WinEco

Chỉ vì tự giác mà ép buộc, kìm kẹp bản thân: Ngoài việc tự giày vò chính mình thì chẳng có ý nghĩa hay tác dụng gì cả!

26/06/2019 16:26

Người trẻ có một căn bệnh rất đáng sợ và nguy hiểm, đó là: 'Giả vờ tự giác'. Nó có khả năng hủy hoại tương lai và biến bạn thành người nghèo thời gian

01

Giả vờ tự giác đang hủy hoại cuộc đời và tương lai của bạn

Bạn tự nhủ mình phải giảm cân, gầy như một tia sét mỏng manh, nhưng lại không kiềm chế được đôi tay gắp thêm vài miếng thịt và nhai ngồm ngoàm, bởi sự hấp dẫn không thể cưỡng lại được của thức ăn ngon.

Bạn tự nhủ với bản thân rằng không thức khuya làm cú đêm, 10 giờ tắt điện đi ngủ, nhưng vẫn lướt Facebook đến tận nửa đêm, bởi những câu chuyện quá thú vị.

Thế rồi một buổi tối nào đó, hạ quyết tâm lập lời thề son sắt! Từ bỏ đồ ăn ngon và điện thoại. Bắt đầu xây dựng và thực hiện kế hoạch: 5 giờ ngủ dậy, 5.30 phút chạy bộ, 7 giờ ăn sáng, 8 giờ chuẩn bị hành trang đi làm.

Bạn lên kế hoạch ngày nào cũng đầy ắp, không có thời gian đàn hồi, cũng không xem xét tới tình hình thực tế của bản thân.

Thấy những người thành công nổi tiếng dậy sớm tập thể dục, bạn cũng dậy sớm tập thể dục. Kết quả, vừa bước chân tới văn phòng làm việc đã ngáp ngắn ngáp dài. Mới hôm trước vẫn tự nhủ với bản thân rằng phải quyết tâm kiên trì, kiên trì và kiên trì. Vậy mà cuối cùng ngày càng mệt mỏi.

Mỗi ngày đều giống như một chiếc đồng hồ lên dây cót, cuộc sống ngay ngắn như một bảng exel. Bạn cho rằng mình đang tự giác sao? Thực ra là đang tự hủy hoại chính mình.

Tôi từng xem được một mẩu tin ngắn kể về một người đàn ông trung niên 40 tuổi cảm thấy mình có chút "béo ngậy". Thấy vậy liền xây dựng cho mình kế hoạch chạy bộ để giảm bớt độ "ngậy". Vì muốn khoe khoang bản thân tự giác, liên tiếp chạy bộ trong vòng nửa tháng.

Sau đó, vì nhu cầu công việc, phải tăng ca trực đêm mất 2 tuần. Mặc dù thiếu ngủ cộng thêm chứng cảm cúm nhưng vẫn "cố tình kiên trì" chạy bộ. Kết quả bị mắc bệnh viêm cơ tim.

Chúng tha thường quá độ hóa, thần thoại hóa "tự giác" mà cho rằng chỉ cần mình tự giác là có thể tăng lương tiến chức, làm tổng giám đốc, trở thành CEO, lấy được vợ đẹp, bước lên đỉnh cao của cuộc đời và sự nghiệp.

Thế nhưng luôn có những người bị rơi vào guồng xoáy "giả vờ tự giác".

Những người "giả vờ tự giác" thường ở trong trạng thái bận rộn kéo dài. Thậm chí toàn thân tê liệt. Cho rằng, chỉ cần kiên trì tới cùng chắc chắn sẽ có sự thay đổi vi diệu.

Nhưng thực tế không phải vậy. Rất nhiều người mang trong mình tế bào nhiệt huyết 3 phút. Trước đó sẽ xây dựng một loạt các kế hoạch, khiến bản thân cảm thấy bận rộn. Nhưng sau đó lại vô cùng mệt mỏi vì không nhìn thấy ánh nắng mặt trời.

Tại sao nói "giả vờ tự giác" đang hủy hoại cuộc sống và tương lai của bạn?

