Ông Đào Phan Long, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp cơ khí Việt Nam (VAMI), cho rằng với tiền bạc và quan hệ quốc tế, ông Phạm Nhật Vượng sẽ làm ô tô khác với cách ông Trần Bá Dương đã làm ở THACO.
Ảnh minh họa
Chia sẻ tại một tọa đàm về công nghiệp hỗ trợ Việt Nam, ông Đào Phan Long cho biết cách đây 20 năm, những giấy phép làm ô tô đầu tiên đã được Việt Nam cấp cho các hãng nước ngoài như Toyota, Honda… Khi ấy, năng lực của Việt Nam chẳng có gì ngoài đất!
“Hồi đó, tôi sang Trung Quốc có việc, khi về tôi đã làm một báo cáo về cách Trung Quốc làm ô tô. Chính sách của họ có 4 điểm chính: một là mỗi tỉnh (có quy mô tương đương Việt Nam) chỉ được phép có 1 liên doanh với FDI làm ô tô; tỷ lệ góp vốn là 50-50; quy định thời gian bao lâu thì được tự chủ, không phải phụ thuộc công ty mẹ; lựa chọn công nghệ châu Âu để cạnh tranh với ô tô Nhật Bản, Hàn Quốc”.
“Tôi đã báo cáo từ những năm 2000. Mình kém Trung Quốc lúc ấy thôi thì chấp nhận, nhưng giờ 20 năm rồi, Việt Nam vẫn không có ô tô. Những yếu kém của FDI càng ngày càng bộc lộ. Mấy ông cứ bảo vệ FDI nhưng ô tô lại không có, may mà còn có THACO!”, ông Long nói.
Ông Long nhớ lại khi ấy, ông Trần Bá Dương (chủ tịch THACO) và ông Bùi Ngọc Huyên (chủ tịch Vinaxuki) đến Ban chỉ đạo chương tình cơ khí trọng điểm để xin ưu đãi làm ô tô. “Cuối cùng ông Huyên tan hoang, còn THACO vươn lên – trong điều kiện khắc nghiệt như vậy”.
Nhận định về thị trường ô tô Việt Nam trong giai đoạn tới, ông Long cho rằng các tập đoàn ô tô đa quốc gia sẽ để dành cho Việt Nam 2 thị phần là xe buýt và xe ô tô tải chung.
“Nếu làm hai cái này thì nó không can thiệp, còn làm xe con thì như ông Huyên, chết ngay, ông THACO thì vất vả, phải dùng thương hiệu nước ngoài”, ông Long bình luận.
Chủ tịch VAMI nhấn mạnh: Thị trường là tài nguyên, đến Tổng thống Mỹ cũng phải bảo vệ thị trường nội địa trong khi đó Việt Nam lại quá dễ dãi. “Nội địa của ta đang bị FDI khai thác. Nhiều ông Bộ trưởng, Thứ trưởng còn nói với tôi FDI cũng là của Việt Nam, đừng kì thị. Tôi không kì thị nhưng nó bất công: FDI được ưu tiên cái nọ cái kia, doanh nghiệp được ưu tiên cái gì?”
Nói về VinFast, ông Long cho hay trong chương trình làm ô tô của doanh nghiệp này có việc làm động cơ, sơn, vỏ xe ở Việt Nam, đây là điều rất quan trọng.
“Cách làm của VinFast khác THACO. THACO không có tiền, do đó phải tích lũy, phải vận động để có được ngày hôm nay, sau 15 – 16 năm mới có một chút thị phần. VinFast có tiền, có quan hệ quốc tế, họ sẽ làm khác với anh Bá Dương (chủ tịch THACO – PV) và tôi tin anh Vượng (chủ tịch Vingroup – PV) với hiểu biết, tiềm lực như vậy, anh sẽ làm ô tô khác anh Dương”, ông Long nhận xét.
Ông Long cho rằng chớ nên đánh giá vội vàng VinFast làm được hay không làm được, bởi tính đến nay doanh nghiệp này đã có 2 điểm thành công: một là có tiền, hai là chọn công nghệ châu Âu để cạnh tranh với các hãng xe châu Á.
“Tất nhiên phải chờ thời gian nhưng tôi hi vọng và tin rằng VinFast sẽ có bước đi đột phá để có ô tô Việt Nam. Tôi tính nếu VinFast làm động cơ thì tỷ lệ nội địa hóa sẽ lớn, khi tham gia các FTA hay thậm chí bán sang các nước thứ ba thì họ sẽ thuận lợi hơn THACO nhiều”, ông Long nhận định.