Sinh nhật 10 tuổi Winmart

Chủ tịch Goldsun: Làm được đối tác của Samsung không dễ dàng

19/11/2018 12:31

Trở thành đối tác cấp 1 cho Samsung, theo ông Phạm Cao Vinh, Chủ tịch HĐQT Goldsun, không dễ dàng. Đó cũng là một trong những lý do Goldsun mới mở thêm nhà máy thứ 6 với số vốn giai đoạn 1 là 500 tỷ đồng.

Điện thoại và các sản phẩm công nghệ của Samsung được sản xuất ở Hàn Quốc. Song một phần vỏ hộp, sách hướng dẫn lại được sản xuất tại Việt Nam, bởi các nhà cung cấp (vendor), trong đó có Công ty CP In và Bao bì Goldsun. Câu chuyện trở thành một trong những vendor cấp 1 của Goldsun có nhiều điểm thú vị.

Ông Phạm Cao Vinh, Chủ tịch HĐQT Goldsun, đã có những chia sẻ với Người đồng hành về việc trở thành một trong những đơn vị tham gia vào chuỗi sản xuất của Samsung, bên lề buổi khánh thành nhà máy sản xuất thứ 6 tại Quế Võ, Bắc Ninh, ngày 16/11.

Chủ tịch cũng có lúc đứng tại dây chuyền 24/24

- Ông kỳ vọng gì với nhà máy 500 tỷ đồng sản xuất bao bì, vỏ hộp vừa khánh thành?

- Mục tiêu khi chúng tôi làm thêm một nhà máy đóng gói, bao bì ở Bắc Ninh là tăng trưởng 150% công suất. Ngoài ra, với nhà máy này, chúng tôi sẽ áp dụng công nghệ mới để sản phẩm tốt, đẹp hơn, giá thành cũng rẻ hơn.

Bên cạnh đó, chúng tôi hướng đến việc đáp ứng điều kiện lao động cho công nhân, đảm bảo môi trường lao động, môi trường sản xuất. Điển hình là việc tất cả các bộ phận của nhà máy, công nhân đều làm việc trong môi trường sạch, có điều hòa.

- Năm 2015, sản xuất bao bì, sách hướng dẫn cho Samsung của Goldsun chiếm cả 50%. Cơ cấu hiện tại thì như thế nào?

- 3 năm gần đây, cơ cấu từ việc làm vỏ hộp, sách hướng dẫn cho Samsung vẫn chiếm khoảng 50%.

Năm nay, doanh thu của Goldsun khoảng 3.400 tỷ, phần từ bao bì khoảng 1.200 tỷ đồng. Chúng tôi đặt mục tiêu đến năm 2022 thì doanh thu từ phần bao bì sẽ tăng lên 2.300 tỷ đồng.

- Là một vendor cấp 1 cung cấp vỏ hộp, sách hướng dẫn cho Samsung từ năm 2010nhưng không phải đơn vị duy nhất, rõ ràng ở đây nhìn thấy sự cạnh tranh rất lớn?

- Làm được đối tác của Samsung không hề dễ dàng. Trước đây, về sản xuất bao bì, có 6 doanh nghiệp gồm 4 nước ngoài và 2 Việt Nam. Bây giờ thì số doanh nghiệp nước ngoài giảm về 3, Việt Nam tăng thêm một lên 3. Goldsun là một trong số đó.

Samsung yêu cầu các tiêu chuẩn, đòi hỏi cực kỳ khắt khe, buộc vendor cấp 1 phải có đầu tư lớn, công nghệ, chất lượng tốt. Vì thế, không ít doanh nghiệp của Việt Nam bị khó với những vấn đề này. Ở Việt Nam bây giờ chỉ có 2 doanh nghiệp đảm đương được, Goldsun là một.


Ông Phạm Cao Vinh, Chủ tịch HĐQT Goldsun, cho biết việc xây dựng nhà máy thứ 6 nhằm hướng đến mục tiêu tăng công suất 150%, tăng chất lượng sản phẩm. Ảnh: Đ. Anh.

- Cái khó nhất là gì?

- Đó là tính chuyên nghiệp, đầu tư lớn, có sự gắn kết và thực sự phải làm hết mình.

Nếu doanh nghiệp làm theo kiểu không đủ sức mạnh thì sớm muộn cũng phải bỏ cuộc vì tiêu chí đo lường của Samsung rất chặt chẽ. Thông thường, theo kinh nghiệm của tôi thì doanh nghiệp Việt Nam vào được Samsung rất khó, phải cạnh tranh về chất lượng, thời gian giao hàng.

