Trong khi Chính phủ Malaysia công bố bản điều tra cuối cùng về sự cố MH370 và ngừng các chiến dịch tìm kiếm chiếc máy bay mất tích của Malaysia Airlines, nhiều người vẫn đang cố gắng giải mã bí ẩn lớn nhất trong lịch sử hàng không thế giới này.
Rừng rậm Campuchia, Ấn Độ Dương, đường hầm thời gian là 3 trong nhiều giả thiết được các chuyên gia đến từ nhiều lĩnh vực đặt ra cho số phận bí ẩn của chuyến bay MH370.
Rừng biết câu trả lời
Đầu tháng 9/2018, chuyên gia công nghệ người Anh Ian Wilson khiến truyền thông thế giới đặc biệt quan tâm khi tuyên bố có bằng chứng cho thấy MH370 đang nằm tại một khu rừng rậm tại Campuchia, cách thủ đô Phnom Penh 97 km về hướng Tây.
Chiếc máy bay chuyên gia công nghệ Anh nghi là MH370. (Ảnh: Daily Star)
Một tuần sau tuyên bố của Wilson, một nhà thám hiểm giấu tên khẳng định đã phát hiện chiếc Boeing 777-200 của Malaysia Airlines trong khu rừng rậm hoang vu cách thủ đô Phnom Penh gần 100 km về phía Tây Bắc thông qua ứng dụng bản đồ trực tuyến của Nga Yandex Maps.
Tới tháng 10, một "thợ săn MH370" khác có tên Daniel, 17 tuổi lần lượt công bố những hình ảnh vệ tinh chụp lại vùng rừng núi phía Tây Bắc thủ đô Phnom Penh mà cậu phát hiện thông qua Google Maps là phần thân, buồng lái và đuôi của MH370.
Cả 3 nhà thám hiểm này đều kêu gọi các nhà điều tra vào cuộc cũng như Google Maps đưa ra lời giải đáp. Tuy nhiên, giới chức Campuchia khẳng định không có bất cứ bằng chứng, thông tin hay dữ liệu nào để chứng minh chiếc máy bay MH370 của hãng hàng không Malaysia rơi trên lãnh thổ nước này.
Riêng chuyên gia công nghệ người Anh Wilson đã đích thân tới Campuchia để tìm kiếm Mh370, nhưng hành trình đến vị trí MH370 của anh buộc phải dừng lại sau 3 ngày vì đường đi quá hiểm trở, phức tạp.
Trước các thông tin liên tiếp về việc MH370 rơi ở Campuchia, các chuyên gia hàng không đã lên tiếng phủ nhận, cho rằng điều này khó có thể xảy ra. Chuyên gia nghiên cứu phần mềm hàng không Yijun Yu lưu ý, các hình ảnh vệ tinh trên Google Maps mà chuyên gia công nghệ người Anh tin rằng chụp lại xác MH370 có thể đã được ngụy tạo.
Không tặc
Cuối tháng 7/2018, điều tra viên của chính phủ Malaysia, Kok Soo Chon nói rằng chiếc máy bay đã chuyển sang chế độ lái bằng tay trước khi biến mất khỏi radar. Ông này không loại trừ có một sự can thiệp bất hợp pháp từ bên thứ 3. Tiết lộ này làm dấy lên giả thiết MH370 đã bị cướp.
Video: Đoạn phim mô phỏng những phút cuối cùng của MH370
Một cựu phi công quân sự trong một bài viết đăng tải trên tạp chí Forbes đặt nghi vấn về một người bí ẩn trốn trong khu vực E/E (điện tử và kỹ thuật) có thể truy cập được vào các bảng điều khiển tự động theo thông tin kỹ thuật của máy bay để chiếm quyền kiểm soát chiếc phi cơ trước khi tác động khiến nó lao xuống biển.
Phi công tự sát
Larry Vance, chuyên gia hàng không và cựu điều tra viên của Ủy ban An toàn Giao thông Canada khẳng định 100% rằng, một trong các phi công đã cố tình lao máy bay tự sát.
Theo ông Vance, cơ trưởng Zaharie Ahmad Shah có thể đã hạ áp máy bay trước khi các hành khách kịp đeo mặt nạ dưỡng khí rồi lao chiếc phi cơ chở 239 người xuống biển. Không lâu trước đó, cựu Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull cũng đã đề cập tới khả năng cơ trưởng Shah đã lên kế hoạch lái máy bay tự sát từ trước.
Không quân Malaysia đánh chặn
Andre Milne - một chuyên gia về công nghệ quân sự cho rằng MH370 có thể đã bị một chiến đấu cơ của không quân Hoàng gia Malaysia chặn trước khi mất tích. Ông này cho rằng không quân Hoàng gia Malaysia đã điều một chiếc Sukhoi Su-30 để chặn chiếc Boeing 777.
Theo ông Andre, phát hiện này làm nảy sinh các vấn đề nghiêm trọng ở nhiều cấp độ khác nhau, đồng thời cho thấy các thông tin được công bố trong bản báo cáo cuối cùng về MH370 của Chính phủ Malaysia cuối tháng 7/2018 còn nhiều nghi vấn.
"Chúng ta có thể chắc chắn rằng Chính phủ Malaysia đã triển khai máy bay chiến đấu. Toàn bộ chuỗi lệnh đã được đặt vào tình trạng cảnh giác cao để đối phó với mối đe dọa đối với không phận Malaysia", vị chuyên gia hàng không này nhấn mạnh.
Nhà hải dương học nổi tiếng David Gallo khẳng định một số quan chức trong chính phủ Malaysia biết chính xác vị trí của MH370 hiện tại cũng như số phận của nó.
"Làm thế nào mà một chiếc máy bay có thể bay trên không trong 7 giờ mà không ai tìm kiếm nó. Vấn đề là chúng ta không nhận được những thông tin cần thiết nhất từ Malaysia. Tôi không cho rằng chúng ta thấy được gì từ dữ liệu radar cơ bản về những gì đã xảy ra tối hôm đó", ông David Gallo, người từng tìm thấy chiếc máy bay mất tích của hãng Air France cho biết.
Bị bắn hạ
Rush Limbaugh, người dẫn chương trình của một đài phát thanh Mỹ nghiêng về khả năng MH370 bị một quốc gia thù địch không xác định bắn hạ.
Limbaugh cho rằng rất có thể phi hành đoàn đã tìm cách quay lại Kuala Lumpur sau khi phát hiện máy bay gặp sự cố về điện mặc dù các động cơ vẫn tiếp tục hoạt động.
"Thời điểm đó đang là ban đêm. Không có đèn nên không ai có thể xác định được họ. Một quốc gia thù địch nào đó có thể đã điều máy bay tới bắn hạ MH370, sau đó phát hiện sai lầm của họ nhưng lại không muốn thừa nhận", ông này đặt giả thiết.
Bí ẩn khó giải đáp
Chuyến bay mang số hiệu MH370 biến mất hơn 4 năm trước cùng 239 người là một trong những bí ẩn lớn nhất trong lịch sử hàng không thế giới. Bất chấp các cuộc tìm kiếm quy mô lớn trong thời gian dài, chiếc máy bay vẫn không được tìm thấy.
Trong báo cáo cuối cùng công bố ngày 30/7 dài 495 trang, các điều tra viên Malaysia cho biết họ vẫn chưa thể xác định nguyên nhân chính xác máy bay biến mất. Tuyên bố này khiến người nhà nạn nhân phẫn nộ, cáo buộc chính quyền đang che giấu các thông tin quan trọng.
Theo SONG HY
VTCNews/Sputnik