Từ người kinh doanh mỳ gói đến ông chủ quyền lực nhất VPBank
Ông Ngô Chí Dũng sinh ngày 25/09/1968 tại Hà Nội, ông bắt đầu giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT ngân hàng VPBank (Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng) từ ngày 16/03/2010 đến nay.
Trước khi trở thành ông chủ quyền lực nhất ngân hàng VPBank, ông từng là cổ đông sáng lập và Thành viên HĐQT Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB) trong giai đoạn 1996 – 2004. Và là Phó Chủ tịch Techcombank (Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam) giai đoạn 2006 – 2010.
Có thể nói với tố chất thông minh của mình ông Dũng đã tiến xa trên con đường học vấn. Cụ thể, sau khi học xong phổ thông tại Hà Nội, ông Ngô Chí Dũng học dự bị đại học, trường Đại học Ngoại ngữ Hà Nội. Vào năm 1987, khi mới 19 tuổi như bao thế hệ học sinh trước đó, ông qua Liên Xô du học. Ông đã tốt nghiệp bằng kỹ sư địa chất công trình tại Liên bang Nga và là tiến sỹ kinh tế Viện nghiên cứu chiến lược chính trị thuộc Viện hàn lâm khoa học Liên bang Nga.
Giai đoạn từ 1992- 1996 là khoảng thời gian ông vừa học tập ông vừa kinh doanh và Thủ đô Matxcơva của Liên Bang Nga là nơi ông chọn để khởi nghiệp.
Một sự trùng hợp thú vị là, ông Dũng cũng như nhiều ông chủ ngân hàng cũng như các tập đoàn lớn ở Việt Nam đều xuất thân từ kinh doanh mỳ tôm.
Nếu như ông Phạm Nhật Vượng – Chủ tịch Vingroup và ông Lê Viết Lam – Chủ tịch Sun Group khởi nghiệp lên từ “đế chế mỳ tôm” tại Ukraina thì cặp đôi Đặng Khắc Vỹ - Chủ tịch Ngân hàng VIB và Ngô Chí Dũng lại chiếm lĩnh thị trường Nga.
Công ty Rolton do ông Vỹ và ông Dũng sáng lập thậm chí còn giành phần thắng trong “cuộc chiến mỳ tôm” tại Nga với hai “ông trùm” khác là Nguyễn Đăng Quang và Hồ Hùng Anh – những người sáng lập lên Masan và là một trong số ít cặp “đại gia Đông Âu” vẫn còn kinh doanh mỳ gói.
Công ty Rollton thuộc Tập đoàn Future Generation Group (FG), thành lập năm 1998, là một “thương hiệu” của người Việt do ông Đặng Khắc Vỹ và Ngô Chí Dũng sáng lập, khá nổi tiếng và được ưa chuộng trên thị trường thực phẩm Liên bang Nga.
Theo Hiệp hội các nhà doanh nghiệp Việt Nam tại Liên bang Nga đánh giá, nhà máy sản xuất mì ăn liền Rollton đã tạo ra công ăn việc làm cho không chỉ người Việt mà còn mấy nghìn người Nga, và đây là thành công đáng khích lệ.
Sau quá trình học tập và kinh doanh tại Đông Âu, với số vốn tích luỹ được ông Ngô Chí Dũng cùng những người bạn trở về Việt Nam lập nghiệp và trở thành nhóm đại gia máu mặt nhất ở Việt Nam. Lúc trở họ trở về là thời kỳ Việt Nam bước vào kinh tế thị trường, nguồn tiền các đại gia Đông Âu chủ yếu đầu tư vào những kênh đầu tư màu mỡ nhất, như bất động sản, tài chính – ngân hàng...
Về Việt Nam, cặp đôi Vỹ - Dũng tiếp tục đồng hành và đồng sáng lập Ngân hàng VIB. Mặc dù vậy, vị thế của ông Dũng khá mờ nhạt khi ông Vỹ trở thành Chủ tịch HĐQT VIB còn ông Dũng không có dấu ấn gì đáng kể.
Vào năm 2006, ông Dũng bất ngờ "chia tay" người bạn kinh doanh lâu năm của mình để bắt tay với những người từng là đối thủ ở Nga là ông Nguyễn Đăng Quang và ông Hồ Hùng Anh để trở thành Phó chủ tịch HĐQT Techcombank. Mặc dù vậy, trong thời gian 4 năm ở ngân hàng này, vai trò của ông Dũng cũng khá mờ nhạt.
Ông bắt đầu để lại dấu ấn của mình trên thương trường khi trở thành Chủ tịch HĐQT VPBank vào năm 2010 và tạo nên “cuộc cách mạng” trong kinh doanh ngân hàng này.
Để ngồi được trên chiếc ghế quyền lực nhất tại VPBank, ông Dũng đã có cuộc giành giật quyết liệt quyền kiểm soát ngân hàng này giữa nhóm cổ đông cũ và mới, và đều thành danh từ kinh doanh ở Đông Âu và Liên Xô cũ. Nhưng cuối cùng, nhóm cổ đông mới là ông Dũng đã chiến thắng, từ đó tạo bước ngoặt cho VPBank.
