Xem xét đưa Thừa Thiên Huế vào vùng Bắc Trung Bộ, cân nhắc đưa Lâm Đồng về lại vùng Tây Nguyên.
Ai đồng ý phương án phân vùng mới?
Như VietNamNet đưa tin, tại tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề xuất phân chia cả nước thành 7 vùng kinh tế - xã hội để triển khai kịp thời, đồng bộ các quy định của Luật Quy hoạch. Luật Quy hoạch có nội dung về phân vùng để lập Quy hoạch tổng thể quốc gia, trong khi các quy hoạch vùng hiện nay chỉ còn hiệu lực đến năm 2020, bộc lộ nhiều hạn chế trước bối cảnh mới trong nước, quốc tế và khu vực.
Cho nên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề xuất phân chia cả nước thành 7 vùng kinh tế - xã hội, thay vì 6 vùng như hiện nay.
Đó là vùng Đông Bắc (7 tỉnh): Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Bắc Giang.
Vùng Tây Bắc (7 tỉnh): Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình.
Vùng Đồng bằng sông Hồng gồm 11 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Hải Dương, Hải Phòng, Hưng Yên, Thái Bình, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình.
Vùng Bắc Trung Bộ (gồm 5 tỉnh): Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị.
Vùng Nam Trung Bộ (duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên) gồm 11 tỉnh/thành phố gồm: Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông.
Vùng Đông Nam Bộ gồm 9 tỉnh/thành phố: Ninh Thuận, Bình Thuận, Lâm Đồng, Bình Phước, Tây Ninh, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, TP. Hồ Chí Minh
Vùng Đồng bằng sông Cửu Long gồm 13 tỉnh/thành phố: Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, Cần Thơ, Hậu Giang Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau.
Như vậy, so với phương án 6 vùng như hiện nay, thì tại phương án 7 vùng kinh tế xã hội, có vùng Đồng bằng sông Hồng và Đồng bằng sông Cửu Long là giữ nguyên. Còn vùng Trung du miền núi phía Bắc tách thành 2 vùng Đông Bắc và Tây Bắc; tách vùng Bắc Trung Bộ từ Thanh Hóa đến tỉnh Quảng Trị.
Nhập các tỉnh Lâm Đồng (của Tây Nguyên), Bình Thuận, Ninh Thuận ở duyên hải Nam Trung Bộ vào vùng Đông Nam Bộ hiện nay.
Thành lập vùng Nam Trung Bộ bao gồm: Thừa Thiên Huế, các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ từ Đà Nẵng đến Khánh Hòa và 4 tỉnh Tây Nguyên (Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông).
Khi lấy ý kiến góp ý cho phương án 7 vùng này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho hay có 8/14 bộ và 52/53 tỉnh có ý kiến hoàn toàn đồng ý với phương án phân 7 vùng.
Có 4/14 bộ và 1/53 tỉnh không có ý kiến về phương án phân vùng; có 2/14 bộ đề nghị phương án khác.
Có 3/53 tỉnh có ý kiến đồng ý phương án 7 vùng nhưng có ý kiến đề nghị xem xét tỉnh Thừa Thiên Huế nên đưa vào vùng Bắc Trung Bộ, cân nhắc đưa tỉnh Lâm Đồng vào vùng Đông Nam Bộ, Thanh Hóa nên đưa vào vùng Tây Bắc, Long An và Tiền Giang đưa vào vùng Đông Nam Bộ.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị cân nhắc phương án khác, không đưa Tây Nguyên vào vùng Nam Trung bộ hay Lâm Đồng vào Đông Nam Bộ.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư giải thích rằng: Thời gian qua, Lâm Đồng có mối quan hệ rất chặt chẽ với các địa phương trong vùng duyên hải Nam Trung bộ và vùng Đông Nam bộ hơn là vùng Tây Nguyên. Việc đưa Lâm Đồng vào vùng Nam Trung bộ không làm ảnh hưởng đến yếu tố an ninh, quốc phòng, trong khi đó sẽ tạo đà phát triển khi có những quan hệ phát triển kinh tế nội vùng đạt hiệu quả hơn.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các tỉnh Tây Nguyên thực tế liên kết nội vùng rất hạn chế, trong khi đó liên kết với các tỉnh ngoài lại khá mạnh mẽ. Chẳng hạn Lâm Đồng hợp tác và liên kết mạnh với Ninh Thuận, Bình Thuận, TP.HCM; còn Kon Tum, Gia Lai, Đắk, Lắk hợp tác với Bình Định, Phú Yên.
Khoảng cách giữa các tỉnh trong vùng tối đa 500 km
Theo báo cáo của Viện Chiến lược phát triển, phương án phân 7 vùng mới “mang tính đổi mới”. Ngoài 2 vùng đồng bằng sông Hồng và Đồng bằng sông Cửu Long không thay đổi số lượng các tỉnh, các vùng còn lại đều có sự điều chỉnh.
Vùng Trung du và miền núi phía Bắc được tách thành hai vùng Đông Bắc và Tây Bắc; vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung được tách thành 2 vùng (vùng Bắc Trung bộ và Nam Trung bộ). Vùng Tây Nguyên được ghép vào vùng Nam Trung bộ mới. Vùng Đông Nam bộ mới được bổ sung thêm 3 tỉnh là Ninh Thuận, Bình Thuận và Lâm Đồng.
Phương án này tính đến các yếu tố thị trường trong việc phân vùng, đặt tính liên kết vùng cao hơn tính tương đồng về điều kiện tự nhiên, lịch sử, xã hội, dân cư... ; đồng thời, hướng tới việc tạo không gian phát triển mới, thúc đẩy liên kết nâng cao năng lực cạnh tranh để hội nhập một cách hiệu quả. Quy mô vùng vừa phải, khoảng cách giữa các địa phương trong vùng không quá lớn, thuận lợi cho hợp tác, quản lý, phát triển.
Với phương án phân vùng mới, khoảng cách giữa các địa phương trong vùng được rút ngắn từ xa nhất (1.300km) còn tối đa khoảng 500 km.
Viện Chiến lược phát triển đánh giá: Phương án phân vùng lãnh thổ mới khi được triển khai sẽ có hạn chế là làm xáo trộn về thông tin (không nhiều), phát sinh nhu cầu tập hợp, xử lý lại thông tin theo vùng lãnh thổ. Tuy nhiên, việc này không gặp nhiều khó khăn và chi phí không cao.
Theo Vietnamnet