Chỉ vì tự giác mà ép buộc, kìm kẹp bản thân: Ngoài việc tự giày vò chính mình thì chẳng có ý nghĩa hay tác dụng gì cả! - Ảnh 1.

02

Trả vờ tự giác đang khiến bạn trở thành người nghèo thời gian

Nhiều người thường nói: "Bạn chi tiêu thời gian như thế nào bạn sẽ trở thành người như thế ấy". Và cũng có người coi câu nói đó là tín điều cuộc sống. Ra sức lấp đầy thời gian của mình.

Lâm anh bạn cùng phòng thời sinh viên của tôi chính là một ví dụ điển hình như vậy. Công việc, cuộc sống đều "siêu tự giác". Lương tháng 8 triệu mà bận hơn cả tổng thống.

Đúng 7 giờ sáng mỗi ngày đều đặn check in Facebook và khoe khoang với bạn bè mình đang học ngoại ngữ. Mấy tháng trước học tiếng Pháp, gần đây lại chuyển sang tiếng Nhật. Thậm chí năm ngoái nghe đồn còn học qua cả tiếng Hàn.

5 giờ chiều hết giờ làm việc, nhưng thường xuyên thấy Lâm 7, 8 giờ tối mới về. Với lý do là nâng cao vị thế trong công ty. Lâm thực sự học hành rất nghiêm túc, đi làm mấy năm mà vẫn thi được cả một đống bằng cấp. Rất nhiều bằng cấp thậm chí chẳng liên quan gì đến công việc của Lâm.

Cuối tuần, bạn bè đồng nghiệp tụ tập ăn uống, tán dóc, dã ngoại nhưng không bao giờ thấy bóng dáng Lâm xuất hiện. Nghe nói, Lâm đăng ký một loạt các khóa học bồi dưỡng cuối tuần, buổi tối học online, còn tham gia vào rất nhiều hội nhóm nâng cao kỹ năng.

Thế nhưng, so với những người đồng nghiệp cùng vào công ty với Lâm, người thì thăng chức tăng lương, người thì được cử đi đào tạo nước người. Duy chỉ có Lâm, lúc nào cũng bận rộn nhưng chẳng có mấy cơ hội thăng tiến. Làm việc đã nhiều năm mà lương vẫn chỉ ba cọc ba đồng.

Nghe nhiều người nói: "Tự giác mới có thể mang lại tự do". Nhưng nếu trả vờ tự giác không có mục tiêu không những không có được tự do mà còn khiến bản thân bị ràng buộc một cách không hề nhẹ.

Trong cuốn sách "Poor Economics" có viết: Dù thiếu hụt về tiền bạc hay thời gian đều sẽ khiến tốc độ truyền dữ liệu của não bộ giảm sút, hạ thấp chỉ số IQ.

Muốn hủy hoại ai đó chỉ cần khiến họ bận rộn tới mức không có thời gian trưởng thành. Rất nhiều người đều rơi vào trạng thái công việc bận rộn. Sáng 8 giờ đi làm, tối 10 giờ tan ca. Được ngày cuối tuần hiếm hoi lại xếp lịch "sạc pin" dày đặc. Nào là học kỹ năng mềm, nào là học vi tính văn phòng, nào là bồi dưỡng kỹ năng quản lý… Rồi đắm chìm trong ảo giác bận rộn và tự giác.

Uống bát thuốc "tôi tự giác, tôi trưởng thành", thời gian sắp xếp không thiếu giây nào, tưởng chừng không hổ thẹn với lương tâm. Mà lại không biết rằng, bát thuốc đó chỉ khiến bạn trở thành kẻ nghèo thời gian.

Kết quả phương hướng không rõ ràng, hao tổn trí lực, nhiệt huyết cạn kiệt, kết cục mơ hồ.

Giả vờ tự giác giam cầm khiến bạn trở thành kẻ nghèo thời gian, cản trở bạn trưởng thành và phát triển.

