Sinh nhật 10 tuổi Winmart

Chủ tịch Maritime Bank Trần Anh Tuấn – ông chủ ngân hàng kì lạ

29/08/2018 11:52

Hội đồng quản trị mới nhiệm kỳ 2018-2021 của Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (Maritime Bank) tiếp tục bầu ông Trần Anh Tuấn làm chủ tịch. Vị chủ tịch này không mới với ngân hàng, nhưng có lẽ khá lạ trong con mắt nhiều nhà đầu tư khác.

“Tuấn chợ” – người về từ nước Nga

Theo lý lịch chuyên môn, ông Trần Anh Tuấn có bằng Cử nhân khoa học địa chất của Học viện Địa chất Quốc gia Mátxcơva và sau này bổ sung thêm tấm bằng Thạc sĩ Quản trị kinh doanh của Đại học Griggs, Mỹ. Cũng giống như một số đại gia khác ở Việt Nam hiện nay, ông đã từng học tập và làm ăn tại Nga 10 năm trước khi trở về nước vào năm 1996 để tham gia kinh doanh và đầu tư khi khái niệm kinh tế tư nhân còn lạ lẫm.

Sau khi về nước năm 1996, ông Tuấn nắm vai trò lãnh đạo tại CTCP Nam Thắng và Tập đoàn Đầu tư Phát triển Việt Nam (VID Group) từ đó cho đến nay. Cần nói thêm rằng, bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường, một nữ doanh nhân có tiếng ở Hà Nội và khu vực phía Bắc, đại biểu Quốc hội, là vợ ông Tuấn, hiện đang nắm giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc của VID Group từ năm 2006.

Theo thông tin mà Doanh Nhân có được thì bà Hường cùng độ tuổi với ông Tuấn, từng là học sinh giỏi quốc tế môn tiếng Nga, cũng học tại Liên Xô cùng thời gian với ông Tuấn. Bà Hường khởi nghiệp năm 1996 với vị trí khởi đầu là kế toán viên của CTCP Nam Thắng, chuyên sản xuất giày da xuất khẩu. Không lâu sau đó, bà được tiến cử lên chức Phó Tổng giám đốc điều hành sản xuất công ty này.

Năm 2007, VID Group mua cổ phần chi phối tại Maritime Bank và ông Trần Anh Tuấn được bầu làm Phó Chủ tịch HĐQT ngân hàng này. Tháng 10/2008, ông trở thành Tổng Giám đốc Maritime Bank. Tới đầu năm 2012, ông đảm nhiệm chức Chủ tịch HĐQT Maritime Bank, sau khi ngân hàng bổ nhiệm ông Atul Malik làm Tổng Giám đốc.

Tại khu vực Hà Nội, ông Tuấn còn được biết đến với biệt danh “Tuấn chợ”. Có lời đồn cho rằng, sau khi Liên Xô tan rã, ông Tuấn là một trong những người Việt đầu tiên làm “chợ”-khu kiôt buôn bán cho dân mình thuê, và tên Tuấn “chợ” gắn chặt với anh từ đó!.

Dấu ấn vị thuyền trưởng Trần Anh Tuấn

Maritime Bank được thành lập năm 1991. Cổ đông lớn gồm có Vinaline, Gemadept và Công ty Vận tại biển (VOS). Trong giai đoạn Vinaline phải tái cơ cấu thì VID Group nhảy vào Maritime Bank, ông Tuấn giữ chức phó chủ tịch.

Từ khi tham gia vào Maritime Bank, ông Tuấn đã rất quyết liệt hướng ngân hàng có tỉ lệ nợ xấu cao này theo hướng khác. Để đổi vận, đầu tiên ông Tuấn đổi nhận diện thương hiệu ngân hàng từ màu xanh nước biển sang màu đỏ kèm theo hình ảnh tượng trưng con số 1.

Ngoài ra, cũng không thể không nhắc đến sự mạnh tay trong việc cắt giảm nhân sự, tiên phong trong các ngân hàng bổ nhiệm tổng giám đốc là người nước ngoài và cắt giảm nợ xấu nhanh chóng.

Trong lĩnh vực nhân sự, kể từ tháng 3/2012, ngân hàng này bổ nhiệm ông Atul Malik, một CEO ngoại. Đây là chuyên gia tài chính kỳ cựu đã từng làm việc hơn 25 năm cho các tổ chức tài chính quốc tế như Citibank và Deutsch Bank. Maritime Bank cũng trở thành ngân hàng cổ phần mạnh tay nhất trong việc cắt giảm nhân sự. Tại thời điểm cuối 2013, ngân hàng có tổng cộng 3.536 nhân sự, giảm 1.343 người so với cuối năm 2012. Việc giảm gần 1.350 nhân sự chỉ sau một năm đồng nghĩa với việc ngân hàng sa thải gấp đôi nhân sự so với kế hoạch. Năm 2012, ngân hàng này cũng đã cắt giảm hơn 1.000 nhân sự.

Việc mạnh tay cắt giảm nhân sự cũng bao hàm ý nghĩa khác, đó là nhằm đẩy người của Vinaline ra khỏi ngân hàng này. Đây là việc cần làm trong nỗ lực giảm tỉ lệ nợ xấu của ông Trần Anh Tuấn. Vào tháng 10/2013, có thông tin cho rằng Maritime Bank “chuẩn bị ký hợp đồng” bán khoảng 500 tỷ đồng nợ xấu cho VAMC. Tuy nhiên, thông tin về nợ xấu của ngần hàng này chưa từng được công bố cụ thể.

