Sinh nhật 10 tuổi Winmart

Chủ tịch Quốc hội: 'Anh nào làm không tốt nói thẳng chứ sao phải né, ngại?'

25/04/2022 12:53

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị phải nêu thẳng thắn, rõ địa chỉ nơi nào làm tốt, việc gì nổi bật so với năm trước để động viên, đồng thời nêu cụ thể bộ, ngành, địa phương nào gây lãng phí chứ không nói chung chung, chỉ ghi chú.

chu-tich-quoc-hoi-vuong-dinh-hue-phat-bieu-3-1-16508613948581690843632-1650865916.jpg
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu thảo luận - Ảnh: LÂM HIỂN

‘3 sôi 2 lạnh’ không đọng lại gì

Sáng 25-4, phát biểu tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị bên cạnh báo cáo đầy đủ gửi đại biểu Quốc hội thì báo cáo tóm tắt cũng cần tập trung vào những vấn đề lớn, quan trọng, tránh dàn đều.

"Có những việc trầm kha nhiều năm rồi nhưng báo cáo cứ ‘3 sôi 2 lạnh’ thế này ra Quốc hội không đọng lại gì", ông Huệ nói.

Gợi ý một số vấn đề lớn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dẫn báo cáo của Chính phủ cho thấy tiết kiệm chi hơn 70.000 tỉ đồng là con số rất lớn, song đề nghị nêu chi tiết hơn tiết kiệm từ đâu, nơi nào tiết kiệm để luận giải, minh chứng.

Ví dụ cắt giảm chi thường xuyên bao nhiêu, tiết kiệm chi đi công tác nước ngoài thế nào; bộ ngành, địa phương nào nổi bật nhất... và cần viết thẳng vào nội dung báo cáo chứ không phải chỉ ghi chú.

Rồi việc lần đầu tiên vượt chỉ tiêu tinh giản biên chế, trước càng nói giảm lại càng tăng nên Chính phủ không quyết liệt thì làm sao có được con số tích cực như báo cáo, do đó cần phải nhấn mạnh hơn.

Sao ‘một số’ lắm thế?

Đề cập một số hạn chế, bất cập, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ một lần nữa yêu cầu các báo cáo phải thẳng thắn chỉ rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan để từ đó có giải pháp khắc phục, tránh nói chung chung.

"Sân bay Long Thành, cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 1, tiến độ chậm, lãng phí nguồn nhân lực... như thế nào. Nói thẳng chứ một số dự án là một số nào? Trong báo cáo của các đồng chí, một số địa phương, một số ngành, một số dự án... Sao một số lắm thế? Người ta nói rằng "một số" ở đâu nhiều nhất thì bảo trong diễn đàn Quốc hội nhiều nhất đấy", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh và đề nghị "anh nào làm tốt nói làm tốt, anh nào làm không tốt nói thẳng chứ sao phải né, ngại".

Người đứng đầu Quốc hội sau đó đặt vấn đề: “Nhiều dự án hết năm này sang năm khác, năm sau không tiến triển gì so với năm trước, có phải vì chúng ta không? Chúng ta không cương quyết, không bày tỏ thái độ”.

Ông Huệ đề nghị, cần báo cáo thẳng ra Quốc hội nội dung này và các kiến nghị với Chính phủ cũng phải kiến nghị thẳng, còn cứ nói chung chung việc nọ việc kia, hoàn thiện thể chế, tăng cường với siết chặt nhưng "siết chặt kiểu này là ngày càng lỏng".

Đồng quan điểm, Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị báo cáo thẩm tra cần có các kiến nghị cụ thể, chứ không thể chung chung, "tăng cường, đẩy mạnh mãi", sẽ không tạo ra sự chuyển biến.

Còn Phó chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn lại lấy ví dụ xây dựng cơ bản dễ thất thoát lớn và qua vụ cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi thấy rằng tiêu cực, lãng phí rất lớn, phải xử lý hình sự nhiều cán bộ.  

"Năm 2022 phải chăng đi sâu kiểm tra thất thoát, lãng phí trong xây dựng cơ bản, nhất là với công trình giao thông trọng điểm?", ông Mẫn gợi ý, đồng thời đề nghị tổng kết rõ hơn nguyên nhân chủ quan, khách quan của hạn chế, bất cập để có giải pháp phù hợp.

truong-ban-cong-tac-dai-bieu-nguyen-thi-thanh-phat-bieu-16508621430841145981072-1650865954.jpg
Bà Nguyễn Thị Thanh nêu ý kiến tại phiên họp - Ảnh: LÂM HIỂN

 

Trước đó, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh bày tỏ sự quan tâm đến vấn đề tiết kiệm, chống lãng phí trong lĩnh vực đầu tư công, đặc biệt là các dự án "treo".

Bà Thanh cho rằng các dự án "treo" ở địa phương tương đối phức tạp, đang là căn bệnh trầm kha và dẫn tới nhiều hệ lụy, nhất là việc thu hồi đất nhưng không sử dụng được.

Bà nhận định nhiều nhà đầu tư, chủ đầu tư lập dự án được cấp đất nhưng thực tế không thực hiện dự án mà chuyển nhượng qua nhiều lần để hưởng chênh lệch dẫn đến dự án "treo".

Nguyên nhân không phải vì nhà đầu tư gặp khó khăn mà ý thức nhà đầu tư cũng như chính quyền giao dự án biết nhà đầu tư không thực hiện nhưng vẫn giao đất. Nhiều dự án chuyển 2 - 3 lần nhà đầu tư nhưng vẫn chưa thực hiện được. 

Theo Thành Chung/Tuổi trẻ