Với 5,7 ha tại Hạ Đình, bóng đèn Rạng Đông trở thành một trong số ít doanh nghiệp được sở hữu mảnh 'đất vàng' rộng lớn.
Công ty CP Bóng đèn phích nước Rạng Đông tiền thân là nhà máy Bóng đèn phích nước Rạng Đông được xây dựng năm 1958. Đây là một trong 13 nhà máy đầu tiên được thành lập theo quyết định của Chính phủ.
Tháng 7/2004, nhà máy bóng đèn phích nước Rạng Đông chính thức chuyển đổi sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần, với số vốn điều lệ ban đầu là 79,15 tỷ đồng, sau đó tăng lên thành 115 tỷ đồng.
Ngành nghề kinh doanh chính của công ty là sản xuất, kinh doanh các sản phẩm nguồn sáng, thiết bị chiếu sáng, thủy tinh và phích đựng nước nóng…
Doanh nghiệp này còn được biết đến là một trong những đơn vị sớm đưa cổ phiếu lên sàn giao dịch chứng khoán (tháng 12/2006). Một số thời điểm cổ phiếu RAL tăng mạnh, đạt đỉnh ở mức 140.000 đồng/cổ phiếu (tháng 3/2018), nhưng sau đó cũng giảm mạnh và xuống giao dịch ở mức 90.000 đồng/cổ phiếu.
Năm 2018, doanh thu thuần của Rạng Đông đạt 3.621 tỷ đồng, tăng 10,7% so với năm 2017.
Quý 2/2019, doanh thu thuần trong kỳ của Rạng Đông đạt 795 tỷ đồng tăng 36% so với cùng kỳ năm ngoái, sau khi trừ giá vốn lãi gộp đạt 247 tỷ đồng tăng 53,4% so với quý 2/2018 tương đương biên lãi gộp được cải thiện từ 27,5% lên 31%.
Sau gần 6 thập kỷ phát triển, Rạng Đông hiện sở hữu mạng lưới hơn 7.000 cửa hàng phân phối, đứng thứ 402 trong 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam.
Cùng với Điện Quang, Rạng Đông là một trong 2 doanh nghiệp hàng đầu về sản xuất và cung ứng các sản phẩm, thiết bị chiếu sáng trong nước.
Ngoài những thành công trong kinh doanh, yếu tố hấp dẫn của Rạng Đông còn đến từ chính trụ sở công ty.
Hiện Rạng Đông đang sở hữu lô đất “vàng” 5,7ha tại địa chỉ 87 - 89 Hạ Đình,quận Thanh Xuân, Hà Nội, ngay gần khu đất đắc địa “Cao- Xà- Lá” và Công ty Giầy Thượng Đình.
Công ty hiện đã nhận được Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và có quyền tự do chuyển đổi mục đích khu đất.
Cách đây gần 1 năm, Rạng Đông đã có thông báo xin ý kiến cổ đông bằng văn bản bổ sung ngành nghề kinh doanh. Theo đó, công ty bổ sung hoạt động kinh doanh bất động sản, quyền sử dụng đất thuộc chủ sở hữu, chủ sử dụng hoặc đi thuê và tư vấn, môi giới, đấu giá bất động sản, đấu giá quyền sử dụng đất.
Có thể lý do khiến Rạng Đông muốn lấn sân sang mảng bất động sản là do công ty này đang sở hữu mảnh đất vàng rộng 5,7 ha tại Hạ Đình, Hà Nội, vị trí đắc địa có nhiều đại gia nhòm ngó.
Trong những năm gần đây, Chính phủ đã đẩy mạnh việc di dời nhà máy gây ô nhiễm ra khỏi nội thành Hà Nội và Quyết định 86/2010/QĐ-Ttg đã cho phép các tổ chức, cơ quan, cơ sở sản xuất kinh doanh được bán tài sản trên đất, chuyển quyền sử dụng đất hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng.
Trường hợp chủ đất không có chức năng kinh doanh phù hợp với yêu cầu của Luật Đất đai thì QĐ 86 cũng cho phép liên doanh với pháp nhân có chức năng và thành lập pháp nhân mới để chuyển đổi mục đích sử dụng.
Yếu tố quan trọng này đã khiến các doanh nghiệp sở hữu vị trí đắc địa tại Hà Nội nhận được sự quan tâm lớn từ giới đầu tư.
Có thể kể tới như trường hợp dệt Minh Khai khi phiên IPO hồi đầu năm đã diễn ra hết sức thành công. Cụ thể, 3 nhà đầu tư đã mua hết toàn bộ lượng cổ phần chào bán với mức giá gấp 7 lần khởi điểm. Một chi tiết quan trọng là Dệt Minh Khai đang sở hữu lô đất 3,8 ha tại mặt đường Minh Khai- Hà Nội.
Trước đó, hàng loạt dự án, cao ốc đã mọc lên trên nền đất cũ của các nhà máy tại Hà Nội như: CTCP dụng cụ cơ khí xuất khẩu (229 Tây Sơn) - Viet Tower/Parkson, Hanosimex và Dệt 8/3 - Times City...
Có thể thấy, sức hút từ các khu đất “vàng” lúc này rất lớn, nhất là trong bối cảnh các nhà máy đang phải di dời khỏi trung tâm Hà Nội.
Thanh Hà
Theo VTC