Không lâu sau khi Ủy ban Kiểm tra Trung ương thông báo về việc xem xét xử lý kỷ luật đảng đối với Đảng ủy Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và các cá nhân là đảng viên tại các đơn vị thuộc và trực thuộc Ủy ban, Bộ Tài chính đã có quyết định kỷ luật cách chức Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán với ông Trần Văn Dũng, do có vi phạm, khuyết điểm nghiêm trọng trong công tác.
Ông Trần Văn Dũng được bổ nhiệm làm Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán từ tháng 7/2017 khi là Chủ tịch HĐQT Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE).
Từ đó đến nay, thị trường chứng khoán Việt Nam đã chinh phục hàng loạt đỉnh cao mới như 1.200 điểm, 1.500 điểm. Tuy nhiên, trong gần 5 năm này, thị trường cũng trải qua không ít biến động và sự cố khiến nhà đầu tư bức xúc.
Giai đoạn tăng trưởng vượt trội
5 năm vừa qua là giai đoạn phát triển mạnh nhất của thị trường chứng khoán Việt Nam từ khi đi vào vận hành năm 2000.
Từ thị trường với hơn 1.000 doanh nghiệp niêm yết và giao dịch tập trung, quy mô vốn hóa đạt 70 tỷ USD với khoảng 1,6 triệu nhà đầu tư trong, ngoài nước. Sau 5 năm, vốn hóa thị trường ở thời điểm tích cực nhất đã lên tới 342 tỷ USD (tháng 3/2022), tăng gần 5 lần, dù số lượng doanh nghiệp niêm yết và giao dịch tập trung chỉ tăng 60%, với khoảng 1.600 đơn vị.
Cũng trong thời gian này, số lượng nhà đầu tư chứng khoán trong và ngoài nước đã tăng lên hơn 5,2 triệu, cao hơn 3,25 lần so với 5 năm trước. Số lượng này cũng tương đương hơn 5% dân số Việt Nam, đạt sớm 3 năm so với mục tiêu Chính phủ đặt ra.
Tính từ khi ông Dũng được bổ nhiệm là Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán đến nay, chỉ số VN-Index đã cao hơn 60%. Thậm chí, nếu so với mức đỉnh trước đợt điều chỉnh đầu năm nay, mức tăng của thị trường trong 5 năm này lên tới hơn 100%.
Không chỉ VN-Index, chỉ số HNX-Index giai đoạn này cũng ghi nhận mức tăng trên 200% nếu so với giá hiện tại. Còn nếu so với giá đỉnh hồi đầu năm nay, mức tăng từ tháng 7/2017 đến nay của chỉ số này lên tới gần 5 lần.
Tuy nhiên, cùng với việc tăng trưởng và mở rộng kỷ lục, từ năm 2017 đến nay, thị trường chứng khoán Việt Nam cũng trải qua nhiều phen biến động chưa từng có với nhiều lý do khác nhau.
Nếu như giai đoạn 2012-2017, thị trường chứng khoán chỉ ghi nhận những đợt giảm điểm trên dưới 15% so với đỉnh gần nhất, thì đến năm 2017-2022, thị trường đã trải qua những đợt giảm mạnh hơn 30%.
Ba lần giảm điểm kỷ lục
Đầu năm 2018, thị trường chứng khoán đang trong xu hướng tích cực với chỉ số VN-Index tăng từ vùng 760 điểm (tháng 7/2017) lên vượt mốc 1.200 điểm (tháng 4/2018), đánh dấu lần thứ hai chứng khoán Việt vượt mốc 1.200 điểm.
Tuy nhiên, sau khi đạt đỉnh 1.211 điểm, chỉ số VN-Index đã lao dốc một mạch về vùng 900 điểm chỉ sau 3 tháng.
Hãng tin Bloomberg khi đó đưa ra bình luận "người đang đầu tư vào thị trường chứng khoán Việt Nam những ngày này phải có dây thần kinh thép" cho thấy thị trường đang ở trạng thái tiêu cực khi giảm hơn 27% từ đỉnh.
Không chỉ nhà đầu tư cá nhân thua lỗ, hàng loạt quỹ đầu tư lớn trên thị trường cũng ghi nhận sụt giảm tổng tài sản giai đoạn này, như Hestia giảm 19,4%; TVAM TVGF2 giảm 11,6%; VNM ETF giảm 8,9%; Passion Investment giảm 8,6%...
Nhiều nguyên nhân sau đó được đưa ra để giải thích như chứng khoán đã tăng quá nóng 2 năm trước đó, nhà đầu tư kỳ vọng thái quá vào thị trường, Mỹ tăng lãi suất 4 lần liên tiếp, hay chiến tranh thương mại Mỹ - Trung...
Sau cú sụt đầu tiên, thị trường có giai đoạn đi ngang vùng 1.000 điểm đến đầu năm 2020, trước khi ghi nhận đợt giảm mạnh thứ 2.
Đầu năm 2020, dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát trên thế giới và Việt Nam xuất hiện những ca bệnh đầu tiên. Chưa biết tác động của dịch bệnh ra sao, phản ứng của các nhà đầu tư khi đó là bán tống bán tháo cổ phiếu bằng mọi giá.
