Sinh nhật 10 tuổi Winmart

Chân dung ông Nguyễn Hoài Giang vừa bị bắt: Từ thủ khoa đại học đến Chủ tịch Lọc hoá dầu Bình Sơn

13/05/2018 21:18

Ông Nguyễn Hoài Giang từng là thủ khoa Đại học Bách Khoa TP.HCM, nhận được học bổng vào Khoa Điện tử - tự động hoá của Đại học Bách khoa Sofia (Bunlgaria); từ Phó phòng rồi kinh qua các chức vụ như: Giám đốc, Phó tổng giám đốc, Tổng giám đốc rồi Chủ tịch HĐTV…

Lễ khánh thành Nhà máy lọc dầu Dung Quất ngày 06/01/2011 (Ảnh: Tư liệu)

Đường đến “thủ lĩnh” Dung Quất

Như Nhadautu.vn đã đưa tin, ngày 10/5, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã tiến hành khởi tố và bắt tạm giam với bị can Nguyễn Hoài Giang - Chủ tịch HĐTV và Phạm Xuân Quang - Kế toán trưởng Công ty TNHH một thành viên Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR). Đây là giai đoạn tiếp theo của vụ án "Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản" xảy ra tại BSR và Ngân hàng Đại dương (OceanBank.

Các bị can Nguyễn Hoài Giang và Phạm Xuân Quang bị khởi tố và bắt tạm giam với tội danh “Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản theo Điều 355 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Trong vụ án sơ thẩm liên quan đến Hà Văn Thắm, 4 người bị triệu tập liên quan vụ án gồm ông Nguyễn Hoài Giang - Chủ tịch HĐTV, ông Đinh Văn Ngọc - cựu Tổng Giám đốc, Vũ Mạnh Tùng - Phó Tổng Giám đốc và ông Phạm Xuân Quang - Kế toán trưởng.

Tại phiên xét xử sơ thẩm ngày 9/9/2017, bị cáo Nguyễn Hoài Giang bị tố nhận mỗi lần từ 500 triệu đến 1 tỉ đồng; Kế toán trưởng Phạm Xuân Quang khoảng 300 triệu đến 500 triệu  đồng… Đối chất tại phiên tòa, cả 4 người đều bác bỏ lời khai, cho rằng đó là lời khai một chiều, thậm chí là vu khống. Riêng ông Đinh Văn Ngọc (nguyên Tổng giám đốc BSR) cho rằng lời khai nói rằng ông nhận tiền là bịa đặt và đề nghị xem xét trách nhiệm hình sự tội "Vu khống" đối với người tố ông.

Hiện nay, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đang tập trung lực lượng làm rõ hành vi của các bị can Nguyễn Hoàng Giang và Phạm Xuân Quang và mở rộng điều tra đối với những đối tượng liên quan, thu hồi tài sản cho Nhà nước.

Ngày 13/5, trao đổi với PV Nhadautu.vn, một lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cho biết, ông Nguyễn Hoài Giang và ông Đinh Văn Ngọc (nguyên Tổng giám đốc BSR) là hai lãnh đạo gắn bó từ đầu và có công rất lớn đối với Nhà máy lọc dầu Dung Quất. “Cả hai anh đều am hiểu về lọc hoá dầu và được đào tạo bài bản ở nước ngoài về”, vị lãnh đạo PVN cho biết.

Theo thông tin Nhadautu.vn có được, ông Nguyễn Hoài Giang sinh năm 1968, tại huyện Đông Anh (Hà Nội). Sau ngày miền Nam giải phóng, ông Giang theo gia đình về quê ở Cần Thơ.

Năm 1986, ông Giang trúng tuyển vào Đại học Bách khoa TP.HCM với số điểm 26, là thủ khoa của tỉnh Hậu Giang lúc này. Sau đó, ông Giang nhận được học bổng vào Khoa Điện tử - tự động hóa của Đại học Bách khoa Sofia (Bulgaria). Đến năm 1992, ông Giang tiếp tục tốt nghiệp thủ khoa của khóa học này, nhận được phần thưởng của Viện Hàn lâm khoa học Bulgaria.

