'Chiến tướng' Vin Hi-Tech Nguyễn Quốc Sỹ: Tôi đầu quân cho Vingroup không phải vì tiền

04/10/2018 14:49

Giáo sư Nguyễn Quốc Sỹ, người được bổ nhiệm làm Viện trưởng Vin Hi-Tech chia sẻ Vingroup thu hút ông vì có hệ thống quản trị, hệ sinh thái tốt để làm khoa học, giữa ông và Chủ tịch Phạm Nhật Vượng có điểm chung muốn cống hiến cho đất nước...

“Tôi về Việt Nam vì lòng yêu nước”

Chia sẻ với giới truyền thông về lý do tại sao lại chọn Vingroup làm bến đỗ tại Việt Nam, gác lại phía sau sự nghiệp 30 năm nghiên cứu tại Nga để đảm nhận trọng trách Viện trưởng Viện Nghiên cứu Công nghệ cao Vin Hi-Tech, ông Nguyễn Quốc Sỹ không do dự nhấn mạnh ông về Vingroup không phải vì thu nhập cao hơn, mà vì Vingroup là tập đoàn hàng đầu trong nhiều lĩnh vực, ngoài khả năng tài chính còn có hệ thống quản trị, hệ sinh thái tốt để thực hiện các đồ án khoa học công nghệ (KHCN).

“Đặc biệt là văn hóa làm việc, trong đó đề cao tính kỷ luật từ lãnh đạo cao nhất cho đến từng nhân viên. Đó là môi trường tốt để những nhà khoa học như chúng tôi làm việc”, ông Nguyễn Quốc Sỹ nói.

Bên cạnh đó, ông Sỹ còn cho rằng giữa ông và Vingroup có nhiều điểm tương đồng.

“Lãnh đạo Vingroup từng là lưu học sinh ở Liên Xô cũ và tôi cũng là một trong số đó. Chúng tôi được rèn luyện, học tập trong môi trường giống nhau. Đó là điều kiện để chúng tôi nhanh chóng “tích hợp” cùng làm việc. Chúng tôi là những lưu học sinh xa đất nước từ năm 17-18 tuổi, có ước mơ sau này học tập tốt để đem trí tuệ về xây dựng đất nước. Giữa tôi và Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng còn trùng hợp ở quan điểm lớn là mong muốn cống hiến cho đất nước, xuất phát từ điểm chung là lòng yêu nước. Do đó khi nhận được lời mời của Vingroup về Việt Nam làm việc, tôi đã đi đến quyết định rất nhanh, không phải cân nhắc nhiều”, chiến tướng Vin Hi-Tech chia sẻ.

Gia nhập Vingroup, bản thân ông sẽ phải gác lại sau lưng công việc hiện nay để về Việt Nam làm việc toàn thời gian.

“CNTT có thể cho phép làm việc từ rất xa, nhưng khi tổ chức các đồ án khoa học công nghệ (KHCN), các nhà khoa học phải ngồi lại cùng nhau chứ không thể làm từ xa được. Do đó tôi cũng như các cán bộ chủ chốt, lãnh đạo, chuyên gia cũng sẽ phải làm việc toàn thời gian tại đây”, lãnh đạo Vin Hi-Tech chia sẻ.

chien tuong vin hi tech nguyen quoc sy toi dau quan cho vingroup khong phai vi tien"KHCN Việt Nam thậm chí còn đi sau nhiều nước"

Việt Nam còn nhiều hạn chế về khoa học công nghệ

Chia sẻ với báo giới, ông Nguyễn Quốc Sỹ khẳng định KHCN Việt Nam thậm chí còn đi sau nhiều nước. Chính vì vậy, việc xây dựng đội ngũ trí thức, đạt được các thành tựu KHCN cao để thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa cho Việt Nam sẽ còn nhiều thách thức.

“Chúng ta thiếu nhiều nhà khoa học cao cấp để có thể dẫn dắt, làm việc, tạo ra sản phẩm KHCN cao cấp cho đất nước. Ngoài ra phải làm việc với cường độ cao. Nhiều khi chúng tôi thường nói không phải làm việc 100% mà phải bằng 150% sức mình, khi đó tri thức không đủ mà cần có lòng yêu nước”, ông Nguyễn Quốc Sỹ nói.

Việt Nam có thể đi tắt đón đầu nhưng đi thế nào còn phụ thuộc đặc thù của quốc gia, không phải cứ muốn là làm được.

Sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đi lên bằng công nghệ cao là đúng đắn. Tuy nhiên, đi con đường thế nào, nguồn lực ra sao, bằng phương pháp gì… chính là đồ án lớn cần phải suy xét.

