"Hiện khoản đầu tư vào dự án Deaha là 51% (tỷ lệ sở hữu gián tiếp thông qua CTCP Đầu tư Hợp Thành 1) với tổng số vốn 3.649 tỷ đồng. Tổ hợp khách sạn Deaha tiếp tục kinh doanh tăng trưởng ổn định với lợi nhuận sau thuế năm 2016 là 123 tỷ đồng)".
Trên đây là đoạn trích dẫn từ một báo cáo gửi cổ đông của CTCP Bông Sen vào giữa năm 2017. Để dễ hiểu, dự án Deaha ở đây chính là tổ hợp khách sạn 5 sao Daewoo tại 360 Kim Mã, Ba Đình, Hà Nội.
Để làm rõ hơn, cần quay trở lại thời điểm cách đây hơn ba năm. Vào giữa năm 2015, giới đầu tư xôn xao trước thông tin CTCP Bông Sen - một doanh nghiệp không mấy tên tuổi trong lĩnh vực bất động sản sẽ bỏ ra 3.650 tỷ đồng để sở hữu 51% khách sạn Daewoo. Và dù cùng thời điểm, công ty này đã tiến hành tăng vốn gấp ba lần lên 1.632 tỷ đồng, vẫn không nhiều người tin về viễn cảnh nhà đầu tư đến từ TP.HCM có thể sở hữu phần vốn chi phối tại một trong những khách sạn đắc địa nhất Hà Nội.
Tuy nhiên, báo cáo thể hiện Bông Sen không "nói chơi". Tìm hiểu đôi nét về lịch sử hoạt động, có thể thấy tại sao doanh nghiệp này bỏ vài ba nghìn tỷ đồng một cách "nhẹ nhàng" trong thương vụ Daewoo.
Nhóm nhà đầu tư "lạ mà quen"
CTCP Bông Sen tiền thân là thành viên của Tổng công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist). Năm 2004, doanh nghiệp này được cổ phần hoá, phần vốn của Saigontourist còn 25%.
Dù có vốn điều lệ ban đầu chỉ 130 tỷ đồng, song "của hồi môn" mà Bông Sen mang theo là rất đáng mơ ước, gồm khách sạn 4 sao Palace Sài Gòn tại 56-66 Nguyễn Huệ, khách sạn 3 sao Bông Sen Sài Gòn ở 117-123 Đồng Khởi, Khách sạn 2 sao Bông Sen Annex ở 61-63 Hai Bà Trưng cùng loạt nhà hàng đi kèm. Tất cả đều ở trung tâm Quận 1.
Giai đoạn sau cổ phần hoá, Bông Sen là một trong những thành viên ưu tú nhất của Saigontourist với hiệu quả cao, EPS giai đoạn 2007-2010 quanh mức 5.000 đồng.
Hoạt động khả quan cùng quỹ đất "vàng" hiếm có, không khó hiểu khi Bông Sen rơi vào tầm ngắm của các ông lớn địa ốc. Sự hấp dẫn của doanh nghiệp này càng tăng lên khi Saigontourist quyết định sẽ không góp thêm vốn vào đây.
Cuối những năm của thập niên trước, một nhóm nhà đầu tư bắt đầu "vào" Bông Sen; các chức vụ chủ chốt dần được thay máu. Theo kết quả bầu HĐQT nhiệm kỳ 2013-2018, ít nhất 3/5 vị trí trong HĐQT có liên hệ tới nhóm nhà đầu tư mới, gồm Phó Chủ tịch Lý Chánh Đạo, Thành viên Chung Hán Lương và Thành viên Nguyễn Đức Long.
Cụ thể, ông Lý Chánh Đạo và ông Chung Hán Lương đều là người Hoa, lần lượt đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch HĐQT và TGĐ của CTCP Đầu tư Sài Gòn An Phát có trụ sở tại 193-203 Trần Hưng Đạo, Quận 1.
Ông Chung Hán Lương còn là TGĐ CTCP Đầu tư Bến Thành Quê Hương - nơi nhà đầu tư cá nhân Thái Minh Duy nắm 40% vốn. Ông Duy lại là cổ đông sáng lập của CTCP An Hưng Gia Phát - do ông Đặng Thanh Hải sở hữu 80% cổ phần.
