Chiến lược quản trị của HLV Park Hang-seo: Không hiểu đối thủ, không vào trận!

24/01/2019 13:21

Hãy biết khơi gợi tự tin trong từng con người xung quanh bạn. Chỉ cần có tự tin, họ sẽ chiến thắng và thành công.


Hãy biết khơi gợi tự tin trong từng con người xung quanh bạn. Chỉ cần có tự tin, họ sẽ chiến thắng và thành công.

HLV Park Hang-seo đã dẫn dắt một U23 Việt Nam làm nên điều kỳ diệu khi vào đến trận chung kết giải U23 châu Á ở Thường Châu - Trung Quốc cách đây 1 năm. Ông cũng là người đưa đội tuyển Việt Nam nâng cao chiếc cup vô địch Đông Nam Á trong mùa giải AFF Suzuki Cup 2018 sau cả thập kỷ mong đợi. Và giờ đây, người Việt lại tiếp tục đón chờ và chứng kiến những kỳ tích mới của đội tuyển quốc gia ở đấu trường lớn nhất châu lục Asian Cup 2019.

Trước trận đấu quan trọng trong vòng tứ kết với đội tuyển Nhật Bản, mời các bạn cùng chúng tôi nhìn lại những quan điểm quản trị ý nghĩa của vị HLV người Hàn Quốc. Nội dung bài viết được trích từ cuốn sách "Phong cách quản trị Park Hang-seo: Bí quyết thành công của doanh nghiệp Hàn Quốc" của tác giả Lê Huy Khoa Kanata, cựu trợ lý ngôn ngữ của HLV Park Hang-seo.


Tinh thần tự tin là sức mạnh vô cùng vô tận để khắc phục mọi yếu điểm khác

Niềm tin của đội U23 Việt Nam tăng vụt sau trận thắng đội Úc 1-0. Đây là trận đấu mở đầu cho các thắng lợi tiếp theo của đội.

U23 đã phải liên tục giải quyết thắng thua ở những loạt luân lưu, nơi mà sự tự tin của từng cầu thủ là yếu tố quyết định. Rõ ràng HLV Park Hang Seo có ý định để một số cầu thủ đá trước trận đấu, nhưng đó không phải là danh sách đóng đinh, nếu có cầu thủ nào xung phong đá, ông đồng ý ngay. Trong sút phạt luân lưu, số thứ tự là cực kỳ quan trọng. Nhưng ông tin vào sự tự tin của các cầu thủ và thường quyết định theo ý kiến của họ.

Một buổi tối nọ, khi vào phòng y tế, thấy một hai cầu thủ nhăn nhó vì đang làm một số phẫu thuật nhỏ, ông nói: "Cầu thủ bóng đá mà có một tí vậy mà sợ thì đá đấm kiểu gì. Ngày xưa, chúng tôi thi đấu mà chẳng có gì bảo hộ cả, chấn thương cũng không biết và cứ bó vào mà đá, đá xong mới biết đi… bệnh viện."

Trong bóng đá, tâm lý là cực kỳ quan trọng, bạn không thể thắng với tâm lý rụt rè, sợ thua trận. Để khích lệ và phá bỏ những định kiến, ông kể: Đội tuyển Hàn Quốc ngày xưa đó cứ thua châu Âu hoài, nhưng rồi họ nghĩ ra một cách là tưng bừng đúng nghĩa bằng tất cả những gì họ có, có bao nhiêu chơi bấy nhiêu. Và đó là điểm thay đổi hoàn toàn về cách tiếp cận trận đấu với các đội châu Âu của tuyển quốc gia Hàn Quốc. Từ cách tiếp cận đơn giản là "đá chết bỏ" này, Hàn Quốc đã hiểu bóng đá châu Âu và tìm cách chế ngự họ.

Cả trước và sau hiệp 1 trận đấu với Hàn Quốc, ông hét lên rằng việc gì mà phải sợ đám cầu thủ Hàn Quốc đến mức mà cóng cả chân lên thế, cứ đá như mình đã đá và tận dụng sai sót của họ thì mình sẽ có thắng lợi.

Hiệp 1 ở trận đấy với Qatar, khi đang bị dẫn bàn, vào phòng nghỉ, ông quát lên: Tại sao lại thua có một bàn mà phải xuống tinh thần như thế hả?

Muốn chiến thắng, phải thay đổi chiến quan điểm tiếp cận tâm lý. HLV Park đã nhắc đi nhắc lại các cầu thủ rằng về kỹ thuật cá nhân, chúng ta nhanh, bén, nhạy cảm, tốc độ hơn các đội khác; về thể lực, chúng ta cũng không thua đâu, đừng nghĩ mình thua thiệt rồi ngán ngại họ, mạnh dạn va chạm tranh chấp đi thôi. Càng vào sâu trong giải, các cầu thủ bây giờ đã dám tranh chấp, dám chơi tay đôi, dám biểu diễn kỹ thuật, dám đột phá, đá thẳng đối diện trung lộ. Nếu không tự tin, Hải không dám vuốt bóng và ghi những 5 bàn thắng ở một giải đấu quốc tế như thế được.

Chiến lược quản trị của HLV Park Hang-seo: Không hiểu đối thủ, không vào trận! - Ảnh 2.

