Ngoài tòa nhà 8B Lê Trực, chủ đầu tư còn xây dựng 3 công trình lớn khác tại Thủ đô nhưng công trình nào cũng có sai phạm. Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã nhận xét chủ đầu tư này 'rất cùn'.
Chiều 18/6, trong buổi tiếp xúc cử tri quận Hoàn Kiếm trước kỳ họp HĐND TP của Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cùng đoàn đại biểu, nhiều cử tri đề cập đến những vấn đề bức xúc của thành phố như an ninh trật tự, an toàn giao thông, trật tự xây dựng và quy hoạch đô thị…, trong đó có việc vi phạm trật tự xây dựng của công trình 8B Lê Trực.
Thông tin trên Tri thức trực tuyến, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung cho biết, để thực hiện đúng, nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng, Thành phố đã giao cho thanh tra tiến hành thanh tra và đã xử lý xong cán bộ các cấp liên quan vi phạm.
Chủ tịch Hà Nội cũng thông tin, vừa qua, chủ đầu tư này có xây dựng 4 công trình ở 93 Lò Đúc, 302 Cầu Giấy, 102 Trường Chinh và 8B Lê Trực thì công trình nào cũng có sai phạm, chủ đầu tư của các dự án trên “rất cùn”.
Theo báo cáo dài 7 trang do Chủ tịch Nguyễn Đức Chung ký, lịch sử xử lý dự án 8B Lê Trực được thể hiện: Việc phá dỡ giai đoạn 1 gồm tầng 19 và tum thang được tiến hành từ tháng 11/2015 đã hoàn thành, đảm bảo an toàn, dù gặp nhiều khó khăn. UBND quận Ba Đình đã giao UBND phường Điện Biên ký hợp đồng phá dỡ tầng 19 với nhà thầu là Công ty CP hạ tầng Phương Bắc, với giá trị gói thầu là 14 tỉ đồng, trong đó ngân sách tạm 7,1 tỉ đồng cho phường Điện Biên để tạm ứng cho nhà thầu.
Sau khi hoàn thành phá dỡ tầng 19, UBND Thành phố đã có nhiều văn bản yêu cầu chủ đầu tư hoàn trả thanh toán tạm ứng cho quận Ba Đình, nhưng hiện vẫn chưa nhận được số tiền mà chủ đầu tư cam kết hoàn trả.
Mặt khác, chủ đầu tư có đơn khởi kiện Chủ tịch UBND quận Ba Đình đề nghị dừng cưỡng chế phá dỡ công trình, làm ảnh hưởng đến quá trình xử lý vi phạm.
Tháng 3/2018, Tòa án nhân dân Thành phố Hà Nội đã đình chỉ vụ án hành chính trên.
Theo UBND TP Hà Nội, việc phá dỡ giai đoạn 2 gồm tầng 17 và 18 còn gặp nhiều khó khăn khi Hà Nội nhiều lần nhận được đề nghị của nhà thầu phá dỡ về dừng thi công do ảnh hưởng đến an toàn chịu lực và kết cấu tòa nhà. Do đó, Hà Nội đã phải xin ý kiến Bộ Xây dựng, các viện nghiên cứu để có phương án xử lý.
Trong quá trình này, UBND TP Hà Nội đã phải 2 lần họp tập thể lãnh đạo. Tại cuộc họp lần đầu, UBND Thành phố đã đề nghị chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra. Tuy nhiên, cũng trong thời gian này, chủ đầu tư đã xin tự nguyện phá dỡ và xin không chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra.
Đáng chú ý, đến cuộc họp lần hai, tập thể UBND Thành phố Hà Nội tiếp tục tìm mối liên hệ của chủ đầu tư 3 dự án 8B Lê Trực, 102 Trường Chinh và 302 Cầu Giấy để xử lý. Cơ quan chức năng thấy 3 dự án này có đăng ký kinh doanh khác nhau, nhưng đều có người đại diện theo pháp luật là ông Trần Đức Minh - Chủ tịch Hội đồng quản trị.
Tại cuộc họp này, UBND Thành phố Hà Nội đã chỉ đạo các cơ quan liên quan chuyển toàn bộ hồ sơ vi phạm tại cả 3 dự án cho Công an Thành phố để chỉ đạo cơ quan cảnh sát điều tra xem xét, tiến hành điều tra các sai phạm.
