Bà Nguyễn Hoàng Yến – vợ Chủ tịch Masan – là một trong những người phụ nữ hiện đang sở hữu khối tài sản gần 4 nghìn tỷ đồng trên sàn chứng khoán.
Trong danh sách top những người giàu nhất Việt Nam trên sàn chứng khoán tính đến thời điểm ngày 29/8, bà Nguyễn Hoàng Yến hiện đứng ở vị trí thứ 14 với 3.962,70 tỷ đồng, do sở hữu 42.415.234 cổ phiếu của Tập đoàn Masan. Bà Nguyễn Hoàng Yến sinh năm 1963. Bà là vợ của ông Nguyễn Đăng Quang - Chủ tịch Hội đồng quản trị CTCP Tập đoàn Masan (MSN).
Trước khi bước vào lĩnh vực kinh doanh, bà từng tốt nghiệp Đại học Ngoại ngữ, chuyên ngành tiếng Nga và từng có 3 năm làm Giáo viên trường Cao đẳng Kiểm sát (1987-1990).
Giống như một số cặp vợ chồng khởi nghiệp từ Đông Âu khác, bà Nguyễn Hoàng Yến và ông Nguyễn Đăng Quang là một trong những cặp vợ chồng doanh nhân cùng điều hành doanh nghiệpnghìn tỷ có tiếng ở Việt Nam.
Vị trí của bà Nguyễn Hoàng Yến trên sàn chứng khoán tính đến ngày 28/9. Ảnh: VietQ
Tập đoàn Masan hiện nay là một trong những doanh nghiệp tư nhân đầu ngành tại Việt Nam. Hệ sinh thái của Masan cũng không thua kém Vingroup, với hàng loạt doanh nghiệp trong các lĩnh vực từ ngân hàng với Techcombank, TCBS; khoáng sản với Masan Resources hay thực phẩm với Masan Consumer, Vinacafe Biên Hòa…
Trong đó, Masan đặc biệt nổi tiếng trên lĩnh vực hàng tiêu dùng, nổi tiếng với các loại thực phẩm và đồ uống bao gồm nước tương, nước mắm, tương ớt, mì ăn liền, cà phê hòa tan, và ngũ cốc dinh dưỡng.
Thông qua công ty liên kết Vĩnh Hảo, Masan đã tham gia ngành hàng nước giải khát đóng chai. Bắt đầu hoạt động từ năm 2000, sau đó Masan đã phát triển thêm danh mục sản phẩm, doanh thu bán hàng và các kênh phân phối trong nước để xác lập vị thế dẫn đầu trên thị trường thực phẩm tiêu dùng và đồ uống mang thương hiệu Việt.
Những thương hiệu chủ chốt của Masan Consumer bao gồm Chin-su, Nam Ngư, Tam Thái Tử, Omachi, Kokomi, Vinacafé, Wake Up, Kachi và Vĩnh Hảo.
Trong lĩnh vực ngân hàng, Masan hiện là cổ đông chính lớn duy nhất nắm giữ trên 5% vốn cổ phần với tỷ lệ sở hữu là 15%.
Gần đây, Masan Resources trở nên nổi tiếng sau khi mua lại 49% cổ phần của H.C.Starck tại Công ty TNHH Tinh luyện Vonfram Núi Pháo - H.C.Starck (liên doanh) với giá trị 29,1 triệu USD.
Bà Nguyễn Hoàng Yến có mặt trong hầu hết các công ty con, công ty liên kết của Masan Group, nắm vị trí lãnh đạo:
Thành viên HĐQT CTCP Masan Group từ năm 2000;
Thành viên HĐQT CTCP VinaCafe Biên Hòa (VCF) từ tháng 5/2013;
Thành viên HĐQT CTCP Nước khoáng Vĩnh Hảo (VHW) từ tháng 4/2013;
Thành viên HĐQT kiêm Phó Tổng Giám đốc CTCP Masan Consumer (MSC);
Thành viên HĐQT Công ty TNHH Masan Consumer Holdings (MCH), công ty mẹ của MSC;
Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Cát Trắng;
Thành viên HĐQT CTCP Tảo Vĩnh Hảo;
Chủ tịch HĐQT CTCP Masan Phú Quốc.
Cặp vợ chồng doanh nhân quyền lực Nguyễn Đăng Quang - Nguyễn Hoàng Yến. Ảnh: Infonet
Mặc dù có tên trong HĐQT nhiều công ty, nhưng bà Nguyễn Hoàng Yến chỉ đứng tên sở hữu cổ phần tại hai doanh nghiệp là Masan Group và Masan Consumer.
Cụ thể, tính đến ngày 30/06/2016, bà Hoàng Yến nắm giữ 28.276.823 cổ phiếu MSN, chiếm tỷ lệ 3,79% vốn điều lệ của MSN. Tính theo giá trị giao dịch cổ phiếu MSN, tài sản của bà Hoàng Yến tại MSN khoảng 1.800 tỷ đồng.
Tại Masan Consumer, bà Hoàng Yến nắm giữ 261.335 cổ phiếu, chiếm 0,05% tổng số lượng cổ phiếu đang lưu hành. Masan Consumer chưa được niêm yết cổ phiếu nên rất khó để biết chính xác giá trị tài sản của các cổ đông. Tuy nhiên, tháng 1/2016, Masan Consumer Holdings đã chi hơn 17.470 tỷ đồng (780 triệu USD) để mua lại 97,7 triệu cổ phiếu Masan Consumer, tương ứng giá mua lại gần 179.000 đồng/cổ phiếu.
Nếu tính theo mức giá này, tài sản của bà Hoàng Yến tại Masan Consumer là hơn 44 tỷ đồng.
Cuối năm 2015, Tập đoàn Singha Asia Holding Pte Ltd của Thái Lan đã bỏ ra 1,05 tỷ USD để nắm 25% cổ phần của Masan Consumer Holding và 50 triệu USD để sở hữu 33,3% cổ phần của Masan Brewery (DN chuyên về đồ uống). Đây được xem là thương vụ M&A đình đám nhất trong năm 2015.
Masan Consumer được coi là “con gà đẻ trứng vàng” cho Masan Group khi đang sở hữu nhiều nhãn hàng như: Chin-su, Nam Ngư, Tam Thái Tử, Omachi, Kokomi, VinaCafe, Wake-up, Vĩnh Hảo, Kachi… Theo số liệu được công bố năm 2014, Masan nắm giữ 70% thị phần nước mắm, 71% thị phần nước tương, 43% thị phần tương ớt, 41% thị phần cà phê hòa tan.
Trong khi đó, website của Masan Consumer đưa ra con số cho biết hiện nay, sản phẩm Chin-Su chiếm khoảng 75% thị phần toàn quốc và đã có mặt tại các quốc gia như: Canada, Pháp, Nga, CH Séc, Ba Lan, Đức, Trung Quốc, Khu vực Trung Đông, Lào, Campuchia.
Theo báo cáo kết quả kinh doanh quý 3, doanh thu thuần của Masan Group đạt 11.006 tỷ đồng, tăng 26,3% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ đạt 813 tỷ đồng, tăng mạnh 268,3%. Lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh thu thuần của Masan Group tăng 57,6% so với cùng kỳ lên 30.148 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế tăng 216,2% so với cùng kỳ lên 1.847 tỷ đồng.
Vũ Đậu (T/h)
Theo ĐSPL