Phát triển bền vững là chiến lược và là giấy thông hành của doanh nghiệp đến với thị trường, hướng tới tương lai, theo Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc, phát biểu tại Lễ Công bố Doanh nghiệp bền vững tại Việt Nam năm 2018.
Năm 2016, phu nhân Thủ tướng Singapore, bà Ho Ching đã gây sốt khi sử dụng một chiếc ví chỉ có 11 USD khi đến thăm Nhà Trắng. Chiếc ví có hoạ tiết hình khủng long, được thiết kế bởi Seetoh Sheng Jie, 19 tuổi, học trường Pathlight, ngôi trường dành cho người tự kỷ đầu tiên ở đảo quốc sư tử.
Doanh số của chiếc túi về sau đã tăng vọt, bán được 200 cái ngay trong một ngày sau khi hình ảnh của bà Ho Ching được chia sẻ rộng rãi.
Câu chuyện này được ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI dẫn lại trong đêm 22/11 như một ví dụ về sự lựa chọn của thị trường, đối với những sản phẩm được tạo ra mà một phần trong đó, nhằm phụng sự các giá trị nhân văn.
Phát triển bền vững có nghĩa là việc có lợi nhuận phải đạt được thông qua phụng sự xã hội, vì lợi ích con người và không làm "đau" trái đất, theo ông Lộc.
Điều này đã trở thành chiến lược và mô hình kinh doanh của doanh nghiệp, hay nói cách khác, trở thành giấy thông hành mà doanh nghiệp phải có khi đến tiếp cận thị trường và hướng đến tương lai.
Là một trong số doanh nghiệp được xếp hạng bền vững 3 năm liên tiếp, đại diện Heineken, ông Matt Wilson, đại diện doanh nghiệp này nhấn mạnh, phát triển bền vững là lựa chọn duy nhất của doanh nghiệp bởi điều này không chỉ mang lại lợi ích cho cộng đồng mà còn rất có lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh.
Những hoạt động tiêu biểu của doanh nghiệp này, đơn cử như trong năm 2017, 4/6 nhà máy bia trên khắp Việt Nam đã nấu bia bằng 100% năng lượng tái tạo không phát thải khí carbon. Nhờ vậy, lượng khí CO2 của các nhà máy giảm một nửa so với sử dụng nhiên liệu hóa thạch và giảm chi phí nhiên liệu đến 30%.
Hay như với Công ty TNHH Giấy Lee&Man, doanh nghiệp lọt top 100 doanh nghiệp phát triển bền vững năm 2018 cho biết với cơ chế sử dụng hơn 90% nguồn nguyên liệu giấy tái chế đã giúp đơn vị này vừa bảo vệ môi trường, vừa tiết kiệm chi phí sản xuất cho nhà máy hơn 40%.
"Các chuỗi giá trị chọn đối tác, người tiêu dùng chọn sản phẩm và dịch vụ, người lao động chọn nơi làm việc... đều hướng tới các giá trị có tính chất nhân văn, bền vững chứ không chỉ quan tâm tới các lợi ích kinh tế trong ngắn hạn", ông Lộc nhấn mạnh.
Theo khảo sát của Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam, có tới 71% doanh nghiệp cho biết có kế hoạch hành động cho các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp quốc. 13% doanh nghiệp đã xác định các công cụ cần và 29% đặt ra các mục tiêu cụ thể.
Trong khi đó, 90% người dân tin rằng việc các doanh nghiệp đăng ký với các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc là quan trọng, với hơn 80% cho biết họ có nhiều khả năng sẽ mua hàng hóa và dịch vụ từ các bên đã đăng ký thực hiện các mục tiêu này hơn.
Theo Vũ Hoà
Trí thức trẻ