Chứng khoán Việt 'hóa gấu', vốn hóa bốc hơi hơn 52 tỷ USD

14/05/2022 09:34

Sàn HoSE trong gần một tháng rưỡi qua đã rơi hơn 20%, tương đương vốn hóa sụt trên 1,2 triệu tỷ đồng (hơn 52 tỷ USD).

Sàn HoSE trong gần một tháng rưỡi qua đã rơi hơn 20%, tương đương vốn hóa sụt trên 1,2 triệu tỷ đồng (hơn 52 tỷ USD).
Thị trường chứng khoán trong nước đang trải qua nhiều biến động khá tiêu cực cả về chỉ số lẫn thanh khoản, điều này càng khiến tâm lý nhà đầu tư bi quan hơn về xu thế hiện tại của thị trường.

Trong phiên 13/5, VN-Index tiếp tục lao dốc hơn 4,5% trong sự hoang mang về vùng 1.182,77 điểm. Đây đã là tuần giảm thứ 6 liên tiếp của chỉ số và rơi về vùng giá thấp nhất kể từ tháng 3/2021 đến nay.

Thị trường "hóa gấu"

Áp lực bán tháo của thị trường chủ yếu diễn ra từ đầu tháng 4 đến nay do tác động tiêu cực từ việc mạnh tay thanh lọc thị trường và những diễn biến cũng không mấy khả quan của các sự kiện trên thế giới.

Chứng khoán Việt Nam lập đỉnh vào ngày 6/1 năm nay với tổng giá trị vốn hóa HoSE đạt xấp xỉ 6 triệu tỷ đồng. Sau đó con số này có chiều hướng đi ngang trước khi lao dốc dữ dội về khoảng 4,9 triệu tỷ đồng như hiện nay.

Tính riêng tháng 4, giá trị vốn hóa sàn HoSE đã bốc hơi hơn 484.500 tỷ đồng và các phiên đầu tháng 5 mất thêm 729.000 tỷ đồng. Như vậy sàn chứng khoán lớn nhất cả nước trong gần một tháng rưỡi vừa qua đã rơi hơn 20%, tương đương vốn hóa sụt hơn 1,2 triệu tỷ đồng (hơn 52 tỷ USD).

z3413135738840-865e3119f150c3c3afd26ef40e039f6e-1652495607.jpg

Không chỉ về mặt điểm số, thanh khoản thị trường cơ sở cũng mất hút, chỉ quanh 15.000 tỷ đồng trên HoSE mỗi phiên. Một số công ty chứng khoán khuyến nghị hạn chế margin và đứng ngoài thị trường đã khiến lực cầu mua cổ phiếu càng bị yếu thế.

Tâm lý bi quan, chưa dám giải ngân mạnh cũng đang xác nhận về một thị trường giá xuống hay theo cách thường gọi của giới đầu tư là thị trường con gấu (bear market).

Nhà đầu tư sốc khi thị trường lao dốc quá nhanh, biến động lớn và bất ngờ. Thành quả tích góp trong 2 năm vừa qua đã bay theo những phiên giao dịch tiêu cực, thậm chí không ít tài khoản đã ăn mòn vào vốn gốc, "cháy tài khoản" do dùng margin quá cao.

Tiếng "than thân trách phận" xuất hiện dày đặc trên khắp diễn đàn chứng khoán. "Cầu mong thị trường chứng khoán đừng giảm nữa, thảm thương quá rồi", "Đáy ở quanh đây, câu này nghe mãi rồi".

"Ăn không dám ăn, quần áo không dám mua, tiết kiệm bao nhiêu đầu tư hết vào chứng khoán với ước mơ làm giàu vậy mà giờ đây -53% tài khoản. Tan nát cõi lòng".

"Không dám nghĩ đến ngày thứ hai tuần sau... khi mớ cổ phiếu bắt sàn cách đây 2 ngày về tài khoản", "Thị trường quá đáng sợ, khốc liệt, cảm giác tiền bốc hơi nghi ngút trước tầm mắt mà không thể làm được gì"...

Không ít cá nhân đã lựa chọn giữ tỷ trọng tiền mặt cao chờ cơ hội giải ngân trở lại hoặc thậm chí bán cắt lỗ để rút lui khỏi thị trường. Một số khác lại chọn phương án rủi ro hơn là tham gia thị trường phái sinh với mong muốn "gỡ lỗ", tuy nhiên đây là con dao 2 lưỡi rất nguy hiểm khi mà lợi nhuận cao luôn đi kèm với rủi ro cao.

