TAND Tối cao đã công bố Nghị quyết số 03/2019 của Hội đồng thẩm phán hướng dẫn áp dụng Điều 324 của Bộ luật Hình sự về tội rửa tiền.
Theo ông Nguyễn Hòa Bình - Chánh án TAND Tối cao, rửa tiền là vấn đề không mới trên thế giới nhưng ở Việt Nam thì đây là vấn đề mới, nên cần có Nghị quyết hướng dẫn.
Tội rửa tiền liên quan hầu hết đến các tội phạm nguồn ở các lĩnh vực khác nhau, nhất là ma túy, lừa đảo, tham nhũng… Phần lớn các loại tội phạm xét cho cùng từ mục đích “lợi nhuận”. Một người phạm tội nếu muốn dùng được đồng tiền, tài sản sau khi phạm tội thì phải xóa dấu vết, làm cho tiền xa dần với tội phạm nguồn, dùng các biện pháp khác để hợp pháp hóa nguồn tiền, tài sản.
“Nghị quyết này cho phép các cơ quan tố tụng sau khi truy tố tội phạm nguồn thì còn truy tố tiếp hành vi rửa tiền để triệt để xử lý tội phạm”- ông Bình nhấn mạnh.
Việc ban hành nghị quyết cũng thể hiện cam kết của Việt Nam đối với việc thực thi các công ước quốc tế, trong đó có công ước về chống tội phạm có tổ chức, ma túy, tham nhũng và rửa tiền.
TAND Tối cao cho biết, thực tiễn phòng, chống tội phạm thời gian qua đã xuất hiện khá nhiều phương thức, thủ đoạn rửa tiền tinh vi, xảo quyệt.
Tội phạm rửa tiền lợi dụng thói quen giao dịch bằng tiền mặt của người dân để mua tài sản có giá trị cao như bất động sản, ô tô, vàng bạc, đá quý..., sau đó nhờ người khác đứng tên, cất giấu nhằm hợp pháp hóa nguồn tiền “bẩn” thu được từ các hoạt động tội phạm.
Để có cơ sở pháp lý nhằm xử lý ngày càng có hiệu quả loại tội phạm này, Bộ luật Hình sự năm 2015 đã sửa đổi, bổ sung nhiều nội dung và cụ thể hóa các tình tiết có tính chất định tính về tội rửa tiền nhằm tháo gỡ vướng mắc trong thực tiễn áp dụng.
Theo Nghị quyết 03/2019, việc xác định hành vi phạm tội được căn cứ vào một trong các tài liệu sau đây: Bản án, quyết định của Tòa án; tài liệu, chứng cứ do các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng cung cấp (ví dụ: Quyết định khởi tố vụ án, Kết luận điều tra, Cáo trạng...); tài liệu, chứng cứ khác để xác định hành vi phạm tội (ví dụ: tài liệu, chứng cứ của Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol), Lực lượng đặc nhiệm tài chính quốc tế (FATF), tài liệu tương trợ tư pháp về hình sự...
Bên cạnh đó, nghị quyết cũng nêu rõ tội phạm nguồn là tội phạm được quy định trong Bộ luật Hình sự và tài sản có được từ tội phạm đó trở thành đối tượng của tội rửa tiền, như: Tội giết người; Tội mua bán người; Tội buôn lậu; Tội thao túng thị trường chứng khoán; Tội mua bán trái phép chất ma túy; Tội nhận hối lộ; Tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản...).
Việc truy cứu trách nhiệm hình sự về tội rửa tiền có thể được tiến hành đồng thời với việc truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm nguồn và khôn loại trừ việc truy cứu trách nhiệm hình sự tội phạm nguồn.
Nghị quyết số 03/2019 cũng đưa ra 4 trường hợp minh họa cụ thể:
Một là, người phạm tội trực tiếp biết được tiền, tài sản do người khác phạm tội mà có. Ví dụ, người phạm tội được người thực hiện hành vi phạm tội nguồn cho biết là tiền, tài sản do họ phạm tội mà có.
Hai là, qua các phương tiện thông tin đại chúng, người phạm tội có thể biết được người khác thực hiện hành vi phạm tội nguồn. Ví dụ, hành vi phạm tội của người thực hiện tội phạm nguồn đã được báo, đài phát thanh, truyền hình đưa tin.
Ba là, bằng nhận thức thông thường, người phạm tội có thể biết được tiền, tài sản do người khác phạm tội mà có. Ví dụ, A. biết chồng là nhân viên của cơ quan nhà nước có mức lương là 8 triệu đồng/tháng và không có nguồn thu nhập khác nhưng A vẫn nhận của chồng số tiền 10 tỷ đồng để góp vốn vào doanh nghiệp mà không hỏi rõ về nguồn tiền.
Bốn là, theo quy định của pháp luật, người phạm tội buộc phải biết nguồn gốc tiền, tài sản do người khác phạm tội mà có. Ví dụ, A mua xe ô tô của B không có giấy tờ với giá bằng một phần mười trị giá của chiếc xe đó.
(Theo Dân Trí)
Theo VietnamNet