WinEco

Chạy đua làm sạch sở hữu, ngân hàng toan tính gì?

09/10/2018 11:43

VietinBank vừa thông báo sẽ bán toàn bộ 4,91% cổ phần tại Saigonbank. Trong tháng 10 này, Vietcombank cũng sẽ chào bán 2,47% cổ phần tại MB và 3,7% cổ phần tại Eximbank. Động thái ráo riết bán cổ phần của các ngân hàng lớn không chỉ là làm sạch sở hữu theo quy định.

VietinBank vừa thông báo sẽ bán toàn bộ 4,91% cổ phần tại Saigonbank. Trong tháng 10 này, Vietcombank cũng sẽ chào bán 2,47% cổ phần tại MB và 3,7% cổ phần tại Eximbank. Động thái ráo riết bán cổ phần của các ngân hàng lớn không chỉ là làm sạch sở hữu theo quy định.

Tận dụng “đỉnh” của thị trường

Dù chỉ còn nắm dưới 5% cổ phần tại Saigonbank, không còn vi phạm quy định của Thông tư 36/2014/TT-NHNN (Thông tư 36) của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về sở hữu chéo, song VietinBank vẫn quyết định thoái toàn bộ vốn khỏi ngân hàng này.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng cho rằng, việc thoái vốn khi không còn chịu áp lực của cơ quan quản lý cho thấy, đây là tính toán chiến lược của VietinBank khi khoản đầu tư tại ngân hàng không hiệu quả, sinh lời thấp.

Không chỉ VietinBank, với các ngân hàng khác, việc rút vốn khỏi tổ chức tín dụng khác không chỉ để thực hiện quy định của Thông tư 36, mà còn để rút vốn khỏi các doanh nghiệp không mấy hiệu quả.

Đơn cử, Vietcombank, ngân hàng duy nhất có tỷ lệ sở hữu vượt quy định của Thông tư 36 hiện nay, đã lên kế hoạch tổ chức 2 đợt chào bán để giảm tỷ lệ cổ phần nắm giữ tại MB và Eximbank xuống dưới 5% ngay trong tháng 10 này. Tuy nhiên, dù quy định cho phép nắm giữ cổ phần dưới 5% tại 2 ngân hàng, Vietcombank vẫn muốn bán hết vốn tại Eximbank, chỉ giữ lại vốn tại ngân hàng hoạt động hiệu quả, sinh lời tốt là MB.

TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia ngân hàng cho rằng, các ngân hàng đã muốn thoái các khoản đầu tư không hiệu quả từ lâu, nhưng do thị trường không ủng hộ, nên chưa làm được. Hiện tại là thời điểm thích hợp để các ngân hàng thoái vốn khỏi các ngân hàng yếu.

Trước đây, nhiều ngân hàng chào bán cổ phiếu nắm giữ tại các ngân hàng khác, nhưng đều không thoái vốn thành công. Chỉ trong vòng 1 năm gần đây, hàng loạt thương vụ thoái vốn đã diễn ra: Vietcombank bán toàn bộ vốn tại Saigonbank, Công ty Tài chính xi măng (CFC) và Ngân hàng OCB; BIDV thoái vốn hết vốn khỏi Liên doanh Quản lý Đầu tư BIDV - Vietnam Partners; VietinBank đã giảm sở hữu tại SaigonBank từ 10,39% xuống 4,91%; Eximbank bán 5,41% vốn tại Sacombank; Maritime Bank thoái vốn thành công tại PVcomBank và MB…

Theo nhận định của Stoxplus, cổ phiếu ngân hàng đang có mức tăng trưởng mạnh nhất trong vòng 5 năm qua. Tuy nhiên, lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu của ngành này đang tiệm cận đỉnh và năm 2018 hoặc 2019 sẽ là đỉnh của cổ phiếu ngân hàng. Đây cũng là lý do khiến các nhà băng cấp tập tận dụng “đỉnh” để thoái vốn.

