WinEco

Chuyện chó săn bắt thỏ và bài học “chạy để giữ mạng sống” bất cứ ai đi làm cũng cần phải biết

17/09/2018 12:25

Bất kể năng lực của một người có giỏi đến đâu, nhưng nếu làm việc chỉ với thái độ thờ ơ, chắc chắn họ sẽ không thể nào làm việc đó tốt bằng những người làm công việc đó vì chính “sự sống” của mình. Chỉ những người khi chạy để giữ lấy “mạng sống” cho mình mới có thể khai thác được hết sức mạnh của đôi chân.

Chuyện chó săn bắt thỏ

Có một bác thợ săn hay đi săn thỏ cùng chú chó săn của mình. Dạo gần đây, tình hình săn thỏ không được tốt, nên bác thợ săn hay bực tức và trách móc chú chó săn của mình. Điều này làm cho chú chó cũng chẳng vui vẻ gì.

Một hôm, trong một chuyến đi săn, bác thợ săn thấy một con thỏ nằm sau phiến đá. Ông đưa súng lên và bắn “pằng” một tiếng, viên đạn trúng vào chân sau của con thỏ. Và công việc tiếp theo là của chú chó săn.

Bác thợ săn vừa ngồi trên phiến đá châm thuốc vừa ra lệnh cho con chó đuổi theo, và nghĩ “Có con thỏ nào thoát khỏi được con chó săn của mình đâu, hơn nữa đây còn là một con thỏ què.”

Bác thợ săn tiếp tục ngồi trên phiến đá và đợi con chó đem về chiến lợi phẩm. Nhưng một lúc sau, chú chó quay về với dáng vẻ hết sức thiểu não, nó không hoàn thành nhiệm được đã được giao.

“Con chó đáng ghét! Con thỏ đó đâu rồi?”, bác thợ săn quát lên.

“Tôi đã cố gắng hết sức, thưa ông chủ. Nhưng con thỏ chạy quá nhanh và tôi không thể đuổi kịp nó”. Con chó săn tỏ ra khó chịu với những lời trách mắng của chủ, đồng thời nó cũng không đồng ý với ý định tiếp tục ở lại vùng đó để săn thỏ.

Trong lúc đó, con thỏ bị thương ở chân đang cùng với các bạn bè của mình ngồi ở xa xa và nói về nguyên nhân tại sao mình lại có thể thoát chết.

“Tại sao con chó săn lại không đuổi kịp cậu nhỉ?”

Con thỏ trả lời: “Bởi vì tôi chạy để giữ tính mạng mình, trong khi con chó săn chỉ chạy vì nghĩa vụ. Tôi đã phải dốc hết sức, nhưng còn con chó săn thì chỉ làm cho có mà thôi”

Có thể nói, câu chuyện đã phản ánh một thực tế rất quen thuộc trong cuộc sống cũng như kinh doanh. Khi lâm vào cảnh khó khăn, các thành viên trong cùng đội, cùng công ty dễ xảy ra mâu thuẫn. Và nếu người lãnh đạo không nắm được nguồn gốc của mâu thuẫn để giải quyết sẽ dẫn đến hậu quả nghiêm trọng là sự sụp đổ của toàn công ty.

Thực ra cả bác thợ săn và chú chó đều mắc phải những sai lầm đáng tiếc. Bác thợ săn thì không để ý đến cảm xúc của chú chó, trong khi chú chó thì làm việc với thái độ “làm cho qua chuyện”.

Bất kể năng lực của một người có giỏi đến đâu, nhưng nếu làm việc chỉ với thái độ thờ ơ, chắc chắn họ sẽ không thể nào làm việc đó tốt bằng những người làm công việc đó vì chính “sự sống” của mình. Chỉ những người khi chạy để giữ lấy “mạng sống” cho mình mới có thể khai thác được hết sức mạnh của đôi chân.

Chuyện bầy cừu và những con sói

Có một người chăn cừu quyết định đưa đàn cừu của mình lên sống ở phía bắc.

Lúc đầu, khí hậu rất thích hợp cho đàn cừu, nên chúng sống rất phởn phơ, thoải mái. Cũng chính vì thế mà lũ cừu trở lên lười biếng.

Rồi mùa đông đến, nhiệt độ xuống rất thấp, khiến lũ cừu không thể chịu đựng nổi, nhiều con đã chết rét.

Người chăn cừu rất lo lắng. Anh ta suy nghĩ mãi, rồi đưa ra một giải pháp có vẻ liều lĩnh: thả vài con sói vào bầy cừu.

Lúc này, bầy cừu cảm thấy tính mạng của chúng đang bị đe doạ nên không ngừng chạy chốn sự truy đuổi của chó sói.

Chính sự vận động ấy đã giúp chúng chống lại cái rét, và số cừu chết ít hơn trước đây khá nhiều.Tạm kết: Trong cuộc sống hay kinh doanh cũng vậy, chính những mối nguy hiểm lại khiến chúng ta sống tốt hơn. Một công ty chỉ có thể sống mạnh mẽ hơn khi luôn có ý thức về nguy cơ trong công việc để không quá chìm đắm trong thành công .

Theo Nhật Minh

Trí thức trẻ