Khác với hình ảnh công quyền ở nhiều nước, những nhân viên công vụ tưởng chừng đầy uy quyền tại Mỹ hiện nay đang phải tiếp tục vay tiền và chi tiêu tiết kiệm hết mức có thể để sống qua ngày.
Cô Tanisha Keller là một nhân viên của Cục điều tra dân số liên bang. Cuộc sống của bà mẹ đơn thân này khá ổn khi có mức lương ổn định hàng tháng và một công việc đảm bảo. Tuy nhiên, mọi chuyện đã đổ bể khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đóng cửa chính phủ, khiến Keller giờ đây không còn nguồn thu nhập.
Kỳ thanh toán lương của những công chức Mỹ sắp đến nhưng nhiều khả năng 800.000 nhân viên chính phủ sẽ chẳng nhận được đồng nào khi Tổng thống Trump vẫn chưa đạt được một thỏa thuận với Nghị viện.
Hệ quả là nhiều người vẫn phải sống lay lắt nhờ khoản tiết kiệm hoặc dựa vào thẻ tín dụng sống qua ngày.
Tài khoản ngân hàng của cô Keller đã âm 169 USD và cô không thể gửi 100 USD tiền ăn hàng tháng cho đứa con trai Daniel được nữa. Cô cũng chưa biết sẽ phải thanh toán số tiền thuê nhà 1.768 USD vào tháng tới ra sao hay trả các khoản tiền thẻ tín dụng như thế nào. Thậm chí Keller đã phải dừng lái xe bởi không có tiền mua xăng.
Kể từ ngày 22/12/2018, hàng loạt các công chức, nhân viên công vụ của chính phủ Mỹ đã phải làm việc không lương do Tổng thống Trump bất đồng với Nghị viện về các khoản chi ngân sách. Nhà Trắng đe dọa sẽ tiếp tục đóng cửa chính phủ nhiều tháng hay năm nếu Nghị viện không thông qua ngân sách bao gồm khoản tiền xây dựng bức tường biên giới.
Dẫu vậy, nhiều nhân viên chẳng còn trụ được lâu khi sắp hết tiền cũng như đến hạn thanh toán tín dụng, trong khi ngày càng nhiều người thấy mệt mỏi với cuộc đấu đá chính trị hiện nay. Khác với hình ảnh công quyền ở nhiều nước, những nhân viên công vụ tưởng chừng đầy uy quyền tại Mỹ hiện nay đang phải tiếp tục vay tiền và chi tiêu tiết kiệm hết mức có thể để sống qua ngày.
Anh Joseph Gudge, một kỹ thuật viên 41 tuổi làm việc cho sân bay quốc tế Seattle Tacoma thuộc biên chế chính phủ liên bang cho biết mình sắp bị đuổi khỏi chỗ ở do không có tiền thanh toán thuê nhà. Kỳ hạn 2 tháng là tối đa để anh có thể tiếp tục vay và sống lay lắt qua ngày. Nếu kéo dài quá thì anh Gudge sẽ buộc phải bỏ việc và tìm nguồn thu nhập mới.
Gia đình anh Joseph Gudge
Không riêng gì những công chức nhà nước, hàng loạt hệ thống trợ cấp, an sinh xã hội cũng đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng do chính phủ đóng cửa. Bộ Nông nghiệp Mỹ cho biết hệ thống trợ cấp lương thực cho người nghèo, người thất nghiệp của nước này chỉ có thể tiếp tục đến tháng 2/2019 nếu tình hình này vẫn tiếp diễn.
Tương tự, sĩ quan quản giáo nhà tù, anh Joe Rojas cho biết mình đang phải làm tài xế taxi cho Uber để kiếm thêm trong khi chờ trả lương. Khoản tiền trả góp 2.000 USD hàng tháng cho ngôi nhà của anh vẫn treo trên đầu và việc không được trả lương đúng là ác mộng.
"Cuối tuần này đáng lẽ là ngày gia đình sum họp nhưng tôi lại phải đi lái Uber. Chẳng có công chức nào muốn tiếp tục làm việc mà không tính lương. Chúng tôi hiểu rằng làm việc trong nhà tù sẽ có nguy hiểm và phần thưởng sẽ phải là phúc lợi xã hội hay những khoản tiền lương hàng tháng", anh Rojas nói.
Số liệu của Công đoàn nhân viên công chức Mỹ cho thấy trong khi một số nhân viên cấp cao kiếm được hàng trăm nghìn USD/năm thì một số lao động cho chính phủ chỉ kiếm được khoảng 500 USD/tuần. Do đó khi các khoản tiền lương không được thanh toán hoặc chính phủ không giải ngân, họ có thể gặp rắc rối lớn với những khoản tín dụng, thanh toán tiền nhà trả góp hay thậm chí là với những khoản chi tiêu thiết yếu hàng ngày.
Không riêng gì những công chức thu nhập thấp, ngay cả những người có tiền lương cao như bà Belkys Colon, nhân viên Bộ gia cư và phát triển nhà ở Mỹ (DHUD) với tiền lương gần 52.000 USD/năm cũng gặp rác rối. Khoản tiền thuê nhà 1.400 USD đang đến gần và bà không đủ tiền trong tài khoản để thanh toán chúng.
Hiện tại, bà Colon đang phải chi tiêu tiết kiệm hết sức có thể khi không mua thêm đồ ăn ngoài sữa. Hàng ngày bà Colon chỉ ăn những thứ như bánh mì, sữa, ngũ cốc… những loại đồ hộp có sẵn trong nhà để chờ lương về.
"Hãy hoàn thành nghĩa vụ của ông để chúng tôi có thể đi làm"
Đối với bà Angela Tucker, một quản giáo nhà tù tại Seattle, tình hình còn bết bát hơn khi có u ngực. Vậy là do không có tiền lương, bà Tucker sẽ phải lựa chọn giữa mua đồ ăn hay mua thuốc. Tệ hơn, do nhà tù không có đủ nhân lực nên những quản giáo này sẽ phải phân công nhau coi trực không lương.
Câu chuyện tương tự diễn ra với gia đình nhà anh Matt Kampf, một lính cứu hỏa tại Montrose. Chính phủ đóng cửa đã khiến anh phải cắt giảm hầu hết các chi tiêu trong gia đình để chờ lương về. Anh thậm chí đã phải bán chiếc xe trị giá 8.600 USD của mình để có tiền thanh toán trả góp mua nhà hàng tháng cũng như tiền điện nước.
"Cuộc sống thật cay đắng. Nếu tình trạng này kéo dài đến hết tháng 1/2019 thì tôi chẳng biết gia đình mình nên làm gì nữa", anh Kampf ngậm ngùi.
AB
Theo Thời Đại