Điểm nóng phái sinh

Thị trường cơ sở đang trở nên ảm đạm thì một lượng lớn dòng tiền bắt đầu chạy sang thị trường phái sinh, đặt cược vào những quyết định nóng vội với tâm lý gỡ lỗ, phòng ngừa vị thế cho việc nắm giữ cổ phiếu cơ sở.

Trong phiên 13/5, tổng giá trị giao dịch chứng khoán phái sinh lập một kỷ lục mới với trên 55.710 tỷ đồng. Mức thanh khoản này cao gấp 2,4 lần mức thanh khoản thị trường cơ sở trong cùng ngày và vượt trội so với mức bình quân chỉ quanh 20.000 tỷ đồng trước đó.

z3413136990124-65247cde329be6c9b2536bc674a4efe0-1652495607.jpg

Báo cáo từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) cho thấy thị trường chứng khoán phái sinh tháng 4/2022 tăng trưởng đột biến. Tổng khối lượng giao dịch hợp đồng tương lai đạt hơn 4,05 triệu hợp đồng và giá trị giao dịch theo danh nghĩa hợp đồng là 591.000 tỷ đồng.

Như vậy tính bình quân, khối lượng giao dịch đã tăng 57% đạt 202.670 hợp đồng/phiên và giá trị bình quân đạt 29.550 tỷ đồng, tăng 53% so với tháng 3.

Số lượng tài khoản giao dịch phái sinh cũng tiếp tục tăng trưởng. Tính đến cuối tháng 4, thị trường ghi nhận có 973.155 tài khoản giao dịch phái sinh, tăng thêm 4,7% so với tháng trước.

Tuy nhiên các chuyên gia chứng khoán đều khuyến nghị thị trường phái sinh nên chỉ sử dụng như một công cụ phòng ngừa rủi ro (hedging) và tìm hiểu rõ ràng, chứ không nên nóng vội đặt lệnh sẽ rất nguy hiểm.

Bởi hiện tại chứng khoán phái sinh Việt Nam mới chỉ xây dựng trên bộ chỉ số VN30, do đó việc mất tiền trên phái sinh rất khó kiếm lại khi phải đáo hạn mỗi tháng, thị trường này khác biệt hoàn toàn so với việc nắm giữ cổ phiếu cơ sở của doanh nghiệp có giá trị lâu dài.

Trong một chương trình gần đây, Kinh tế trưởng SSI Phạm Lưu Hưng cũng xác nhận chuyện nhà đầu tư chạy sang phái sinh là bình thường, nhất là trong thị trường giá xuống như hiện nay. Đó là bởi vì phái sinh có thể giao dịch trong ngày nên khả năng kiếm lợi nhuận nhanh hơn, tuy nhiên điều này cũng khiến thị trường chung khó lường hơn.

Trong thị trường phái sinh, nhà đầu tư chỉ kiếm được tiền nếu chọn đúng và lỗ khi chọn sai. Việc chuyển sang phái sinh là đúng nhưng chưa chắc đã kiếm được tiền.

Ông Lã Giang Trung - CEO Passion Investment.

Trong khi CEO Passion Investment Lã Giang Trung khuyến nghị nhà đầu tư thận trọng bởi biến động trên thị trường phái sinh là rất lớn, chỉ số có thể giảm sàn rồi lại được kéo tăng trần ngay trong ngày.

Biến động lớn cùng với đòn bẩy cao thì phái sinh cũng rất khó để kiếm tiền, nhà đầu tư chỉ kiếm được lợi nhuận nếu chọn đúng xu hướng và lỗ khi chọn sai. Việc chuyển sang phái sinh là đúng nhưng chưa chắc đã kiếm được tiền, theo chuyên gia.

Cũng cần lưu ý biến động của chứng khoán trong nước cũng nằm trong xu thế chung trên toàn cầu bởi các tài sản tài chính đang bị bán tháo diện rộng, bao gồm cả chứng khoán, tiền kỹ thuật số, bất động sản, dầu khí...

Theo CNN, cuộc khủng hoảng tài chính trong năm 2022 đã thổi bay 7.000 tỷ USD vốn thị trường của S&P 500. Chỉ số này đã thiệt hại gần 18% kể từ cuối tháng 12/2021 đến nay.

Theo dữ liệu của công ty nghiên cứu Bespoke Investment, Nasdaq đã giảm mạnh hơn 20% trong 30 ngày giao dịch vừa qua. Đáng nói là mức suy giảm này chỉ xảy ra 11 lần trước đây và 9 lần trong số đó có liên quan đến suy thoái.

Hiện chỉ số đo lường tâm lý của CNN đang ở mức sợ hãi cực độ. Sau khi giới đầu tư rơi vào trạng thái từ bỏ, đây có thể là thời điểm dòng tiền mua vào quay trở lại.

Theo Huy Lê/Zing