Trong bức hình chụp chung nhìn lại nhân vật trong danh sách Forbes 30 Under 30 các năm , Nguyễn Phi Phi Anh xuất hiện với vóc dáng gầy gò quen thuộc. Forbes giới thiệu ngắn gọn về chàng trai trẻ tuổi này: Sau khi hoàn thành 35 đêm diễn nhạc kịch thuộc dự án HOPE với vai trò nhà sản xuất, đạo diễn, tác giả, Phi Anh trở thành giám đốc hãng phim hoạt hình Vintata thuộc Vingroup với hơn 100 họa sĩ, chuyên gia và dự kiến sẽ ra mắt series vào hè 2018.
Không phải con nhà nòi
Phi Anh được đánh giá là một trong những hạt giống vàng của giới nghệ thuật Việt Nam tuy nhiên lại không thâm từ con nhà nòi nghệ thuật. Từng là học sinh cấp 2, cấp 3 Hà Nội- Amsterdam, lên năm lớp 10 Phi Anh sang Singapore du học. Vốn thích vẽ từ nhỏ, khi sang Singapore niềm yêu thích lại được chấp cách khi trở thành môn học có vị trí riêng. Phi Anh từng có tác phẩm được trưng bày tại Viện bảo tàng mỹ thuật Singapore suốt 1 tuần.
Từ vẽ, Phi Anh tìm ra niềm đam mê các môn nghệ thuật khác như kịch, làm phim. Trong thời gian học tại Singapore, anh cũng từng là tổng đạo diễn viết kịch bản cho Geek Show của trường và được đánh giá cao. Niềm yêu thích làm phim lại tiếp tục đưa Phi Anh tới Mỹ học về làm phim, làm kịch nhờ với học bổng toàn phần của đại học Hampshire.
Được tiếp xúc với môi trường nghệ thuật lớn của thế giới cùng với quan điểm "kịch nói chán chết", năm 2012 Phi Anh bắt đầu ý tưởng thực hiện chuỗi nhạc kịch có tên "Góc phố danh vọng". Ban đầu chàng trai này chỉ nghĩ đây sẽ là cái gì đó nhỏ nhỏ, vui vui và vừa tầm nhưng dự án lớn dần và thành công ngoài dự kiến của Phi Anh.
"Thật ra tôi không quan tâm đến thể loại, mà là chất lượng. Tôi nghĩ là cái chương trình này cần phải hấp dẫn, các bài hát phải thật hay từ đầu đến cuối. Lúc nào không hát thì lời thoại phải rất buồn cười, không thì câu chuyện phải đủ hay để người ta chịu ngồi xem hết", Phi Anh từng chia sẻ với báo Trí thức trẻ về quan điểm sáng tạo của mình.
Là loại hình nghệ thuật còn mới tại Việt Nam nhưng "Góc phố danh vọng", đặt nền tảng thành công 35 đêm diễn "Đêm hè sau cuối" tiếp tục thành công đến mức cháy vé.
Không thích làm điều dễ
"Vì sao mình thấy nghề đó hay bởi vì nó không dễ. Để chạy được 1 chương trình trơn tru, 1 kịch bản thuyết phục được khán giả cần rất nhiều yếu tố. Đó là thử thách rất hấp dẫn với mình", Phi Anh chia sẻ về việc lựa chọn nhạc kịch. Mỗi ngày làm việc của Phi Anh bắt đầu từ 7h sáng tới 2h sáng hôm sau với khối lượng công việc khổng lồ. Thậm chí anh còn dùng từ "bào mòn" để nói về mình khi thực hiện 35 đêm diễn. Thậm chí anh còn chia sẻ không có thời gian để tiêu tiền mình làm ra.
Làm nghệ thuật không hề dễ, nhạc kịch vốn mới mẻ tại Việt Nam thậm chí còn không lường trước được tương lai nhưng Phi Anh vẫn tiếp tục theo đuổi đam mê của mình. Thực tế là anh từng chia sẻ có những lần diễn lỗ vài chục triệu thậm chí vài trăm triệu nhưng vẫn tự hào vì vẫn còn lỗ ít so với người khác.
"Tuổi trẻ, mình có sức thì mình dốc hết, làm bằng hết cái sức của mình. Nghe hơi bào mòn, nhưng nếu bạn không làm vào những năm 20 tuổi, thì đến những năm 30 tuổi, bạn sẽ nghĩ lại và nhận ra rằng mình đã chẳng làm được gì trong những năm tuổi trẻ. Cứ mỗi năm trôi qua, tôi lại nghĩ về năm trước. Và tôi rất tự hào rằng năm 20, 21, 22 tuổi mình đã làm được những điều tuyệt vời", Phi Anh tự hào về những nỗ lực hết sức của mình để không lãng phí tuổi trẻ.
Mọi việc đều có chữ duyên
Đó là trả lời của Phi Anh khi được báo Vietnamnet hỏi về căn nguyên được Vingroup chọn làm người đứng đầu dự án Vintata. "Để bắt tay với một ai đó hoặc để ai đó chọn một ai thì có rất nhiều yếu tố và chữ duyên phải chiếm đến 70% trong sự gặp gỡ đấy", Phi Anh rất tin vào duyên trong bất kỳ mối quan hệ nào.
Anh cũng chia sẻ thêm có rất nhiều người cũng học tập nước ngoài, thành công chứ không phải riêng mình. Điều Phi Anh luôn nhất quán chính là làm việc nỗ lực và nhận được nhiều tôn trọng và tin tưởng.
Từng có thời gian đi học tại Singapore, Mỹ nên Phi Anh cho rằng Hoạt hình Việt Nam hạn chế nhất vẫn là ở nội dung. Theo đó một kịch bản phim tại Mỹ cần rất nhiều người viết từ câu chuyện đến lời thoại nhưng tại Việt Nam chưa có môi trường chuyên nghiệp như vậy. Đây cũng là lý do khiến Phi Anh chưa tìm thấy chất liệu nào phù hợp nên mới phải tổ chức cuộc thi để tìm cho ra.
Bên cạnh đó với tầm nhìn hướng ra quốc tế, Phi Anh cho rằng những gì chỉ người Việt thích thì chưa chắc đã dễ thành công trên trường quốc tế, trong khi đối tượng mà Vintata hướng đến lại không phải chỉ là trẻ em Việt Nam, mà còn là trẻ em trên thế giới nói chung.
Phi Anh mong muốn những cảm xúc mình đưa ra trong phim là những cái nước ngoài cũng hiểu được. Nó có thể rất đơn giản hoặc nó không quá địa phương thì mới có thể chạm vào quốc tế.
Về phương thức thể hiện, Phi Anh tiết lộ đội ngũ của VinTaTa hiện nay cũng đã có người với hàng chục năm kinh nghiệm gia công hoạt hình cho Hollywood. Nhưng anh cũng không muốn dự án của mình được gọi là "Walt Disney của Việt Nam" bởi không muốn trở thành bản sao của bất cứ ai.
- Về với Vingroup, Thức ăn Chăn nuôi Việt Thắng có gì?
- Vingroup sẽ ‘soán ngôi’ Vinamilk để trở thành doanh nghiệp niêm yết lớn nhất Việt Nam?
Thảo Nguyên
Theo Trí Thức Trẻ/Tổng hợp