Sinh nhật 10 tuổi Winmart

Chân dung 'đội quân' kỳ lạ không biết gì về tài chính nhưng đã giúp tạo nên một trong những cú hồi phục vĩ đại nhất lịch sử TTCK Mỹ

13/06/2020 16:02

Mức tăng 45% so với đáy hồi tháng 3 của chỉ số Dow Jones chính là kết quả của làn sóng những nhà đầu tư số 0 mang tiền hỗ trợ Covid-19 đi đầu tư chứng khoán kết hợp với sự nổi lên của những ứng dụng giao dịch miễn phí như Robinhood.

Mức tăng 45% so với đáy hồi tháng 3 của chỉ số Dow Jones chính là kết quả của làn sóng những nhà đầu tư số 0 mang tiền hỗ trợ Covid-19 đi đầu tư chứng khoán kết hợp với sự nổi lên của những ứng dụng giao dịch miễn phí như Robinhood.

Có một giai thoại rằng vào năm 1929, Joseph P.Kennedy, bậc tiền bối của gia tộc Kennedy, thuê 1 người đánh giày ở ngay gần văn phòng của ông ở phố Wall. Kennedy đã cảm thấy rất sợ hãi khi người thợ đánh giày đưa ra lời khuyên về cổ phiếu cho ông – 1 nhà đầu tư kỳ cựu. Do đó ngay sau khi trở về văn phòng, ông đã lập tức thực hiện bán khống một lượng lớn cổ phiếu và nhờ thế mà kiếm được một khoản tiền lớn từ Đại suy thoái.

Đây có thể là 1 câu chuyện hư cấu, nhưng ngụ ý của câu chuyện này cho đến tận ngày nay vẫn chính xác: khi đến cả 1 người đánh giày cũng quá tự tin và thao thao bất tuyệt về cổ phiếu và thị trường chứng khoán, đó chính là thời điểm thị trường sắp lao dốc.

Phiên đỏ lửa của thị trường chứng khoán toàn cầu phiên hôm qua chính là 1 minh chứng hùng hồn. Suốt quãng thời gian trước, trong khi chỉ số Nasdaq lập đỉnh cao nhất mọi thời đại, thậm chí vượt mốc 10.000 điểm (tức cao gần gấp đôi so với thời bong bóng dot-com lên đến đỉnh điểm năm 2000) và chỉ số Dow Jones cũng như S&P 500 đã lấy lại hoàn toàn số điểm mất đi vì đại dịch, trên thị trường cũng xuất hiện những nhà đầu tư tay mơ, những day trader tự nhận mình là thiên tài lựa chọn cổ phiếu.

Robinhood là ứng dụng giao dịch cổ phiếu hoàn toàn miễn phí được yêu thích nhất bởi thế hệ millennials – nhóm những người sinh ra trong giai đoạn 1980 đến 2000, lớn lên và đón đầu công nghệ, có thể thường xuyên thực hiện các giao dịch mua bán chứng khoán chỉ bằng cách vuốt màn hình điện thoại. Theo Crunchbase, Robinhood - công ty môi giới có trụ sở tại Menlo Park, California đã huy động được tổng cộng 1,2 tỷ USD. Trên đà có thêm tới 3 triệu khách hàng mới trong quý I, trong vòng gọi vốn mới nhất Robinhood đã huy động được thêm 280 triệu USD. Hiện ứng dụng này có khoảng 13 triệu khách hàng với độ tuổi trung bình là 31.

Dù chỉ là những khách hàng nhỏ lẻ nhưng với lợi thế số đông, nhóm này tạo ra ảnh hưởng không hề nhỏ đến thị trường. Sau khi xem xét dữ liệu về các giao dịch trên Robinhood, một chuyên gia phân tích tại Deutsche Bank nhận thấy các nhà đầu tư nhỏ chính là nhóm đã giúp thị trường chứng khoán Mỹ tăng vọt trong thời gian vừa qua. Mức tăng 45% so với đáy hồi tháng 3 của chỉ số Dow Jones chính là kết quả của làn sóng những nhà đầu tư số 0 mang tiền hỗ trợ Covid-19 đi đầu tư chứng khoán kết hợp với sự nổi lên của những ứng dụng giao dịch miễn phí như Robinhood.

Đóng cửa phiên 10/6, Dow Jones ở mức 26.989,99 điểm – chỉ thấp hơn 5,4% so với thời điểm tháng 1, trước khi đại dịch khiến kinh tế toàn cầu lao đao. Cú hồi phục khiến rất nhiều nhà đầu tư chuyên nghiệp "ngã ngửa" trong bối cảnh tỷ lệ thất nghiệp cao kỷ lục và lợi nhuận doanh nghiệp sụt giảm rất mạnh. "Tiền dại" của các nhà đầu tư non nớt tràn ngập thị trường, và dường như đã chiến thắng dòng "tiền khôn" của các nhà đầu tư chuyên nghiệp.

Hồi đầu tháng 5, Warren Buffett tiết lộ rằng Berkshire Hathaway đã thoái vốn hoàn toàn khỏi 4 hãng hàng không. Nhưng đó cũng là lúc các nhà đầu tư Robinhood bắt đầu rót tiền vào cổ phiếu hàng không, khiến chúng tăng dựng đứng.

Trước khi nước Mỹ áp dụng lệnh phong tỏa, Dave Portnoy, người sáng lập trang web trào phúng Barstool Sports mới chỉ mua cổ phiếu 1 lần trong đời. Nhưng khi nền kinh tế lớn nhất thế giới đóng cửa hồi tháng 3, các sự kiện thể thao và kéo theo đó là cả các hoạt động cá độ bị hủy bỏ, Portnoy nhớ đến tài khoản giao dịch chứng khoán E*Trade đã "mọc rêu" của mình và bắt đầu tham gia day trading.

