Tiêu chuẩn thực hành sản xuất tốt GMP đang là vấn đề được quan tâm nhất trong lĩnh vực dược phẩm thời gian gần đây khi ngày 1/7/2019, Nghị định 15 của Chính phủ được triển khai thực hiện. Theo đó, doanh nghiệp không đạt chuẩn GMP sẽ buộc phải đóng cửa. Bản thân CVI đã có những bước chuẩn bị cho lộ trình nâng cấp lên chuẩn GMP như thế nào, thưa ông?
Hiện nay, CVI chưa có nhà máy sản xuất chính thức. Tất cả các sản phẩm đều được ký hợp đồng sản xuất, gia công với những nhà máy đã đạt chuẩn GMP và GMP - WHO. Tuy nhiên, chúng tôi đang tiến hành hoàn thành dự án nhà máy với vốn đầu tư hơn 200 tỷ trong Khu công nghệ cao Hòa Lạc, dự kiến sẽ vận hành vào tháng 6 năm sau. Nhà máy không chỉ áp dụng GMP mà còn áp dụng hệ thống kiểm soát SCADA, tự động giám sát toàn bộ quy trình sản xuất giúp kiểm soát nội bộ và chất lượng. Đây cũng là dự án nhà máy dược phẩm đầu tiên ở Việt Nam được cấp phép trong khu công nghệ cao, đáp ứng được đầy đủ cả yếu tố công nghệ cao và điều kiện sản xuất.
Khi nhà máy đi vào hoạt động, chúng tôi có thể chủ động trong toàn bộ quá trình sản xuất, chuẩn hóa từ khâu nghiên cứu đến quy trình sản xuất, khâu hậu kiểm và cho ra sản phẩm chất lượng không chỉ đạt chuẩn GMP mà còn đạt chuẩn công nghệ cao của Khu công nghệ cao Hòa Lạc.
Ông đánh giá như thế nào về tác động của lộ trình chuẩn hóa GMP đối với thị trường thực phẩm chức năng ở Việt Nam hiện nay?
Cục An toàn thực phẩm (ATTP), Bộ Y tế đã đưa ra lộ trình GMP cho thực phẩm chức năng, cá nhân tôi cũng như nhiều doanh nghiệp dược lớn rất ủng hộ và mong muốn nhanh chóng được đưa vào thực hiện. Bởi đây có thể coi là một công cụ hữu hiệu ngăn chặn những sản phẩm kém chất lượng tràn ra thị trường.
Hiện nay, thị trường thực phẩm chức năng được ví như “trăm hoa đua nở”. Thị trường sản phẩm thì nhiều nhưng sản phẩm chất lượng thì ít. Nhà nhà có thể sản xuất thực phẩm chức năng chỉ cần đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm. Đó là cơ chế mở về điều kiện kinh doanh đối với doanh nghiệp, đồng thời cũng tạo khe hở cho những doanh nghiệp làm ăn chụp giật. Tuy nhiên, nếu áp dụng quy chuẩn GMP sẽ giúp loại bỏ tình trạng làm ẩu, làm sai và các sản phẩm kém chất lượng. Doanh nghiệp muốn làm ăn lâu dài bắt buộc phải đầu tư, từ công nghệ, dây chuyền sản xuất đến con người…
Tuy nhiên, việc nâng cấp lên chuẩn GMP cần khoản đầu tư vô cùng lớn và không phải doanh nghiệp nào cũng có đủ tiềm lực tài chính thực hiện. Theo ông, điều này có gây khó khăn cho nhiều doanh nghiệp trong nước và tạo cơ hội cho các doanh nghiệp nước ngoài chiếm lĩnh thị phần?
Việt Nam đang trong tiến trình hội nhập quốc tế sâu rộng. Không chỉ trong lĩnh vực dược phẩm mà ở tất cả các lĩnh vực khác đều có sự tham gia của các doanh nghiệp nước ngoài. Thời buổi hội nhập tạo ra sân chơi bình đẳng, và luật chơi là công bằng với tất cả doanh nghiệp. Khi chấp nhận tham gia cuộc chơi, bản thân doanh nghiệp trong nước phải chấp nhận cuộc cạnh tranh đó.
