Bên cạnh danh sách bình chọn 30 Under 30 năm 2018, Forbes đặc biệt chú ý tới 10 gương mặt bước đầu hứa hẹn triển vọng tiến xa hơn trong những lĩnh vực họ đang làm. Một trong số họ là Phạm Hy Hiếu, gương mặt quen thuộc của làng toán Việt Nam cách đây không lâu.
Hiện Phạm Hy Hiếu tập trung nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo, tham gia chương trình nghiên cứu sinh tiến sĩ CMU. Theo Forbes, từ 2015-2017, Hiếu công bố 6 báo cáo khoa học trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, máy học với 630 lần được trích dẫn.
Ăn ngủ với toán học
Phạm Hy Hiếu sinh năm 1992 tại Thành phố Hồ Chí Minh. Từ năm lớp 4 Hiếu bắt đầu thích học Toán. Tuy nhiên 4 năm học trung học cơ sơ, cậu bé tự nhận mình vào hàng kém nhất lớp đối với môn học này. Chính vì kết quả học tập không tốt đặc biệt với môn Toán nên bố Hiếu không thích việc cậu cố gắng thi vào trường Phổ thông năng khiếu (PTNK) và khuyên cậu học trường thường cho đỡ vất vả.
Thi đỗ PTNK là bước ngoặt của Hiếu khi gặp được thầy giáo khơi dậy niềm đam mê toán học. Với Hiếu lúc này việc giải toán là điều mang lại nhiều hứng thú nhất. Từng chia sẻ với báo Dân trí, cậu cho biết mỗi lần giải được bài toán khó đều cảm giác thỏa mãn giống như người khác bứt phá được một kỷ lục nhảy cao hoặc chạy nước rút.
Cách học toán của Hiếu cũng có kế hoạch cụ thể như vạch ra mục tiêu nội dung môn học và hoàn thành trong 1 quãng thời gian nhất định thay vì lên giờ học từng ngày. Năm lớp 10 Hiếu giành được huy chương vàng Olimpiad 30/4, huy chương bạc Singapore Mathematical Olimpiad, giải khuyến khích HN-AMS Olimpiad. Sang năm lớp 11, Hiếu đạt giải 3 quốc gia môn toán, huy chương bạc toán Olympic quốc tế IMO 2009 và nhiều giải thưởng khác.
Phạm Hy Hiếu năm 2009. Ảnh: Dân Trí.
Ước mơ của cậu học trò Phạm Hy Hiếu lúc này là được nhận vào học một trường đại học nào đó tại Mỹ với chuyên ngành toán ứng dụng sau đó chuyển hướng sang tài chính cũng nhu cố gắng lấy bằng tiến sỹ trước 30 tuổi.
Tấm huy chương bạc Olympic quốc tế môn Toán năm 2009 đem lại học bổng toàn phần Đại học quốc gia Singapore cho Phạm Hy Hiếu. Thế nhưng điều bất ngờ là bố mẹ bắt Hiếu từ chối và khuyên ở nhà 1 năm luyện thi TOEFL và SAT để xin học bổng tại Mỹ. Theo báo Tuổi trẻ, năm 2011, 5 trường đại học nổi tiếng chấp nhận nhận học. Hiếu quyết định chọn ngành khoa học máy tính của ĐH Stanford với học bổng toàn phần cho cả 4 năm học tại đây.
Để có suất học bổng này, Hiếu cũng phải đánh đổi thời gian để học tiếng anh, kỹ năng Toán bị hao mòn dần. "Mỗi ngày, để nạp thêm 30 từ vựng SAT thì tôi lại quên mất một phương trình toán học. Đến khi bước vào Stanford, tôi mang một cái đầu trống rỗng và một trái tim đã nguội lạnh đam mê", Hiếu từng chia sẻ.
Giết chết đam mê để tìm một đam mê khác
Con đường vào Stanford không trải đầy màu hồng. Thời gian đầu Hiếu không thích học bất cứ môn nào kể cả Toán. Điều làm anh hứng thú là tham gia các cuộc thi mang tính Olympic nhưng lại rất hiếm tại bậc học Đại học. Từ đó Hiếu chuyển qua các cuộc thi lập trình trong đó có cuộc thi lập trình quốc tế ACM/ICPC. Nhóm của Hiếu đoạt giải nhì khu vực Bắc Thái Bình Dương năm 2012.
Xác định được yêu thích tin học hơn toán học, Hiếu tập trung vào công việc học tập nghiên cứu đồng thời tìm hiểu để được vào thực tập tại các công ty lớn như Google, Facebook, Microsoft, Apple, Snapchat, Whatsapps.
Năm thứ 2 đại học Hiếu vượt qua phỏng vấn thực tập sinh của Google nhưng không được nhận với lý do thiếu kinh nghiệm và không hợp với đề án. Điều này khiến Hiếu tổn thương vì cho rằng lý do từ chối quá cảm tính và quyết tâm sẽ cho Google nhận ra sai lầm của họ.
Năm thứ 3 Google quay lại mời Hiếu thực tập nhưng anh từ chối. Một năm sau Hiếu lại được Google mời làm việc chính thức nhưng anh vẫn từ chối vì chính sách của gã khổng lồ tìm kiếm với thực tập sinh vẫn như cũ.
Trong thời gian này, Hiếu được một công ty chuyên làm phần mềm ảo có tên Vmware nhận thực tập và thay đổi quan điểm về khoa học máy tính của anh. Theo đó máy tính và các kỹ thuật lập trình để phục vụ cuộc sống con người thay vì giải quyết những bài toán nặng về đấnh đố. Từ đó Hiếu chọn hướng đi tập trung vào trí tuệ nhân tạo. Luận văn của anh được giải thược Luận văn khoa học máy tính xuất sắc nhất cả Đại học Stanford.
Năm 2015, Phạm Hy Hiếu (áo trắng) nhận giải thưởng "The Ben Wegbreit" dành cho sinh viên có luận văn xuất sắc nhất tại Đại học Stanford. Ảnh: P.H/Vnexpress.
Hướng đi này mở ra nhiều cơ hội làm việc cho nhiều tập đoàn tại Mỹ đối với Hiếu. Microsoft mời anh về nhóm phát triển phần mềm trợ lý ảo Cortana, Facebook mời làm phân tích các bài đăng của người dùng bằng nhiều ngôn ngữ, Apple mời làm phát triển Siri. Tuy nhiên Hiếu từ chối tất cả và quyết định ứng tuyển chương trình tiến sỹ của đại học Carnegie Mellon và được học bổng 5 năm nghiên cứu tại đây.
Năm 2016, lần thứ 3 Google mời Hiếu làm việc với dự án phát triển các ứng dụng của mạng neuron Google Brain. Dự án này đem lại hứng thú cũng như Hiếu nhận ra có sự thay đổi trong chính sách thực tập sinh nên anh đồng ý làm việc cho tập đoàn này.
Hiện tài khoản của Phạm Hy Hiếu tại mạng hỏi đáp mở Quora có hơn 2800 người theo dõi. Anh cũng thường xuyên trả lời những câu hỏi về lĩnh vực khoa học máy tính, trí tuệ nhân tạo. "Bằng cách giết chết một đam mê của mình để tìm một đam mê mới, tôi đã học bài học này một cách khó khăn. Con đường đến thành cong không đơn giản, nhưng có đam mê là bạn đã có lộ phí rồi", Hiếu từng chia sẻ với báo Vnexpress.
Trí thức trẻ