Giai đoạn này, nhiều nhà đầu tư đã quen với việc cứ mở bảng điện ra là thấy thị trường giảm 40-50 điểm. Từ vùng 1.000 điểm, VN-Index rơi về vùng 650 điểm trong chưa đầy 3 tháng, tương đương mức giảm ròng 35%.
Sau khi xác nhận đáy ở vùng 650 điểm, thị trường đã có 2 năm liên tiếp tăng trưởng tích cực, đưa VN-Index vượt mốc 1.500 điểm vào đầu năm nay. Giữa lúc nhà đầu tư kỳ vọng chứng khoán sẽ tăng lên vùng 1.600 điểm thì chỉ số VN-Index quay đầu giảm nhanh về vùng 1.160 điểm vào giữa tháng 5 vừa qua, tương đương mức giảm ròng 24%.
Khác với 2 đợt giảm mạnh trước đó, lần giảm thứ 3 này được lý giải chủ yếu do những thông tin bất lợi trên thị trường.
Những lùm xùm về quản lý, giám sát thị trường
Ngoài những biến động của thị trường, chứng khoán dưới thời cựu Chủ tịch Trần Văn Dũng cũng không ít lần khiến nhà đầu tư bức xúc về cách vận hành và giám sát thị trường.
Cụ thể, nhiều nhà đầu tư đến nay vẫn bức xúc trước việc ông Trịnh Văn Quyết 2 lần bán chui cổ phiếu FLC với giá trị hàng nghìn tỷ nhưng chỉ bị xử phạt rất nhẹ.
Trong đó, tháng 1/2017, ông Quyết từng bán 57 triệu cổ phiếu FLC, thu về hơn 400 tỷ đồng mà không báo cáo, không công bố thông tin theo quy định. Tuy nhiên, ông Quyết sau đó chỉ bị xử phạt hành chính 65 triệu đồng, trong khi cổ phiếu FLC giảm mạnh khiến nhiều nhà đầu tư thua lỗ.
Đến ngày 10/1 năm nay, ông Quyết lại bán chui 74,8 triệu cổ phiếu FLC, ước tính thu về 3.700 tỷ đồng. Lần này, Ủy ban Chứng khoán và HoSE đã huỷ bỏ giao dịch bán, tuy nhiên, giá cổ phiếu FLC vẫn lao dốc gần 60%, khiến hàng loạt nhà đầu tư lỗ nặng.
Ông Quyết sau đó chỉ bị phạt 1,5 tỷ đồng và đình chỉ giao dịch trong 5 tháng. Phải đến khi Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an khởi tố, bắt tạm giam ông Quyết về tội thao túng thị trường chứng khoán thì quyết định xử phạt hành chính của Ủy ban Chứng khoán mới bị hủy bỏ.
Sự kiện khác khiến nhà đầu tư bức xúc là việc hệ thống giao dịch KRX của Hàn Quốc nhiều lần phải rời lịch triển khai. Đây cũng là nguyên nhân trực tiếp dẫn tới các sự cố nghẽn lệnh trên thị trường chứng khoán những năm qua.
Theo kế hoạch, hệ thống mới sẽ đi vào hoạt động từ năm 2015 giúp nâng khả năng xử lý lệnh của hệ thống giao dịch chứng khoán Việt Nam. Tuy nhiên, gói thầu này sau đó bị gia hạn nhiều lần, đến nay, sau gần 10 năm, hệ thống vẫn chưa thể vận hành.
Cũng từ việc không thể vận hành hệ thống giao dịch mới, HoSE đã phải duy trì hệ thống giao dịch của Thái Lan cung cấp từ những năm 2000 khiến thị trường nhiều lần gặp sự cố lớn.
Tháng 1/2018, sàn HoSE đã gặp sự cố nghiêm trọng khi các lệnh đưa vào trong phiên đóng cửa ATC không được khớp lệnh. Thị trường chứng khoán sau đó phải dừng giao dịch 2 phiên để khắc phục.
Đến đầu năm 2021, hệ thống giao dịch của HoSE lại xuất hiện tình trạng đơ, nghẽn lệnh, nhà đầu tư không thể theo dõi cung cầu cổ phiếu, không thể đặt lệnh mua, bán... Tình trạng này kéo dài gần nửa năm mới cơ bản được khắc phục.
Tuy vậy, đến phiên 10/1 năm nay, nhà đầu tư lại phản ánh gặp tình trạng tương tự.
Sau hàng loạt sự cố trên thị trường, cùng những giao dịch gian lận của ông Trịnh Văn Quyết và Tân Hoàng Minh bị phát hiện, Bộ trưởng Tài chính đã quyết định cách chức ông Trần Văn Dũng, kết thúc gần 5 năm tại vị chức Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán của vị lãnh đạo có nhiều kinh nghiệm trong ngành chứng khoán Việt Nam.
Hiện Bộ đã giao Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi trực tiếp phụ trách, chỉ đạo, điều hành Ủy ban Chứng khoán kể từ ngày 19/5.