Chúng ta muốn tồn tại trên sân nhà thì phải tự sống, phải đầu tư, phải chuẩn hóa và quan tâm đến chất lượng sản phẩm, quan tâm đến người tiêu dùng. Mặt khác, áp lực cạnh tranh cũng là động lực để doanh nghiệp trong nước tự đổi mới mình, nâng cao năng lực cạnh tranh và chấp nhận cuộc chơi mà cuộc chơi đó có lợi cho người tiêu dùng.
Thực tế, khi Việt Nam muốn xuất khẩu thuốc, thực phẩm chức năng hay mỹ phẩm thì rào cản lớn nhất không phải rào cản thương mại mà là rào cản kỹ thuật mỗi nước dựng lên. Muốn chơi chung với thế giới, chúng ta buộc phải tuân theo quy chuẩn chất lượng chung. GMP chính là một trong những thước đo quan trọng, là cú hích đối với doanh nghiệp dược phẩm trong nước. Nếu doanh nghiệp không đáp ứng được tiêu chuẩn của GMP có nghĩa doanh nghiệp không thể xuất khẩu sang các thị trường khác trong khu vực ASEAN, chứ chưa nói đến việc đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe hơn tại các thị trường như Mỹ, châu Âu...
Mặt khác, bản thân doanh nghiệp nước ngoài muốn vào chiếm lĩnh thị trường Việt Nam, họ cũng phải tuân thủ luật chơi và cũng phải đầu tư sản xuất ra sản phẩm chất lượng đạt chuẩn GMP. Bởi vậy nói việc chuẩn hóa GMP tạo khó khăn cho doanh nghiệp chỉ là bức bình phong do doanh nghiệp yếu năng lực cạnh tranh đưa ra ngụy biện cho sự ngại đổi mới của họ.
Có thể thấy GMP sẽ mở ra viễn cảnh tươi sáng cho thị trường thực phẩm chức năng. Còn về phía doanh nghiệp, quy định này sẽ tác động như thế nào đối với hoạt động doanh nghiệp?
Trong quá trình sản xuất, kinh doanh sẽ khó tránh được những sai sót. Tuy nhiên, nếu toàn bộ quy trình sản xuất được ghi lại thì sẽ giúp doanh nghiệp tìm ra lỗi ở khâu nào, bao bì hay nguyên liệu, phối trộn, sản xuất, lưu kho…Từ đó doanh nghiệp sẽ dễ dàng khắc phục được sự cố. GMP thực chất còn thanh lọc những doanh nghiệp không đủ năng lực cạnh tranh, giúp bảo vệ doanh nghiệp làm ăn bài bản, mạnh dạn đầu tư.
Chuẩn hóa GMP không chỉ có lợi cho nhà quản lý, người tiêu dùng mà còn cho chính doanh nghiệp, vậy tại sao chúng ta không mạnh dạn đầu tư, áp dụng? Đã đến lúc, doanh nghiệp dược phẩm hoặc chấp nhận bị loại thải và làm những việc đơn giản hơn hoặc buộc phải tự thay đổi và nâng cấp lên.
Trong thời gian tới, CVI xác định bước đi cụ thể như thế nào để có thể đứng vững và phát triển, thưa ông?
Thời gian qua, CVI đã xúc tiến hợp tác với 1 số doanh nghiệp Hàn Quốc và Đài Loan. Năm ngoái, CVI cũng đã ký hàng loạt hợp tác với các đối tác chuyển giao công nghệ của Hàn Quốc và hợp tác với Viện kiểm định chất lượng quốc gia của Hàn Quốc.
Khi nhà máy tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc đi vào sản xuất, tất cả sản phẩm của CVI sẽ được gửi sang Hàn để kiểm tra và cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng. Chứng nhận này của Viện kiểm định chất lượng quốc gia Hàn Quốc được toàn bộ các nước trên thế giới, kể cả các thị trường phát triển như châu Âu, EU, Nhật Bản công nhận. Đây là bước đà chuẩn bị để CVI hướng tới chinh phục ước mơ đưa sản phẩm của CVI ra toàn thế giới.
Cám ơn những chia sẻ của ông!
Theo Doanhnhan.vn