Từ vị trí dẫn đầu ngành thủy sản nội địa, 10 năm trước Nam Việt sa sút sau khi mở rộng sang hoạt động kinh doanh đa ngành. Giờ đây, ở tuổi 65, cựu chiến binh Doãn Tới tin tưởng có thể đưa công ty quay trở lại thời hoàng kim và chìa khóa là phát triển bền vững.
Thư thả uống trà sáng trong khu vườn tràn ngập ánh nắng tại nhà riêng, một căn biệt thự có vị trí đắc địa bậc nhất khu Phú Gia – Phú Mỹ Hưng, chủ tịch Doãn Tới có lý do đặc biệt để hài lòng. Năm qua, công ty cổ phần Nam Việt do ông sáng lập đạt lợi nhuận sau thuế 600 tỉ đồng, cao nhất trong lịch sử. Trên sàn chứng khoán, sau 10 năm dưới mệnh giá, cổ phiếu ANV bật tăng gấp ba, trở thành một trong những cổ phiếu có mức tăng giá ấn tượng nhất thị trường chứng khoán. Với tỉ lệ kiểm soát gần 80% cổ phần, giá trị tài sản của nhà sáng lập tăng hơn 2.000 tỉ đồng. Chủ tịch Nam Việt vừa rót tiền mở rộng vùng nguyên liệu 600 héc ta. Các thị trường xuất khẩu lớn của công ty đang tiêu thụ rất tốt. Nam Việt đã bỏ lại những ngày u ám phía sau lưng.
“Câu chuyện của tôi là bài học kinh doanh cho thế hệ trẻ. Ngồi trên đỉnh vinh quang rồi rất dễ sa cơ. Lúc lạc quan nhất là lúc mình đối diện với nhiều nguy cơ nhất,” ông Doãn Tới mở đầu cuộc phỏng vấn độc quyền với Forbes Việt Nam. Trong suốt chặng đường kinh doanh lúc thăng lúc trầm, đây là lần đầu tiên chủ tịch Nam Việt chính thức trả lời phỏng vấn báo chí. Trong câu chuyện kinh doanh chia sẻ suốt ba giờ đồng hồ, người bộ đội phục viên có lúc thoáng tỏ tiếc nuối khi nhớ lại những ngày hoàng kim, có lúc thẳng thắn nhìn lại các thất bại. Quan trọng nhất ông tin tưởng đã tìm ra chìa khóa để Nam Việt phát triển bền vững.
Nam Việt từng là tên tuổi lẫy lừng trong ngành thủy sản Việt Nam. Giai đoạn 2006 – 2007, công ty tư nhân này giữ vị trí quán quân ngành thủy sản Việt Nam. Năm 2006, chiếm 20% thị phần ngành cá, kim ngạch xuất khẩu của công ty đạt 165 triệu đô la Mỹ, gấp ba kim ngạch xuất khẩu của Agifish và Vĩnh Hoàn, các công ty đứng thứ hai và thứ ba. Công ty là đơn vị thủy sản đầu tiên của Việt Nam xâm nhập thị trường Nga, theo lời doanh nhân quê Thanh Hóa. Những ngày tháng bận rộn, đơn hàng tới tấp, ba nhà máy Thái Bình Dương, Đại Tây Dương, Ấn Độ Dương hoạt động hết công suất mỗi ngày chế biến 1.300 tấn cá, kỷ lục sau này chưa công ty thủy sản nào tái lập.
Sự thành công về kinh doanh kéo theo sự thành công về tài chính của cổ đông sáng lập. Đợt bán đấu giá cổ phần ra công chúng năm 2006 thành công vượt mọi mong đợi. Công ty thu về hơn 1.600 tỉ đồng tiền mặt, một kỷ lục IPO khối tư nhân thời điểm đó. Năm 2007, ngay khi niêm yết cổ phiếu ANV có lúc đạt mức giá trên 100 ngàn đồng/cổ phiếu. Gánh trên vai sự kỳ vọng lớn lao của giới đầu tư, năm đó, Nam Việt có kết quả kinh doanh khả quan khi thu nhập trên mỗi cổ phiếu ANV đạt gần 6.000 đồng, mức cao trên thị trường chứng khoán. Đồng thời, với hơn 2.600 tỉ đồng tài sản theo sở hữu cổ phiếu, chủ tịch Nam Việt là người đứng thứ năm sàn chứng khoán vào cuối năm 2007 xét theo giá trị.