Thấy cầu thủ e ngại thể hình đối thủ: ông kể lấy ví dụ trợ lý Lee, hai lần tham gia World Cup nhưng cao chỉ 1m64, người mảnh khảnh, vẫn chiến đấu tốt với những chiến binh đến từ Âu Mỹ cao to lực lưỡng.

Chưa hết, ông kể chuyện Hàn Quốc, khi đá bóng với Nhật Bản thì nếu thua Nhật Bản thì đừng về nước, có về nước thì xuất nhập cảnh cho đi thẳng nếu thắng, nếu thua thì đứng xếp hàng xét từng tí một, rà soát từng tí một. Đá thua cũng được nhưng "đá chết bỏ" thì thôi.

Nói về sự tự tin, ông nói bóng đá là trò chơi của tập thể, đội yếu vẫn có thể thắng trận nếu như có chiến thuật hợp lý, bóng đá là thuộc về chiến thuật. Trước đây Hy Lạp, gần đây là Bồ Đào Nha vô địch châu Âu cũng nhờ vào chiến thuật và sự tự tin của các cầu thủ là chính.

Nhằm chống lại cái lạnh buốt giá ở Trung Quốc, ông nhắc các cầu thủ, lạnh thì đã lạnh rồi, các anh nghĩ lạnh thì nó lạnh, các anh nghĩ ít lạnh thì nó ít lạnh hơn. Có lạnh cũng gắng mà chịu, đừng có hì hà, đừng có xuýt xoa vì lạnh thế làm người bên cạnh lạnh theo.

Hiệp 1 trận với Qatar, Văn Đức có dấu hiệu xuống sức vì chạy quá nhiều và cậu ra dấu yêu cầu thay người vì chuột rút và không còn khả năng không chiến. Khi cậu nói với tôi như thế, tôi truyền đạt lại cho HLV Park Hang Seo, ông gắt: Không thay cái gì cả, cắn răng mà đá tiếp. Cũng nhờ thế mà Văn Đức đã ghi bàn thắng gỡ hòa 2-2 vào lưới Qatar. Xuống tinh thần là điều ông không bao giờ tha thứ.

 

Không hiểu đối thủ, không vào trận

Trước trận đấu với Qatar, Đình Trọng được giao nhiệm vụ "bắt chết" cầu thủ số 19 vốn là cầu thủ châu Phi nhập tịch đội bạn, một cầu thủ đã ghi tới 6 bàn trên 7 bàn của đối phương. Trọng mỉm cười vì cậu quá hiểu lối chơi của nhóm cầu thủ này và cậu đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Một trong những thay đổi lớn nhất của đội tuyển lần này chính là phân tích đối thủ. Qua video và dữ liệu phân tích, các cầu thủ của đội U23 Việt Nam sẽ được xem rất chi tiết thông tin về đối thủ, sơ đồ ưa thích của huấn luyện viên đối phương, lối đánh chủ lực, đặc tính, phạm vi hoạt động, người ghi bàn chủ lực, cách di chuyển, tỷ lệ phần trăm ghi bàn bằng đầu và xuất phát từ cánh nào, nhất là ưu nhược điểm của từng cầu thủ để hạn chế lối chơi của họ và tránh những sai sót không cần thiết.

Chiến lược quản trị của HLV Park Hang-seo: Không hiểu đối thủ, không vào trận! - Ảnh 3.

Kết quả là với trận Hàn Quốc, nếu không có hai sai sót đơn giản, thậm chí chúng ta đã thắng khi gần như các cầu thủ Hàn Quốc đều bị cầu thủ Việt bắt bài lối chơi. Trước trận đấu, cả đội đều biết rõ họ triệt để chặn ở khu trung tuyến, dùng sức cướp bóng tuyến giữa bằng được, ban huấn luyện đã yêu cầu cầu thủ không đá bóng trung lộ nữa mà mở ra hai biên. Trận gặp Irắc, cầu thủ số 5 hậu vệ đội bạn chính là tử địa mà chúng ta đã cố gắng khai thác, anh này hai lần mất bóng tạo cơ hội cho U23 Việt Nam vì chúng ta biết sự vụng về của anh này.

Đội Úc đã phải trả giá đắt vì quá tự tin và không hiểu cầu thủ Việt Nam, cũng như họ có vẻ quá coi thường đối thủ khi thay đến 7 cầu thủ đội hình chính. Sai sót này đã không kịp sửa khi Quang Hải tung cú sút chìm trúng chân cầu thủ đội bạn vào góc. Biết Úc sẽ chơi bóng bổng vào 1/2 thời gian hiệp 2 còn lại, cầu thủ chúng ta được yêu cầu dạt nghiêng đội hình, lót và bắt bóng cận chân không cho chuyển thẳng vào ngay giữa sân.

Trận đấu với Qatar là trận đấu U23 được cảnh báo về vấn đề trọng tài, trước đó Qatar chính là đội đã hạ đội chủ nhà Trung Quốc và đã hưởng lợi từ các phán quyết của ông vua sân cỏ. Tất cả các cầu thủ được căn dặn phải hết sức cẩn thận, kín kẽ khi tranh chấp nhất là trong vòng cấm địa; và mặc dù đã biết trước, nhắc trước như vậy nhưng chúng ta vẫn gặp bất lợi từ vài quyết định. Chỉ có điều nhờ sự chuẩn bị chi tiết kỹ càng mà chúng ta đã chiến thắng.


Lê Huy Khoa Kanata

Theo Nhịp Sống Kinh Tế