Chỉ có không ngừng nỗ lực thì sức ảnh hưởng của sự không công bằng mới giảm thiểu, chỉ khi chúng ta mạnh, ta mới có cơ hội làm hạn chế đi những điều không công bằng.
- 01 -
Lúc chưa bước ra ngoài xã hội, tôi từng mộng tưởng rất nhiều. Xã hội trong trí tưởng tượng của tôi luôn rất đẹp đẽ. Chúng ta luôn tưởng rằng trên thế giới này, mọi thứ đều công bằng, rằng chúng ta có thể mạnh dạn đứng lên bác bỏ những điều không hợp lý, ví dụ như nếu giáo viên có giảng sai thì có thể trực tiếp đứng lên có ý kiến mà không cần phải e dè hay ngập ngừng.
Nếu làm được như vậy thì trong mắt người khác, bạn là một người rất có cá tính, rất có khí chất. Tuy nhiên, khi bạn bắt đầu đi làm, "người người bình đẳng" sẽ trở thành ranh giới không thể vượt qua giữa cấp dưới và cấp trên, "tự do ngôn luận" lại trở thành càng vâng lời càng tốt.
Ở trường học có thể có người thắng kẻ thua, nhưng ở ngoài xã hội, còn quá sớm để nói vậy. Trường học có thể không ngừng cho bạn cơ hội để tìm ra đáp án thực sự nhưng bước ra ngoài xã hội thì đây lại hoàn toàn là một chuyện khác.
Khi đã trải qua nhiều năm mài giũa, va chạm, dần dần chúng ta sẽ nhận ra rằng: giữa người với người có sự phân biệt về năng lực; giữa người với người có sự khác biệt về cơ hội; giữa người với người có sự phân biệt về xuất phát điểm cao thấp; giữa người với người có sự khác biệt về nền tảng. Vì vậy mới xuất hiện hiện tượng, cùng một nỗ lực, cùng một cống hiến, nhưng thành quả đạt được lại khác nhau một trời một vực.
Đời người không có gì là công bằng tuyệt đối, thế giới này vốn dĩ cũng không phải được tạo ra dựa trên sự công bằng. Chẳng hạn, đại bàng ăn thịt rắn, rắn ăn thịt chuột, chuột ăn gạo… chỉ cần nhìn vào mẹ thiên nhiên bạn hoàn toàn có thể hiểu, những kẻ yếu thế luôn phải chịu sự uy hiếp của kẻ mạnh, đây chính là sự không công bằng, kẻ mạnh sẽ sinh tồn, kẻ yếu tất bị đào thải, không có thứ gọi là công bằng ở đây.
Vì vậy, khi bước ra ngoài xã hội, khi bạn chứng kiến sự không công bằng ở nơi làm việc, bất kể bạn thích hay không thích, bạn cũng bắt buộc phải chấp nhận hiện thực, hơn nữa phải chủ động thích ứng với hiện thực này.
Theo đuổi công bằng chỉ là một loại lý tưởng, chính bởi vì nó chỉ là lý tưởng nên nếu là một người vừa mới đi làm, bạn chẳng còn lựa chọn nào khác ngoài việc chấp nhận nó. Bất luận thành tích của bạn ở trường có tốt đến đâu thì khi mới bắt đầu đi làm, bạn cũng chỉ giống những người khác, chỉ là một "ma mới" mà thôi.
- 02 -
Công bằng, đây chẳng qua chỉ là một cụm từ khiến người ta cảm thấy tổn thương và bất lực mà thôi. Tại sao lại nói như vậy? Bởi vì "công bằng" thường là cụm từ mà chúng ta nói khi ta phải nhận những đối xử bất công hay quyền lợi của mình bị tổn hại: người không có năng lực lại ở vị trí cao, lên mặt vênh váo, người có năng lực lại không được trọng dụng, người làm ít hoặc không làm lại được hưởng nhiều hơn, còn người làm việc thực sự thì lại chẳng được bao nhiêu.
Cùng là một công việc, bạn làm tốt, ông chủ không những không khen ngợi lại còn soi mói, trách móc trăm bề, còn người khác dù làm hỏng việc nhưng vẫn luôn được yêu quý, khen ngợi…. mỗi lần gặp phải những chuyện như vậy, mọi người đều rên rỉ, cảm thán: "Thật là không công bằng."