‘Lịch sử’ Nam Việt sang trang từ đó. Để bảo toàn lực lượng tôi chia trứng ra nhiều giỏ,” ông Tới nói. “Giỏ” thứ nhất của Nam Việt là thủy sản, nhánh kinh doanh đưa tên tuổi công ty vươn xa. “Giỏ” thứ hai, Nam Việt dự định trở thành hạt nhân thành lập một ngân hàng mà gia đình ông Doãn Tới kiểm soát tới 85% cổ phần, cùng tham gia có tổng công ty Lương thực 2 – Vinafood 2 và Minh Phú – công ty dẫn dắt bởi “vua tôm” Lê Văn Quang. “Giỏ” cuối cùng, Nam Việt đầu tư dự án Cromit tại Thanh Hóa, quê ông Doãn Tới.
Nhưng trời không chiều lòng người. Tham vọng sở hữu một ngân hàng của Nam Việt không thành hiện thực khi các thủ tục cấp phép thành lập ngân hàng mới bị siết lại. Dốc nguồn lực tài chính, đầu năm 2009, ông Tới khởi công dự án Cromit có số vốn đầu tư gần 1.500 tỉ đồng, giai đoạn một cuối năm đó đi vào khai thác. Với công suất thiết kế 200 ngàn tấn ferocrom/năm, giá thành sản xuất dưới một đô la Mỹ, giá bán 1,3 – 1,4 đô la Mỹ/pound, dự kiến mỗi năm dự án lãi hàng trăm tỉ đồng, theo tính toán của ông Tới.
Do ngấm khủng hoảng tài chính toàn cầu, năm 2008 các nền kinh tế lớn và Việt Nam đều bị ảnh hưởng. Lạm phát trong nước hai chữ số, lãi suất cho vay có lúc tăng lên 25%, tỉ giá tăng vọt. Đặc biệt, riêng ngành thủy sản, số lượng đơn hàng ít đi, nguyên liệu khủng hoảng thừa, các nhà máy chế biến hoạt động cầm chừng. Tháng 8.2008, Nam Việt cùng ba doanh nghiệp thủy sản Việt Nam khác đón thêm tin xấu khi thị trường Nga, thị trường quan trọng nhất với Nam Việt khi đó, đóng cửa với sản phẩm cá tra. “Họ dùng những luật chơi riêng để gạt mình ra,” ông Tới nói về đối tác xứ bạch dương ban đầu đòi phân phối độc quyền, sau đó giảm dần giá mua, ép công ty Việt Nam giảm giá tối đa.
Tình thế buộc các nhà máy thủy sản phải chủ động giảm một nửa công suất chế biến. Cuối năm 2008, Nam Việt vẫn dẫn đầu ngành cá với kim ngạch xuất khẩu 188 triệu đô la Mỹ. Tuy nhiên lợi nhuận công ty chỉ bằng 25% so với niên độ tài chính trước đó. Lúc này các đối thủ phía sau đã nhấn ga, phả hơi nóng vào gáy Nam Việt khi kim ngạch xuất khẩu tăng lên nhanh chóng: Hùng Vương (170 triệu đô la Mỹ), Minh Phú (160 triệu đô la Mỹ), Vĩnh Hoàn (102 triệu đô la Mỹ)…
KHI MẢNG THỦY SẢN BẤP BÊNH, các “giỏ trứng” khác của ông Tới cũng trở nên mong manh. “Một trong các sai lầm lớn nhất cuộc đời tôi là không nhìn được ra thế giới. Lúc ấy tôi không có nhiều thông tin,” chủ tịch Nam Việt nói. Ông cho biết thêm, sau này tìm hiểu mới hay ferocrom nhiều nhất ở Nam Phi. Quặng ở Thanh Hóa là quặng sa khoáng chỉ chứa 60% crom, “quặng người ta là cục, tốt hẳn hơn mình.” Sản xuất toàn thế giới thu hẹp do ảnh hưởng suy thoái kinh tế. Hệ quả, giá các hàng hóa nguyên liệu rơi thẳng đứng và giá quặng ferocrom cũng không ngoại lệ. Dù đã xuất khẩu 80 triệu đô la Mỹ, làm tới đâu bán tới đó, nhưng càng làm càng lỗ. Năm 2009, ngôi sao của ngành thủy sản báo lỗ 178 tỉ đồng. Năm 2011, Nam Việt buộc dừng việc khai thác quặng ferocrom, chịu lỗ 300 tỉ đồng .