“Dọn sạch nhà” để đón đối tác mới?

Mặc dù Thông tư 36 cho phép ngân hàng được sở hữu cổ phần tại 2 tổ chức tín dụng khác với tỷ lệ dưới 5%, song cơ quan quản lý vẫn luôn khuyến khích các nhà băng làm sạch sở hữu chéo, minh bạch tài chính và quản trị. Cuối tháng 9 vừa qua, NHNN vừa tiếp tục ban hành một chỉ thị về đẩy mạnh xử lý nợ xấu, tái cơ cấu ngân hàng. Trong đó, NHNN yêu cầu đẩy mạnh xử lý sở hữu chéo, yêu cầu các nhà băng chuyển nhượng bớt cổ phần, thoái vốn khỏi các tổ chức tín dụng khác để giúp hệ thống lành mạnh, minh bạch hơn.

Hơn nữa, hầu hết các khoản đầu tư của ngân hàng tại tổ chức tín dụng khác thời gian qua đều mang lại hiệu quả thấp, trong khi hệ lụy lại rất lớn. Do vậy, việc ngân hàng tận dụng “đỉnh” của cổ phiếu để thoái vốn không phải là khó hiểu.

Làm sạch tỷ lệ sở hữu, tập trung vào các hoạt động kinh doanh chính, cải thiện chỉ số tài chính… sẽ giúp các ngân hàng quốc doanh dễ gọi vốn thành công.

Tuy nhiên, ngoài các nguyên nhân trên, việc ngân hàng cấp tập thoái vốn cũng còn có lý do khác. Giới phân tích cho rằng, không phải là ngẫu nhiên khi VietinBank, Vietcombank, BIDV… đua nhau thoái vốn.

“Thoái vốn khỏi ngân hàng yếu có thể nằm trong kế hoạch làm sạch bảng cân đối tài sản của ngân hàng lớn trong bối cảnh đang chào bán cổ phần cho đối tác ngoại và sức ép lên sàn quốc tế. Cụ thể, theo Chiến lược Phát triển ngân hàng, Chính phủ yêu cầu đến năm 2025, phải có 3 - 5 ngân hàng niêm yết cổ phiếu ở sàn chứng khoán nước ngoài. Tuy nhiên, mục tiêu này không hề dễ dàng vì xếp hạng tín nhiệm quốc gia ở Việt Nam đang ở mức thấp. Do đó, để thu hút nhà đầu tư, ngân hàng Việt phải làm sạch bảng cân đối tài sản của mình”, TS. Hiếu phân tích.

Ngoài làm sạch sở hữu chéo, các khoản thoái vốn trước mắt sẽ đem lại cho các nhà băng lớn hàng trăm tỷ đồng lợi nhuận. Trong bối cảnh Chính phủ nhiều khả năng sẽ đồng ý cho phép ngân hàng giữ lại lợi nhuận để tăng vốn, thì đây là thời điểm vàng để ngân hàng bắn một mũi tên trúng hai đích: vừa rút các khoản đầu tư bị chôn nhiều năm tại những doanh nghiệp sinh lời kém, vừa có thể có thêm nguồn để tăng vốn, cải thiện hệ số an toàn vốn (CAR) đang ở mức báo động.

Mặt khác, Chính phủ cũng đang chủ trương giảm sở hữu nhà nước, tăng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại các ngân hàng quốc doanh lên mức trên 30%. Chính vậy, làm sạch tỷ lệ sở hữu, tập trung vào các hoạt động kinh doanh chính, cải thiện chỉ số tài chính… sẽ giúp các ngân hàng quốc doanh dễ gọi vốn thành công khi room ngoại được mở rộng hơn.

Theo Hà Tâm

Theo Báo Đầu tư

Bạn đang đọc bài viết "Chạy đua làm sạch sở hữu, ngân hàng toan tính gì?" tại chuyên mục Tài chính.