Nhưng cuộc sống vốn dĩ là như vậy, những chuyện không công bằng luôn tồn tại, luôn khiến ta bất lực, nhưng không lẽ chỉ vì sự tồn tại của chúng mà ta mất đi tự tin trong công việc và cuộc sống?
Chỉ có không ngừng nỗ lực thì sức ảnh hưởng của sự không công bằng mới giảm thiểu, chỉ khi chúng ta mạnh, ta mới có cơ hội làm hạn chế đi những điều không công bằng. Ngược lại nếu bạn lúc nào cũng theo đuổi sự công bằng tuyệt đối, nó sẽ chỉ càng làm cho tâm lý bạn rối loạn, khiến bạn lúc nào cũng cảm thấy bức bối không yên.
Trong một lần gặp mặt liên hoan với nhóm câu lạc bộ yêu thích điện ảnh, tôi quen một cô bạn tên Tiểu Lý, khi đó, vẻ ngoài điềm đạm của cô ấy khiến tôi có ấn tượng rất tốt. Lúc đầu, cô ấy không có vẻ là thích nói chuyện, nhưng sau khi đã trở thành bạn bè, chúng tôi dần dần nói chuyện nhiều hơn. Tuy nhiên khi nói đến chuyện công việc, cô ấy liền tỏ ra bất lực. Tôi hỏi cô ấy nguyên nhân, ban đầu cô ấy không muốn nói, nhưng sau khi tôi nài nỉ tới cùng, cô ấy rốt cuộc cũng chịu nói cho tôi lý do vì sao cô ấy không vui.
Tiểu Lý sau khi ra trường, trải qua rất nhiều trắc trở, cô ấy được nhận vào làm ở một công ty lớn. Lúc mới đi làm, Tiêu Lý vì muốn gây ấn tượng tốt với đồng nghiệp và lãnh đạo nên lúc nào cũng rất tích cực, dọn dẹp văn phòng, sắp xếp văn kiện, giấy tờ gọn gàng, lấy nước cho mọi người, tóm lại là việc gì làm được thì cô ấy đều giành làm hết.
Cứ như vậy, những việc lặt vặt trong văn phòng đều do một tay Tiểu Lý làm hết, vì cô ấy là người mới lại còn trẻ nên mọi người đều cho rằng đó là chuyện đương nhiên. Có một hôm Tiểu Lý đến muộn, thực ra cũng không hẳn là muộn, chỉ là muộn hơn so với mọi ngày, vừa bước vào văn phòng, thấy mọi thứ lung tung, còn đồng nghiệp, người ngồi nói chuyện, người ăn sáng, vừa nhìn thấy cô ấy liền nói: "Tiểu Lý mau qua đây, mau dọn dẹp văn phòng đi."
Tiểu Lý lúc đó vô cùng tức giận, việc này nếu mình không làm thì sẽ chẳng có ai làm, nhưng việc này cũng đâu phải việc của cô. Thấy vậy liền lên tiếng nói bắt đầu từ ngày hôm sau sẽ luân phiên quét dọn, việc này không thể do một mình cô làm được, kết quả chẳng có ai đáp lại cả. Ngày hôm sau Tiểu Lý cố tình đi làm muộn mấy phút, việc dọn dẹp cô ấy cũng không làm nữa.
Không ngờ, đến trưa cô bị cấp trên gọi lên mắng một trận, nói cô ấy lười biếng, là nhân viên mới nhưng mấy việc này lại không chịu làm, không biết cách hòa đồng với mọi người. Tiêu Lý chỉ biết vừa nghe vừa ấm ức.
Chuyện này đối với Tiểu Lý đích thị là không công bằng, nhưng ở trong môi trường này thì hai từ "công bằng" sẽ chẳng bao giờ xuất hiện. Đạo lý rất đơn giản, bất luận xã hội có tiến bộ đến trình độ nào, dù quản lý doanh nghiệp có phân cấp ra sao thì nội bộ doanh nghiệp vẫn mãi là kết cấu kim tự tháp. Nếu đã là hình kim tự tháp thì ắt hẳn sẽ phân trên dưới, sự bất bình đẳng từ đó cũng xuất hiện theo.