Người lãnh đạo ưa mạo hiểm và cuộc lột xác của VPBank
Ngay sau khi trở thành ông chủ quyền lực nhất VPBank, ông Dũng đã tiến hành một cuộc cách mạng về thương hiệu. Tên được đổi từ Ngân hàng TMCP ngoài quốc doanh Việt Nam thành Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng.
Cùng với đó là logo, biển hiệu được thay đổi, năng động hơn, hướng tới một tổ chức bán lẻ cung cấp dịch vụ chất lượng cao và không giấu giếm tham vọng là một trong những ngân hàng thương mại cổ phần hàng đầu.
Dấu ấn đầu tiên của ông Dũng là phát hành thành công 154 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu vào tháng 11/2010 với giá 14.000 đồng/cổ phiếu để tăng vốn điều lệ từ 2.400 tỷ đồng lên 4.000 tỷ đồng. Lúc đó, việc tăng vốn điều lệ của các ngân hàng rất khó khăn, giá phát hành lại cao nhưng khoản “tiền tươi thóc thật” ông Dũng bỏ ra để mua cổ phần đã thuyết phục các nhà đầu tư khác cùng xuống tiền.
Thành công tiếp theo của ông Dũng là thuyết phục được người đồng nghiệp từng làm ở Techcombank là Nguyễn Đức Vinh về với VPBank vào năm 2012. Lúc đó, ông Vinh là Tổng giám đốc, Phó chủ tịch HĐQT Techcombank và là người ‘có số má’ trong lĩnh vực ngân hàng với khoản lương triệu đô.
Cặp bài trùng Ngô Chí Dũng – Nguyễn Đức Vinh đã ‘song kiếm hợp bích’, tạo nên làn gió mới cho VPBank. Thay vì lựa chọn an toàn, VPBank lại kinh doanh các hoạt động rủi ro cao là cho vay tiêu dùng với thương hiệu FE Credit.
Nhưng rủi ro cao thì mang lại lợi nhuận cao và trong những năm gần đây FE Credit là ‘con gà đẻ trứng vàng’, mang lại phần lớn lợi nhuận cho VPBank.
Mới đây VPBank đã bán bán 49% cổ phần FE Credit cho SMBC với giá 1,4 tỷ USD, đây được coi là một trong những thương vụ "khủng" nhất ngành ngân hàng trong những năm trở lại đây.
Mức định giá rơi vào khoảng 2,8 tỷ USD, giá trị của FE Credit thậm chí còn đang cao hơn so với nhiều ngân hàng tầm trung tại Việt Nam như VIB, HDBank, SHB, OCB…
Ngày 17/08/2017, VPBank đã niêm yết hơn 1,33 tỷ cổ phiếu tại Sàn giao dịch chứng khoán TP. HCM (HoSE) với mã chứng khoán VPB. Ở giá tham chiếu 39.000 đồng lúc đó, VPBank trở thành cổ phiếu ngân hàng đắt giá nhất trên thị trường chứng khoán.
Trong năm 2020, VPBank đạt mục tiêu Top 5 Ngân hàng TMCP tư nhân và Top 3 Ngân hàng TMCP tư nhân bán lẻ hàng đầu về quy mô cho vay khách hàng, huy động khách hàng và lợi nhuận.
Tính đến hết quý I/2021, tổng tài sản hợp nhất của VPBank đạt hơn 436 nghìn tỷ đồng, tăng 4,1% so với cuối năm 2020.
Kết thúc nửa đầu năm 2021, VPBank báo cáo kết quả kinh doanh cho thấy lợi nhuận hợp nhất trước thuế đạt hơn 9.000 tỷ đồng, tăng 37,2% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó ngân hàng riêng lẻ đóng góp 88% vào lợi nhuận hợp nhất. Với kết quả này, sau nhiều quý liên tục cải thiện, tỷ suất sinh lời trên tổng tài sản (ROA) của VPBank lần đầu tiên đạt tới 3,3%, tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) đạt 25,7%, là những chỉ số hiệu quả hàng đầu hệ thống các NHTM Việt Nam hiện nay.
Tính đến cuối quý 2/2021, VPBank tiếp tục duy trì tỷ lệ an toàn vốn (CAR) ở mức cao 12,3% theo tiêu chuẩn Basel II. Chi phí dự phòng hợp nhất nửa đầu năm tăng mạnh 35% cùng kỳ năm 2020, nhờ đẩy mạnh xử lý nợ xấu và nâng cao trích lập dự phòng rủi ro.
Các tỷ lệ an toàn được giữ ở mức tốt so với giới hạn quy định của Ngân hàng Nhà nước: tỷ lệ dư nợ tín dụng trên vốn huy động đến cuối quý 2/2021 ở 77%, tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn ở mức 26%.