Không thành lập ngân hàng, ông Doãn Tới xoay qua rót tiền vào một “giỏ trứng” khác. Trước đó, năm 2007, giá phân bón diamon phốt phát (DP) có lúc lên mức 26 – 27 ngàn đồng/kg, trong khi giá thành sản xuất ở mức 7.000 đồng/kg. Sau dự án DAP 1 Đình Vũ thành công, tập đoàn Hóa chất Việt Nam – Vinachem quyết định đầu tư nhà máy DAP 2 Vinachem Lào Cai. Tận dụng nhiều mối quan hệ, ông Doãn Tới rót tiền thu gom, sở hữu 39% cổ phần của dự án có vốn đầu tư 5.000 tỉ đồng. Năm 2015 dự án mới đưa vào khai thác, lúc này giá bán sản phẩm còn 7.000 đồng/kg. Dự án Bắc tiến mà ban đầu ông Tới tự chắc mẩm “trận này chắc chắn không thể thua được” rút cục khiến ông lỗ thêm gần 1.000 tỉ đồng, tính cả chi phí cơ hội.
“Nếu như tôi đi đúng đường thì sức tôi phát triển rất nhanh. Không đúng hướng nên mình bị kẹt. Lĩnh vực khoáng sản, phân bón tôi coi là gãy rồi nên phải bắt đầu quay lại phục hồi ngành cá tra,” nhấp một ngụm trà ông Doãn Tới nói. Năm 2009, vị trí đầu ngành cá của Nam Việt về tay Hùng Vương. Năm 2010 đến lượt Vĩnh Hoàn vượt qua Hùng Vương và duy trì vị trí quán quân đến tận bây giờ. Các khoản đầu tư ngoài ngành trở thành gánh nặng với Nam Việt. Giai đoạn 2011 – 2014, kinh doanh thất thường, lợi nhuận Nam Việt có lúc chỉ vài tỉ đồng.
Sinh tại Thanh Hóa, mái tóc thưa, ở tuổi 65 chủ tịch Nam Việt bên ngoài nhìn vẫn khỏe mạnh do thường xuyên chơi quần vợt. Chủ tịch Nam Việt có 20 năm trong quân ngũ. Giữa thập niên 1980 cuộc sống khó khăn người sĩ quan công binh Doãn Tới có lúc buộc phải nuôi heo nhằm cải thiện cuộc sống. Chăn nuôi, có đợt ông thất bại vì chuồng trại, có đợt vì giống, có đợt vì thức ăn. Đợt sau cùng, heo phát triển rất tốt nhưng sau khi thu hoạch ông nhận ra “nghề chăn nuôi heo quá vất vả, phân bắn đầy lên người, hiệu quả kinh tế không bao nhiêu.” Đầu thập niên 1990, công tác tại tỉnh đội An Giang, ông dẫn một nhóm bộ đội đi làm kinh tế, xây dựng công trình, kinh doanh gỗ… có lúc nắm trong tay “đội xe xúc làm mưa làm gió ở miền Tây.”
Kinh nghiệm vụn vặt từ chuyện nuôi heo bất ngờ trở thành bước đệm quan trọng thay đổi cuộc đời ông Doãn Tới. Đầu thập niên 1990, cá tra được nuôi ở một số nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, ban đầu bằng bè ở sông Mekong, khúc sát biên giới Campuchia. Chi phí giống cao, cá giống dễ chết do thay đổi môi trường sống đột ngột khiến việc nuôi cá ban đầu cầm chừng do phụ thuộc nguồn cung từ tự nhiên. Năm 1995, Việt Nam thực hiện thành công mẻ cá sinh sản đầu tiên bằng phương pháp nhân tạo bước đệm ra đời ngành nông nghiệp cá tra tỉ đô la Mỹ sau này. Cú hích về khâu giống với số lượng lớn, giá thành hạ giúp nghề nuôi cá nhanh chóng mở rộng. Các bè cá lớn lần lượt xuất hiện tại tỉnh An Giang.
