Kết thúc Quý I/2018, mặc dù, tổng giá trị cho vay khách hàng của Maritime Bank giảm 3%, xuống còn 35.101 tỷ đồng. Tuy nhiên, việc cho vay trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản của Ngân hàng này lại tăng bất thường và chiếm tỷ trọng lên đến 29%.
Cho vay Bất động sản tăng “chóng mặt”
Trong những năm gần đây, Maritime Bank luôn nằm trong Top những Ngân hàng có tỷ trọng cho vay Bất động sản cao nhất.
Báo cáo tài chính của ngân hàng này đến cuối năm 2015, tổng dư nợ cho vay khách hàng của Maritime Bank đạt 28.091 tỷ đồng, trong đó, cho vay kinh doanh bất động sản là 9.785 tỷ đồng (chiếm tỷ trọng 34,88%). Con số này đã tăng mạnh trong năm 2016 lên mức 11.757 tỷ đồng và sau đó giảm xuống 8.263 tỷ đồng tại thời điểm cuối năm 2017.
Tuy nhiên, theo BCTC hợp nhất Quý I/2018 mới được nhà băng này đã công bố thì, tính đến ngày 31/3/2018, mặc dù tổng tài sản tăng nhẹ so với đầu năm lên mức 116.108 tỷ đồng, nhưng tổng cho vay khách hàng của Maritime Bank lại giảm 3% xuống còn 35.101 tỷ đồng.
Việc dư nợ tín dụng của Maritime Bank giảm trong bối cảnh điều kiện tín dụng của cả ngành ngân hàng nói chung đang tăng trưởng mạnh là không bình thường.
Lý giải về vấn đề này,tại cuộc họp ĐHĐCĐ vừa qua, lãnh đạo Ngân hàng cho biết, sở dĩ tổng tín dụng cho vay khách hàng có sự sụt giảm là do định hướng giảm cho vay đối với phân khúc khách hàng nhỏ lẻ, cá nhân có rủi ro cao.
Tuy nhiên, khi đi sâu vào hoạt động cấp vốn của Maritime Bank dựa trên thuyết minh cơ cấu dư nợ, có thể thấy, không riêng gì mảng khách hàng cá nhân mà ngân hàng này đã giảm cho vay đối với hầu hết phân khúc khách hàng, bao gồm: lĩnh vực xây dựng, lĩnh vực thương mại công nghiệp nhẹ và hàng tiêu dùng và lĩnh vực tài chính, ngân hàng, chứng khoán.
Ngược lại, tính đến cuối tháng 3/2018, trong cơ cấu dư nợ của Maritime Bank, cho vay trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản và cơ sở hạ tầng tăng bất thường lên 10.053 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 28,64% tổng tín dụng của Ngân hàng (tăng mạnh so với mức 22,82% vào đầu năm).
So sánh với các nhà băng khác, Maritime Bank hiện là một trong những Ngân hàng có tỷ trọng cho vay cao nhất trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản và cơ sở hạ tầng.
Bên cạnh đó, tổng nợ xấu của Ngân hàng đã tăng 9,5% so với đầu năm lên mức 833 tỷ đồng. Đặc biệt, trong đó, chủ yếu là nợ nhóm 5 – nợ có khả năng mất vốn lên đến 653 tỷ đồng. Nợ xấu tăng trong khi dư nợ tín dụng giảm, dẫn đến tỷ lệ nợ xấu của nhà băng này đã tăng mạnh từ mức 2,23% hồi đầu năm lên 2,52%.
Tính đến cuối kỳ, thu nhập lãi thuần của Maritime Bank đạt hơn 440 tỷ đồng, tăng gần 42% so với cùng kỳ 2017. Trong khi đó, chi phí hoạt động tăng với tốc độ thấp hơn dẫn đến lãi từ hoạt động kinh doanh của Maritime Bank đạt gần 315 tỷ đồng, cao gấp 9 lần so với cùng kỳ năm trước.
Vốn chảy về đâu?
Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2018 mới được tổ chức, cổ đông Ngân hàng mới đây tiếp tục bầu ông Trần Anh Tuấn vào HĐQT và giữ chức Chủ tịch HĐQT Maritime Bank.
Được biết, ông Trần Anh Tuấn, sinh năm 1969, Thạc sĩ Quản trị kinh doanh Đại học Griggs, Hoa Kỳ. Ông tham gia quản trị và điều hành Maritime Bank từ năm 2007 với các chức danh Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Tổng giám Đốc. Từ tháng 2/2012 đến nay ông giữ chức Chủ tịch HĐQT Maritime Bank.
Trong khi đó, vợ ông Tuấn là bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường sinh năm 1970, là thạc sĩ Quản trị kinh doanh Đại học IMPAC, Hoa Kỳ; cử nhân ngôn ngữ Đại học Tổng hợp Lenin – Matxcova; Cử nhân Anh văn – Đại học Ngoại ngữ Hà Nội.
Bà Nguyệt Hường được biết đến không chỉ với tư cách một Đại biểu Quốc hội trúng cử liên tiếp tại Quốc hội khóa XII, XIII, XIV mà bà Hường còn giữ vai trò Chủ tịch Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc của VID Group - một trong những Tập đoàn kinh tế tư nhân đa ngành hàng đầu của Việt Nam với hơn 20 năm hoạt động trên các lĩnh vực đầu tư phát triển khu công nghiệp.