Trong lĩnh vực ngân hàng, ông Tuấn cũng khiến nhà đầu tư cảm thấy kì lạ với tỉ lệ sở hữu cổ phiếu ngân hàng mình, dù ông là chủ tịch. Kể từ năm 2013 đến nay, ông chỉ giữ chưa tới 1% cổ phiếu MSB của ngân hàng này. Cho đến giữa năm 2018, ông cũng chỉ sở hữu 152.000 cổ phiếu MSB, tương ứng 0,01%. Ngoài ra, ông cũng không giữ cổ phiếu ngân hàng khác. Trong khi ở nhiều ngân hàng, các ông chủ hầu như nắm rất nhiều cổ phiếu để thể hiện mức độ quyền lực chi phối.

Quyền lực của ông Tuấn nằm ở đâu?

Sự ảnh hưởng trong giới tài chính và uy tín kinh doanh của ông Tuấn không chỉ gói gọn trong Maritime Bank, mà chủ yếu nằm ở TNG Holding, tiền thân là VID Group.

VID Group thành lập năm 2006, đến nay tập đoàn này đã có 12 công ty con, hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng các khu công nghiệp, thu hút đầu tư, cung ứng các dịch vụ và thực hiện các dự án bất động sản.  Tổng giám đốc VID Group là ông Trần Anh Tuấn.

Phạm vi hoạt động của VID Group mở rộng sang 7 tỉnh và thành phố khác nhau của miền Bắc. Doanh nghiệp này đang là chủ đầu tư và quản lý của 9 khu công nghiệp lớn ở miền Bắc như: Quang Minh, Hà Nội – Đài Tư, Thạch Thất – Quốc Oai (Hà Nội); Tân Trường, Phúc Điền, Nam Sách (Hải Dương); Minh Quang, Cụm Công nghiệp Lifan (Hưng Yên) và Đồng Văn II (Hà Nam).

Vợ ông Trần Anh Tuấn là bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường (SN 1970), hai người luân phiên nhau đảm nhiệm các chức vụ cao nhất của TNG Holding. Bà Hường quê ở Nam Định, là cử nhân Ngôn ngữ, cử nhân Anh văn, thạc sĩ Quản trị Kinh doanh. Bà từng là đại biểu HĐND thành phố Hà Nội và đại biểu Quốc hội khóa 12 và 13. Kể từ tháng 8/2016, bà Hường bị bãi nhiệm các chức vụ trên vì có quốc tịch ở Malta và không kê khai tài sản ở nước ngoài.

Ráo riết bán tài sản ở TNG Hoding

Sau vụ lùm xùm bà Hường có quốc tịch nước ngoài, TNG đã ráo riết bán nhiều tài sản trong suốt hơn một năm trời, ước tính TNG đã thu về hàng trăm triệu triệu USD. Số tiền này được cho là sẽ sử dụng để phát triển các dự án bất động sản của TNG.

Cuối năm 2017, Công ty Quản lý Quỹ Tín Phát (TPF) – ông Tuấn giữ 50% cổ phần, đã bán toàn bộ cổ phần cho Công ty Mirae Asset Global Investment. Đến tháng 9/2017, TPF có vốn chủ sở hữu 30 tỷ đồng. Trước đó vài tháng, nhóm cổ đông liên quán đến TNG cũng bán toàn bộ cổ phần tại Công ty Chứng khoán MSI (trước đây là Chứng khoán Maritime Bank) cho tập đoàn tài chính KB Financial (Hàn Quốc) với giá 33 triệu USD.

TNG cũng chào bán khoản đầu tư vào Vinatex trong thời gian này. Cụ thể, TNG đã chào bán 70 triệu cổ phiếu Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) sau 3 năm nắm giữ. Một tập đoàn Nhật Bản đã đạt thỏa thuận mua một nửa số cổ phần này trị giá khoảng 23 triệu USD. Tuy nhiên đến tháng 9/2017, giao dịch vẫn chưa được thực hiện.

Các tòa nhà thuộc quản lý của TNR Holding (thuộc TNG Holding) cũng được rao bán. Cuối tháng 10/2017, có tin Karamco - Công ty Quản lý Tài sản của Hàn Quốc sắp hoàn tất việc mua lại tòa nhà TNR Tower Nguyễn Công Trứ (TP.HCM) với giá trị 62 triệu USD. Bên cạnh đó, hai tòa nhà văn phòng khác ở Hà Nội là TNR Nguyễn Chí và TNR Trần Hưng Đạo cũng đang tìm cơ hội đổi chủ. Năm 2016, tòa nhà TNR Nguyễn Chí Thanh được TNG Holding mua lại với giá 110 triệu USD từ Vingroup.

Tại TNG Holding, lĩnh vực bất động sản phát triển khá mạnh, thông qua TNR Holding. TNR đang phát triển 4 dự án Goldmark City, GoldSeason, Goldsilk Complex (Hà Hội) và The Goldview (TP.HCM) có quy mô gần 10.000 căn hộ. Ngoài trừ GoldSeason, các dự án này còn lại đều đã bắt đầu bàn giao căn hộ cho khách hàng.

Ngoài ra, một loạt dự án khác của TNR đang có kế hoạch triển khai như KĐT Hà Nội Đài Từ, dự án tại 517 Kim Mã, dự án số 4 Trần Hưng Đạo (Hà Nội) hay các dự án khu dân cư Phú Hữu, Nhật Nguyệt (TP.HCM). TNR vẫn đang cần một lượng vốn rất lớn để hoàn thiện các dự án này và triển khai các dự án khác.

Ngọa Hổ (tổng hợp - Theleader, Vietnambiz)