Giá không nói, vì giá với họ không phải vấn đề. Vấn đề ở đây là chất lượng, cam kết về thời gian giao hàng cũng như những đòi hỏi cao trong tiêu chuẩn về môi trường, Luật Lao động, quyền con người... Vì thế, nếu doanh nghiệp Việt Nam đầu tư không đủ, không tới thì không làm được.

- Ông có thể chia sẻ cụ thể hơn về các yêu cầu khắt khe mới đề cập bên trên?

- Ví dụ như không dùng lao động dưới 18 tuổi, đảm bảo quyền lợi lao động, không phạt tiền, không tăng ca, đảm bảo về môi trường... Đặc biệt, vấn đề chất lượng, thời gian giao hàng cần tuyệt đối chuẩn chỉnh. Thời gian giao hàng đôi khi 24/24. Có những ngày chúng tôi giao 5-7 lần, hoạt động không ngừng nghỉ.

Chẳng hạn, chủ tịch HĐQT như tôi mà từng đứng dưới dây chuyền của nhà máy thâu đêm trong cả nửa tháng. Giai đoạn đó, Samsung rất thành công với model mới nên cần sự “chiến đấu” từ cả những vị trí cao nhất từ vendor.
Ngoài ra, thay đổi thường xuyên cũng là một áp lực. Với những đơn vị không đáp ứng được công nghệ, điều này rất khó khăn.

Dám làm con gà đẻ quả trứng, sẽ thành công

- Ông vừa nhắc đến việc sử dụng lao động là một trong những yêu cầu khắt khe từ đối tác. Có ý kiến cho rằng khi tham gia sân chơi toàn cầu thì bên cạnh quy mô, tốc độ, việc tuân thủ các nguyên tắc này cũng là yếu tố doanh nghiệp phải hướng đến. Góc nhìn của ông?

- Đương nhiên khi tham gia cuộc chơi thì tốc độ, quy mô của doanh nghiệp là yếu tố cần phát triển. Nhưng khi hội nhập thì doanh nghiệp cũng buộc phải đáp ứng các yêu cầu về lao động, con người.

Một số đơn vị không làm nghiêm túc vấn đề này. Nhưng đối tác của tôi là Samsung thì khác, thường xuyên đánh giá theo tuần, tháng hoặc năm. Người của họ cũng ở trong Goldsun, hỗ trợ chúng tôi cải tiến quản lý. Đó cũng là điều khác biệt của họ so với những đơn vị khác.

- Áp lực của ông ra sao khi ông từng nói Samsung là “cơ hội lớn” nhưng “không dễ” vì bị cạnh tranh cao?

- Đương nhiên là rất áp lực. Tôi đặt câu hỏi đơn giản thôi là vì sao chúng tôi lại phải đầu tư một nhà máy với mức độ như thế, tiêu chuẩn quốc tế, rót đến 500 tỷ đồng. Khối các doanh nghiệp nước ngoài đến đây chỉ thuê nhà xưởng, dùng máy móc thiết bị cũ. Hầu như chả doanh nghiệp nào “chơi lớn” như chúng tôi. Nhưng vì có chiến lược dài hạn nên chúng tôi sẵn sàng làm.

Năm nay, doanh thu của Goldsun khoảng 3.400 tỷ, phần từ bao bì khoảng 1.200 tỷ đồng. Chúng tôi đặt mục tiêu đến năm 2022 thì doanh thu từ phần bao bì sẽ tăng lên 2.300 tỷ đồng.

Mỗi năm không đầu tư có thể tiết kiệm 40 tỷ đồng chi phí, do phải làm thứ mới, khấu hao nhiều. Nhưng chúng tôi sẵn sàng vì mục tiêu dài hạn. Goldsun là doanh nghiệp Việt Nam đã kinh doanh cả 20 năm rồi nên đối với tôi đây là đầu tư.

Còn doanh nghiệp nước ngoài đến đây, có thể vài năm họ đã về, với có thể lo rủi ro vì chả biết Samsung ở đây mấy năm. Tôi thì khác. Giả may có thế thật thì Goldsun làm cho khách hàng khác. Đó cũng là khác biệt của doanh nghiệp Việt Nam so với các vendor nước ngoài.

- Vậy đối tác lớn của các ông ngoài Samsung, có...?

- Một số doanh nghiệp FDI, Canon chẳng hạn, ngoài ra, còn một số doanh nghiệp nữa làm điện thoại, ôtô.

