Đất Bắc có đại gia Xuân Trường xây Bái Đính-Tràng An uy nghi thì đất Nam có đại gia Dũng “lò vôi” dựng Đại Nam bề thế.
Tọa lạc tại 1765A Đại lộ Bình Dương, phường Hiệp An, thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương, Đại Nam có thể được coi là siêu dự án tâm linh kết hợp du lịch đầu tiên của Việt Nam.
Khởi công xây dựng từ năm 1999 và mất ròng rã 9 năm để có thể mở cửa đón khách lần đầu tiên, siêu dự án Đại Nam tiêu tốn của chủ đầu tư đứng sau tới 6.000 tỷ đồng. Tuy nhiên kết quả mang lại hoàn toàn xứng đáng khi mỗi năm, Đại Nam ghi nhận hàng triệu lượt khách cả trong nước lẫn quốc tế tới thăm quan, doanh thu trung bình hơn 300 tỷ đồng.
Chỉ có điều trước khi dự án này thành công, người chủ đầu tư đã nhận không ít phản hồi tiêu cực từ cả cộng đồng lẫn giới chuyên môn về kiến trúc. Người ta chê mô hình thiếu chiều sâu, tùy hứng, nhìn chỉ giống phim cổ trang Trung Hoa, chê ông chủ phía sau "khùng, điên", tự nhiên "bỏ tiền tỷ, thu bạc cắc".
Người đàn ông đó không ai khác chính là doanh nhân Huỳnh Uy Dũng, thường được biết đến với tên gọi "Dũng lò vôi’.
Từ ông chủ lò vôi đến người xây Đại Nam nghìn tỷ
Ông Dũng sinh năm 1961 tại Bình Định. Trên thực tế, tên khai sinh của ông là Huỳnh Phi Dũng nhưng sau đó ông tự đổi thành Huỳnh Uy Dũng, với mong muốn cuộc đời bớt sóng gió, gian nan.
Đúng với biệt danh "Dũng lò vôi", quá trình lập nghiệp của vị doanh nhân này cũng bắt đầu từ chiếc lò vôi.
Theo đó, sau quá trình xuất ngũ, vì quá nghèo khổ, ông mở lò vôi, sản xuất các loại vôi quét tường, vôi bột công nghiệp. Xí nghiệp làm ăn phát đạt khiến Dũng "lò vôi" bắt đầu phất lên. Và biệt danh "Dũng lò vôi" gắn liền với tên tuổi của ông từ ấy.
Sau này, khi việc kinh doanh vôi đi xuống, ông bán lò vôi, chuyển qua làm sơn mài với chức giám đốc Công ty sơn mài Thanh Lễ thuộc tỉnh Sông Bé - nay là tỉnh Bình Dương. Đến năm 1996, ông Dũng nghỉ công việc nhà nước, chuyển ra làm kinh doanh riêng.
Ông là người tiên phong xây dựng mô hình khu công nghiệp hiện đại đầu tiên tại Bình Dương cũng như Việt Nam, sở hữu trong tay nhiều bất động sản và tài sản "khủng" như: Khu công nghiệp Sóng Thần 2, Khu công nghiệp Sóng Thần 3, Khu đô thị Trung Tâm hành chính huyện Dĩ An, Khu dân cư Sóng Thần, Khu đô thị thương mại dịch vụ Sóng Thần…
Tuy nhiên, khu du lịch kết hợp tâm linh Lạc cảnh Đại Nam Văn Hiến (Đại Nam) mới là công trình đưa tên tuổi ông Dũng vượt xa khỏi đất Bình Dương.
Khu du lịch Lạc Cảnh Đại Nam Văn Hiến ở Bình Dương của đại gia Dũng "lò vôi" rộng 450 ha, kinh phí đầu tư 6.000 tỷ đồng.
Vào những năm cuối thế kỷ 20, nơi đây vẫn chỉ là một vùng đất hoang sơ, có chỗ là rừng cao su bạt ngàn. Ông Huỳnh Uy Dũng khi đó nắm quyền thuê gần 500ha đất đã biến địa điểm này trở thành một trong những khu du lịch nổi tiếng bậc nhất phía Nam.