Khi UBND quận Ba Đình được giao khẩn trương cưỡng chế giai đoạn 2 dự án số 8B Lê Trực, phá dỡ tầng 17 và 18 của công trình vi phạm; Cục Thuế Hà Nội được giao điều tra việc tuân thủ pháp luật về thuế của chủ đầu tư cả 3 dự án và Cảnh sát PCCC được yêu cầu khẩn trương lập hồ sơ tổng hợp vi phạm của chủ đầu tư về PCCC để chuyển Công an thành phố thì Công ty may Lê Trực có văn bản kiến nghị được tự phá dỡ tầng 17, 18. Đồng thời, đơn vị còn đề nghị Thành phố “không chuyển cơ quan công an điều tra, xử lý vi phạm trong hoạt động đầu tư, xây dựng.
Tuy nhiên, sau đó, Sở Xây dựng có báo cáo gửi UBND Thành phố, đánh giá chủ đầu tư “chưa tự nguyện tổ chức phá dỡ” và đề nghị chỉ định đơn vị tư vấn thiết kế, đơn vị thi công phá dỡ giai đoạn 2.
Về ông chủ Trần Đức Minh, đây là một gương mặt quen thuộc của làng bất động sản Hà Nội với biệt danh "Minh Kinh Đô" hay "Minh Lò Đúc". Với hàng loạt dự án sở hữu vị trí đắc địa trong nội thành, ông Minh từng được bình chọn là một trong 10 doanh nhân ảnh hưởng lớn nhất đến thị trường địa ốc Thủ đô.
Sinh năm 1957 tại Hà Nam, ông Trần Đức Minh đã sáng lập Công ty Vận chuyển khách Du lịch và Taxi (có trụ sở tại số 93 Lò Đúc, phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng) – tiền thân của Kinh Đô TCI Group – vào năm 1997.
Theo Vietnamfinance, Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Phát triển thương mại Kinh Đô (Kinh Đô TCI Group) có 8 Công ty thành viên gồm: Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng phát triển thương mại Kinh Đô, Công ty Cổ phần đầu tư thương mại dịch vụ Cầu Giấy, Công ty khách sạn Kinh Đô, Công ty Cổ phần doanh nghiệp trẻ Hà Nội, Công ty Cổ phần phát triển công nghệ cao Hà Nội, Công ty Cổ phần Nam Thái, Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng thương mại Discovery, Công ty Cổ phần đầu tư thương mại và dịch vụ Hà Nội và Công ty Cổ phần May Lê Trực.
Theo VOV, ngoài dự án 8B Lê Trực, chủ đầu tư này từng có những vi phạm tương tự trong quá trình triển khai các dự án khác tại Hà Nội.
Điển hình, Chẳng hạn như tại dự án Kinh Đô Building (93 Lò Đúc), chủ đầu tư từng bị cư dân tố cáo vì tự ý biến tầng áp mái có khu vực để trồng cây xanh thành nhà ở để bán; chiếm toàn bộ phần diện tích thuộc sở hữu chung tại tầng hầm B1, B2 làm chỗ trông giữ xe cho khách đến các văn phòng và nhân viên của các văn phòng trong tòa nhà; tự ý xây dựng phòng kỹ thuật trên diện tích chung của tòa nhà mà không xin ý kiến của cư dân…
Hay như dự án Discovery Complex (302 Cầu Giấy), chủ đầu tư từng bị cư dân khiếu nại vì chậm tiến độ, chậm bàn giao, bị UBND quận Cầu Giấy phạt 80 triệu đồng vì vi phạm trật tự xây dựng và bị cơ quan chức năng "chỉ mặt" nợ tiền thuê đất lên tới 22,1 tỷ đồng…
Dự án Capital Garden (102 Trường Chinh) cũng từng là tâm điểm chú ý khi cư dân dự án căng băng rôn đấu tranh suốt nhiều ngày. Nguyên nhân đưa đến tranh chấp là dự án chưa được nghiệm thu hệ thống phòng cháy chữa cháy; hệ thống thang máy chung cư chưa được kiểm định, chưa dán tem kiểm định nhưng vẫn cho cư dân sử dụng; nhiều hạng mục theo cam kết lúc chào bán dự án mà chủ đầu tư không thực hiện hoặc cắt giảm…
Vũ Đậu (T/h)
Theo ĐS&PL