Theo ông Nguyễn Đình Thắng, Chủ tịch HĐQT LienVietPostBank, doanh nghiệp Việt Nam đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc chuyển đổi số, vướng mắc lớn nhất vẫn là ở thể chế, thậm chí có người còn cho rằng: Những ai đang đi đầu trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đều ít nhiều vi phạm pháp luật.
Chủ tịch HĐQT LienVietPostBank Nguyễn Đình Thắng
Ông Thắng là một trong những chuyên gia kỳ cựu trong lĩnh vực công nghệ - phần mềm ở Việt Nam, từng nắm các cương vị như Phó chủ tịch Hội tin học Việt Nam, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp phần mềm Việt Nam. Ông cũng chính là người chỉ đạo trực tiếp xây dựng và phát triển Thẻ phi vật lý Ví Việt (gọi tắt là Ví Việt) - sản phẩm thanh thanh toán online mới mang tính đột phá của LienVietPostBank.
Sau khi giữ chức Chủ tịch HĐQT LienVietPostBank, ông Thắng phải từ bỏ vị trí lãnh đạo ở 15 doanh nghiệp khác, chủ yếu là trong lĩnh vực công nghệ thông tin.
“Để có thể hội nhập với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, trước hết, Việt Nam nhất định phải nhanh chóng chuyển đổi số. Về cấp độ quốc gia, quá trình chuyển đổi số cần có 3 yếu tố sau: Công nghệ, thể chế và con người”, ông Nguyễn Đình Thắng, Chủ tịch HĐQT LienVietPostBank nói trong buổi hội thảo Công nghệ số - chuyển đổi số cho doanh nghiệp trong thời đại cuộc cách mạng công nghiệp 4.0(CMCN 4.0) do VCCI tổ chức cuối tuần qua.
Theo ông Thắng, trong 3 yếu tố cần phải có nói trên, công nghệ chính là phần đơn giản nhất. Thế giới đã đi trước Việt Nam rất lâu về công nghệ, chúng ta chỉ cần “cắp cặp” học hỏi và làm theo hay bỏ ra kinh phí mời các chuyên gia trên thế giới về giảng dạy, hướng dẫn tập luyện.
Về yếu tố con người, vấn đề nàyhơi khó những vẫn có thể đào tạo được. Các lãnh đạo doanh nghiệp cần thay đổi nhận thức, tìm hiểu và mua về những công cụ cho chuyển đổi số, thích nghi - ứng dụng chúng cho doanh nghiệp của mình. Nhân sự phải biết cách dung hòa giữa thế giới số với công nghệ như robot, biga data, AI….
Tâm thế sử dụng công nghệ để tăng năng suất lao động chứ không phải kiểu nghĩ "công nghệ sẽ cướp công việc của con người”.
Đào tạo đội ngũ nhân sự có thể thích ứng nhanh với thế giới số, có chương trình xuyên suốt từ tiểu học đến đại học, lớp trẻ ngày nay ở Việt Nam hoàn toàn có thể đáp ứng được những tiêu chuẩn trên.
Cuối cùng là yếu tố thể chế, đây được coi là phần khó khăn nhất: Nhà nước phải có những quy định – chính sách cởi mở giúp doanh nghiệp mạnh dạn bước vào công cuộc chuyển đổi số, đồng thời phải thay đổi phù hợp để khi các doanh nghiệp đổi mới – sáng tạo không vi phạm pháp luật. Nhà nước cần có hành lang pháp lý tốt để không “kéo chân” khi doanh nghiệp muốn chuyển đổi số.
“Tuy nhiên, hiện tại, về mặt thể chế cũng như bộ máy vận hành, Việt Nam đang ở đâu đó trong cuộc CMCN 2.0 hay 3.0. Một người bạn của tôi cho rằng, những ai đang đi đầu trong cuộc CMCN 4.0 tại Việt Nam đều ít nhiều vi phạm pháp luật. Nếu không thực hiện CMCN 4.0 ở mặt thể chế, Việt Nam sẽ chẳng đi đến đâu cả”, ông Thắng khẳng định.
Cũng theo ông Thắng, dù thể chế vẫn còn nhiều bất cập làm khó doanh nghiệp, song các doanh nghiệp không vì thế mà ngừng chuyển đổi, bởi chuyển đổi số là vấn đề sống còn của doanh nghiệp Việt Nam, chuyển đổi có thể thành công hoặc thất bại nhưng nếu không chuyển đổi chắc chắn sẽ “chết”.
Vậy các doanh nghiệp cần xem xét những rủi ro gì trước khi chuyển đổi số để không ăn “quả đắng”? Mỗi doanh nghiệp có một cách chuyển đổi số khác nhau, phụ thuộc vào ngành nghề và lĩnh vực kinh doanh song những thách thức và rủi ro trong quá trình chuyển đổi của hầu hết doanh nghiệp có các mẫu số chung sau:
Rủi ro chiến lược: Chọn sai chiến lược chuyển đổi số;
Rủi ro trong quá trình vận hành và chuyển đổi: Không có đủ nguồn lực, con người;
Rủi ro về mặt công nghệ: Chọn sai công nghệ sẽ trả giá ngay khi bị hacker tấn công làm tê liệt hệ thống vận hành hoặc thất thoát tài chính/dữ liệu.
Rủi ro về mặt thị trường: Trong thời buổi CMCN 4.0, cạnh tranh vô cùng khắc nghiệt; chúng ta có thể mất 5 đến 6 năm xây dựng và phát triển thành công app của mình nhưng chỉ mất vài tuần để chúng “chết lâm sàng” khi có app mới ra đời tốt hơn.
Rủi ro về mặt con người: Nhân sự thoái hóa đạo đức hoặc chuyên môn kém nảy sinh bên trong nội bộ và đây là rủi ro mà các doanh nghiệp ngân hàng gặp nhiều nhất.
“Nhưng, như ông bà ta thường nói: thách thức luôn đi kèm cơ hội. CMCN 4.0 giúp các doanh nghiệp bước vào cuộc cạnh tranh sòng phẳng và cởi mở. Các doanh nghiệp nhỏ tham gia cuộc chơi không hề lép vế trước doanh nghiệp lớn trong nhiều mặt. Các bạn trẻ nên nắm bắt cơ hội này để khởi nghiệp, làm giàu cho bản thân cũng như đất nước”, Chủ tịch HĐQT LienVietPostBank nhấn mạnh.
Quỳnh Như
Theo TheLeader