Sinh nhật 10 tuổi Winmart

Chủ tịch Imagtor Nguyễn Thị Vân: Từ mô hình từ thiện mở thêm công ty để kinh doanh, để chứng minh rằng người khuyết tật không có sự khác biệt gì trong xã hội cả!

29/05/2019 10:24

Cô gái khuyết tật 20 kg Nguyễn Thị Vân hiện là đồng sáng lập và Chủ tịch Công ty CP dịch vụ Nghị lực sống (Imagtor), chuyên cung cấp dịch vụ chỉnh sửa ảnh, video cho các công ty bất động sản, thương mại điện tử quốc tế. Điều hành 70 nhân viên, trong đó 50% là người khuyết tật, đào tạo hơn 1.000 em khuyết tật.

Mở công ty để kinh doanh là tìm giải pháp cho những người khuyết tật sống vui hơn

Ngoài là co-founder, Chủ tịch của Imagtor thì Nguyễn Thị Vân còn điều hành trung tâm Nghị lực sống là tổ chức phi lợi nhuận hoạt động trong lĩnh vực đào tạo, dạy nghề công nghệ thông tin và kỹ năng sống cho người khuyết tật. Thành lập năm 2003, đến nay, trung tâm đã dạy nghề miễn phí cho hơn 1.000 người khuyết tật và con em họ, 90% đã có công việc ổn định. “Mọi thứ đang khá tốt, tôi hài lòng”, nói như cách của Vân.

Chia sẻ tại sự kiện mới đây, Vân cho hay: Từ nhỏ, trong tôi đã có sự thôi thúc rất lớn là phải làm điều gì đó, không chấp nhận cuộc sống và hoàn cảnh hiện tại. Chính vì suy nghĩ đó, dẫn đến hành động của mình cũng mạnh mẽ hơn so với các bạn khuyết tật khác.

Chủ tịch Imagtor Nguyễn Thị Vân: Từ mô hình từ thiện mở thêm công ty để kinh doanh, để chứng minh rằng người khuyết tật không có sự khác biệt gì trong xã hội cả! - Ảnh 1.

Nguyễn Thị Vân hiện là đồng sáng lập và Chủ tịch Công ty CP dịch vụ Nghị lực sống (Imagtor)

“Tôi bắt đầu quan sát cuộc sống xung quanh. Khi quan sát, tôi nhận thấy bản thân dễ đồng cảm với con người xung quanh. Từ đó, tôi tìm ra giải pháp để giúp cho họ có cuộc sống vui hơn, tươi mới hơn. Cũng là để thay đổi quan điểm và cách nhìn nhận của xã hội về người khuyết tật”, Nguyễn Thị Vân chia sẻ.

Từ đó, cô gái khuyết tật này lựa chọn là tạo ra trung tâm dạy nghề cho người khuyết tật để họ có sinh kế bền vững và không phải lo nhiều về cuộc sống của họ nữa.

“Từ mô hình từ thiện, tôi mở thêm công ty để kinh doanh là Imagtor bây giờ. Tôi nghĩ, công việc kinh doanh cũng là phần nào để tạo ra thu nhập bền vững cho người khuyết tật. Đồng thời, còn tạo hình ảnh để những người khuyết tật thấy rằng, họ không có sự khác biệt so với xã hội. Và, thông qua môi trường kinh doanh, họ có cơ hội để phát huy hết năng lực của bản thân”, Vân cho hay.

Luôn tìm cách biến cái bất lợi thành lợi thế, biến điểm yếu thành mạnh và quan trọng nhất là thử đến cùng, tin vào mình

Theo Vân, là người khuyết tật rất nhiều phân biệt đôi xử nhưng rất ít cơ hội để sống và hòa nhập. “Bên cạnh những người tiếp sức cho Vân, thì bản thân Vân có một bí quyết là luôn tự tin vào chính mình. Chính vì tự tin nên luôn tìm cách biến cái bất lợi của mình thành lợi thế, biến những điểm yếu thành mạnh”, co - founder Imagtor chia sẻ.

Chủ tịch Imagtor Nguyễn Thị Vân: Từ mô hình từ thiện mở thêm công ty để kinh doanh, để chứng minh rằng người khuyết tật không có sự khác biệt gì trong xã hội cả! - Ảnh 2.

Nguyễn Thị Vân chia sẻ tại sự kiện mới đây

Vân nhớ lại 2 câu chuyện khiến bản thân thay đổi và có được như ngày hôm nay.

Câu chuyện thứ nhất: Khi 12 tuổi, anh trai của Vân được tặng chiến xe lăn và Vân đi cùng anh trai ra Hà Nội nhận xe. Lúc đó, người tặng xe lăn cho anh trai  là một người Nhật cũng ngồi xe lăn. Khi họ đến, được đón tiếp rất sang trọng, có rất nhiều phóng viên xung quanh. “So với những hình ảnh trước đây mình nhìn thấy là người khuyết tật phải đi ăn xin ở cổng chùa, chợ thì chính hình ảnh này đã thay đổi suy nghĩ của mình về người khuyết tật. Lúc đó, bản thân chỉ mong muốn một ngày nào đó cũng giống như anh người Nhật này, được đàng hoàng và được đi khắp nơi để hỗ trợ mọi người”, Vân chia sẻ.

Câu chuyện thứ hai: Sau khi tốt nghiệp lớp 12, cô gái trẻ ra Hà Nội đi làm. Sau hai năm đi làm, Vân quyết định đi học thêm bằng cách tìm kiếm các cơ hội học bổng nước ngoài. Cuối cùng, Vân trúng học bổng đi học ở Thái Lan.

Trong ngày nhận được thông tin trúng học bổng cũng là ngày nhà trường báo là chỉ được Vân đi thôi chứ không cho người khác đi cùng. “Mình vốn không thể đi một mình nếu như không có người trợ giúp 24/24. Khi nhận được thông báo như vậy dù rất thất vọng nhưng mình nghĩ phải thử. Nếu như chấp nhận bỏ cuộc thì cuộc đời sẽ rất chán”, Vân giãi bày.

Theo đó, cô gái khuyết tật này đã viết email tới nhà trường, bày tỏ nguyện vọng và mơ ước được đi học. Sau đó 1 tuần, trường báo lại là đồng ý cung cấp 1 suất học bổng nữa cho người đi cùng của Vân.

“Từ hai câu chuyện này, Vân muốn nói rằng: Hãy thử đến cùng và tin vào chính mình. Đừng bao giờ nghĩ là sự việc nó sẽ mặc định như vậy, nó phải thành ra như vậy mà chấp nhận bỏ qua. Hãy phá vỡ những rào cản, định kiến bởi nếu nó hợp lý có khi sẽ thay đổi cả cuộc đời”, Nguyễn Thị Vân chia sẻ.

Trí Thức Trẻ