Ông Đặng Thanh Hải là một mắt xích đặc biệt quan trọng và đứng tên nhiều pháp nhân của nhóm nhà đầu tư kể trên. Trong đó có Công ty TNHH BĐS Trí Đức và CTCP Đầu tư Phát triển 56 - hai đơn vị đã được đề cập trong một bài viết gần đây tới thương vụ 152 Trần Phú (Quận 5). Ngoài ra, ông Hải còn là Chủ tịch HĐQT CTCP An Phú - doanh nghiệp từng đầu tư gần 400 tỷ đồng vào một ngân hàng lớn ở TP.HCM. Ông Hải đồng thời là Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Vạn Vạn An - công ty có ba cổ đông sáng lập là Trương Mễ (5%), Hồ Bửu Phương (5%) và một tập đoàn bất động sản lớn có trụ sở tại 193-203 Trần Hưng Đạo.
Về phần mình, ông Nguyễn Đức Long được biết đến nhiều với vai trò Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Đầu tư và Phát triển Chợ Lớn. Tuy nhiên cũng phải đề cập rằng, ông Long đồng thời là Thành viên HĐQT CTCP An Phú - nơi ông Đặng Thanh Hải làm Chủ tịch.
Khẩu vị đất "vàng"
Sau khi nhóm nhà đầu tư "lạ mà quen" nắm giữ các vị trí quan trọng, Bông Sen bắt đầu tăng vốn ồ ạt, từ 230 tỷ đồng lên 326 tỷ đồng năm 2011, và đặc biệt giai đoạn 2014-2016 khi tăng liên tiếp trong ba đợt lên mức 4.777 tỷ đồng. Tỷ lệ sở hữu của Saigontourist theo đó giảm mạnh từ 25% về còn vỏn vẹn 3,61%, đủ để mất vai trò cổ đông lớn và gần như không còn tiếng nói tại doanh nghiệp này.
Trong khi đó, với nguồn vốn chủ sở hữu 8.356 tỷ đồng, quy mô tổng tài sản 9.076 tỷ đồng (tới đầu năm 2017), có thể hình dung rằng 51% phần vốn trong khách sạn Daewoo chưa phải là mục tiêu cuối cùng của Bông Sen.
Theo tìm hiểu của Nhadautu.vn, Bông Sen và nhóm nhà đầu tư có liên hệ đang tích cực M&A các doanh nghiệp trong lĩnh vực khách sạn, bất động sản; hiện nắm tới 45,16% vốn của CTCP Khách sạn Sài Gòn, chủ sở hữu Khách sạn Sài Gòn tại 41-47 Đông Du (Quận 1), vượt qua cổ đông lớn nhất Saigontourist (38,86%).
Trong năm 2016, Bông Sen đã góp thêm 274 tỷ đồng vào CTCP Sài Gòn One Tower để nâng tổng số vốn đầu tư thành 761 tỷ đồng, chiếm 72,5% vốn điều lệ. Ở diễn biến liên quan, năm ngoái, có thông tin Alpha King - một doanh nghiệp địa ốc mới nổi sẽ tiếp nhận dự án The Sài Gòn One Tower. Điểm thú vị là Alpha King cũng có những "sợi dây" liên hệ khá chặt chẽ với nhóm nhà đầu tư trên.
Trở lại với Saigontourist, một thành viên khác của tổng công ty này là CTCP Quê Hương Liberty cách đây hai năm đã bán khách sạn 5 sao Novotel Saigon Centre 167 Hai Bà Trưng cho nhóm nhà đầu tư trên.
CTCP Sài Gòn - Quê Hương (vốn 1.200 tỷ đồng) - pháp nhân được thành lập bởi Saigontourist và Quê Hương Liberty - chủ sở hữu khách sạn 5 sao Pullman Saigon Central 148 Trần Hưng Đạo và Khách sạn 4 sao Liberty Central Saigon City Point 59-61 Pasteur giữa năm ngoái cũng đã đổi tên người đại diện theo pháp luật sang cho ông Chung Hán Lương.
Ngoài ra, trong lĩnh vực khách sạn, nhóm nhà đầu tư "lạ mà quen", thông qua CTCP Tập đoàn Đầu tư và Phát triển Chợ Lớn cùng CTCP An Phú hiện đang sở hữu khoảng 1/4 cổ phần tại CTCP Dịch vụ Du lịch Bến Thành (mã chứng khoán: BTV). Hai cổ đông lớn nhất của BTV hiện là Tổng công ty Bến Thành (49%) và CTCP Đầu tư Toàn Việt (23,73%). Dịch vụ Du lịch Bến Thành sở hữu nhiều khách sạn, nhà hàng có vị trí đắc địa tại Quận 1 với tổng diện tích khoảng 5.800 m2.
Nghi Điền/Nhà Đầu tư