Các doanh nghiệp với vai trò là người tìm kiếm mục tiêu lợi nhuận lớn nhất, so với việc theo đuổi sự "công bằng" thì họ thích "hiệu quả" hơn. Trong nội bộ công ty, nếu không có một chế độ cấp bậc và chế độ đào thải thích đáng, nó sẽ vì sự "nhân từ" của mình mà mất đi khả năng cạnh tranh, đồng thời sẽ dễ bị đào thải trong quá trình cạnh tranh.
Chúng ta thường cảm thấy đồng cảm với những người bị đối xử không công bằng, bởi cảm thấy bản thấy mình đồng bệnh tương lân với họ. Trên thực tế, thế giới này không có cái gọi là công bằng tuyệt đối, càng tìm kiếm nó bạn sẽ càng tổn thương, thay vào đó, học cách nhìn nhận vấn đề này ở một góc độ khác, bạn sẽ phát hiện ra đây cũng là một cách giúp bạn mài giũa bản thân.
- 03 -
Ở nơi làm việc, mối quan hệ giữa cấp trên và cấp dưới vốn dĩ là mối quan hệ giữa các loại quy tắc và trách nhiệm, nếu ai ai cũng bỏ qua các quy tắc, quy định, tự mình đặt ra các yêu cầu về công bằng, luôn chỉ làm theo ý mình, thử hỏi sao có thể bảo đảm sẽ có công bằng liêm chính ở đây? Cuộc sống vốn khó khăn, sống không phải là để đánh giá và tiêu chuẩn hóa người khác mà là để tạo ra chỗ đứng xứng đáng cho mình.
Thân là một nhân viên, gặp chuyện không công bằng ở nơi làm việc là điều rất bình thường. Nếu cứ cố chấp theo đuổi sự công bằng thì sẽ chẳng có kết quả tốt. Đôi khi những lý lẽ mà bạn biết chưa chắc có thể trở thành chứng cớ hay lý do giúp bạn chống đối lại được, nhưng bạn cũng không cần phải vì vậy mà tức giận, đợi đến khi bạn hiểu rõ văn hóa làm việc chốn công sở rồi, dần dần quen với tác phong của lãnh đạo thì rồi bạn cũng sẽ quen thôi.
Vương Phi làm thư kí cho một công ty, ngày đầu tiên đi làm, cô phát hiện ra đồng nghiệp Lục Đình ở bàn đối diện rất khác với mọi người. Công ty có quy định nhân viên khi đi làm hay tan làm cũng không được sai giờ, nếu không sẽ bị trừ lương, nhưng Lục Đình kia hầu như ngày nào cũng đi muộn về sớm. Lúc làm việc không được phép dùng điện thoại của công ty vào việc riêng, nhưng cô Lục Đình đó lại dùng điện thoại nói chuyện suốt cả ngày.
Đợi đến lúc phát lương, Vương Phi cố tình để ý, lương của Lục Đình 1 đồng cũng không thiếu. Vậy có nghĩa là dù vi phạm quy định công ty cũng không hề bị trừ lương, Vương Phi nghĩ có lẽ quy chế của công ty là vậy. Vậy là cô ấy bắt đầu thả lỏng một chút. Đi làm thỉnh thoảng cũng đến muộn, về cũng sớm hơn một chút, lúc làm việc cũng gọi điện cho bạn bè nói một hai câu, kết quả cuối tháng, lương của cô bị trừ không ít.
Vương Phi hỏi kế toán: "Có phải có nhầm lẫn gì ở đây không? Lục Đình đi sớm về muộn, gọi điện thoại suốt trong giờ làm việc nhưng không bị trừ lương, tại sao em lại bị trừ lương vậy?", kế toán nhìn Vương Phi: "Em mà đòi so với cô ấy, cô ấy là "người đặc biệt" của sếp, em nói xem ai dám trừ?", Vương Phi nhất thời ngơ ra đó, thầm trách mình không biết thế nào là trời cao đất rộng.
Quả thực đời người không có gì là công bằng tuyệt đối cả, cùng lăn lội trên thương trường, có người làm vài năm thôi đã được làm quan, có người dù có làm thế nào cũng vẫn mãi chỉ là lính, cùng là kinh doanh buôn bán nhưng có người một ngày hàng trăm đơn hàng, người thì mười đơn không nổi…
Vì vậy, cần phải chấp nhận một thực tế rằng không có cái được gọi là công bằng trong xã hội, đừng để những thứ bên ngoài tác động đến tâm trạng của bạn, dùng một tâm thái bình thản để tiếp nhận mọi chuyện, cân bằng tâm lý của mình, rồi bạn sẽ bớt cảm thấy bị tổn thương hơn.