Chỉ vì tự giác mà ép buộc, kìm kẹp bản thân: Ngoài việc tự giày vò chính mình thì chẳng có ý nghĩa hay tác dụng gì cả! - Ảnh 2.

03

Giả vờ tự giác khiến bạn trở thành một "phế nhân tích cực"

"Phế nhân tích cực" là cụm từ đầy mâu thuẫn và đối lập nhưng lại khiến nhiều người thấy rõ hình bóng của mình trong đó.

Kiểu người này có suy nghĩ tích cực tiến lên nhưng hành động lại như phế nhân. Họ thường bị khủng hoảng hoặc stress chỉ vì những hành động hưởng thụ nhất thời. Đồng thời thường tự trách móc bản thân vì sự lười nhác của mình.

Rõ ràng rất tích cực đi lên nhưng mọi việc đều chẳng đâu vào đâu. Không ngừng tự nhủ bản thân phải tự giác nhưng lại không thể kiên trì tới cùng. Giày vò bản thân một phen mà vẫn chẳng làm nên trò trống gì.

Dương cậu bạn chung phòng cùng ôn thi đại học. Ngày nào cũng 6 giờ ra khỏi nhà đến 11 giờ đêm mới về. Ban đầu, Dương tràn đầy tự tin thề rằng phải thi đậu vào ngôi trường mơ ước. Khi nào ôn toán, khi nào ôn tiếng anh…mọi thứ đều lên kế hoạch hết sức tường tận và chi tiết.

Có lần tôi hỏi Dương:

- Văn ôn võ luyện đến đâu rồi?

Dương thở dài chán nản:

- Chả đâu vào đâu cậu ạ, cảm giác khó khăn quá, muốn bỏ cuộc, bỏ đại học để học nghề thôi.

Thế rồi, thời gian sau tôi lại thấy Dương cầm sách ôn thi. Tôi hỏi:

- Tưởng cậu không thi đại học nữa?

Dương đáp:

- À tớ mới nói chuyện lại với thầy giáo, cảm thấy dù gì đại học vẫn tốt hơn. Tớ sắp xếp thời gian ổn thỏa cả rồi, chắc sẽ không có vấn đề gì đâu.

Nhìn đôi mắt gấu trúc thiếu ngủ sâu thẳm của Dương có vẻ thất thần. Trò chuyện thoắt ẩn thoắt hiện những mệt mỏi xa xăm.

Kết quả, sau 2 tháng ôn thi "vô cùng tự giác", Dương vẫn không thể thi đậu vào ngôi trường mà mình mong muốn.

Nhà tâm lý học Dr. Janet Polivy từng chỉ ra một khái niệm: "Hội chứng mong muốn sai trái" để khái quát quá trình tâm lý "càng chiến càng bại, lúc nào cũng lập mục tiêu" của "phế nhân tích cực" một cách hoàn hảo đó là: thông qua việc xây dựng cho mình những mục tiêu mới khiến những dằn vặt, đau khổ trước đó dường như được chuộc tội trong nháy mắt.

Đối với những người giả vờ tự giác, muốn giải quyết vấn đề không thể thực hiện mục tiêu chỉ cần lập thêm một mục tiêu mới. Vậy nên có những người sống theo kiểu bận rộn đó là không ngừng xây dựng mục tiêu, không ngừng thất bại...

Rất nhiều người trông có vẻ rất bận rộn, nhưng cuối cùng đều sẽ quay về trạng thái cuộc sống ban đầu. Thậm chí còn đi ngủ khuya hơn, thức dậy muộn hơn, sống bê tha và tồi tệ hơn trước.

Khái quát lại "trả vờ tự giác" đó là tích cực nhất thời, bê tha bền vững.

Tưởng rằng càng nghèo càng bận nhưng thực chất lại là càng cố gắng càng thất bại.

Chỉ vì tự giác mà ép buộc, kìm kẹp bản thân: Ngoài việc tự giày vò chính mình thì chẳng có ý nghĩa hay tác dụng gì cả! - Ảnh 3.