Một lần đi về Châu Đốc, ông Tới ghé qua bè cá và ngỡ ngàng với cuộc sống sung túc của nông dân: bè trải thảm, phòng gắn máy lạnh, có tivi... Hỏi kỹ, ông mới biết mỗi bè có thể cho sản lượng 230 tấn cá. Nghi ngờ, ông Tới hỏi sang bè cá thứ hai, thứ ba thậm chí năng suất còn cao hơn. Choáng váng ông Tới tính nhẩm trong đầu: “Nuôi 10 con heo mới được một tấn thịt, 230 tấn thịt phải nuôi 2.300 con heo, nối đuôi nhau xếp thành hàng dài gần 4 km, chăm sóc cần hàng trăm người. Trong khi đó một bè cá kích thước 25 m x 10 m cần sáu người để đạt sản lượng tương tự.”
“Bài học nuôi heo để sinh tồn” giúp ông Tới nhận biết ngay hiệu quả và cơ hội ở ngành nghề mới. Sẵn gỗ, ông Tới điều quân đóng một lúc 47 bè cá. Việc kinh doanh thắng lợi khi giá bán nguyên liệu 18 ngàn đồng/kg. “Cuộc đời tôi nhạy bén trong kinh doanh. Xét cho cùng trong kinh doanh là mình sản xuất ra một sản phẩm chi phí thấp và bán cao hơn. Đầu vào cộng lại là giá thành. Giá bán đầu ra trừ đi chi phí đầu vào tạo ra hiệu quả. Đơn giản như vậy thôi,” người sĩ quan không theo trường lớp đào tạo về kinh doanh nói.
Khi phong trào nuôi cá lan rộng, số lượng bè cá tăng vọt, không bao lâu xảy ra tình trạng cung vượt quá cầu. Agifish, công ty chế biến duy nhất tại An Giang thời điểm đó, hạ dần giá mua nguyên liệu. Năm 1999, ông Doãn Tới quyết định tìm đất xây nhà máy chế biến, giọt nước tràn ly từ việc Agifish hạ giá mua cá xuống còn 2.500 đồng/kg. Với công suất 30 tấn/ngày nhà máy đầu tiên đặt tại Long Xuyên. Có sẵn đội xây dựng, chi phí đầu tư vài tỉ đồng mua tủ cấp đông IQF. Ông Tới kể, ngày nhà máy khánh thành, mọi người tới chúc mừng ngoài mặt cười gượng nhưng ruột gan ông rối bời nghĩ ngày mai, ngày kia không có đơn hàng nào. “Lúc ấy tôi chết ở trong lòng rồi nhưng không thể để lộ ra. Mình phải tỏ ra lạc quan yêu đời, dù ngày mai có hi sinh trên mặt trận thì ngoài mặt vẫn phải bình thản,” vị cựu sĩ quan nói.
Tháng đầu, ông Tới mang 1 kg vàng, “hàng dự trữ chiến lược” bán được 94 triệu đồng dùng trả lương công nhân, trang trải tiền điện nước. Tăng cường ngoại giao với nhóm khách hàng từ Nhật, Hong Kong, Đức, Mỹ… rốt cuộc hai tháng sau ngày khánh thành nhà máy mới có khách hàng. Dù chỉ một container, giá trị 75 ngàn đô la Mỹ nhưng đơn hàng đầu tiên cũng giúp ông “từ vực sâu lên mặt đất.” Đơn hàng tiếp theo, 37 container xuất đi Mỹ giúp ông “từ mặt đất cất cánh”. Năm 2001, ông Doãn Tới xin phục viên với hàm thượng tá. Giá trị công ty được định giá lại, ông Tới trả tiền cho tỉnh đội.
Sau khi Hoa Kỳ dỡ bỏ lệnh cấm vận vào năm 1995, Việt Nam bắt đầu xuất khẩu cá ba sa và cá tra sang thị trường này với sản phẩm chủ yếu là cá philê đông lạnh. Sản lượng cá da trơn dạng philê không xương đông lạnh nhập khẩu từ Việt Nam vào Hoa Kỳ tăng mạnh từ năm 2000. Đến cuối năm 2001, sản lượng xuất khẩu vào Hoa Kỳ đã tăng đạt 21 ngàn tấn, gấp hơn 20 lần sản lượng xuất khẩu năm 1998. Hệ quả, tám doanh nghiệp Việt Nam, trong đó có Nam Việt trở thành bị đơn vướng vụ kiện phá giá vào năm 2002 – 2003.
