Chủ tịch Thế Giới Di Động: “Nếu cổ đông bực bội với chính sách ESOP có thể cân nhắc việc đầu tư vào MWG hay cổ phiếu khác”

07/06/2020 10:39

"ESOP là một yếu tố quan trọng sống còn và là bí kíp cho sự phát triển của MWG. MWG chưa thấy có gì khác có thể thay thế ESOP", ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch MWG cho biết.
Chủ tịch Thế Giới Di Động: “Nếu cổ đông bực bội với chính sách ESOP có thể cân nhắc việc đầu tư vào MWG hay cổ phiếu khác”


Mục tiêu lợi nhuận giảm 10%

Chiều 6/6, CTCP Thế Giới Di động (TGDĐ, mã MWG) đã tổ chức ĐHĐCĐ thường niên. Mở đầu đại hội, ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch MWG cho biết, nội dung được hỏi nhiều liên quan đến thị trường chung và chính sách ESOP của MWG.

Theo ông Tài, sức mua nền kinh tế sẽ có sự sụt giảm do hiệu ứng domino của 3 yếu tố: xuất khẩu đi xuống, giảm công ăn việc làm (có công ty giảm đến 99%), giảm thu nhập (trong 2 tháng trời, chúng tôi cắt giảm thu nhập).

“Sự suy giảm này sẽ kéo dài trong nhiều năm, doanh nghiệp nào bảo vệ được 80% lợi nhuận 2019 là giỏi, 90% là xuất sắc và bằng 100% năm 2019 là thần thánh. Với tình hình vĩ mô như thế là nguyên nhân kế hoạch năm nay của Thế giới Di động sẽ không có dữ dằn, máu lửa như năm trước”, Chủ tịch TGDĐ chia sẻ.

Theo đó, năm 2020 công ty đặt kế hoạch doanh thu thuần 110.000 tỷ đồng, tăng 8% và lợi nhuận sau thuế 3.450 tỷ đồng, giảm 10% so với năm 2019.

Về chính sách ESOP của MWG, lãnh đạo công ty nhận định, con người làm nên tất cả, phần đông nhân viên đều muốn làm thật ăn thật, ít nhân viên muốn ăn thật làm dối. Mất nhiều năm để MWG có thể xây dựng được văn hoá này thông qua việc xây dựng môi trường để con người ta được làm thật.

“Nếu làm việc nho nhỏ thì ít người làm được, nhưng việc lớn thì cần nhiều người chung chí hướng đồng cam cộng khổ mới làm được. Làm dịch vụ bản chất là tương tác giữa con người với con người. Và như vậy, trong ngành dịch vụ con người có tác động to lớn đến kết quả, chỉ cần không có tâm với khách hàng thì kết quả thay đổi ngay lập tức”, Chủ tịch MWG nói.

Lãnh đạo công ty này cho biết, có những nhân viên, làm doanh số tăng từ 3 tỷ đồng lên 7 tỷ đồng, cũng chỉ vì làm hài lòng được khách hàng. Có khách hàng mua điện thoại cho con, nhưng vì nhân viên dễ thương nên khách hàng đó đổi luôn cái điện thoại của mình, tức chưa có nhu cầu nhưng vì thiện cảm mà mua hàng.

“Ở MWG ai là người ra quyết định? Nhiều người nhắn tin cho tôi anh ơi cho em xin đưa hàng vào TGDD, BHX… Người quyết định là người hiểu biết rõ nhất, không phải những người ngồi trên này”, ông Tài chia sẻ.

Theo người đứng đầu TGDĐ, công ty xây dựng yếu tố căn bản mà ngành dịch vụ cần là đội ngũ có động lực mạnh mẽ, và muốn phát triển lâu bền thì cần thêm sự tử tế. MWG đang có cả 2 điều này ở đội ngũ của mình.

Ông Tài cho biết, động lực của con người khi thực hiện cái gì đó thì vì tiền và niềm vui. Với công ty, tiền đến từ lương – không có gì đặc biệt và thưởng - là phần thú vị, kết nối với kết quả kinh doanh, tức công ty còn tốt thì thưởng thú vị. Còn niềm vui, đối với quản lý cấp cao niềm vui đến từ cần không gian rộng lớn để thể hiện tài năng, thì chỉ cần trao cho họ niềm tin họ sẽ không bao giờ phủ nhận niềm tin đó. Còn nhân viên, cần được hướng dẫn chi tiết để làm việc để họ biết là đang làm đúng.