Với diện tích 450 ha, Đại Nam là quần thể du lịch tâm linh gồm nhiều đền thờ, với các pho tượng, phù điêu, linh vật thờ cúng được chạm trổ tinh vi, dát vàng. Đi kèm đó là một loạt các công trình như: Khu trò chơi hiện đại, Vườn thú Đại Nam, Dãy núi Bảo Sơn,…
Điểm đặc biệt là công trình hoàn toàn không tốn tiền thiết kế bởi ông Dũng đã tự nghĩ ra phối cảnh, tự hình dung bản mẫu sau đó đích thân chỉ đạo công việc xây dựng, quản xuyến tới từng viên gạch, từng bao xi măng.
Sau này, dưới sự điều hành của vợ kế ông Dũng, bà Nguyễn Phương Hằng, Đại Nam có thêm những mô hình mới như biển nhân tạo, trường đua phức hợp "5 trong 1", nơi có thể tổ chức được cả đua ngựa, đua chó, đua mô tô phân khối lớn lẫn đua xe F1.
Biển nhân tạo Đại Nam.
Đại gia theo Đạo Phật
Ông Huỳnh Uy Dũng được cho là một trong những người giàu nhất Việt Nam. Theo các công ty kiểm toán, khối tài sản của ông Dũng có thể lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng nếu cổ phần hóa. Tuy nhiên như đã từng chia sẻ trên báo chí, đại gia này không quá để tâm đến tiền bạc bởi ông xác định, tiền bạc chỉ là vật ngoài thân.
"Tôi thấy tiền bạc chỉ là phương tiện duy trì sự sống, không phải cái tôi đi tìm. Cái tôi đi tìm sâu xa hơn, màu nhiệm hơn, trên nền tảng thánh thiện mới tìm được nó. Tôi đã quyết định dừng lại, và suốt 10 năm trời xây dựng Đại Nam, quyết tâm để lại cho đời một khu du lịch tâm linh".
"Lấy vật chất làm của, của sẽ rời xa ta. Lấy phúc đức làm của, phúc theo ta suốt đời. Bao nhiêu năm làm kinh doanh, tôi hiểu chết có mang theo gì đâu, nên biết dừng lại sớm, không chiếm hữu", ông Dũng cho biết.
Ông Huỳnh Uy Dũng, chủ sở hữu dự án du lịch tâm linh Đại Nam. Ảnh: Maika Elan,
Có thể, trong kinh doanh, nhiều người nhìn nhận Dũng "lò vôi" là một cá nhân quyết liệt, thậm chí "khùng khùng", thích phát ngôn "ngông cuồng" thì ngoài đời, ông lại là một người mộ đạo, hết lòng tin theo Phật giáo. Từ khi khởi công xây dựng công trình Lạc Cảnh Đại Nam Văn Hiến đến lúc cơ bản hoàn thành, ông Dũng ăn chay trường.
Trước thực tế gần đây một số doanh nhân cũng hướng về tâm linh, đi theo đạo Phật, ông Dũng cho biết Đạo Phật là khoa học, lấy trí tuệ làm sự nghiệp, người đi theo học Phật giống như người đi tìm sự thật. Tuy nhiên trong quan niệm của ông, dấn thân vào con đường tâm linh rất dễ nhầm lẫn vì Phật Thánh thực tế không làm thay được việc của con người.
"Con đường đó để khai mở trí tuệ, không phải mê tín dị đoan, nhưng lúc đầu tôi cũng bị vướng vô mê tín dị đoan, phải tu tập, giống như sửa mình".
Là một Phật tử, Huỳnh Uy Dũng thừa nhận kinh tế chỉ dùng để xác định mức sống con người, còn đạo đức mới là yếu tố quyết định thịnh suy. Vậy nên ông không bao giờ "cầm đồng bạc khiến ai rơi nước mắt".
"Trong lịch sử đền bù đất đai của tôi ở khắp nơi, chưa có nơi nào người dân oán than cả. Con người phải nương nhau để sống, ta có lời người có lài, thôn tính là tư tưởng kinh doanh bá đạo. Nếu hôm nay mình dùng tri thức để móc túi người ta thì ngày mai mình sẽ bị lấy lại".
"Tôi không dám chỉ trích ai, ngay cả trong gia đình. Tu tập là tự nguyện, không chấp, không đụng chạm ai, không một mất một còn, mà đặt phúc đức trên hết", ông chủ Đại Nam cho biết.
Nhật Anh (tổng hợp)
Theo Trí Thức Trẻ