Chủ tịch Vietravel: Khách nội địa chỉ giúp doanh nghiệp sống 'lay lắt'

22/06/2020 13:20

Chủ tịch Vietravel nhận định phải mất 2 năm nữa ngành du lịch mới trở lại ngang mức trước dịch.

Ông Nguyễn Quốc Kỳ. Nguồn: Doanh nhân Sài Gòn
Ông Nguyễn Quốc Kỳ. Nguồn: Doanh nhân Sài Gòn)

Chia sẻ tại hội thảo “Hậu Covid-19: Vị thế chủ động trước vận hội mới” do chuyên trang Trí Thức Trẻ tổ chức chiều 18/6, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch Vietravel (UPCoM: VTR) nhận định trạng thái "bình thường mới" của ngành du lịch sau dịch vẫn là "không có khách".

Vị này phân tích du lịch là ngành kinh tế thượng tầng, bản thân không thể tự vận hành. Do vậy, muốn ngành này trở lại bình thường thì cần phải có giải pháp đồng bộ vận chuyển, lưu trú, dịch vụ phục vụ…

Sau khi Chính phủ bỏ giãn cách xã hội, vận chuyển hàng không đã phục hồi, công suất có thể đạt 130-140%, chuyến bay dày với giá vé khá rẻ. Đồng thời, vận chuyển ôtô cũng không còn phải khai báo y tế và kiểm soát chặt chẽ như trước đây.

Những điều này giúp ngành du lịch phục hồi trở lại. Một số điểm du lịch quan trọng, dòng khách nội địa đạt 70% thậm chí 80% vào cuối tuần. Khách nội địa chỉ lấp đầy 30% công suất phòng, đóng góp 30% doanh thu và đảm bảo cho các doanh nghiệp du lịch sống “lay lắt”.

Ngược lại, khách quốc tế vẫn rất đìu hiu. Bên cạnh đón khách du lịch thì Việt Nam cũng là thị trường nguồn, khách Việt Nam đi du lịch thế giới nhưng hiện đang dừng hoàn toàn. Bởi vậy, ông Kỳ nhận định đã đến lúc Việt Nam phải tính toán mở cửa trên cơ sở thận trọng, đảm bảo an toàn. Cơ quan quản lý cần lên khung chương trình, đề ra các mốc thời gian. Việt Nam kiểm soát được dịch tốt là cơ hội để quảng bá, kéo khách du lịch, càng mở chậm thì càng mất cơ hội.

Theo đó, cần xây dựng được bộ tiêu chí an toàn gồm các mức màu xanh, màu vàng, màu đỏ và ký đảm bảo không vận chuyển hành khách từ nước thứ 3 vào các nước đạt tiêu chuẩn màu xanh. Thái Lan và Singapore chấp nhận khách ở Việt Nam 14 ngày không phải cách ly tập trung. 8 quốc gia có thể đáp ứng được tiêu chí an toàn, trong đó bao gồm 5 quốc gia, vùng lãnh thổ tại khu vực Đông Bắc Á là Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Hồng Kông.

Có 3 kịch bản mở cửa quốc tế vào tháng 8, tháng 11 và tháng 2/2021. Trong đó, kịch bản tốt nhất là mở vào tháng 8 thì quy mô khách du lịch có thể đạt 8 triệu lượt, lùi tới tháng 11 chỉ 5 triệu và phương án cuối cùng thì năm 2020 coi như không có khách du lịch quốc tế.

Vietravel đã chuẩn bị sẵn sàng cho mở cửa trở lại cho thị trường nước ngoài. Đơn vị có 6 văn phòng ở các thị trường quan trọng như Mỹ, Úc, Pháp, Singapore, Thái Lan, Campuchia. Trong bối cảnh dịch bệnh, doanh nghiệp vẫn phải duy trì các văn phòng để giữ quan hệ khách hàng.

Chủ tịch Vietravel nhận định phải mất 2 năm nữa ngành du lịch mới trở lại ngang mức trước dịch (18 triệu khách du lịch quốc tế).

Kiến nghị về chính sách cho du lịch

Lãnh đạo Vietravel cho biết doanh nghiệp chưa nhận được hỗ trợ từ Chính phủ do các gói giải pháp không có hiệu quả trong bối cảnh hiện nay. Ví như, giải pháp giảm thuế VAT, doanh nghiệp không có doanh thu thì không thể hỗ trợ, đang kinh doanh lỗ mà giãn thuế thì không có ý nghĩa.

Ngành du lịch cần có chính sách riêng như cho học sinh nghỉ hè 4 đến 6 tuần giữa năm học này với năm tiếp theo để có kỳ nghỉ gia đình trước khi bước vào năm học mới.

Nhiều nước hỗ trợ du lịch nội địa như các cá nhân đi du lịch được hỗ trợ 1 triệu đồng và doanh nghiệp hạch toán trừ vào thuế cuối kỳ nghỉ. Với 10 triệu khách du lịch nội địa, chi ra 10.000 tỷ nhưng tạo ra giá trị doanh thu 30.000 tỷ cho du lịch. Với mức chi cho du lịch 3, chi cho xã hội 7 hiện nay sẽ tạo ra dòng thu 70.000 tỷ cho xã hội. Như vậy, nếu nhà nước chi ra 10.000 tỷ hỗ trợ thì tạo ra dòng thu 100.000 tỷ cho cả ngành du lịch và xã hội.

Ngoài ra, du lịch Việt Nam đang phát triển không đồng bộ, không có trọng điểm, mỗi nơi làm một kiểu nên hiệu quả không cao.

Ông Kỳ đề nghị Việt Nam có thể chia ra 5 trọng điểm như miền Bắc có cụm Hà Nội, Quảng Ninh, Ninh Bình; miền Trung có cụm Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam và cụm Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Đắk Lắk; phía Đông Nam Bộ có TP HCM, Bà Rịa – Vũng Tàu, Phan Thiết; ở Tây Nam Bộ có Cần Thơ, Phú Quốc, Cà Mau. Qua đó, Việt Nam có thể lựa chọn khu vực để đầu tư phát triển chứ không thể đầu tư cùng 1 lúc.

Mặt khác, hệ thống nhà hàng, quan bar, vui chơi giải trí vào ban đêm vẫn tê liệt khiến khách du lịch chưa tiếp cận được văn hóa địa phương vào buổi tối. Đây là khó khăn của ngành du lịch hiện nay, bản thân ngành cũng không thể tự vận hành được mà cần sự hỗ trợ của Chính phủ.

Nguồn NDH: https://ndh.vn/nguoi-lanh-dao/chu-tich-vietravel-khach-noi-dia-chi-giup-doanh-nghiep-song-lay-lat-1270597.html