04

Tự giác được hình thành từ thói quen

Vậy thế nào mới là trạng thái tự giác thực sự?

Đó là tận dụng mọi cách, tận dụng mọi nguồn lực, điều kiện xung quanh, thậm chí là cả sức khoẻ, não bộ để làm những việc mà bạn muốn làm hay thực hiện mục tiêu của chính mình.

Một việc nào đó nếu chỉ kiên trì được một đến hai tuần chắc chắn chỉ là do hiếu kỳ, ham chơi hoặc chạy theo trào lưu.

Nếu muốn tự giác lâu dài phải có thói quen mà phải lại thói quen được tích lũy không ngừng trong suốt một khoảng thời gian dài.

Một việc nào đó nếu như được lặp đi lặp lại với tần suất đủ nhiều sẽ sản sinh bộ nhớ cơ. Và tự giác sẽ không đơn thuần chỉ là bộ nhớ cơ mà là hành vi cố định hóa sâu sắc trong não bộ.

Đừng gửi hy vọng vào cảm giác, ý thức và tự mình kiểm soát, tất cả đều quá khó. Chỉ khi hình thành thói quen, bạn mới có được hành động thực sự.

Murakami Haruki kiên trì chạy bộ suốt 10 năm như một, không phải vì ông quá tự giác hay kỷ luật mà là bởi ông đã chìm đắm vào trong hành động chạy bộ, nó đã trở thành một thói quen không thể thiếu trong cuộc sống của ông.

Có những người kiên trì viết 3000 chữ mỗi ngày không phải vì họ rất cố gắng nỗ lực mà là họ cố tình không dừng lại. Bởi họ có được rất nhiều khoái cảm từ trong hành động viết lách đó. Họ đã thực sự say mê và chìm đắm trong đó và nó đã trở thành thói quen. Viết lách khiến họ trở thành một con người hoàn toàn khác.

Aleksandr Lyubishchev dành cả đời để kiên trì với việc ghi chép lại thời gian. Từ năm 1916 cho đến ngày mà ông ra đi vào năm 1972, 56 năm như một, ông luôn ghi chép lại việc sử dụng thời gian của mình một cách kỹ lưỡng mà chưa bao giờ gián đoạn.

Có thể điều này không phải là do sự cố gắng nỗ lực của ông. Mà là bởi ghi chép thời gian sớm đã trở thành một đoạn gen không thể thiếu trong cơ thể của ông.

Tự giác không phải là một mục đích mà là một phương thức. Nó không kiểm soát hành vi của bạn mà là trái tim của bạn.

Cuộc sống tự giác không thể hình thành trong chốc lát mà cần phải có thời gian để bồi dưỡng, tích lũy và xây dựng giống như một thói quen. Niềm vui tự giác cần phải được xuyên suốt từ trong ra ngoài. Chứ không phải là cảm giác tồn tại ảo tưởng khi có ai đó like mục tiêu, kế hoạch của bạn trên FaceBook.

Tự giác là niềm vui từ tận đáy lòng khi bạn sống một cách quy luật, là thái độ kiên quyết khi bạn từ chối mọi mê hoặc xấu, là niềm kiêu hãnh khi bạn thấy bản thân mình không ngừng tiến bộ.

Steve Jobs đã từng nói: "Tự do đến từ tự tin mà tự tin lại đến từ tự giác. Chỉ khi loại bỏ "giả vờ tự giác" ra khỏi cuộc sống mới thực sự mang lại tự tin và tự do cho bạn".

Lối sống của tuổi 20 sẽ quyết định cách bạn bước vào tuổi 30. Lối sống tuổi 30 sẽ quyết định cách mà bạn bước vào tuổi 40.

Hy vọng tất cả chúng ta đều có thể tránh xa khỏi cảm bẫy lừa lọc của "giả vờ tự giác", không lừa gạt thanh xuân, tuổi trẻ, không lừa gạt chính mình.

Thời gian không biết nói dối. Bạn cho thời gian những gì, thời gian sẽ trả lại cho bạn những thứ đó.

Trí Thức Trẻ