Tin tưởng Vingroup sẽ trở thành Tập đoàn Khoa học Công nghệ hàng đầu

Nhắc lại buổi tọa đàm với 100 nhà khoa học vào ngày 20/8 và lễ ra mắt Vin Hi-Tech hôm 21/8, ông Nguyễn Quốc Sỹ cho rằng tại sự kiện này, lãnh đạo của Tập đoàn Vingroup đã đưa ra thông điệp rất rõ ràng về việc đầu tư trước hết cho Vin Hi-Tech làm các đồ án KHCN, trong thời gian đầu không tính tới lợi nhuận.

“Tại sự kiện, trước hết anh Vượng nói từ dân dã là rèn quân, nhưng đằng sau đó bộc lộ chủ trương lớn của tập đoàn là làm KHCN, trong thời gian đầu chúng tôi tập trung hết sức nguồn lực để tạo ra những thành công, hiệu quả ban đầu. Vấn đề lợi nhuận phải tính tới nhưng sẽ để ra sau”, lãnh đạo Vin Hi-Tech Nguyễn Quốc Sỹ nói.

Để thực hiện mục tiêu, một trong những nguyên tắc, phương pháp làm việc của Vin Hi-Tech chính là tổng hợp sức mạnh tích hợp hệ thống, sử dụng nguồn lực sẵn có trong hệ thống và bên ngoài để thực hiện các công việc cụ thể.

chien tuong vin hi tech nguyen quoc sy toi dau quan cho vingroup khong phai vi tien
GS Nguyễn Quốc Sỹ đã có hơn 30 năm gắn bó, đam mê nghiên cứu chuyên ngành Vật lý công nghệ Plasma

Vin Hi-Tech hiện có nhiều chuyên gia nước ngoài và Việt Nam, có nhiều nhà khoa học xuất sắc, là cán bộ, chuyên gia cao cấp, có học hàm học vị giáo sư, tiến sỹ, viện sỹ. Viện cũng sẽ kết hợp cùng các Viện nghiên cứu, trường đại học tại Việt Nam để đào tạo thế hệ cán bộ mới, cùng giải quyết những nhiệm vụ xuất phát từ chính bức xúc của cuộc sống đặt ra.

Bên cạnh các hoạt động như thiết kế, mua bản quyền công nghệ…, Vin Hi-Tech có nhiệm vụ khẩn trương xúc tiến các hoạt động nghiên cứu cơ bản, kể cả kỹ thuật, ứng dụng để nhanh chóng tiến kịp thế giới, chủ động hơn về công nghệ.

Cũng theo ông Nguyễn Quốc Sỹ, hiện có hơn 400.000 người Việt Nam có học vị, là nhà khoa học, chuyên gia cao cấp đang sống và làm việc ở nước ngoài. Do đó, để kết nối được nguồn cán bộ này, kết hợp xây dựng đồ án KHCN thì vai trò kết nối của các nhà khoa học đầu đàn rất quan trọng.

“Chúng tôi biết làm KHCN không thể đem lợi nhuận nhanh chóng được. Nhưng với phương pháp tiếp cận hiện nay, với chiến lược phát triển cùng quyết tâm từ lãnh đạo cho tới các cán bộ thực thi, chúng tôi có niềm tin rất lớn Vingroup sẽ thành công, trở thành tập đoàn công nghệ đầu đàn của Việt Nam, vươn ra thế giới”, Viện trưởng Vin Hi-Tech Nguyễn Quốc Sỹ bày tỏ.


GS.TSKH Nguyễn Quốc Sỹ sinh năm 1967, Trưởng khoa Năng lượng Plasma, Trường Đại học Năng lượng Quốc gia Nga (MEI), Giám đốc Phòng thí nghiệm vật lý Plasma.

Ông đã có hơn 30 năm gắn bó, đam mê nghiên cứu chuyên ngành Vật lý công nghệ Plasma.

Ông từng được Tổng thống Nga Vladimir Putin trao tặng Giải thưởng dành cho các nhà khoa học trẻ của Nga năm 2006 và được vinh danh là Viện sĩ Thông tấn năm 2012.

Hàng trăm công trình nghiên cứu khoa học của ông trong lĩnh vực vật lý công nghệ Plasma được biết đến trong giới khoa học không chỉ ở nước Nga. Nhiều công trình nghiên cứu của ông cùng các đồng nghiệp đã được ứng dụng trong các lĩnh vực vũ trụ, quân sự, an ninh quốc phòng, kinh tế…

Theo VietnamBiz