Nhờ chớp được thời cơ, Nhật Bản, Hàn Quốc hay Trung Quốc đã leo lên "đỉnh" thế giới trong 15 – 20 năm, ông Hoàng Nam Tiến, Chủ tịch FPT Software nói tại một hội thảo gần đây. "Chúng ta hoàn toàn có cơ hội đấy", ông nhấn mạnh.
Tại Vietnam Summit in Japan được tổ chức gần đây, các nhà nghiên cứu, doanh nhân đều đồng nhất khẳng định lại quan điểm: cách mạng 4.0 là chuyến tàu tốc hành cuối cùng của Việt Nam.
"Việt Nam phải từ cầm súng AK đến AI để phát triển đất nước. Đấy là cơ hội cuối cùng. Nếu không tiến thì khoảng cách càng xa, đuổi càng khó. Đó chính là sứ mệnh của người trí thức", GS. Hồ Tú Bảo, Viện Nghiên cứu cấp cao về toán Việt Nam nói.
Theo ông, để hoà vào dòng phát triển của cách mạng 4.0, Việt Nam cần phải giải quyết một số nhóm vấn đề, nhiệm vụ gồm: thay đổi tư duy nhận thức, hạ tầng số, nền tảng số, nhân lực số, an toàn an ninh mạng và chính phủ số.
"Đất nước cần ta và ta cần đất nước. Lòng yêu nước cần được đẩy lên, đi từ thời chiến tranh sang thời phát triển", ông nói thêm.
Đồng quan điểm với GS. Hồ Tú Bảo về "4.0 là cơ hội cuối cùng cho đất nước" ông Hoàng Nam Tiến, Chủ tịch FPT cho biết các quốc gia phát triển được là vì biết chớp lấy thời cơ.
"Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc đã chớp được thời cơ. Trong 15 – 20 năm họ vươn lên đỉnh của thế giới. Chúng ta hoàn toàn có cơ hội đấy. Mức so sánh của người Nhật với người Mỹ hay Anh vào những năm 1960 thực ra không khác gì Việt Nam so sánh với các nước khác. Nếu thực sự chúng ta nắm bắt được cơ hội này, trong vòng 15 năm tới khi cả thế giới đang phát triển với tốc độ ì ạch 1 – 3%, chúng ta bứt phá phá được lên 7 – 10% thì mọi chuyện sẽ thay đổi", ông nói.
Chìa khoá cho sự thay đổi đó, theo ông Tiến, chính là tăng năng suất lao động nhờ công nghệ.
"Từ nghề của chúng tôi, để thay đổi năng suất lao động, tôi nhận ra một điều: Nếu chỉ làm việc chăm chỉ hơn, nhiều giờ hơn thì không giải quyết được. Chỉ có công nghệ mới làm được", ông nói.
Như vậy, sẽ là vô nghĩa nếu một coder cứ tư duy rằng cứ làm nhiều giờ hơn sẽ tốt hơn, thay vào đó, cần suy nghĩ rằng nếu áp dụng AI, Big Data vào công việc, sẽ thay đổi được những gì.
"Những dòng code có thể do AI sinh ra", ông cho biết và nhận định tương lai, có thể rất nhiều câu lệnh không phải do con người thực hiện nữa, mà là máy móc.
Nếu áp dụng công nghệ vào thực tiễn sản xuất, theo ông Tiến, sẽ không chỉ tiết kiệm 30 – 40% thời gian, công sức mà có thể lên đến 95%. Lấy ví dụ rất nhỏ là giao dịch ngân hàng, ông cho biết để xác minh thông tin, trước đây có thể mất 6 phút từ khâu đưa chứng minh thư, điền thông tin, so sánh dữ liệu... thì nay có thể chỉ là 3s với một chiếc smartphone.
"Từ rất nhiều điều nhỏ như thế sẽ thay đổi năng suất của một bộ máy, tổ chức", ông nói và bày tỏ rằng nếu các xã hội cùng thực hiện thì năng suất lao động của Việt Nam có thể tăng gấp đôi trong 6 – 7 năm nữa. Và nếu duy trì được điều này trong 15 năm liên tục, thì đấy là sự thay đổi thần kỳ mà người Nhật, Hàn, Trung Quốc đã có...
"Hãy tin rằng người Nhật, Hàn, Trung đã có thời gian của mình, bây giờ là thời gian của người Việt chúng ta", ông nói thêm.
Một số chuyên gia kinh tế khác đưa ra những quan điểm lạc quan về cơ hội phát triển của Việt Nam trong tương lai.
Cụ thể, GS. Trần Văn Thọ, Đại học Waseda cho biết: "Việt Nam hiện nay có gần 100 triệu dân, tương đối lớn, lại có cùng một ngôn ngữ, văn hoá như vậy rất ít. Nên Việt Nam mình trong tương lai thế nào cũng phát triển, mong các bạn trẻ đóng góp vào phát triển Việt Nam".
Hay ông Nguyễn Việt Dũng, Trưởng ban Chiến lược Tập đoàn Viettel chia sẻ: "Vừa rồi chúng tôi làm nghiên cứu thì thấy Việt Nam là một trong nước đông dân nhất thế giới. Mà nước nào đông dân nhất sẽ trở thành nước mạnh, chỉ là ở thời điểm sớm hay muộn thôi".
Theo N Dương
Trí thức trẻ