Ảnh minh họa
Sự kiện giá dầu toàn cầu tăng trong khoảng thời gian gần đây đã làm dấy lên mối lo ngại về tình trạng lạm phát toàn cầu. Trong khi đó, các lệnh trừng phạt kinh tế, bao gồm cả việc ngăn chặn Nga sử dụng hệ thống thanh toán liên ngân hàng SWIFT, đang thúc đẩy nhu cầu thanh khoản bằng đồng USD trên khắp thế giới. Giữa bối cảnh đó, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) mới đây nhất thông báo tăng lãi suất, lần đầu tiên kể từ năm 2018, để kiềm chế lạm phát trong nước.
Trong bài viết đăng tải trên trang Diễn đàn Đông Á, chuyên gia Cyn-Young Park, Giám đốc Hợp tác và Hội nhập Khu vực thuộc Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), phân tích đại dịch Covid-19 đã để lại một dấu ấn lớn trong bảng cân đối kế toán của Fed.
Kể từ đầu năm 2020, Fed đã bơm thanh khoản vào hệ thống tài chính Mỹ, nhằm giảm bớt tác động của các gói kích thích tài khóa lên lãi suất. Bằng cân đối kế toán của Fed đã tăng lên gần 9.000 tỷ USD, từ mức 4.000 tỷ USD vào thời điểm trước đại dịch.
Vào ngày 16/3, Fed đã quyết định tăng lãi suất từ 0,25% lên 0,5%. Bất chấp cuộc xung đột tại Ukraine và giá năng lượng tăng cao đang tạo ra một số ảnh hưởng nhất định, nền kinh tế Mỹ tiếp tục thể hiện sức bật với thị trường lao động phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, do áp lực lạm phát leo thang, Fed có lẽ sẽ còn tiếp tục đảo ngược chính sách lãi suất cực thấp và tiến hành giảm bảng cân đối kế toán trong thời gian tới.
Thắt chặt tiền tệ sẽ gây ra giảm phát?
Trong lịch sử, chu kỳ thắt chặt của Fed đã từng khiến nền kinh tế Mỹ và một số nền kinh tế mới nổi khác rơi vào tình trạng chậm phát triển. Từ năm 1980 đến năm 1982, chính sách thắt chặt tiền tệ của Fed đã dẫn đến suy thoái kinh tế. Việc tăng lãi suất giai đoạn 1986 - 1989 gây ra cuộc khủng hoảng tiết kiệm và cho vay, kết hợp với cú sốc dầu mỏ vào năm 1990, đã khiến nền kinh tế Mỹ lâm vào một cuộc suy thoái ngắn hạn.
Năm 1993, việc thắt chặt tiền tệ dẫn đến sự gia tăng đáng kể trong lãi suất dài hạn và chi phí đi vay của các công ty. Mặc dù, kinh tế Mỹ đã tránh được suy thoái, nhưng dòng vốn đột ngột đổi chiều dẫn đến hệ lụy là sự sụp đổ của đồng tiền Mexico (peso) vào năm 1994. Sau đó, trên khắp Mỹ Latinh, giai đoạn 1994-1995, đã liên tục xuất hiện các cuộc khủng hoảng tài chính và tại châu Á là giai đoạn 1997-1998.
Chính sách tiền tệ thắt chặt giữa những năm 2004-2007 tạo ra bong bóng bất động sản tại Mỹ và đẩy nền kinh tế toàn cầu bước vào một cuộc khủng hoảng khác vào năm 2008-2009. Chu kỳ thắt chặt cuối cùng của Fed trong những năm 2015-2018 đã bị rút ngắn lại, do phản ứng tiêu cực của thị trường. Sau đó, thế giới bị tấn công bởi đại dịch Covid-19.
Tác động tới các nền kinh tế châu Á
Việc Mỹ tăng lãi suất sẽ tác động đáng kể tới sự phát triển của các nền kinh tế châu Á, thông qua thương mại, tỷ giá hối đoái và các kênh thị trường tài chính. Lãi suất cao hơn sẽ kìm hãm tổng cầu cũng như làm giảm nhu cầu đối với hàng hóa xuất khẩu của châu Á. Lợi suất trái phiếu và các tài sản của Mỹ cao hơn sẽ thu hút đầu tư quốc tế và làm tăng nhu cầu đối với đồng USD.
Mặc dù đồng USD tăng giá có thể bù đắp một số tác động tiêu cực do lãi suất gây ra đối với thương mại của châu Á, nhưng giá dầu ở mức cao có thể làm giảm thu nhập thực tế và làm chậm đà tăng trưởng. Việc Mỹ đẩy lãi suất lên cao hơn, thông qua thị trường vốn quốc tế, sẽ tạo ra hiệu ứng theo chiều đi xuống đối với đầu tư và tiêu dùng trong nước.