Chi phí hoạt động (OPEX) hợp nhất của VPBank trong 6 tháng đầu năm nay giảm 7,4% so với cùng kỳ năm 2020, chủ yếu nhờ việc tối ưu hóa chi phí và ứng dụng số hóa, tự động hóa vào các khâu vận hành.
Tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) hợp nhất tiếp tục ở mức thấp nhất trong hệ thống với 23,4% trong nửa đầu năm 2021, giảm mạnh so với mức 31% cùng kỳ năm 2020.
Tài sản của ông Ngô Chí Dũng
Trong báo cáo quản trị 6 tháng đầu năm 2021 vừa được VPBank công bố đã hé lộ thêm một số cá nhân và tổ chức liên quan đến gia đình Chủ tịch HĐQT VPBank Ngô Chí Dũng sở hữu lượng lớn cổ phiếu ngân hàng.
Cụ thể, Chủ tịch Ngô Chí Dũng đang nắm giữ hơn 121,6 triệu cổ phiếu VPB, tương đương tỷ lệ 4,81%. Mức thị giá hiện tại của VPB trên thị trường chứng khoán là 60.500 đồng/cp.
Nếu ước tính theo mức giá này, Chủ tịch Ngô Chí Dũng đang nắm trong tay 7.356 tỷ đồng từ việc sở hữu số cổ phiếu trên.
Trong gia đình Chủ tịch Ngô Chí Dũng, bà Hoàng Anh Minh – vợ ông Dũng là người "giàu có" thứ 2 khi có tới hơn 121 cổ phiếu VPB. So với ông Dũng, túi tiền chứng khoán này của bà Minh chỉ kém 35 tỷ đồng.
Bà Vũ Thị Quyên, mẹ ông Dũng cũng đang sở hữu hơn 120,7 triệu đơn vị cổ phiếu VPB, tương đương tỷ lệ 4,77%.
Ông Ngô Chí Dũng có 3 người con là Ngô Minh Phương, Ngô Phương Anh, Ngô Chí Trung Johnny và tại thời điểm cuối tháng 6 chỉ mỗi bà Phương có sở hữu cổ phiếu VPB (4 triệu cổ phiếu VPB).
Đáng chú ý, Công ty cổ phần Diera Corp, một doanh nghiệp mới lộ diện đang nắm giữ tới hơn 113,6 triệu cp VPB, tương đương với 4,492% vốn cổ phần ngân hàng. Công ty này do bà Ngô Minh Phương - con ruột ông Ngô Chí Dũng sở hữu trên 10% vốn điều lệ.
Ngoài ra, ông Trần Ngọc Bê, anh rể của ông Ngô Chí Dũng sở hữu tới hơn 19,1 triệu cổ phiếu VPB, tương đương với 0,756% vốn cổ phần ngân hàng tại thời điểm cuối tháng 6.
Ông Phạm Công Việt và bà Đặng Thị Lâm, bố mẹ vợ ông Dũng sở hữu lần lượt hơn 33,3 nghìn cổ phiếu VPB và hơn 145,6 nghìn cổ phiếu VPB.
Như vậy, ông Ngô Chí Dũng và các công ty, cá nhân liên quan đang nắm giữ tới hơn 500 triệu cổ phiếu VPB, tương đương khoảng 19,8% vốn cổ phần ngân hàng. Nếu quy đổi theo thị giá hiện tại, khối tài sản này có giá trị hơn 30.300 tỷ đồng.
Trước đó, khi cổ phiếu VPB đạt đỉnh 72.800 đồng/cp hôm 2/7, khối tài sản này có giá trị lên tới hơn 36.300 tỷ đồng.
Không chỉ riêng gia đình ông Ngô Chí Dũng, gia đình 2 Phó Chủ tịch của VPBank cũng đang sở hữu lượng lớn cổ phiếu VPB.
Cụ thể, ông Bùi Hải Quân (Phó Chủ tịch HĐQT) và vợ là bà Kim Ngọc Cẩm Ly đều giữ nguyên sở hữu hơn 57 triệu cp và hơn 106 triệu cp, tương đương tỷ lệ sở hữu hơn 6,48%.
Ông Lô bằng Giang (Phó Chủ tịch HĐQT) và mẹ ruột là bà Lý Thị Thu Hà và vợ Nguyễn Thu Thủy cũng tiếp tục nắm giữ tổng cộng hơn 182 triệu cp, tương đương tỷ lệ sở hữu hơn 3,1%.
Mới đây, VPBank đã lấy ý kiến cổ đông và chính thức thông qua kế hoạch phát hành tối đa hơn 1,97 tỷ cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, tương đương với tỷ lệ 80%. Trong đó, 62,15% là trả cổ tức bằng cổ phiếu và 17,85% là phát hành cổ phiếu từ nguồn vốn chủ sở hữu.
Hiện vốn điều lệ của ngân hàng ở mức gần 25.300 tỷ đồng. Sau khi phát hành thành công, vốn điều lệ của VPBank sẽ tăng lên hơn 45.057 tỷ đồng. Thời điểm thực hiện dự kiến vào quý 3 và/hoặc quý 4 năm 2021.