Theo đó, VID Group được thành lập năm 2006, là tiền thân của TNG Holdings Việt Nam. Tại đây, hai vợ chồng ông Tuấn đã nhiều lần đảm nhiệm những chức vụ quan trọng nhất khi hoán đổi vị trí CEO và Chủ tịch HĐQT.
Cụ thể: ông Trần Anh Tuấn làm Tổng Giám đốc VID Group từ năm 2006 và chính thức thôi chức vụ này để làm Chủ tịch VID Group từ ngày 18/10/2014. Khi rời vị trí Tổng Giám đốc, ông Tuấn làm Chủ tịch Hội đồng quản trị VID Group thay vợ – bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường. Bà Hường đồng thời là Chủ tịch Hội đồng sáng lập của Maritime Bank, nơi ông Tuấn chồng bà làm Chủ tịch HĐQT.
Từ đó đến nay, hoạt động kinh doanh của vợ chồng Chủ tịch Maritime Bank thường gắn liền với TNG Holdings và chủ yếu là ở lĩnh vực bất động sản thương mại, khi các dự án của tập đoàn này được phát triển dưới thương hiệu TNR Holdings.
Được biết, TNR Holdings Việt Nam ra đời từ cuối 2014, có vốn điều lệ 100 tỷ đồng. Vào thời điểm ra mắt tháng 12/2014, TNR Holdings được giới thiệu là nhà quản lý độc quyền phát triển, tiếp thị và bán hàng cho nhiều dự án bất động sản lớn tại Hà Nội và TP.HCM.
Cụ thể, TNR Holdings tham gia quản lý và phát triển hàng loạt dự án lớn như; TNR Goldmark, TNR Goldsilk, TNR Goldseason, TNR The Goldview…
Ngoài ra, TNR Holdings còn ghi dấu ở thị trường đất nền tại các dự án, khu đô thị mới, như TNR Đồng Văn, TNR Stars Diễn Châu, TNR Stars Tân Trường, TNR Stars Phố Nối...
Trong khi đó, Maritime Bank được biết tới là đối tác tài chính chiến lược tài trợ vốn cho các dự án của TNR Holdings, đồng thời hợp tác hỗ trợ cho khách hàng mua căn hộ tại các dự án này được vay với lãi suất ưu đãi. Điển hình là dự án TNR Goldmark City do công ty Việt Hân làm chủ đầu tư.
Dự án này có địa chỉ tại số 136 Hồ Tùng Mậu, Bắc Từ Liêm, Hà Nội, với tổng diện tích hơn 12 ha và quy mô 5.000 căn hộ cao cấp, do TNR Holdings là đơn vị quản lý và phát triển. Đây là một trong những dự án trọng điểm của TNR Holdings Việt Nam ở phía Tây Hà Nội và đã được bàn giao cho khách hàng kể từ cuối tháng 3/2017.
Tuy nhiên, theo nguồn tin từ Tạp chí Nhà Quản Trị cho biết, từ đầu năm 2016 đến nay, Việt Hân đã nhiều lần giao dịch tài sản bảo đảm với Maritime Bank.
Cụ thể, đầu năm 2016, Việt Hân từng sử dụng 2.000 căn hộ cũng thuộc dự án TNR Goldmark City để làm tài sản bảo đảm tại Maritime Bank. Và gần đây nhất, là ngày 27/4/2018, Việt Hân tiếp tục sử dụng 551 căn hộ chưa bán thuộc dự án để làm tài sản bảo đảm tại ngân hàng này.
Không chỉ mang các căn hộ thuộc dự án đi cầm cố tại Maritime Bank, một nguồn tin cho biết, Việt Hân cũng chính là một cổ đông nắm giữ hàng chục triệu cổ phiếu của Maritime Bank (MSB) trong năm 2017, công ty này cũng nhiều lần sử dụng số cổ phiếu MSB làm tài sản bảo đảm tại một ngân hàng khác.
Trong khi đó, Maritime Bank không chỉ nhận cầm cố một dự án do TNR Holdings phát triển, mà các chủ đầu tư của những dự án Gold View, Gold Season và Gold Silk cũng có lịch sử giao dịch tài sản bảo đảm dày đặc với ngân hàng này.
Cụ thể: một giao dịch này 3/1/2018 của CTCP Bất động sản Hano VID cho biết 6 căn nhà liền kề tại dự án Gold Silk được sử dụng làm tài sản bảo đảm tại Maritime Bank. Trước đó, cuối tháng 12/2017, CTCP Bất động sản Mỹ đã sử dụng 398 căn hộ chưa bán thuộc dự án Gold Season làm tài sản bảo đảm tại ngân hàng.
Tương tự, trong tháng 12 năm ngoái, CTCP May Diêm Sài Gòn cũng sử dụng các căn hộ sẽ bán trong tương lai của khu cao ốc Hòa Bình (Gold View) làm tài sản bảo đảm tại Maritime Bank.
Ngoài các căn hộ, nhiều tài sản khác của các dự án này như tầng hầm, bãi đỗ xe, trung tâm thương mại cũng được chủ đầu tư sử dụng vào mục đích là tài sản bảo đảm.
Ánh Phượng
Theo Báo Thời Đại