Các nền kinh tế mới nổi sẽ phải điều hướng thị trường đang ngày càng hỗn loạn. Theo tác giả, một thách thức trước mắt mà các nhà quản lý kinh tế vĩ mô ở khu vực châu Á cần phải lưu ý; đó là tăng cường giám sát chính sách an toàn vĩ mô và xử lý sớm các nguồn bất ổn tài chính mới.
Phục hồi kinh tế mạnh mẽ - chìa khóa để thoát khỏi khủng hoảng
Lạm phát được thúc đẩy bởi sự phục hồi kinh tế mạnh mẽ, giá thực phẩm và năng lượng cao, cùng với chi phí vận chuyển tăng. Do đó, các cơ quan quản lý tiền tệ cần theo dõi chặt chẽ rủi ro của lạm phát cao hơn và chuẩn bị để kiềm chế kỳ vọng lạm phát. Đồng nội tệ mất giá - do chênh lệch lãi suất mở rộng và phí bảo hiểm rủi ro tăng - có thể làm phức tạp thêm cuộc chiến lạm phát.
Thời gian kéo dài của lãi suất thấp đã tạo ra mức nợ cao kỷ lục trong khu vực doanh nghiệp và hộ gia đình. Tại một số nền kinh tế thuộc khu vực châu Á, tỷ lệ nợ xấu đã tăng khá cao. Các cơ quan tài chính cần giám sát chặt chẽ rủi ro và có hành động sớm, để ngăn chặn việc hình thành các rủi ro mang tính hệ thống.
Ví dụ, tái cơ cấu các khoản trích lập phòng ngừa rủi ro có thể mang lại cho các công ty cơ hội thứ hai trong việc khôi phục các khoản nợ và cung cấp cho các ngân hàng sự chắc chắn hơn trong việc đánh giá rủi ro nợ xấu.
Trong suốt thời kỳ đại dịch, các chính sách tài khóa mở rộng để đối phó với đại dịch Covid-19 đã làm tăng nợ của chính phủ. Tính dễ bị tổn thương do nợ hiện tương đối cao, đặc biệt là ở các nền kinh tế đang phải đối mặt với gánh nặng nợ nước ngoài, trong khi thâm hụt tài khoản vãng lai lớn và dự trữ ngoại hối không đủ. Để giảm thiểu các tổn thương đó, các chính phủ cần quản lý nợ công chủ động hơn.
Dòng vốn toàn cầu biến động mạnh có thể phá vỡ sự ổn định kinh tế vĩ mô và tài chính. Mặc dù triển vọng tăng trưởng lành mạnh tổng thể của khu vực châu Á và thế giới có thể giúp giảm thiểu rủi ro, nhưng các nhà chức trách vẫn cần phải cảnh giác và chuẩn bị cho sự thay đổi đột ngột trong tâm lý nhà đầu tư. Quản lý dòng vốn hiệu quả, bao gồm các biện pháp kiểm soát ngoại hối và vốn, là chìa khóa quan trọng.
Các nền kinh tế mới nổi sẽ được hưởng lợi từ việc tăng cường mạng lưới an toàn toàn cầu và khu vực. Trong quá khứ, các cuộc khủng hoảng tài chính cho thấy chỉ ổn định kinh tế vĩ mô sẽ không đủ để bảo vệ ổn định tài chính. Tài chính toàn cầu hóa đòi hỏi một nền quốc phòng toàn cầu vững chắc hơn.
Mạng lưới an toàn tài chính hiệu quả nên có nhiều lớp bảo vệ, bao gồm cả phòng ngừa khủng hoảng và quản lý khủng hoảng. Điều này phải bắt đầu bằng các chính sách kinh tế vĩ mô đúng đắn, hỗ trợ khu vực linh hoạt, có mục tiêu hơn và cuối cùng là hợp tác toàn cầu.
Kết thúc bài viết, tác giả đánh giá cuộc xung đột đã tạo ra sự không chắc chắn rất lớn và rủi ro bổ sung đối với các điều kiện tài chính toàn cầu là không thể đoán trước. Phục hồi kinh tế mạnh mẽ là cách duy nhất để thoát khỏi khủng hoảng. Khu vực châu Á cần nắm bắt các cơ hội của quá trình chuyển đổi kỹ thuật số nhanh chóng, để thúc đẩy hơn nữa năng suất và đạt được lợi ích trong tăng trưởng kinh tế và việc làm.
Các nhà hoạch định chính sách của khu vực phải thúc đẩy khả năng tiếp cận rộng rãi và bình đẳng hơn với các cơ hội kỹ thuật số, bằng cách tăng cường cơ sở hạ tầng số và mở rộng năng lực con người, thông qua đầu tư và cải cách trong giáo dục, y tế và dịch vụ công.