Cuối năm 1993, ông Giang về nước và đầu năm 1994 được tuyển vào làm việc cho Vietsovpetro Vũng Tàu với thời gian khoảng 5 năm. Đến năm 1999, ông “chia tay” Vietsovpetro Vũng Tàu để đầu quân cho lọc dầu Dung Quất.

Ông Giang chính là một trong những người đầu tiên gắn bó với Nhà máy lọc dầu Dung Quất từ khi dự án này còn trên giấy và tham gia từ giai đoạn thiết kế nhà máy khi còn liên doanh với Nga. Có thể nói, đây là giai đoạn vô cùng cam go đối với cá nhân ông Giang và các đồng nghiệp tại Nhà máy lọc dầu Dung Quất.

Còn nhớ, giai đoạn 1999-2003, cuộc khủng hoảng tài chính trầm trọng trong khu vực châu Á đã có những tác động xấu đến việc huy động vốn để thực hiện dự án xây dựng Nhà máy lọc dầu Dung Quất. Ngoài số vốn do Tổng công ty Dầu khí Việt Nam đã dự kiến thu xếp theo chỉ đạo của Chính phủ để đầu tư vào dự án thì việc thu xếp khoản tài chính còn lại là quá lớn và khó có thể thực hiện được. Trước tình hình đó, phương án Liên doanh với Nga để hợp tác xây dựng và vận hành Nhà máy lọc dầu số 1 tại Dung Quất được xúc tiến.

Ngày 25/8/1998, Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Liên bang Nga đã ký Hiệp định Liên Chính phủ về việc xây dựng, vận hành Nhà máy lọc dầu số 1 tại Dung Quất. Theo đó, hai Chính phủ thống nhất giao cho Tổng công ty Dầu khí Việt Nam và Liên đoàn kinh tế hải ngoại Nhà nước Liên bang Nga (Zarubezhneft) cùng làm Chủ đầu tư của dự án.

Ngày 19/11/1998, hai phía đã thỏa thuận thành lập Liên doanh xây dựng và vận hành nhà máy lọc dầu để trực tiếp thực hiện công tác quản lý xây dựng và vận hành Nhà máy lọc dầu Dung Quất. Thời gian hoạt động của Liên doanh dự kiến là 25 năm.

Ngày 28/12/1998, Công ty Liên doanh Nhà máy lọc dầu Việt - Nga (“Vietross”) chính thức được thành lập theo Giấy phép đầu tư số 2097/GP-KHĐT của Bộ Kế hoạch và Đầu tư nước CHXHCN Việt Nam.

Theo Quyết định 560/CP-DK ngày 21/6/2001 của Chính phủ, tổng mức đầu tư cho dự án là 1,297 tỷ USD không bao gồm phí tài chính. Trong đó, vốn pháp định là 800 triệu USD, chưa tính chi phí lãi vay trong thời gian xây dựng và một số khoản chi phí của chủ đầu tư, chi phí bảo hiểm, chi phí xây dựng cảng, chi phí thuê đất và một số hạng mục chưa đầu tư.

Tỷ lệ góp vốn của hai phía Việt Nam và Liên bang Nga là 50/50. Việc liên doanh với Nga đã giải quyết được hai vấn đề lớn đó là kêu gọi được nguồn vốn đầu tư và huy động được các chuyên gia có kinh nghiệm để thực hiện dự án.

Từ 2002-2003, ông Nguyễn Hoài Giang làm Phó phòng chuyên trách tự động hóa, rồi Giám đốc chạy thử nhà máy kiêm Phó tổng giám đốc kỹ thuật Công ty lọc hóa dầu Bình Sơn (tháng 5/2008). Đến cuối tháng 4/2009, ông Nguyễn Hoài Giang nhận chức vụ Tổng giám đốc Công ty lọc hóa dầu Bình Sơn rồi sau đó làm Chủ tịch HĐTV của đơn vị này.

