Trong một nghiên cứu mới về mức độ hiệu quả trong việc chống lại SARS-CoV-2, chiết xuất từ món rong biển mà chúng ta thường ăn lại thể hiện sự vượt trội so với Remdesivir - loại thuốc kháng virus đang được dùng trong điều trị COVID-19.
Vừa được đăng trên tạp chí Cell Discovery (Khám phá Tế bào), nghiên cứu này là một nỗ lực của các nhà khoa học ở Trung tâm Công nghệ sinh học và Nghiên cứu liên ngành (CBIS) tại Học viện Bách khoa Rensselaer (New York, Mỹ), để tìm cách đang gây ra cuộc khủng hoảng toàn cầu.
Theo đó, chiết xuất từ món rong biển đã “vượt mặt” thuốc kháng virus Remdesivir về khả năng “bẫy” và “khóa” virus corona mới.
Đây là một nghiên cứu rất phức tạp, nhưng nói ngắn gọn thì các nhà nghiên cứu đã thử (trong ống nghiệm) hoạt động chống virus của 5 chất chiết xuất từ rong biển ăn được. Họ dùng kiểu nghiên cứu gọi là EC50 để thử khả năng “khóa chặt” virus của từng loại trong số 5 hợp chất này. Trong kết quả của nghiên cứu EC50, thì giá trị càng thấp cho thấy hợp chất càng mạnh (trong việc chống virus lây nhiễm).
Bất ngờ chưa, RPI-27, một chất chiết xuất từ rong biển, cho kết quả là 83. Trong khi đó, trong thí nghiệm tương tự trước đây với thuốc Remdesivir thì giá trị thu được là 770. Tức là, chất RPI-27 mạnh gấp gần 10 lần thuốc Remdesivir trong việc ngăn chặn virus lây lan trong cơ thể. Những chất còn lại trong chiết xuất rong biển cho thấy có hiệu quả bằng 1/3 hoặc 1/5 so với Remdesivir.
Một nghiên cứu riêng rẽ khác không thấy có độc tính nào trong các hợp chất từ rong biển này, ngay cả ở liều cao.
Bởi vậy, các nhà nghiên cứu cho rằng, chiết xuất rong biển có thể được sử dụng làm thuốc xịt đường mũi hoặc dùng đường uống để chặn đứng sự lây nhiễm của SARS-CoV-2 trong cơ thể người. Trong trường hợp dùng đường uống, nó còn có thể xử lý cả những viêm nhiễm đường tiêu hóa.
Deepak Vashishth, Giám đốc của CBIS, nói: “Nghiên cứu đầy phấn khích này là để chống lại đại dịch COVID-19 với những bước tiếp cận mới và tự nhiên, cùng với những loại thuốc hiện tại”.
Nghiên cứu này cũng được hỗ trợ bởi Quỹ Nghiên cứu Quốc gia Hàn Quốc, với sự tham gia của các nhà nghiên cứu từ Viện Nghiên cứu Khoa học Sinh học và Công nghệ Sinh học Hàn Quốc và Đại học Công nghệ Chiết Giang (Hàng Châu, Trung Quốc).
Thục Hân