Sinh nhật 10 tuổi Winmart

Chẳng có “Sell in May” nào hết, TTCK khép lại 5 tháng đầu năm cùng hàng loạt kỷ lục “vô tiền khoáng hậu”

03/06/2021 13:57

Các chỉ số chính trên cả 3 sàn HoSE, HNX và UpCOM đồng loạt lập đỉnh, vốn hóa thị trường lên cao nhất từ trước đến nay, thanh khoản bùng nổ với nhiều phiên khớp lệnh tỷ USD, tài khoản mở mới đạt kỷ lục và làn sóng bán ròng lớn chưa từng có của khối ngoại là những dấu ấn đậm nét trên thị trường chứng khoán 5 tháng đầu năm.

Trái với những lo ngại về rủi ro “Sell in May”, thị trường chứng khoán Việt Nam vừa trải qua một tháng 5 đầy rực rỡ khi VN-Index liên tục vượt đỉnh với giao dịch sôi động chưa từng có.

Kết thúc phiên cuối cùng của tháng 5, VN-Index dừng ở mức cao nhất từ trước đến nay tại 1.328,05 điểm, ghi nhận mức tăng 88,66 điểm (+7,15%) so với cách đây 1 tháng. Trong khi đó, HNX-Index và UpCOM-Index cũng lần lượt tăng 12,8% và 10% so với thời điểm cuối tháng 4 và đều lập đỉnh lịch sử mới.

Thị trường đi lên mạnh mẽ kéo theo hàng loạt kỷ lục “vô tiền khoáng hậu” của chứng khoán Việt Nam bị xô đổ trong 5 tháng đầu năm.

VỐN HÓA THỊ TRƯỜNG ĐẠT KỶ LỤC

Sự đi lên mạnh mẽ của các chỉ số chính trên cả 3 sàn HoSE, HNX và UpCOM giúp nâng vốn hoá thị trường chứng khoán (không bao gồm trái phiếu) lên đến hơn 6,44 triệu tỷ đồng vào cuối tháng 5, con số cao nhất kể từ trước đến nay.

Trong đó, vốn hóa sàn HoSE thời điểm cuối tháng 5 đạt 4,98 triệu tỷ đồng, tăng 7% so với tháng trước. Con số này trên HNX và UpCOM lần lượt là 392 nghìn tỷ đồng và 1,07 triệu tỷ đồng, tương ứng tăng 12,3% và 3,6% so với cuối tháng trước.

Thời điểm kết thúc tháng 5, toàn thị trường ghi nhận 44 doanh nghiệp có vốn hoá trên 1 tỷ USD bao gồm 37 đại diện đến từ HoSE, 2 cái tên trên HNX và 5 cổ phiếu đang giao dịch trên UpCOM. 4 doanh nghiệp có vốn hoá vượt 10 tỷ USD toàn bộ đều trên HoSE bao gồm VIC, VCB, VHM, HPG.

NHIỀU PHIÊN GIAO DỊCH TỶ USD

Giao dịch đặc biệt sôi động là một trong những điểm nhấn của thị trường trong tháng 5. Thống kê cho thấy toàn bộ 20 phiên giao dịch của tháng đều có giá trị khớp lệnh ở trên 20.000 tỷ đồng, thậm chí có phiên lên đến cả tỷ USD.

Giá trị khớp lệnh bình quân trong tháng 5 toàn thị trường đạt mức kỷ lục 24.145 tỷ đồng/phiên trong đó riêng trên HoSE con số này cũng ở mức kỷ lục với 20.486 tỷ đồng. Nếu tính cả giao dịch thỏa thuận, thanh khoản bình quân mỗi phiên trong tháng 5 trên HoSE lên đến 21.937 tỷ đồng, tăng 26% so với tháng trước và gấp 3,5 lần năm ngoái.

Giao dịch quá sôi động khiến tình trạng nghẽn lệnh xuất hiện trở lại vào cuối tháng 5 sau một thời gian được giải quyết tạm thời bởi một số biện pháp tạm thời của Ủy ban Chứng khoán, Sở Giao dịch và các công ty chứng khoán thành viên.

TÀI KHOẢN MỞ MỚI ĐẠT KỶ LỤC

Thanh khoản bùng nổ có đóng góp rất lớn đến từ làn sóng nhà đầu tư mới tham gia vào chứng khoán. Theo số liệu từ Trung tâm lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD), trong tháng 5, nhà đầu tư trong nước đã mở mới 113.674 tài khoản chứng khoán, tăng hơn 3.000 so với tháng trước đó và vượt qua con số kỷ lục trước đó đạt được vào tháng 3/2021.

Lũy kế 5 tháng đầu năm, nhà đầu tư trong nước mở mới 480.490 tài khoản chứng khoán, vượt qua cả số lượng tài khoản mở mới trong cả năm 2020 (393.659 tài khoản). Cần phải nói thêm rằng số tài khoản mở mới trong năm 2020 là con số kỷ lục từ trước tới nay.

Tính tới cuối tháng 5, tổng số tài khoản chứng khoán nhà đầu tư trong nước đạt hơn 3,2 triệu, tương đương khoảng 3,2% dân số. Tuy nhiên, tỷ lệ nhà đầu tư chứng khoán trên dân số có thể thấp hơn đáng kể so với con số trên bởi rất nhiều nhà đầu tư có từ 2 tài khoản chứng khoán trở lên.

Theo giới phân tích, nhà đầu tư nội ồ ạt mở tài khoản chứng khoán thời gian gần đây đến từ việc lãi suất huy động đang ở mức thấp; kênh trái phiếu doanh nghiệp bị siết lại vì Nghị định 81; Việt Nam kiểm soát tốt dịch bệnh và là điểm sáng tăng trưởng kinh tế thế giới; định giá thị trường chứng khoán Việt Nam đang hấp dẫn so với các quốc gia trong khu vực và triển vọng nâng hạng thị trường mới nổi trong 2 năm tới.

LÀN SÓNG BÁN RÒNG LỚN CHƯA TỪNG CÓ CỦA KHỐI NGOẠI

Sự nhập cuộc mạnh mẽ từ các nhà đầu tư trong nước chính là động lực chủ yếu giúp thị trường vượt qua áp lực bán ròng lớn chưa từng thấy của khối ngoại.

Riêng trong tháng 5, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 11.461 tỷ đồng, chỉ kém đôi chút so với tháng 3/2021. Tính chung 5 tháng đầu năm, khối ngoại đã bán ròng 30.000 tỷ đồng trên HoSE, lớn hơn cả tổng lượng bán ròng cả năm 2020 và 2016 cộng lại. Các Bluechips như VNM, HPG, VPB, CTG,... là tâm điểm bán ròng của khối ngoại.

Đây là lần hiếm hoi thị trường đi lên mà thiếu đi sự đồng thuận đến từ nhà đầu tư nước ngoài. Điều này cho thấy sức ảnh hưởng ngày càng lớn của các nhà đầu tư cá nhân trong nước đang giúp thị trường chứng khoán Việt Nam dần ít phụ thuộc hơn vào khối ngoại.