- 04 -
John D. Rockefeller trong lúc nhớ lại quãng thời gian lập nghiệp của mình đã nói: "Lúc còn trẻ tôi làm việc vì công ty, trung bình một người làm việc 8,9 tiếng một ngày, còn tôi một ngày sẽ làm việc 16 tiếng. Điều này không chỉ có lợi cho công ty mà cái tôi thu được lại càng lớn hơn, bởi như vậy tôi sẽ có lợi thế hơn người khác. Sống ở một đất nước có tính cạnh tranh cao như ở Mỹ, việc bạn cống hiến nhiều hơn là rất quan trọng. Chỉ cần chịu khó chăm chỉ hơn thì cơ hội chiến thắng cũng nhiều hơn một chút."
Có thể thấy, loại bỏ đi trở ngại tâm lý của sự không công bằng, bỏ ra nhiều hơn người khác một chút, suy cho cùng, người được lợi cuối cùng vẫn là bản thân chúng ta. Không ngừng nâng cao giá trị nghề nghiệp của bản thân, khiến mình trở thành một người không thể bị thay thế, từ đó thoát ra khỏi số phận bị đối xử không công bằng, đây là cách tốt nhất để đối mặt với sự không công bằng.
Vậy chúng ta nên làm thế nào? Theo như kinh nghiệm nhiều năm của tôi, điều đầu tiên chúng ta cần làm là điều chỉnh tâm lý của mình, không nhất thiết việc gì cũng đòi hỏi 100% công bằng, nếu không thì sẽ chẳng bao giờ bước ra được khỏi cái vòng luẩn quẩn do chính mình tạo ra.
Đối với những chuyện trong cuộc cuộc sống, nên nhìn thoáng ra một chút, đừng tính toán chi li, đối với những chuyện đã qua thì cũng đừng giữ mãi trong lòng, thay vào đó để dành sức lực và tinh thần đi học hỏi, nâng cao giá trị bản thân.
Tiếp theo, bạn cần phải thông qua chính sự nỗ lực của mình đi mưu cầu sự công bằng. Nếu chỉ vì cảm thấy không công bằng mà từ bỏ cố gắng, vậy thì bạn đã sai rồi. Mắt của lãnh đạo rất sáng, hôm nay họ không thể cho bạn sự công bằng là bởi bạn vẫn chưa đạt được tới mức khiến người khác phải cho bạn sự công bằng. Chỉ cần cần cù, tận tụy, tin rằng sẽ có một ngày, lãnh đạo sẽ tận tay đem đến cho bạn sự công bằng mà bạn mong muốn.
Còn một điều nữa, thay đổi tiêu chuẩn đánh giá sự công bằng. Công bằng chỉ là tương đối, tiêu chuẩn để đánh giá sự công bằng cũng không phải là không bao giờ thay đổi, khi bạn nhìn nhận vấn đề ở một góc độ khác, bạn sẽ phát hiện ra mình nhận được nhiều hơn là mất. Không công bằng là một cảm giác chủ quan sau khi tiến hành so sánh, vì vậy, chỉ cần chúng ta thay đổi tiêu chuẩn so sánh, chúng ta hoàn toàn có thể hạn chế bớt cái cảm giác không công bằng.
Rất nhiều người khi mới đi làm, nhiệt huyết tuổi trẻ tràn đầy, luôn cho rằng chỉ cần nỗ lực phấn đấu thì nhất đính sẽ đạt được đến một đỉnh cao nào đó. Nhưng đây không đơn thuần chỉ là ước mơ của bạn. Bạn sẽ còn phải chịu rất nhiều sự chi phối, hạn chế đến từ những điều kiện khách quan và môi trường xung quanh. Hiểu ra được điểm này, bạn mới có thể bình thản đối mặt với nhiều chuyện không công bằng trong cuộc sống, bất cứ lúc nào cũng có thể thay đổi dự định ban đầu, điều chỉnh mục tiêu phấn đấu của bản thân.
Theo Trí Thức Trẻ