Vậy chính sách ESOP kết nối 2 động cơ tiền và niềm vui như thế nào? Ông Tài cho rằng, thứ nhất, mọi nhân viên đều hướng đến kết quả cuối cùng của công ty, cổ phiếu ESOP bị “lock” 4 năm, gây khó khăn cho đối thủ trong việc lôi kéo nhân sự của MWG. Và được tham gia ESOP là niềm tự hào và góp phần tạo ra tinh thần làm chủ doanh nghiệp và thưởng ESOP hiệu quả hơn thưởng bằng tiền.

Theo Chủ tịch TGDĐ, quan hệ đồng cảm và đồng thuận giữa cổ đông và ban điều hành là rất quan trọng trong việc phát triển doanh nghiệp. Các doanh nghiệp có mâu thuẫn trầm trọng giữa cổ đông và ban điều hành đều không phát triển tốt.

“ESOP là một yếu tố quan trọng sống còn và là bí kíp cho sự phát triển của MWG. MWG chưa thấy có gì khác có thể thay thế ESOP nên ESOP sẽ tiếp tục tồn tại trong nhiều năm tới. Nếu quý cổ đông cảm thấy bực bội với chính sách ESOP này thì cân nhắc việc nên tiếp tục đầu tư vào MWG hay đầu tư vào 1 cổ phiếu khác mang lại cho cổ đông cả tiền và niềm vui”, ông Tài chia sẻ với cổ đông.

Có giữ mục tiêu doanh thu 20 tỷ USD?

Ở phần hỏi đáp, lãnh đạo TGDĐ trả lời nhiều câu hỏi của cổ đông về hoạt động kinh đoanh của doanh nghiệp.

Giả sử có quỹ nào đó mua MWG, ông bán không?

Không, người ta xây cái gì để bán thì người ta mông má để bán.

Kết quả kinh doanh tháng 5 như thế nào? Chia sẻ trước đó về dự báo thị trường bán lẻ sức mua sẽ yếu đi, đến nay như thế nào? Trong 4 tháng, số lượng mở mới cửa hàng điện thoại và điện máy thì mới hoàn thành 5-6%, các tháng còn lại chuyển đổi cửa hàng từ TGDĐ sang Điện Máy Xanh hay không?

Doanh thu tháng 5 không tệ, nhưng doanh thu tháng 6, 7 sẽ chịu ảnh hưởng từ tổng cầu giảm, nhưng lợi nhuận giảm không là chuyện khác, nếu kiểm soát chi phí tốt và có phương pháp thì lợi nhuận có thể giảm ít hơn.

Tháng 10, 11 hàng năm công ty sẽ đặt mục tiêu mở rộng chuỗi TGDĐ, Điện Máy Xanh cho năm sau. Năm 2020 cũng thế, tuy nhiên không ai ngờ được dịch bệnh Covid, đến nay sống chung với dịch bệnh 4 tháng và trong thời gian đó, TGDĐ và Điện Máy Xanh gần như không làm gì cả.

Đầu tháng 5 vừa qua, TGDĐ mở rộng trở lại. Chúng tôi đặt mục tiêu mở 500 shop đồng hồ thì cuối tháng 5 này đã làm xong, hoặc mô hình kinh doanh điện máy để trưng bày nhiều hàng hoá hơn thì cuối tháng 7 cũng làm xong.

Năm 2020, TGDĐ và Điện Máy Xanh sẽ đặt mục tiêu tất cả nhân viên sẽ thực hiện công việc của bạn nhân viên công ty tài chính. Với số lượng nhân viên của công ty tài chính hiện này không đáp ứng đủ nhu cầu hơn 2.000 shop của công ty, nên ảnh hưởng đến việc bán hàng. Nên từ năm nay, 100% công việc của nhân viên công ty tài chính làm gì để giúp khách hàng mua trả góp sẽ chuyển giao cho nhân viên công ty làm, điều này giúp khách hàng có nhu cầu trả góp sẽ được đáp ứng. Đồng thời có sự kết nối đặc biệt giữa TGDĐ và các công ty tài chính có các chính sách hỗ trợ tốt cho công ty.

ĐHĐCĐ thường niên 2020 TGDĐ.
Đứt gãy chuỗi cung ứng có ảnh hưởng ra sao tới công ty?