Le ban giao NMLD Dung Quat giua Nha thau TPC va Chu dau tu

Ngày 30/5/2010, dự án Nhà máy lọc dầu Dung Quất chính thức được bàn giao từ Tổ hợp TPC sang cho chủ đầu tư, kết thúc giai đoạn xây dựng và vận hành chạy thử và nghiệm thu nhà máy (ông Nguyễn Hoài Giang ngoài cùng bến trái). Ảnh: Tư liệu

Một lãnh đạo gần gũi, giản dị

Là người từng được phân công theo dõi hoạt động của Tập đoàn PVN khi còn công tác tại báo Tiền Phong, tác giả từng được vào thăm Nhà máy lọc dầu Dung Quất. Giữa bộn bề khó khăn, nhưng hơn 1.000 kỹ sư, công nhân tại nhà máy luôn gắn kết, gần gũi. Nói như một đồng nghiệp tại báo Đầu Tư “Lãnh đạo và anh em kỹ sư công nhân coi nhau như anh em trong nhà”.

Ngoài đời, cả ông Nguyễn Hoài Giang và ông Đinh Văn Ngọc đều dễ gần, ăn mặc giản dị. Chính vì thế, ông Giang được nhiều người đánh giá là người giàu tình cảm, luôn quan tâm mọi người, đồng thời cũng là người rất thẳng thắn, quyết đoán trong công việc và biết lắng nghe, động viên mọi người nỗ lực học hỏi kiến thức mới, chia sẻ kinh nghiệm cũng là điều dễ hiểu.

Lần vào Quảng Ngãi gần nhất, lúc đó Dung Quất đang là “điểm nóng” của cả nước, một lãnh đạo BSR nói với tác giả với giọng cảm kích và đầy ngưỡng mộ: “Anh Giang giỏi cả 4 ngoại ngữ, là người gắn bó từ đầu với Dung Quất, am hiểu mọi công đoạn của nhà máy nên có thể trao đổi với các chuyên gia quốc tế về lọc hoá dầu”.

Khi trả lời câu hỏi “Ông có thích báo chí đánh bóng tên tuổi và PR cho cá nhân cũng như BSR không?”, ông Giang thẳng thắn: “Với tôi là điều tối kỵ. Với Lọc hóa dầu Dung Quất - một dự án trọng điểm quốc gia và lần đầu tiên có ở Việt Nam thì không ai dám vỗ ngực một mình làm nên thành công đó cả. Để có một Lọc hóa dầu Dung Quất hôm nay là mồ hôi công sức trí tuệ của hàng chục ngàn con người, kéo dài hàng chục năm trời nên không ai có quyền đánh bóng tên tuổi của riêng mình. Còn với doanh nghiệp thì từ khóa “Lọc hóa dầu Dung Quất” đã quá hot, quá nhạy cảm, chỉ cần nó “hắt hơi sổ mũi” đã được báo chí quây tới bến nên cũng không cần PR. Cũng lại phải ví von tí: Một viên kim cương đẹp thì không cần phải lên báo khoe là nó đẹp, còn nó có khiếm khuyết chắc không cần đăng báo mọi người cũng sẽ nhận ra”.

Có lẽ đối với các chuyên gia nước ngoài, các chuyên gia của Technip là gần gũi với ông Giang nhất, họ coi ông Giang như người thân, bởi vốn ngoại ngữ phong phú và bởi ông Giang luôn là người có mặt kịp thời giúp họ giải quyết mọi khó khăn.