"Với mức độ biến động lớn, tham gia day trading cũng giống như theo dõi 1 trận đấu thể thao", Portnoy (43 tuổi) chia sẻ. Gần đây anh bắt đầu phát trực tiếp bản tin "Davey Day Trader Global" trên tài khoản Twitter của mình – nơi có 1,5 triệu lượt theo dõi, với lời cảnh báo: "Tôi không phải là 1 chuyên gia tư vấn tài chính. Đừng tin bất cứ điều gì tôi nói về cổ phiếu".

Nhưng trái ngược với lời cảnh báo này, Portnoy đã quảng cáo cho những cổ phiếu như InspireMD hay Smith & Wesson Brands. Không những thế, anh chàng còn mạt sát huyền thoại đầu tư Warren Buffett, tỷ phú giàu thứ 5 thế giới và được thế giới kính trọng gọi là một trong những nhà đầu tư vĩ đại nhất. "Chắc chắn Warren Buffett là 1 người vĩ đại nhưng về cổ phiếu thì ông ấy lỗi thời rồi. Giờ tôi là thuyền trưởng", Portnoy viết trên Twitter.

Áp dụng chiến lược "cổ phiếu chỉ tăng giá" như vẫn hô hào trên mạng, những người như Portnoy chính là một phần của một trong những cú tăng điểm vĩ đại nhất trong lịch sử chứng khoán Mỹ.

Một ví dụ khác là ông trùm quỹ đầu cơ Carl Icahn và cổ phiếu của công ty cho thuê xe Hertz. Cuối tháng 5, Icahn cho biết ông đã bán toàn bộ số cổ phần tại Hertz với giá trung bình 72 cent/cổ phiếu, và lỗ hơn 1,8 tỷ USD.

Mới đây Hertz đã tuyên bố phá sản, khiến những cổ phiếu của hãng có thể trở thành những tấm giấy lộn. Nhưng các nhà đầu tư nhỏ lẻ, không hề hoảng sợ trước khả năng đó, lại đổ xô mua cổ phiếu này. Kể từ khi Hertz bắt đầu nộp hồ sơ phá sản đến nay, số tài khoản Robinhood sở hữu cổ phiếu này đã tăng gần gấp đôi, lên 73.000. Và kể từ khi Icahn thoái vốn, cổ phiếu Hertz tăng hơn 400%.

Chỉ trong nháy mắt, những ngày tháng hàng tỷ người trên thế giới bị nhốt trong nhà vì lệnh phong tỏa và các phòng cấp cứu la liệt xác chết vì dịch bệnh đã bị lãng quên. Những con số như 40 triệu người Mỹ thất nghiệp, 40% các doanh nghiệp Mỹ nhiều khả năng sẽ đóng cửa vĩnh viễn sau phong tỏa đã bị lãng quên.

Những nhận định bi quan rằng chặng đường hồi phục của kinh tế Mỹ là rất dài mà chủ tịch Fed Jerome Powell đưa ra cũng bị phớt lờ. Ngay cả khi đã xuất hiện những dấu hiệu hết sức rõ ràng rằng 1 làn sóng lây nhiễm thứ 2 đang ập xuống nước Mỹ, các nhà đầu tư chứng khoán vẫn đắm chìm trong men say.

Ứng dụng giao dịch chứng khoán Webull Financial cho biết khối lượng giao dịch trên nền tảng này đã tăng gần 500% trong quãng thời gian từ tháng 2 đến tháng 5, và trung bình tỷ lệ đảo danh mục của người dùng lên tới 75% mỗi ngày.

"Đó thực sự là 1 cơn bão hoàn hảo. Tất cả chúng ta đều ở trong nhà và có quá nhiều thời gian rảnh rỗi. Với dòng tiền cuồn cuộn mà Fed bơm vào thị trường, họ dễ có ảo tưởng rằng sẽ không thể thua. Rất nhiều người cho rằng bối cảnh hiện nay là cơ hội tốt để bắt đầu bước vào thị trường. Một số bạn bè của tôi sử dụng Robinhood hoặc những ứng dụng tương tự, không có kiến thức nào về tài chính nhưng lại tự cảm thấy mình là thiên tài vì giá trị danh mục tăng quá mạnh chỉ trong vài tháng", nhà sáng lập Webull Financial nhận xét.

Hiện tại, các chỉ số tương lai đã hồi phục trở lại và những nhà đầu tư nhỏ lẻ có thể tạm thở phào sau phiên rung lắc dữ dội ngày hôm qua. Tuy nhiên, không ai muốn chứng kiến 1 kịch bản tương tự bong bóng dot-com, khi mà tất cả mọi người đều bị "thiêu cháy".

Thị trường tăng giá quá mạnh có thể đem đến cho nhà đầu tư cảm giác an toàn giả tạo và khiến giá nhiều cổ phiếu không bền vững trong dài hạn. Dù trong hoàn cảnh nào, thì kiến thức, sự hiểu biết sâu sắc về cách thức vận hành của thị trường là điều tối quan trọng dẫn đến thành công trong dài hạn.

Covid-19 đã khiến thế giới đảo lộn và cả những giá trị trên thị trường tài chính cũng bị đảo lộn. Thay vì lao vào những cú đặt cược theo tâm lý bầy đàn và tự mãn quá sớm, những nhà đầu tư nhỏ lẻ mới bước vào thị trường nên coi quãng thời gian này là một cơ hội tuyệt vời để tích lũy kiến thức và rèn luyện ý chí tỉnh táo trước những cạm bẫy của thị trường.

Tham khảo Bloomberg, MarketWatch

Thiết kế: Hương Xuân - Bài: Thu Hương

Theo Tổ Quốc