MWG cũng lo lắng ghê lắm, khi mà dịch bệnh bùng phát ở Trung Quốc. Vì nhiều sản phẩm công ty bán cũng nhập từ Trung Quốc, nên lo nguồn cung có đảm bảo hay không. Nhưng MWG đã chủ động từ cuối năm trước về việc nhập bao nhiêu. Đến nay, các nguồn hàng đã nhập từ trước đó đảm bảo trên 90% nhu cầu của MWG. Các đơn hàng tiếp theo đảm bảo 100% nhu cầu bán của MWG, không ảnh hưởng nhiều tới MWG đến hiện tại. Nhưng nếu dịch bệnh kéo dài sẽ ảnh hưởng. Tốc độ đổi sản phẩm bị chậm lại.

Kỳ vọng về “super app” giúp gì cho công ty và Bách Hóa Xanh online định hướng ra sao, online sẽ chiếm bao nhiêu doanh thu Bách Hóa Xanh? Làm gì để đẩy mạnh bán hàng online khi gặp thách thức ở khâu vận chuyển hàng online?

Công ty giữ bí mật đến quý IV về app. Đúng là công ty đang tập trung Bách Hóa Xanh online. Quyết định mở nhiều DC trước khi thúc đẩy kênh này, trong đó TP.HCM tăng lên 9-10 cái vào cuối năm nay để giảm đoạn đường đi từ DC đến khách hàng. Nếu đặt hôm nay, mai mới giao thì không ổn, nên việc đẩy nhanh giao hàng để rút ngắn thời gian, thuận tiện cho khách hàng trong việc đặt hàng online thì MWG sẽ có thể đạt thành quả.

Ví dụ 1 người đi siêu thị có thể mất 15 phút để làm các thủ tục gửi xe, chờ đợi mua hàng và thanh toán, chưa kể thời gian chọn hàng, trong khi ngồi ở nhà, mua 3 phút và đợi 1-2 giờ nhận hàng.

Bán lẻ gặp áp lực từ thương mại điện tử, công ty có ứng phó gì?

Tương lai chắc không phân biệt được cái nào online và offline, vì online muốn về đích cũng phải mở một điểm kết nối cho khách hàng, offline cũng phải có kênh online. Dĩ nhiên, offline khó hơn nhiều, 10.000 cửa hàng khó hơn nhiều 1 platform.

Sức mua người dân sau Covid -19. Bách Hóa Xanh có bao nhiêu DC, sẽ phát triển thêm bao nhiêu?

DC sẽ mở phục vụ thêm cho tới cụm Daklak, Lâm Đồng, Khánh Hoà. Hiện có 8 DC, kế hoạch cuối 2020 là 22 cái, nhằm giảm thiểu khoảng cách từ DC đến cửa hàng.

Đánh giá phục hồi nhu cầu điện máy, điện thoại?

MWG 50% thị phần điện thoại, 38% điện máy. Tức vẫn còn cơ hội để phát triển cho chuỗi Điện Máy Xanh.

Điện thoại trong 5 tháng đầu năm có sụt giảm, một phần do bão hoà của thị trường Việt Nam và do dịch bệnh nên gần như các hãng không ra mắt sản phẩm nên doanh thu ngành hàng điện thoại ở Việt Nam sụt giảm. Nhưng công ty sụt giảm ít hơn rất nhiều so với thị trường chung. Với điện máy thì có tăng có giảm, nhưng ở Điện Máy Xanh đạt tỷ lệ tăng trưởng 15%-20%, một số ngành tăng 100% như laptop, máy lạnh.

Trước đây, công ty đặt doanh thu 20 tỷ USD vào 2022, nay có thay đổi không, dự kiến 2025 doanh số bao nhiêu?

Mục tiêu từ nay đến đích 10 tỷ USD là thời gian 3-4 năm nữa. Bước chân vào lĩnh vực bán lẻ, thực phẩm, con số 10 tỷ USD không là gì cả. Nhưng sự thực đúng là vài 3 năm trước, mình cũng nghĩ bán thịt, rau, mắm muối, tương cà khó nhưng không khó đến mức như vậy. Giờ cái khó đó vẫn còn, xử cái khó này ló cái khó kia. Nhưng đội Bách Hóa Xanh và TGDĐ vẫn lạc quan để xử lý và chinh phục cái khó đó.

Trước đây nghĩ 5 năm phải đạt nhưng do những điểm bất lợi hơn mình nghĩ nên chậm hơn chút, nhưng sẽ đạt được.

Huyền Trâm/Bizlive