- Người ta nói trong ngành in, điểm yếu của các doanh nghiệp bây giờ là công nghệ thiết kế yếu, mẫu mã xấu và nhìn đó là hạn chế, nhưng cũng có một số coi đó là thách thức. Ông thấy sao?

- Ngành này là ngành công nghệ cao, thay đổi liên tục. Nếu doanh nghiệp không đủ tiềm lực đầu tư, cải tiến công nghệ, thay đổi nhanh thì khả năng tụt lùi là rất nhanh. Tham gia thì cần chấp nhận thách thức và đặt câu hỏi con gà đẻ trứng hay trứng đẻ gà. Nếu mình dám làm con gà đẻ quả trứng thì mình thành công chứ đợi quả trứng đẻ con gà thì đến mình không có đâu (cười).

Mơ làm những điều mình thích, sống cuộc đời mình

- Thực tế, nhắc đến Goldsun thì người ta vẫn hay nhớ đến mảng hàng gia dụng, xoong nồi chẳng hạn. Ít người biết các ông còn có mảng bao bì?

- Chúng tôi làm bất cứ gì đều không truyền thông. Quan điểm của chúng tôi là nếu làm tốt, khách sẽ tìm đến mình.

- Có người bảo Goldsun kín tiếng vì là công ty gia đình?

- Không hoàn toàn. Ít truyền thông xuất phát từ quan điểm kinh doanh của chúng tôi. Ngoài bao bì, công ty còn kinh doanh các ngành khác như ẩm thực (chuỗi Redsun với các nhà hàng ThaiExpress, King BBQ thuộc Goldsun - PV) cũng top 2 trong ngành F&B ở Việt Nam, các sản phẩm công nghệ cao đóng gói xuất đi Trung Quốc, đồ ăn sẵn... Chúng tôi luôn quan niệm mình làm thật tốt, khách sẽ tìm đến.

- Tỷ trọng doanh thu và tốc độ tăng trưởng của các ngành trên ở Goldsun như thế nào?

- Đóng góp lớn nhất là nhà hàng, sau đó đến bao bì, gia dụng. Về tăng trưởng thì ngành ẩm thực nhà hàng 40-50%, bao bì khoảng 15% và gia dụng đi ngang.


Trở thành vendor cấp 1 của Samsung, theo ông Vinh, khá "áp lực" do Samsung yêu cầu tương đối khắt khe, chuẩn xác. Ảnh: Đ. Anh.

- Có chân trong chuỗi giá trị, làm vendor cho các doanh nghiệp FDI, ông thấy doanh nghiệp Việt Nam được gì, mất gì?

- Không mất gì, chỉ được. Có chân trong chuỗi giá trị sản xuất của các tập đoàn lớn, doanh nghiệp có thể học được cách quản lý doanh nghiệp. Họ cũng đào tạo mình, mình muốn làm cho họ phải nâng mình lên. Đó là ước mơ không chỉ của chúng tôi mà tất cả doanh nghiệp. Song vấn đề là phải đặt thách thức, có cam kết chứ nếu không thì không tham gia được.

- Vậy ước mơ của cá nhân ông Phạm Cao Vinh là gì?

- (Cười). Ước mơ của tôi là làm được những điều mình thích, sống cuộc đời của mình.

- Và không có định lượng?

- Tôi kinh doanh để vui. Công ty đem cho mình niềm vui và thành công, đó là giá trị. Tôi không đặt mục tiêu về tiền, kiểu mấy tỷ đô hay gì đó...

Ông Phạm Cao Vinh cho biết, hiện tại, mảng kinh doanh ẩm thực, nhà hàng đang tốt, tốc độ tăng trưởng cao, tái đầu tư liên tục. Sắp tới, cổ đông nước ngoài sẽ tham gia cả hai mảng nhà hàng và bao bì. Tuy nhiên, ông chưa kể công bố cụ thể.

Chủ tịch HĐQT Goldsun cũng tiết lộ doanh nghiệp của ông từng là đơn vị đầu tiên ở miền Bắc cổ phần hóa, bán vốn cho 2 quỹ đầu tư vào năm 2005. Nhưng đến năm 2011, ông lại mua lại hết cổ phiếu, muốn chọn nhà đầu tư khác biệt, là người trong ngành, cảm thấy phù hợp khi hợp tác. Do đó, trước mắt, Goldsun chưa có kế hoạch lên sàn.

Đan Anh - Lệ Hải/NDH