Sân bay quốc tế Bắc Kinh Daxing là một trong những nỗ lực lớn của chính phủ Trung Quốc nhằm chinh phục bầu trời hàng không thế giới, mặc cho những bất ổn kinh tế - chính trị đang bủa vây.
Chỉ 5 năm trước, Daxing vẫn còn là một vùng đất nông nghiệp bụi bặm ở phía nam Bắc Kinh, cư dân thưa thớt do chuyển lên đô thị làm ăn. Nhưng chuyện đã khác, giờ đây, nó là nơi "ngự trị" của một sân bay khổng lồ, mang theo tham vọng của Trung Quốc với bầu trời hàng không thế giới.
Sân bay quốc tế Bắc Kinh Daxing có cấu trúc hình con sao biển, là sân bay đắt nhất từng được Trung Quốc thiết kế và xây dựng để chuyển đổi du lịch hàng không. Mất 5 năm và 80 tỷ nhân dân tệ (11,2 tỷ USD) để hoàn thành, công trình được truyền thông trong nước ca ngợi là một cửa ngõ mới của quốc gia, mở cửa vào đúng ngày Quốc khánh 1/10.
Bên trong sân bay quốc tế Bắc Kinh Daxing, được thiết kế để xử lý hơn 100 triệu hành khách mỗi năm.
Một nhà ga hiện đại và lớn nhất thế giới (gần 700.000 mét vuông), cũng là sân bay đầu tiên có cổng khởi hành hai tầng, khả năng xử lý hơn 100 triệu hành khách một năm. Công trình cũng cho thấy nỗ lực lớn của chủ tịch Tập Cận Bình trong bối cảnh căng thẳng thương mại với Mỹ và bất ổn chính trị trong nước.
Theo Bloomberg, sân bay mới này sẽ giúp Trung Quốc hiện thực hóa tham vọng trở thành một trong những trung tâm vận tải quốc tế bận rộn nhất thế giới và lật đổ vị thế bá chủ của Hoa Kỳ trong ngành hàng không.
Sân bay Quốc tế Daxing sẽ được mở cửa vào đúng ngày kỷ niệm 70 năm thành lập Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.
Nằm cách trung tâm Bắc Kinh 46km về phía nam, Daxing sẽ tăng 60% công suất hành khách của Bắc Kinh. Đồng thời cơ sở bảy đường băng dự kiến sẽ xử lý 72 triệu hành khách mỗi năm vào năm 2025 và giảm bớt áp lực cho Sân bay Quốc tế Thủ đô Bắc Kinh vốn đã quá tải - xếp hạng bận rộn thứ hai thế giới vào năm 2018.
Ông Tập cũng đã xác định hàng không là một ngành công nghiệp chiến lược quan trọng. Trong vòng hai thập kỷ, lưu lượng hành khách hàng năm trên bầu trời Trung Quốc sẽ đạt 1,6 tỷ, theo Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế, nhiều hơn cả dân số đất nước ngày nay.
Lưu lượng hành khách của Trung Quốc sẽ tăng mạnh trong hai thập kỷ tới.
Trung Quốc đặt mục tiêu có 450 sân bay thương mại vào năm 2035, gần gấp đôi số lượng vào cuối năm 2018. Bên cạnh đó là phát triển máy bay phản lực để cạnh tranh với Boeing Co. và Airbus SE.
Ít lựa chọn, chi tiêu lớn
Cũng theo Bloomberg, Trung Quốc có rất ít lựa chọn nhưng phải chi tiêu lớn và nhanh để có cơ hội bắt kịp nhu cầu. Trong báo cáo thường niên mới nhất về thị trường hàng không thương mại, Boeing cho biết họ dự kiến lưu lượng hành khách hàng không tại Trung Quốc sẽ tăng 6% mỗi năm.
Bắc Kinh hiện gia nhập các thành phố lớn bao gồm London, New York và Tokyo về số lượng sân bay quốc tế. Tuyến đường sắt cao tốc nhanh nhất Trung Quốc, kết nối Daxing với Tây Bắc Kinh bắt đầu hoạt động vào cuối tháng cũng sẽ hoàn thiện hệ thống giao thông.
Bên trong sân bay có những thiết kế theo phong cách truyền thống như ao hồ, gian hàng bằng gỗ và cầu đá.
Chính quyền thủ đô cũng đang hợp tác với tỉnh láng giềng Hà Bắc để phát triển khu vực rộng hơn bao quanh trở thành khu kinh tế sân bay, được kỳ vọng sẽ là một trung tâm công nghệ cao cho các ngành công nghiệp như sản xuất điện tử và hậu cần.
Cuộc đua 100 tỷ USD
Về khả năng kết nối, theo báo cáo của OAG Aviation Worldwide công bố hôm thứ ba, Trung Quốc vẫn để thua nhiều thị trường hàng không lớn ở châu Á. Singapore và Hồng Kông là khu vực trung tâm kết nối quốc tế nhiều nhất. Sân bay quốc tế Shanghai Pudong, lối vào hàng đầu của Trung Quốc, đứng thứ tám.
Mục tiêu của Trung Quốc là tái cấu trúc Bắc Kinh như một trung tâm vận tải quốc tế trong bối cảnh du lịch hàng không tăng mạnh và tầng lớp trung lưu ngày càng đông, đồng thời mong muốn mạo hiểm hơn ở nước ngoài.
Việc mở Daxing cũng sẽ giúp Bắc Kinh tích hợp chặt chẽ với Thiên Tân và Hà Bắc, đưa Trung Quốc vào thế mạnh hơn để cạnh tranh với các tuyến truyền thống như Singapore và Hồng Kông, cũng như các trung tâm trẻ hơn như Bangkok, Seoul và Kuala Lumpur.
Các trung tâm trung chuyển lớn ở Singapore, Hồng Kông, Incheon và Kuala Lumpur.
IATA dự kiến thị trường hàng không sẽ đón 4,6 tỷ lượt khách vào năm 2019 và sẽ tăng gần gấp đôi lên mức 8.2 tỷ vào năm 2037, khi thị trường Ấn Độ và Indonesia rộng mở thêm.
Daxing chỉ là một trong nhiều dự án sân bay đang được triển khai ở châu Á, với tổng chi phí hơn 100 tỷ USD, trong một cuộc đua để xử lý tất cả những hành khách đó.
T.Dương
Theo Trí Thức Trẻ/Bloomberg, SCMP