Thị trường Hoa Kỳ gặp khó khăn ngăn đà phát triển của Agifish, Vĩnh Hoàn nhưng Nam Việt thì không. Tình cờ, ông Doãn Tới gặp một doanh nhân người Nga, gốc Do Thái kết hợp đưa cá Việt Nam vào xứ sở bạch dương. Năm 2005, doanh thu thị trường Nga và EU chiếm 40% kim ngạch xuất khẩu của Nam Việt trong số hơn 40 thị trường xuất khẩu. Đơn hàng tới tấp, Nam Việt bước vào thời kỳ tăng trưởng nóng vừa mở rộng nhà máy cũ, vừa sản xuất. Công ty lần lượt xây dựng các nhà máy mới: Thái Bình Dương (500 ngàn tấn), Ấn Độ Dương (700 ngàn tấn)… và vươn lên vị trí quán quân trong ngành thủy sản.
ĐỢT KHỦNG HOẢNG NGÀNH THỦY SẢN giai đoạn 2011-2015 khiến ngành thủy sản biến mất nhiều cái tên như Bình An, Việt An… và các tên tuổi lớn như Nam Việt, Agifish, Hùng Vương đều sa sút. “Hạt giống tốt cỡ nào mà rải vào môi trường sa mạc cũng không thể nảy mầm,” chủ tịch của Nam Việt chiêm nghiệm sau các thăng trầm khi đầu tư ngoài ngành. Không còn con đường nào khác giai đoạn 2015-2017, nhà sáng lập chi gần 600 tỉ đồng mua lại các khoản đầu tư ngoài ngành để giải cứu Nam Việt. “Người ta rút tiền công ty đại chúng về công ty gia đình nhưng tôi sở hữu 80% cổ phần nên Nam Việt cũng là của tôi,” ông nói.
Bà Trương Thị Lệ Khanh, chủ tịch Vĩnh Hoàn, công ty cá tra đầu ngành, nhận xét trong hai năm qua ngành thủy sản đã phục hồi đáng kể. Trong đó các mắt xích trong chuỗi giá trị ngành cá từ con giống, thức ăn chăn nuôi, người nuôi, nhà chế biến đều có lãi và đây là cơ hội để sắp xếp, tái cơ cấu ngành cá phát triển một cách bền vững sau giai đoạn phát triển nóng trước đây.
Vậy rốt cuộc chủ tịch Doãn Tới làm gì đưa Nam Việt trở lại? “Nam Việt có lợi thế lớn về khép kín chuỗi giá trị cá tra từ con giống đến đóng gói xuất khẩu,” công ty chứng khoán Phú Hưng đánh giá. “Khi quay lại tôi đưa Nam Việt vào guồng quay ổn định,” ông Tới chia sẻ. Công ty hiện có trại giống có năng lực cung ứng hơn 14 tỉ cá bột, dự kiến năm nay tự chủ 70% cá đầu vào và toàn phần vào năm tới. Nam Việt sở hữu nhà máy thức ăn chăn nuôi công suất 380 ngàn tấn, 80% sản lượng cho sử dụng nội bộ. Mới nhất Nam Việt nhận được giấy phép phát triển vùng nuôi rộng 600 héc ta, nâng diện tích vùng nuôi lên 1.000 héc ta “sẽ không có cảnh mỗi lần thu mua nguyên liệu giá nhảy dựng lên.”
Chuyên viên phân tích ngành thủy sản Viet Securities Đào Lê Long Hà đánh giá việc chủ tịch mua lại các khoản đầu tư thua lỗ là việc làm tốt, về dài hạn giúp công ty tập trung vào ngành nghề kinh doanh chính. “Tuy nhiên về dài hạn, Nam Việt nên chú trọng phát triển thị trường và chuyên nghiệp hóa quản lý. Việc mở rộng công suất nhanh ở khâu nuôi trồng có thể tạo ra rủi ro dư cung chung cho ngành,” chuyên viên phân tích này nhận xét.
Còn sau nhiều thăng trầm, chủ tịch Nam Việt tin tưởng sẽ đưa công ty trở lại. “Con người ta nhu cầu thiết yếu là phải ăn. Cá này nuôi không hóa chất, không kháng sinh. Giờ đây Nam Việt sẽ chỉ làm cá,” ông nói.
Theo Giang Thanh/Forbes Việt Nam