điện tử cho người thuê nhà. Đồng thời các cư dân cũng có thể kết nối lẫn nhau và tương tác với chủ nhà.
Tuy ứng dụng Ami đã giải quyết được bài toán của khách hàng, nhưng Nhật vẫn gặp khó khăn ở mô hình doanh thu và phát triển khách hàng.
“Ban đầu thì mình bán phần mềm cho khách hàng với giá 2 USD một phòng. Tuy nhiên, việc thay đổi thói quen là một quá trình dài, không chỉ với khách hàng mà cả nhân viên trực tiếp sử dụng. Một rào cản khác nữa là tâm lý người Việt Nam là dùng phần mềm miễn phí ” – Nhật chia sẻ.
Để giải quyết vấn đề này, tháng 10, năm 2017, Nhật quyết định đổi mô hình từ bán phần mềm sang là bán dịch vụ: thay vì bán phần mềm 2 USD thì anh sử dụng nhân viên của mình để cung cấp dịch vụ quản lý phòng với mức giá 7 USD/tháng.
Tháng 12/2017, nhận thấy tiềm năng của dự án, một tập đoàn trong nước đã quyết định cam kết đầu tư số tiền 9 triệu USD, tương đương 200 tỷ đồng cho Ami để phát triển đội ngũ và sản phẩm. Nhật chia sẻ, đó là bước ngoặt lớn nhất trong quá trình anh làm Startup công nghệ này.
Ami là tên người đầy tớ tin cậy của vua Solomon trong Kinh Thánh. Theo tiếng Hebrew của người Do Thái, Ami có nghĩa là “đáng tin cậy”. Nhật mong muốn Ami sau này trở thành quản gia đáng tin cậy cho tất cả mọi người.
Với tầm nhìn xây dựng một thành phố thông minh, Internet kết nối vạn vật, Ami gồm có 11 ứng dụng: Ami A Biz, Ami Citizen, Ami University, Ami Building Staff, Ami Electricity, Ami Fingerprint, amirooms.com, Ami Hero, Ami Manager, Ami Landlord, Ami Pay…
Hiện tại Ami được sử dụng cho 1.500 phòng cho thuê, hợp tác với 3 khu chung cư lớn. Ami University cũng đang được Học viện Nông nghiệp Việt Nam thí điểm sử dụng. Ứng dụng Ami A Biz sử dụng công nghệ blockchain cũng mới được thí điểm trong việc ngăn chặn nạn bán vé giải cho giả đấu U23 Cúp Tứ hùng.
Kiên trì để đạt được những thành công như vậy, song ít ai biết Nhật cũng từng có những giai đoạn vô cùng chông chênh, hoài nghi về chính mình.
Anh chia sẻ: “Mình từng học lớp chuyên Toán, trường Phổ thông năng khiếu TPHCM. Có thời điểm, khi họp lớp, đa số các thành viên đã trở thành quản lý, đi học nước ngoài, hay trở thành tiến sĩ. Còn mình nhìn lại sau 5-6 năm khởi nghiệp thì thất bại ê chề, sụp đổ, mất hết hoàn toàn. Mình đã nghĩ có khi mình sai thật”.
“Tuy vậy, mình cần hiểu con người của mình. Khi mình hiểu rồi, quyết tâm cho nó, hi sinh cho nó, mình sẽ có thành quả tốt nhất. Mình thích câu của Einstein, mình biết mình là cá thì mình ra biển lớn, là chim thì bay ra trời xanh. Mình sẽ chọn nơi phù hợp với mình, đừng so đo”, Nhật nói.
Nhật cũng chia sẻ thêm, hiện tại các Startup thành công rất muốn tìm được nhân viên từng…Startup thất bại. Bởi đó là những con người “chung ngôn ngữ”, lăn lộn, có nhiều tinh thần chiến đấu.
Theo Trí Thức Trẻ
Thanh Huyền
Theo Trí Thức Trẻ