Thực tế, trong quá trình Liên doanh “Vietross” đàm phán hợp đồng EPC 1 với Tổ hợp nhà thầu TPC bao gồm Technip (Pháp), JGC (Nhật Bản), Tecnicas Reunidas (Tây Ban Nha), có những vấn đề phức tạp nảy sinh khiến cho tiến độ công việc kéo dài. Hai bên trong Liên doanh không đạt được sự đồng thuận đối với một số vấn đề quan trọng như việc thuê tư vấn quản lý dự án, quyết định sử dụng các nhà thầu phụ, các nhà cung cấp thiết bị, phương án phân phối sản phẩm và một số giải pháp hoàn thiện cấu hình công nghệ, nâng cao chất lượng và chủng loại sản phẩm của nhà máy... Do vậy, ông Giang “giống như một phiên dịch siêu đẵng” để kết nói các bên. Chính vì thế, sau đó, hai bên đã đề nghị Chính phủ hai nước quyết định chấm dứt Liên doanh. Phía Nga chấp thuận phương án rút khỏi dự án để chuyển giao lại toàn bộ quyền lợi và nghĩa vụ của mình trong Liên doanh “Vietross” sang phía Việt Nam.

636269025007542765sl

Thi công san lấp mặt bằng khu nhà máy chính Nhà máy lọc dầu Dung Quất (Ảnh: Tư liệu)

“Chỉ là việc cá nhân”

Liên quan đến việc Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an tiến hàn khởi tố và bắt tạm giam đối với ông Nguyễn Hoài Giang, Công ty TNHH một thành viên Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) cho rằng chỉ "là việc cá nhân". Thông báo của BSR cũng cho biết đã báo cáo các cấp có thẩm quyền và cho biết sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng trong quá trình điều tra làm rõ vụ việc. “Việc bắt tạm giam đối với ông Nguyễn Hoài Giang và ông Phạm Xuân Quang là việc cá nhân trong giai đoạn trước đây, không ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty TNHH một thành viên Lọc hóa dầu Bình Sơn”, thông cáo của BSR khẳng định.

BSR là đơn vị thành viên của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, được giao trách nhiệm tiếp nhận, quản lý, vận hành Nhà máy lọc dầu Dung Quất, giữ vai trò tiên phong và đặt nền móng cho sự phát triển ngành công nghiệp lọc hóa dầu Việt Nam, đồng thời là nơi đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực này.

Nhà máy lọc dầu Dung Quất là công trình trọng điểm quốc gia có tổng vốn đầu tư trên 3 tỷ USD, công suất chế biến 6,5 triệu tấn dầu thô/năm. Việc xây dựng thành công và đưa nhà máy lọc dầu Dung Quất vào vận hành mang ý nghĩa cực kỳ quan trọng đối với việc đảm bảo an ninh năng lượng, góp phần đẩy mạnh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Được biết, cơ cấu sản phẩm của Nhà máy lọc dầu Dung Quất gồm: Khí hóa lỏng LPG, Khí hóa lỏng Propylene, Xăng RON 92/A95/, Xăng E5/10, Dầu hỏa, Xăng máy bay Jet A1/JetA1K, Dầu DO/DO L62, Dầu FO, Hạt nhựa Polypropylene và Lưu huỳnh.

Hàng năm, Nhà máy lọc dầu Dung Quất sản xuất ra khoảng trên 6,2 triệu tấn sản phẩm các loại và đáp ứng khoảng 30% nhu cầu năng lượng của Việt Nam. Cho đến nay, các sản phẩm xăng, dầu của Nhà máy lọc dầu Dung Quất đã có mặt trên thị trường hơn 7 năm, phục vụ hầu hết các ngành kinh tế trong nước.

Có thể nói, Nhà máy lọc dầu Dung Quất đang trong giai đoạn kinh doanh khá suôn sẻ. Thật tiếc, những người có công xây dựng nhà máy từ những ngày đầu lại vướng vòng lao lý như cựu Chủ tịch HĐTV Nguyễn Hoài Giang. Cuộc sống luôn luôn công bằng, ai có công, sẽ được lịch sử ghi nhận; ai sai sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Âu đó cũng là bài học kinh nghiệm cho những lãnh đạo tiếp theo của BSR nói riêng và Tập đoàn PVN nói chung.

Theo Phong Cầm/Nhà Đầu tư